Vụ bé gái 5 tuổi bị tông tử vong: Tài xế chịu trách nhiệm thế nào?

0
11
Từ vụ bé gái 5 tuổi bị tông tử vong ở Nghệ An, bạn đọc thắc mắc trách nhiệm pháp lý tình huống này ra sao?

Một tai nạn thương tâm vừa xảy ra trên đường Hồ Chí Minh (đoạn qua địa bàn xã Cao Sơn, huyện Anh Sơn, tỉnh Nghệ An).

Theo điều tra, lúc 17 giờ 15 phút ngày 18-11, một ô tô đưa đón học sinh của Trường Mầm non xã Cao Sơn dừng tại khu vực đường Hồ Chí Minh để trả học sinh về nhà sau giờ học.

Vụ bé gái 5 tuổi bị tông tử vong: Tài xế chịu trách nhiệm thế nào?- Ảnh 1.

Hiện trường vụ tai nạn.

Sau khi xe dừng lại, một bé gái 5 tuổi chạy qua đường để vào nhà thì bị ô tô tải vượt lên từ phía sau tông trúng. Dù được đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân không qua khỏi.

Một số bạn đọc đặt câu hỏi trách nhiệm của tài xế ô tô tải và tài xế ô tô đưa đón học sinh như thế nào trong tình huống trên?

Luật sư Đào Thị Bích Liên, Văn phòng luật sư Hà Hải và Cộng sự, cho hay để xác định trách nhiệm của từng bên, cần làm rõ rằng hành vi của tài xế ô tô đưa đón học sinh có dừng đỗ ở vị trí có đảm bảo an toàn hay có trách nhiệm hỗ trợ cháu bé qua đường hay không?

Đối với tài xế ô tô tải thì có chạy đúng tốc độ; có giữ khoảng cách an toàn và chú ý quan sát; hoàn cảnh xảy ra tai nạn; đường khu vực xảy ra tai nạn có phải là đường đông đúc hoặc nguy hiểm; cháu bé có được người lớn giám sát khi xuống xe không?

Với tài xế ô tô tải, trong trường hợp tài xế không vi phạm các quy định về tốc độ, làn đường và các quy định giao thông khác nhưng vẫn gây ra tai nạn do thiếu chú ý quan sát, tài xế có thể bị xử phạt hành chính theo điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP về hành vi điều khiển phương tiện không chú ý quan sát, gây tai nạn giao thông, mức phạt là 10 đến 12 triệu đồng, tước giấy phép lái xe từ 2 đến 4 tháng.

Bên cạnh đó, tài xế (hoặc chủ xe) phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2015, bao gồm chi phí mai táng và bồi thường tổn thất tinh thần cho gia đình nạn nhân (tối đa 100 lần mức lương cơ sở do nhà nước quy định )

Trường hợp tài xế xe tải có lỗi trực tiếp, do phóng nhanh không quan sát gây ra cái chết cho cháu bé, họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) về tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ. Ngoài hình phạt tù còn phải bồi thường về trách nhiệm dân sự.

Với tài xế ô tô đưa đón học sinh, nếu tài xế dừng đỗ sai quy định, không đảm bảo an toàn khi trả học sinh xuống xe dẫn đến tai nạn thì sẽ bị xử phạt hành chính theo điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, với mức phạt từ 400.000 đồng đến 12 triệu đồng.

Nếu việc dừng, đỗ sai quy định dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như gây tai nạn chết người, tài xế có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 260 Bộ Luật Hình sự 2015 (tội vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ). Ngoài hình phạt tù phải còn bồi thường về trách nhiệm dân sự.

Luật sư Đào Thị Bích Liên nhìn nhận đây là một vụ việc đau lòng và cần được phân tích cẩn thận trên góc độ pháp lý để đảm bảo sự công bằng. Để xác định trách nhiệm pháp lý chính xác trong vụ việc này, cần điều tra các tình tiết cụ thể như tốc độ của xe tải, hành vi của tài xế xe khách, lấy lời khai các bên, dựng lại hiện trường trên cơ sở đánh giá mức độ lỗi của từng bên để quyết định trách nhiệm hình sự, hành chính và dân sự.