Sau 6 năm mới trở lại tham quan Hà Nội như một khách du lịch, chị Linh Hương (sống tại TP.HCM) cho biết chị khá ngỡ ngàng.
Dành một tuần lưu trú tại Hà Nội, chị Hương đi thăm khắp các di tích văn hóa của thủ đô, từ Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một loạt di tích trong khu phố cổ đến một số làng nghề ở Hà Nội.
Ngoài việc ấn tượng với các sản phẩm du lịch văn hóa phong phú của thủ đô, chị Linh Hương đặc biệt ghi nhận sự đổi thay rõ ràng trong cung cách, thái độ phục vụ của các nhà hàng, cơ sở làm dịch vụ du lịch.
Nội thành, ngoại thành cùng làm du lịch văn hóa
Theo Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu, việc triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả chương trình 06 của Thành ủy và kế hoạch số 176 ngày 30-7-2021 của UBND TP Hà Nội đã giúp cho hoạt động du lịch trên địa bàn Hà Nội khởi động trở lại nhanh chóng sau đại dịch COVID-19.
Những kết quả đạt được đã từng bước phục hồi, phát triển ngành du lịch, góp phần chung vào sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội thủ đô.
Những năm qua, hàng loạt sản phẩm du lịch văn hóa từ khu vực nội thành kết nối tới các huyện ngoại thành Hà Nội đã mang đến một diện mạo đặc sắc và sôi động cho du lịch thủ đô.
Nổi bật là các tour du lịch văn hóa hấp dẫn, đặc sắc với các sản phẩm du lịch đêm như: tour du lịch Đêm thiêng liêng của Khu di tích Nhà tù Hỏa Lò; tour đêm Giải mã Hoàng thành Thăng Long, tour đêm Văn Miếu – Quốc Tử Giám Tinh hoa đạo học, tour du lịch đêm tại đền Ngọc Sơn và hồ Hoàn Kiếm với chủ đề Ngọc Sơn – đêm huyền bí.
Các tuyến phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây; Không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố ở phố đi bộ Trịnh Công Sơn, tour du lịch văn học Chữ tâm, chữ tài tại Bảo tàng Văn học; tour Tìm về kinh đô người Việt cổ… cũng dần trở thành các điểm đến hấp dẫn cho người dân và du khách khi đến Hà Nội.
Đặc biệt, việc khai thác thành công các sản phẩm du lịch văn hóa tại Di tích Nhà tù Hỏa Lò đã biến nơi đây thành điểm đến thu hút khách trong nước và quốc tế hàng đầu ở Hà Nội.
Tour Đêm thiêng liêng ở di tích Nhà tù Hỏa Lò thành công tới nỗi khách thường phải đặt vé trước cả tháng. Một dạo, trên mạng xã hội, giới trẻ Hà Nội lan truyền câu nói vui “Ai rồi cũng đi tù” để chỉ việc bạn trẻ Hà Nội ai cũng tìm cách một lần đến thăm di tích Nhà tù Hỏa Lò cho bằng được.
Cùng với đó, những sản phẩm du lịch đang được xây dựng, triển khai kết nối khu trung tâm thành phố với các huyện ngoại thành cũng góp phần làm phong phú trải nghiệm cho du khách đến với Hà Nội.
Đó là 2 tuyến du lịch văn hóa – làng nghề khu vực phía nam Hà Nội bao gồm Trung tâm Hà Nội – Thanh Trì – Thường Tín – Phú Xuyên và tuyến Trung tâm Hà Nội – Thanh Oai – Ứng Hòa – Mỹ Đức. Hay điểm du lịch văn hóa cộng đồng Bản Miền của đồng bào người Dao tại xã Ba Vì, huyện Ba Vì mới được xây dựng gần đây…
Thời gian qua, Sở Du lịch Hà Nội cũng phối hợp với Tổng công ty Du lịch Hà Nội xây dựng tour du lịch đường thủy kết nối các điểm du lịch văn hóa, làng nghề trên khu vực sông Hồng, kết nối phố cổ Hà Nội với làng gốm sứ Bát Tràng, di tích đền thờ Chử Đồng Tử.
Sở cũng phối hợp với Tổng công ty Bia Hà Nội nghiên cứu, xây dựng đề án phát triển điểm đến du lịch Bảo tàng Bia Hà Nội tại khu vực Nhà máy bia Hà Nội, quận Ba Đình…
Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới
PGS.TS Phạm Hồng Long – chủ nhiệm khoa du lịch học Trường đại học Khoa học xã hội và Nhân văn – Đại học Quốc gia Hà Nội – cho biết Hà Nội rất chú trọng khai thác vốn di sản, văn hóa của mình để phát triển du lịch.
Các tour đêm ở Hỏa Lò, Hoàng thành Thăng Long, Văn Miếu Quốc Tử Giám rất thành công, giúp Hà Nội tăng thời gian khai thác du lịch, không chỉ ngày mà cả đêm.
Các tour du lịch tìm hiểu văn học, lịch sử… mới chỉ là một phần nhỏ trong nỗ lực mở rộng sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội.
Mấy năm qua thành phố tổ chức rất nhiều sự kiện, lễ hội để hút khách về thủ đô, từ lễ hội áo dài vào mùa thu hằng năm đến hàng loạt hoạt động văn hóa đặc sắc trong tháng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng thủ đô vừa qua đã tạo ấn tượng sâu đậm cho du khách.
Ngoài ra, gần đây Hà Nội rất chú trọng phát triển du lịch các làng nghề, không chỉ các làng nghề lớn như Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, nhiều làng nghề khác cũng được khai thác du lịch như làng nghề da giày, làng nghề may, làng nghề thêu, làng Cựu ở Phú Xuyên, làng nghề làm hoa giấy Phù Đổng (Gia Lâm)….
“Các sản phẩm du lịch văn hóa của Hà Nội khá đa dạng khiến du khách đến Hà Nội không còn chỉ quẩn quanh với mấy điểm du lịch nổi tiếng lâu như trước đây, không chỉ vui chơi tham quan ban ngày, mà mở rộng ra ban đêm. Hà Nội đang từng bước làm rất tốt các sản phẩm du lịch về văn hóa”, ông Long nói.
Phó giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Trần Trung Hiếu cho biết các chỉ tiêu phát triển của ngành năm qua đều có mức tăng trưởng cao, vượt các kế hoạch đề ra, trong đó chỉ tiêu về tăng trưởng khách du lịch quốc tế có mức tăng trưởng ấn tượng nhất.
Đặc biệt trong năm 2023, Hà Nội vinh dự được Tổ chức Giải thưởng Du lịch thế giới trao các giải thưởng: Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu thế giới, Điểm đến du lịch Thành phố hàng đầu châu Á cho kỳ nghỉ ngắn ngày, Cơ quan du lịch thành phố hàng đầu châu Á,…
Năm 2023, Hà Nội có 48/103 nhà hàng được Michelin Guide tuyển chọn, trong đó có 3 nhà hàng đạt 1 sao Michelin (nhà hàng Gia, nhà hàng Hibana by Koki của khách sạn Capella Hanoi và nhà hàng Tầm Vị);
Trang web uy tín TripAdvisor bình chọn thành phố Hà Nội đứng thứ 17/25 trong danh sách 25 địa danh nổi tiếng để đi du lịch, đứng 3/20 trong danh sách 20 điểm đến cho người mê ẩm thực; tạp chí The Travel bình chọn thành phố Hà Nội lọt vào Top 10 điểm đến đẹp nhất Đông Nam Á…
Dù còn một số hạn chế trong phát triển du lịch như cơ sở vật chất hiện vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, năm 2023 tổng thu từ khách du lịch đạt hơn 93.000 tỉ đồng, tăng 51,91% so với năm 2022 (tương đương 90% kết quả năm 2019).
6 tháng đầu năm 2024, tổng số lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 13,92 triệu lượt khách, tăng 12,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Hà Nội phấn đấu đến năm 2025, tổng thu từ khách du lịch đạt trên 130.000 tỉ đồng.