Vụ ô tô quá tải làm sập cầu ở An Giang: Tài xế có thể bị xử lý hình sự

0
12
Cầu T6 ở An Giang có biển trọng tải 5 tấn song ô tô tải gạch tổng trọng tải gần 50 tấn vẫn đi qua.

Sáng 13-11, anh Đoàn Đức Vinh (28 tuổi) lái ô tô tải chở gạch thuê từ tỉnh Bình Dương đến cửa khẩu Giang Thành (tỉnh Kiên Giang) để giao hàng qua Campuchia. 

Vụ ô tô quá tải làm sập cầu ở An Giang: Tài xế có thể bị xử lý hình sự- Ảnh 1.

Hiện trường vụ việc.

Khi ô tô đến giữa cầu T6 thuộc xã Vĩnh Phước, huyện Tri Tôn (tỉnh An Giang), công trình bất ngờ bị sập nhịp, xe rơi xuống kênh. Phần đầu ô tô tải còn vướng trên nhịp cầu, tài xế mở cửa thoát ra ngoài kịp thời.

Chính quyền địa phương cho biết ô tô có trọng tải 19 tấn và đang chở 30 tấn gạch. Trong khi đó, trọng tải của cầu T6 chỉ 5 tấn.

Bạn đọc thắc mắc trường hợp này thì trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo, Giám đốc Công ty Luật TNHH Thảo Trần, cho hay nguyên nhân và trách nhiệm các bên liên quan thế nào thì phải chờ vào kết quả điều tra, xác minh. 

Tuy nhiên, kết luận ban đầu cho thấy cầu T6 đã cấm xe 5 tấn đi qua nhưng tài xế vẫn điều khiển xe (vượt quá trọng tải của cầu) đi qua dẫn đến sập cầu thì hành vi đã vi phạm các quy định tại điều 9, điều 11 và điều 28 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm thì hành vi này có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, về mặt trách nhiệm dân sự, có hai trường hợp xảy ra. Đầu tiên nếu anh Vinh là chủ xe hoặc nhận xe theo hợp đồng thì là người bồi thường thiệt hại đã gây ra khi làm sập cầu. Thứ hai, nếu anh Vinh chỉ là lái xe làm công ăn lương cho pháp nhân khác thì pháp nhân khác phải chịu trách nhiệm bồi thường cho Nhà nước về thiệt hại. Sau đó, lái xe Vinh có trách nhiệm bồi thường lại cho pháp nhân mà mình làm thuê.

Về trách nhiệm hình sự, bước đầu xác định do không có thiệt hại về người nên để có căn cứ xử lý hình sự hành vi của lái xe Vinh, cơ quan chức năng cần giám định thiệt hại về tài sản. Nếu thiệt hại từ 100 triệu đồng trở lên có thể sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 9, Luật Giao thông đường bộ, người tham gia giao thông phải chấp hành hệ thống báo hiệu đường bộ.

Luật sư Trần Thị Thanh Thảo cũng cho biết tại đầu cầu T6 đã có biển báo ghi cấm xe có tổng trọng tải trên 5 tấn qua cầu, tài xế Vinh bắt buộc phải thấy biển báo này khi điều khiển xe qua cầu. Trong khi đó, chiếc xe gây sập cầu có tổng tải trọng khoảng 49 tấn, như vậy đã vượt nhiều lần tải trọng cho phép của cầu.

Cần xác định nếu lái xe biết tải trọng tối đa cho phép qua cầu nhưng vẫn cố ý cho xe qua dẫn đến thiệt hại là sập cầu thì hành vi này có dấu hiệu phạm tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ theo điều 260 Bộ luật Hình sự, hình phạt dành cho tội này có thể lên đến 15 năm tù.