Công nghệ ô tô ngày càng phát triển, mang đến nhiều tính năng hiện đại như hệ thống cửa điện tử. Mặc dù được đánh giá cao về sự tiện lợi và an toàn, song tính năng này cũng tiềm ẩn những nguy cơ khó lường, đặc biệt là khi bình ắc quy bị cạn hay trục trặc.
Mới đây, một chủ xe Tesla tại Arizona (Mỹ) đã trải qua phen thót tim khi cháu gái suýt chút nữa gặp nạn vì chính chiếc xe điện của mình.
Theo lời kể, bà Renee Sanchez dự định đưa cháu gái 20 tháng tuổi đến vườn thú Phoenix. Sau khi thắt dây an toàn cho cháu trên ghế trẻ em, bà Sanchez xuống xe, trở về vị trí ghế lái thì phát hiện chiếc xe Tesla đã hết điện. Cháu bé vẫn bị kẹt bên trong, còn cửa không mở, do đây là cửa điện.
Trước tình huống nguy cấp, bà Sanchez đã lập tức gọi 911. Tuy nhiên, ngay cả lực lượng cứu hỏa cũng không thể mở cửa chiếc xe. Cuối cùng, bà Sanchez đành chấp nhận phương án đập vỡ cửa sổ để giải cứu cháu gái.
Cửa điện là một tính năng cao cấp trên một số mẫu xe, bao gồm cả xe xăng và xe điện. Tất cả xe Tesla đều được trang bị công nghệ này. Hãng nào cũng đều trang bị thêm chốt mở cơ bên trong để đề phòng khả năng cửa điện gặp trục trặc, hoặc khi xe chết máy.
Tuy nhiên, không phải chủ xe nào cũng biết điều này, càng không nói đến một đứa trẻ nhỏ như cháu bà Sanchez. Ngay cả khi biết về chức năng mở cửa bằng lẫy, nhiều người vẫn hoảng loạn mãi mới có thể thoát ra được.
Một phần lý do là dù có quy trình riêng để mở cửa xe trong trường hợp hết điện, nhưng thao tác có thể khá phức tạp tùy vào từng hãng.
Tesla có thiết lập cần gạt nhỏ gần cửa, kéo cần này sẽ nhả chốt cửa và cho phép mở cửa bằng tay. Tuy nhiên, cơ chế nhả khẩn cấp chỉ nên được sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vì có thể gây hư hỏng cho xe nếu sử dụng sai mục đích.
Còn trên Chevrolet Corvette, khi bình ắc quy cạn, chủ xe có thể dùng chìa khóa cơ để mở cốp sau. Tiếp đó, họ có thể kéo cần gạt nằm ở bên trái khoang hành lý để mở cửa xe. Nếu chiếc Tesla của bà Sanchez cũng được trang bị hệ thống tương tự thay vì chỉ có chức năng mở cửa thủ công từ bên trong, có lẽ câu chuyện đã khác.