Hệ thống chống bó cứng phanh ABS (Anti-lock-brake system) đã không còn xa lạ với người dùng ô tô nhờ khả năng nâng cao tính an toàn khi di chuyển. Xu hướng trang bị ABS cho xe máy, bao gồm cả dòng xe tay ga vốn được cho là dễ bị bó cứng phanh, cũng đang ngày càng phổ biến.
Việc trang bị ABS chắc chắn sẽ khiến giá xe máy tăng lên. Câu hỏi đặt ra ở đây là: Trang bị này có thực sự cần thiết như nhiều người nghĩ?
Ông Antonius Widiantoro – giám đốc quan hệ công chúng của Yamaha Indonesia – cho biết: “ABS là công nghệ giúp hệ thống phanh hoạt động hiệu quả và an toàn hơn. Tuy nhiên, khi nói về hiện tượng bó cứng phanh trên xe tay ga, chúng ta không thể bỏ qua kỹ năng điều khiển và xử lý tình huống của người lái. Cả hai yếu tố này đều quan trọng như nhau để đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông“.
Ông Antonius cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc trang bị kiến thức lái xe an toàn cho người điều khiển phương tiện, bao gồm cả cách ứng phó với tình huống phanh bị bó cứng.
“Người lái xe cần nắm rõ điều kiện mặt đường để thực hiện thao tác phanh hợp lý, tránh gây áp lực quá mức lên hệ thống phanh và đảm bảo an toàn cho bản thân. Công nghệ ABS có thể hỗ trợ trong những tình huống như vậy”, ông cho hay.
Tuy nhiên, ông Antonius cũng khẳng định ABS không phải là trang bị bắt buộc trên mọi mẫu xe tay ga. Thực tế cho thấy người lái hoàn toàn có thể phanh hiệu quả hơn bằng phương pháp thủ công.
“Bằng cách bóp nhả cần phanh, người lái có thể tạo ra hiệu ứng tương tự nguyên lý hoạt động của ABS, giúp bánh xe không bị khóa cứng và duy trì lực bám đường tốt, từ đó kiểm soát được tốc độ của xe”, ông Antonius giải thích.
Theo ông Antonius, việc kiểm soát phanh vẫn có thể được thực hiện một cách hiệu quả và an toàn ngay cả khi xe không được trang bị ABS. Điều quan trọng là người lái xe cần hiểu rõ cách thức hoạt động của hệ thống phanh và áp dụng các kỹ thuật điều khiển phù hợp.
Nói cách khác, xe tay ga không được trang bị ABS vẫn có thể đảm bảo an toàn khi phanh, nếu người điều khiển có đủ kiến thức và kỹ năng xử lý tình huống.