Phần lớn các yếu tố trên xe hơi đều có một vị trí nhất định được quy ước sẵn, chẳng hạn động cơ phần lớn đặt tại mũi xe hay ống xả là phía đuôi. Tuy nhiên, với riêng vị trí bình xăng ô tô, không có quy định nào bắt buộc trang bị này phải đặt ở vị trí nhất định. Điều này dẫn tới mỗi xe lại có một nơi đặt bình nhiên liệu khác nhau.
Với một số mẫu xe, nắp bình nhiên liệu được đặt cùng bên ghế lái, trong khi phần còn lại lại đặt ở bên ghế hành khách. Liệu có yếu tố nào có thể sử dụng để dự đoán chính xác mẫu xe nào dùng bình nhiên liệu bên nào?
Câu trả lời, trên thực tế, là… không. Với mỗi hãng xe và thậm chí mỗi mẫu xe có thể chọn bên đặt bình nhiên liệu khác nhau. Điểm chung duy nhất có thể suy luận ra được là nắp bình nhiên liệu luôn nằm tại hông – một vị trí được coi là an toàn.
Nếu chỉ xét về tính tiện lợi, vị trí giữa đầu/đuôi xe là nơi đặt nắp bình nhiên liệu phù hợp nhất bởi người dùng bước ra khỏi xe từ bên nào cũng có thể dễ tiến tới sử dụng. Tuy nhiên, khu vực đầu/đuôi xe lại là nơi có tỉ lệ gặp phải va chạm cao nhất và do đó đặt bình nhiên liệu gần đó là rất nguy hiểm.
Quy định an toàn, vì thế, yêu cầu vị trí bình xăng ô tô phải đặt ở nơi rộng nhất trong xe, nằm giữa một vùng hấp thụ xung lực (để được bảo vệ khi xe gặp va chạm) và cách xa hệ thống xả/dây điện tử vì nguyên nhân cháy nổ. Vị trí phù hợp, vì thế, chỉ còn ở hông xe và nắp bình nhiên liệu đương nhiên cũng đặt gần đó.
Từ quy định trên, mỗi hãng xe lại chọn một bên đặt bình nhiên liệu khác nhau tùy thuộc vào nền tảng khung gầm và cách bài trí phần cứng của mình sao cho tiện lợi. Một số hãng xe như Toyota hay Volkswagen thì cân nhắc thêm một số yếu tố khác.
Lấy ví dụ, Volkswagen luôn đặt nắp bình ở cùng bên ghế hành khách, để người dùng khi tự đổ xăng sẽ đứng trên vỉa hè thay vì ngoài lòng đường. Ví dụ, với xe tay lái thuận (vô lăng bên trái), các quốc gia sử dụng xe đó sẽ có xe đi bên phải đường. Như vậy, nắp bình nhiên liệu ở bên phải cho phép họ đứng an toàn trên vỉa hè.
Trong khi đó, Toyota, với một số dòng xe thương mại của mình, chọn đặt nắp bình nhiên liệu cùng bên với ghế lái. Do bản chất xe thương mại thường chỉ có một người dùng duy nhất trên xe, hãng không muốn họ phải đi một vòng quanh xe để tiếp cận nắp bình nhiên liệu.