Chốt giá 589-669 triệu đồng, Omoda C5 có gì để "đấu" Xforce, Yaris Cross?

0
6
Trở lại Việt Nam sau chục năm vắng bóng, Chery cùng thương hiệu con Omoda & Jaecoo thể hiện tham vọng với mẫu Omoda C5 có giá bán khởi điểm thấp hơn các đối thủ "sừng sỏ" trong phân khúc.

Sau thời gian dài chuẩn bị, mới đây liên doanh của Geleximco và Omoda & Jaecoo đã chính thức mở bán Omoda C5 tại Việt Nam. Là thương hiệu thuộc tập đoàn ô tô Chery của Trung Quốc, Omoda & Jaecoo liên tục cập nhật thông tin và tổ chức lái thử từ đầu năm nay, nhưng mãi tới cuối tháng 11 mới công bố giá mẫu crossover hạng B này.

Mức giá 589 và 669 triệu đồng cho hai phiên bản Premium và Flagship của C5 dễ tiếp cận hơn hầu hết đối thủ như Mitsubishi Xforce (599-710 triệu đồng), Toyota Yaris Cross (650-765 triệu đồng) hay Hyundai Creta (599-699 triệu đồng). Đây sẽ là lợi thế cho “tân binh” trong phân khúc sôi động bậc nhất thị trường nước ta.

C5 sẽ được nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia trước khi chuyển sang lắp ráp trong nước tại nhà máy ở Thái Bình vào năm 2026, theo kế hoạch công bố ban đầu.

Ngoài giá thấp hơn đối thủ, Omoda C5 có gì?

Phiên bản cao cấp của Omoda C5 nhỉnh hơn phiên bản tầm trung của các đối thủ khoảng 20-30 triệu đồng (Ảnh: Omoda & Jaecoo).

C5 lớn hơn đôi chút khi đặt cạnh Xforce và Yaris Cross, với chiều dài x rộng x cao lần lượt là 4.400 x 1.830 x 1.588(mm), song chiều dài cơ sở 2.630mm vẫn kém chiếc Mitsubishi 20mm. Khoảng sáng gầm khiêm tốn với thông số 169mm, dưới mốc 200mm thường thấy trong phân khúc.

Thiết kế tổng thể của chiếc crossover nhắm đến nhóm khách hàng trẻ với nhiều đường nét cắt xẻ và dập nổi, có phần thể thao và cá tính hơn so với mặt bằng chung của phân khúc. Tuy nhiên, một số bộ phận lại dễ gây liên tưởng đến những mẫu ô tô khác, đặc biệt là khu vực đuôi xe.

Góc chính diện nổi bật với mặt ca-lăng tràn viền cỡ lớn có họa tiết kim cương cùng dải mạ crôm đóng vai trò kết nối dải đèn LED định vị ban ngày hình chữ “T” hai bên. Cụm đèn pha full-LED projector đặt thấp tự động bật/tắt, bên dưới là cản va với các thanh ngang đơn giản.

Điểm nhấn ở hai bên hông thuộc về mui xe đen tương phản vuốt dốc dần về sau cùng cánh lướt gió được tạo hình tương đối cầu kỳ. Gương chiếu hậu nằm trên cánh cửa, có tính năng chỉnh/gập điện, sưởi mặt kính và tự động gập khi khóa xe. Đèn chào mừng chỉ xuất hiện trên bản Flagship.

Bộ mâm 18 inch đen bóng được nhấn nhá bằng các mảng màu đỏ lạ mắt, bao bọc phanh đĩa trên bốn bánh xe và hệ thống treo MacPherson phía trước, thanh xoắn phía sau như hầu hết xe CUV hạng B khác.

Vùng trụ C của Omoda C5 gợi nhớ đến những chiếc Lexus RX (Ảnh: Omoda & Jaecoo).

Đèn chiếu sáng LED góc cạnh chứa hàng loạt thanh dọc vắt ngang cửa hậu là chi tiết đáng chú ý, bên cạnh tấm ốp giả ống xả kép và kính hậu thoải theo phong cách coupe. Xi-nhan dạng tuần tự được áp dụng cho cả đèn trước và sau.

Người nhìn có thể phân biệt hai phiên bản thông qua những điểm nhấn màu đỏ trên phiên bản cao cấp ở cản trước, chân gương chiếu hậu, ốp babule và cánh lướt gió.

Nội thất của C5 được lược bỏ hầu hết nút bấm vật lý, tâm điểm là bảng đồng hồ kỹ thuật số liền mạch với màn hình thông tin – giải trí có cùng kích thước 10,25 inch, hỗ trợ kết nối Apple CarPlay/Android Auto không dây. Vô-lăng ba chấu bọc da được vát đáy (D-cut).

Cụm điều khiển điều hòa dạng cảm ứng ẩn dưới dải ốp nhựa đen bóng (Ảnh: Omoda & Jaecoo).

Mọi xe Omoda C5 có mặt tại Việt Nam được trang bị chìa khóa thông minh với nút bấm khởi động, khởi động xe từ xa, đèn viền trang trí 64 màu, cần số điện tử, phanh tay điện tử tích hợp Auto Hold và sạc không dây 50W với đế lót nỉ chống trượt và khe thông gió.

Khác với ngoại thất tương đối giống nhau là một nội thất với danh sách “option” đi kèm chênh lệch rõ rệt.

Trên phiên bản cao cấp, khách hàng nhận thêm nhiều tiện nghi như điều hòa tự động hai vùng độc lập tích hợp bộ lọc bụi PM2.5, chức năng điều khiển bằng giọng nói, gương chiếu hậu chống chói tự động, gạt mưa tự động, cửa sổ trời, cốp chỉnh điện đi kèm tính năng “đá cốp” và hàng ghế trước chỉnh điện có thông gió/sưởi ấm.

Bên cạnh Xforce với loa Yamaha, Omoda C5 là cái tên tiếp theo trong phân khúc sử dụng hệ thống loa có thương hiệu với dàn 8 loa Sony trên phiên bản Flagship.

Ghế ngồi kiểu dáng thể thao bọc da pha nỉ hoặc da toàn phần, tùy theo phiên bản (Ảnh: Omoda & Jaecoo).

Phương diện an toàn có thể được xem là ưu thế lớn của mẫu xe Trung Quốc này. Cả hai phiên bản sở hữu 6 túi khí, hỗ trợ phanh ABS/EBD/BA, cân bằng điện tử, hỗ trợ khởi hành ngang dốc, hỗ trợ xuống dốc, cảm biến áp suất lốp, giới hạn vận tốc kèm cảnh báo, camera lùi và cảm biến hỗ trợ đỗ xe trước/sau.

Riêng phiên bản Flagship có thêm bộ tính năng ADAS với một số “trợ thủ” như kiểm soát hành trình thích ứng, phanh khẩn cấp tự động, hỗ trợ lái tự động, hỗ trợ lái xe khi tắc đường, cảnh báo lệch làn đường và hỗ trợ giữ làn trong trường hợp khẩn cấp, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau.

Camera 360 độ hiển thị giả lập 3D dành riêng cho phiên bản đắt tiền hơn. Nhà sản xuất cho biết 78% khung xe được làm bằng thép cường độ cao, đảm bảo độ cứng cáp và an toàn.

Bên dưới nắp ca-pô là động cơ xăng 4 xi-lanh, tăng áp, dung tích 1.5L, sản sinh công suất tối đa 145 mã lực và mô-men xoắn cực đại 210Nm. Ghép đôi với cỗ máy này là hộp số vô cấp CVT giả lập 9 cấp và hệ dẫn động cầu trước. Người lái có thể lựa chọn chế độ lái Eco (Tiết kiệm) hoặc Sport (Thể thao).

Tham vọng và thách thức

Chery từng “đặt chân” vào thị trường Việt Nam vào năm 2009 thông qua đơn vị Liên doanh ô tô Hòa Bình (VMC) với sản phẩm mở đầu là Chery QQ3 có giá bán 10.000 USD (khoảng 180 triệu đồng lúc bấy giờ). Dù có giá bán thấp nhất thị trường nhưng do sở hữu thiết kế ngoại thất được sao chép từ dòng hatchback hạng A Daewoo Matiz/Chevrolet Spark cùng rào cản về thương hiệu và nghi ngại về chất lượng nên Chery QQ3 không giành được thiện cảm của khách hàng Việt. Hãng tiếp tục giới thiệu thêm mẫu Chery Riich M1 với giá bán 288 triệu đồng trong năm 2010 nhưng cũng không để lại nhiều ấn tượng, sau đó phải rút khỏi thị trường.

Lần này, Chery chọn “tái xuất” dưới thương hiệu Omoda & Jaecoo ở Việt Nam. Hãng thể hiện tham vọng lớn khi công bố xây dựng nhà máy lắp ráp tại Thái Bình và mở rộng hệ thống đại lý 3S lên con số 39 trên toàn quốc, trong đó 16 đại lý sẽ khai trương vào ngày mở bán.

Phân khúc crossover cỡ B và B+ còn MG ZS, Peugeot 2008 nhưng không được hãng công bố doanh số (Ảnh: Nguyễn Lâm).

Phân khúc crossover hạng B/B+ tại Việt Nam chứng kiến sự cạnh tranh khốc liệt giữa trên dưới 10 cái tên, đa dạng về thương hiệu, nguồn gốc lẫn giá bán. Trong đó, mẫu xe ra mắt vào đầu năm nay là Mitsubishi Xforce hiện chiếm ngôi đầu với doanh số lũy kế 10 tháng cao hơn 36% so với cái tên theo sau là “đồng hương” Toyota Yaris Cross, đồng thời thay đổi cục diện xe Nhật – xe Hàn trong phân khúc này.

Đây cũng là nơi chứng kiến sự góp mặt của một số mẫu xe Trung Quốc như Lynk & Co 06 (729 triệu đồng) hay MG ZS (518-588 triệu đồng).

Omoda C5 có hầu hết điều kiện “cần” và “đủ” để thành công trong hạng xe nhiều tiềm năng nhưng đầy tính cạnh tranh này: thiết kế hợp xu hướng, đầy đủ trang bị tiện nghi, an toàn cơ bản, không gian sử dụng rộng rãi và giá bán hợp lý. Tuy nhiên, độ phổ biến thương hiệu chưa lớn cùng những định kiến về xe Trung Quốc là rào cản không hề nhỏ để “tân binh” này tiếp cận người tiêu dùng Việt Nam.