Nissan đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc

0
29
Hãng xe này đã đánh mất lợi thế của người đi đầu.

Nissan vừa đóng cửa nhà máy ô tô tại Trường Châu, Giang Tô, Trung Quốc trong nỗ lực giảm công suất sản xuất tại quốc gia tỷ dân và tái cơ cấu hoạt động, theo Japan Times. Động thái diễn ra trong bối cảnh cạnh tranh xe điện ngày càng trở nên gay gắt còn doanh số nhiều thương hiệu sụt giảm nghiêm trọng.

Nhà máy tại Trường Châu là một cơ sở tương đối mới, bắt đầu hoạt động vào tháng 11/2020 dưới sự điều hành của liên doanh Nissan và nhà sản xuất ô tô Trung Quốc Dongfeng Motor. Theo Nissan, nhà máy này sản xuất khoảng 130.000 xe mỗi năm, chiếm khoảng 8% tổng sản lượng của hãng tại Trung Quốc.

Sau khi đóng cửa nhà máy, Nissan dự kiến tiếp tục sản xuất mẫu xe thể thao đa dụng (SUV) ở một cơ sở sản xuất khác. Năm 2023, doanh số bán xe mới của Nissan tại Trung Quốc giảm 16,1% so với một năm trước đó. Xu hướng giảm tiếp tục được ghi nhận trong năm nay, khi doanh số bán hàng từ tháng 1 đến tháng 5/2024 giảm 1% so với cùng kỳ năm trước.

“Nissan đã đánh mất lợi thế của người đi đầu. Có thể các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản sẽ gặp khó khăn trong việc bắt kịp đối thủ, trong đó nhà sản xuất xe điện BYD của Trung Quốc. Thông báo đầu tư cho điện khí hóa bây giờ là quá ít và quá muộn”, cựu Chủ tịch Nissan nói

Không chỉ riêng Nissan, các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản khác cũng đang đối mặt với thách thức tại Trung Quốc. Mitsubishi Motors năm ngoái thông báo rút khỏi thị trường sản xuất, trong khi Toyota và Honda nỗ lực cắt giảm nhân công và điều chỉnh vận hành tại quốc gia này.

“Các hãng xe hơi Nhật Bản nên cảm thấy lo lắng đi là vừa. Thậm chí nhiều hãng xe Nhật mới đây đã phải thay đổi chiến lược phát triển vì thị trường ô tô điện Trung Quốc bùng nổ nhanh hơn dự đoán”, giám đốc Yang Jing của Viện nghiên cứu CCR thuộc Fitch Ratings nhận xét.

Trước đây, các thương hiệu ô tô lớn tại Nhật Bản rất được lòng người tiêu dùng, chiếm hơn 30% doanh số bán ô tô mới tại Mỹ và thống trị một loạt các thị trường từ Đông Nam Á đến Châu Phi. Sự vắng mặt của họ trong phân khúc EV theo đó đặc biệt gây quan ngại, nhất là khi thị trường đã sớm ghi nhận các dòng xe Nhật thân thiện với môi trường, chẳng hạn như Toyota Prius.

“Ngành công nghiệp ô tô Nhật Bản cần phải bắt kịp”, Masato Inoue, cựu Giám đốc điều hành Nissan hiện đang giảng dạy tại Istituto Europeo di Design ở Turin, Italy, cho biết. “Có thể mọi thứ đã quá muộn”.

Nissan đóng cửa nhà máy sản xuất ô tô tại Trung Quốc- Ảnh 1.

Theo SCMP, các chuyên gia đang vô cùng quan ngại, rằng các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có thể đang lặp lại sai lầm trong quá khứ của ngành công nghiệp bán dẫn và điện tử tiêu dùng. Những công ty này từng thống trị thế giới nhờ chip bộ nhớ của NEC và Walkman của Sony, song cuối cùng cũng phải lép vế trước sự đột phá của Apple.

“Các nhà sản xuất ô tô Nhật Bản có vẻ như đã bị bỏ lại phía sau và không có khả năng vươn lên dẫn đầu”, Shingo Ide, Giám đốc chiến lược vốn cổ phần tại Viện Nghiên cứu NLI của Bảo hiểm Nhân thọ Nippon, nhận định.

Được biết, ngay cả khi giá xăng tăng cao, trong khi các ưu đãi của chính phủ thúc đẩy nhu cầu đối với xe điện, người tiêu dùng vẫn không thực sự bị thu hút bởi các nhà sản xuất ô tô của Nhật Bản, trong đó có Nissan. Xe của họ đôi khi còn gặp lỗi kỹ thuật và phải tạm dừng bán.

Đầu năm 2023, Nissan đã phải hạ mức dự báo doanh số mục tiêu cho xe điện năm 2026 từ 40% xuống 35%. Giám đốc vận hành Ashwani Gupta cho biết nguyên nhân là do các thương hiệu xe nội địa đang dẫn đầu mảng ô tô điện ở Trung Quốc. Công ty hiện chỉ có 2 dòng sản phẩm xe điện là Ariya và Sylphy nên chỉ chiếm 1% tổng doanh số của Nissan trong quý III/2022.

Hiện Nissan đặt mục tiêu cho ra mắt 19 dòng sản phẩm xe điện và 35 mẫu ô tô Hybrid từ nay đến năm 2030. Tuy nhiên mẫu xe điện SUV mới nhất của hãng sẽ chưa thể ra mắt cho đến năm 2024.

“Nếu các hãng xe Nhật Bản vẫn tiếp tục kiểu thận trọng và thiếu quyết đoán trong mảng xe điện thì việc họ thất bại trên thị trường ô tô toàn cầu sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian”, giám đốc điều hành Yale Zhang của hãng tư vấn Automotive Foresight khẳng định.

Dẫu vậy, đóng cửa nhà máy tại Trung Quốc chưa hẳn là dấu chấm hết cho Nissan. Tại quê nhà, hãng này đang thu thập và tái sử dụng pin xe điện giúp ngành công nghiệp EV giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác các nguyên liệu hiếm đắt đỏ, chẳng hạn như lithium và coban, đồng thời cắt giảm lượng khí thải carbon liên quan đến việc sản xuất pin xe điện.

Cụ thể, những mẫu xe điện đầu tiên của Nissan, được bày bán cách đây gần 13 năm, bắt đầu hết tuổi thọ. Pin của chúng sẽ được thu thập tại các đại lý của Nissan tại Mỹ và Nhật Bản, sau đó gửi đến nhà máy ở Namie, Fukushima để xử lý. Tại đây, các kỹ sư được điều hành bởi 4R Energy – liên doanh của Nissan với công ty thương mại Sumitomo – sẽ dành hàng giờ xử lý pin trước khi chúng được tái sử dụng cho xe điện hay một thiết bị nào đó khác, chẳng hạn như máy phát điện dự phòng.

Theo chuyên gia phân tích Colin McKerracher của BloombergNEF, quy trình tái chế pin có thể dễ dàng mở rộng khi khối lượng tăng lên. “Việc tái sử dụng pin tốn nhiều thời gian hơn so với tái chế, nhưng lại giúp công ty chúng tôi tái sử dụng nhiều vật liệu làm pin hơn”.