Thị trường xe điện Việt Nam vốn khá sôi động với nhiều lựa chọn, từ những mẫu rẻ tầm giá 200 triệu (Wuling Mini EV) đến những mẫu hàng tỷ đồng (như Rolls-Royce Spectre giá khởi điểm 18 tỷ).
Sự sôi động này còn thể hiện qua báo cáo doanh số của VinFast. Theo đó, sau 10 tháng năm 2024, VinFast đã tiêu thụ được hơn 51.000 xe, trở thành thương hiệu ô tô dẫn đầu thị trường Việt Nam về doanh số. Tính đến nay, không nhiều thị trường mà ở đó một thương hiệu chỉ toàn xe điện trở thành hãng bán chạy nhất thị trường.
Do đó, không khó hiểu khi các hãng xe điện Trung Quốc cũng tìm cách gia nhập thị trường với nhiều sản phẩm. Làn sóng này rầm rộ đến mức ngay cả Reuters cũng từng nhận định xe điện Trung Quốc sẽ gây ra thách thức lớn ở Việt Nam. Thậm chí có thương hiệu muốn bán top 5 thị trường. Nhưng đến nay, dường như làn sóng này có phần thoái trào.
Xe điện Trung Quốc không gây ấn tượng ở Việt Nam
Mặc dù đã khai phá ra một phân khúc mới ở Việt Nam – ô tô điện mini, Wuling Mini EV dường như không mang lại nhiều “quả ngọt” cho nhà phân phối TMT Motors.
Trên trang chủ TMT Motors đã công bố báo cáo tài chính quý 3 và báo cáo tài chính hợp nhất Quý 3 năm 2024. Trong đó, một thông tin đáng chú ý là doanh số bán hàng của Wuling Mini EV sau 9 tháng đầu năm 2024 đạt gần 1.000 chiếc.
Với doanh số bán xấp xỉ 100 xe/tháng, nếu chỉ xét riêng xe cỡ A, doanh số của Wuling Mini EV chỉ khá hơn Kia Morning (trung bình gần 64 xe/tháng). Trong khi đó, doanh số trung bình của Hyundai Grand i10 là 404 xe/tháng, Toyota Wigo là 210 xe/tháng. VinFast VF 3 càng đi xa hơn với chỉ riêng tháng 10 bán được 5.000 xe, đứng đầu toàn thị trường.
BYD không công bố doanh số. Nhưng nhìn vào cách thương hiệu khá lặng lẽ với mẫu Tan EV (tên gọi khác là Tang) cho thấy hãng xe điện lớn nhất Trung Quốc dường như cũng đã bắt đầu thận trọng hơn.
Nguyên nhân không khó lý giải. Trong chương trình Trên Ghế, các chuyên gia trong ngành đã chỉ ra những vấn đề của xe điện Trung Quốc. Như nhà báo Lê Tùng Anh chỉ ra: “Tôi từng thử đặt mình vào vị trí một người tiêu dùng muốn mua xe điện của Trung Quốc vì xe xăng Trung Quốc tôi đã sử dụng lâu. Nhưng, khi thử tìm ra một lý do để mua xe điện Trung Quốc, tôi thực sự không nghĩ ra lý do gì cả”.
Ở Việt Nam, VinFast là hãng xe duy nhất sở hữu hệ thống trạm sạc công cộng gần như phủ khắp toàn quốc và vẫn đang mở rộng. Hãng chưa có ý định chia sẻ với thương hiệu khác. Còn một số đơn vị thứ 3 như EV One, Evercharge, Eboost… đã làm trạm sạc nhưng chưa phổ biến, chỉ tập trung vào các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM hay Đà Nẵng.
Chi phí sạc ở những trạm này không rẻ. Trung bình vào khoảng 4.000-6.000 đồng/kWh, cá biệt có nơi gần 10.000 đồng/kWh. Trong khi đó, VinFast áp dụng mức phí sạc là 3.858 đồng/kWh và đang miễn phí cho người dùng.
Hãng xe Trung Quốc chuyển hướng sang xe xăng?
Trước nhiều rào cản dẫn tới doanh số bán hàng không như ý, dường như các hãng xe Trung Quốc đang tỏ ra dè dặt hơn trong việc giới thiệu xe điện ở Việt Nam. Đại lý tiết lộ, BYD Tang EV đã “âm thầm” có mặt tại Việt Nam và sẵn sàng mở bán và sẽ không tổ chức lễ ra mắt rầm rộ như thường thấy.
Còn với thương hiệu Wuling, dù đã có màn ra mắt Bingo cũng gây chú ý, nhưng “nhiệt” xuống cũng khá nhanh khi mẫu xe này vẫn chưa khắc phục được những điểm trừ lớn. Chưa kể đến Baojun Yep và Mini EV Macaron (Mini EV 2024) cũng đánh tiếng ra mắt từ lâu song vẫn chưa xuất hiện.
Omoda C5 mới cập nhật cảng Việt Nam chờ bàn giao khách hàng là một mẫu xe xăng. Trong khi từng có thông tin tiết lộ rằng hãng dự kiến phân phối đồng thời với mẫu xe điện E5. Đến thời điểm hiện tại, chưa rõ khi nào E5 được giới thiệu, dù đã được đem về để phục vụ mục đích trưng bày và xuất hiện tại một số sự kiện lái thử dành cho giới truyền thông.
Dongfeng hứa hẹn quay trở lại Việt Nam bằng 4 mẫu xe, trong đó 2 mẫu xe điện và 2 mẫu xe xăng/hybrid. Đáng chú ý, xe động cơ đốt trong lại nằm trong nhóm SUV đang được nhiều người ưa chuộng, trong khi 2 mẫu xe điện thuộc phân khúc hatchback cỡ B và sedan cỡ C không quá nổi bật ở Việt Nam. Đây được xem là nước đi an toàn hơn. Mẫu xe điện có thể dùng để thăm dò thị trường, tham chiến những phân khúc không quá sôi động và chưa có đối thủ trực tiếp, trong khi xe xăng có thể trở thành “chủ lực” doanh số bù đắp lại khoảng trống tài chính.
Ngay cả trước đó, khi cơn sốt xe điện Trung Quốc mới bắt đầu nổi lên, nhiều thương hiệu cũng đã có dấu hiệu thận trọng. Chẳng hạn, GAC chia hai nhóm xe xăng và xe điện cho hai nhà phân phối khác nhau. Thương hiệu AION của tập đoàn này đã mở showroom từ lâu, nhưng cuối cùng những mẫu xe xăng của GAC như GS8, M8, lại ra mắt trước, M6 Pro chọn sự kiện lớn Vietnam Motor Show để trình diện.
Sắp tới, MG sẽ tung mẫu mới là G50 cũng nằm trong phân khúc xe xăng. Trường hợp của MG không khiến nhiều người kinh ngạc bởi thương hiệu này chủ yếu bán xe xăng ở Việt Nam, dù có mẫu xe điện ở thị trường quốc tế. Dường như đây là một bước đi đúng đắn, khi MG được WapCar của Malaysia đánh giá là thương hiệu ô tô Trung Quốc thành công nhất ở Việt Nam.
Một thương hiệu Trung Quốc khác là Lynk & Co cũng chủ yếu là xe xăng. Trong khi đó, Haval đã có một mẫu H6 sử dụng động cơ hybrid và sắp tới dự kiến có Jolion cũng trang bị động cơ lai xăng-điện. Một mẫu khác chung công ty mẹ với Haval là Tank 300 dự kiến sẽ đến Việt Nam trong tháng 12 với dự kiến 2 tùy chọn thuần xăng và hybrid.