Lái xe điện VinFast chạy xuyên Đông Dương, nhóm "phượt" gặp thách thức gì?

0
30
Không phải địa phận nào ở Lào và Campuchia cũng có trạm sạc công cộng nhưng nhóm người Việt sử dụng xe điện VinFast vẫn có thể hoàn thành hành trình xuyên Đông Dương trong 2 tuần.

Với hạ tầng trạm sạc công cộng gần như trải khắp toàn quốc của VinFast, người dùng sử dụng ô tô điện đến từ thương hiệu Việt có thể không gặp khó khăn khi thực hiện những hành trình khám phá Bắc Nam.

Nhưng khi nhắc tới những chuyến đi dài ngày vượt ra khỏi mảnh đất hình chữ S, không ít người vẫn đặt câu hỏi về khả năng đáp ứng của xe và đặc biệt là hạ tầng trạm sạc đối với loại phương tiện này.

Câu chuyện đi xuyên Đông Dương của một nhóm người dùng ô tô điện VinFast dưới đây có thể đem tới một góc nhìn mới về vấn đề này.

Nhóm người dùng VinFast thực hiện hành trình xuyên Đông Dương (Việt Nam – Lào – Campuchia) với 3 mẫu xe điện gồm VF 5 Plus, VF 8 và VF 9 (Ảnh: Trọng Phùng Thế).

Theo kế hoạch ban đầu, hành trình xuyên Đông Dương của nhóm người dùng trên dự kiến sẽ diễn ra trong 20 ngày, quãng đường di chuyển khoảng 6.000km.

Xuất phát từ Hà Nội, 3 chiếc xe điện VinFast tiến tới cửa khẩu Tây Trang (Điện Biên) rồi sang Lào, đi qua các thành phố như Luang Prabang, Vientiane (Viêng Chăn) và Pakse. Campuchia là điểm cuối với những địa danh như Siem Reap hay Phnôm Pênh.

Thực tế, nhóm người dùng VinFast chỉ mất 2 tuần để thực hiện thử thách xuyên Đông Dương, trung bình mỗi ngày di chuyển 200-400km (Ảnh: Trọng Phùng Thế).

Dễ dàng chinh phục Lào

Tương tự Việt Nam, Lào cũng là nước đang phát triển xe điện. Dù chưa có hạ tầng trạm sạc mạnh như VinFast tại nước ta, nhưng quốc gia này cũng có hệ thống trạm sạc công cộng đến từ đơn vị thứ 3 như Loca EV, có phát triển ứng dụng điện thoại để tìm kiếm điểm sạc và thanh toán.

Trụ sạc của Loca EV tại Lào có 2 cổng sạc: 1 cổng GTB chuẩn sạc Trung Quốc và 1 cổng CCS2. Hai cổng này đều cho ra công suất 120kW theo nhà sản xuất, nhưng trải nghiệm thực tế của anh Trọng khi sử dụng súng sạc CCS 2 cho thấy, chiếc VinFast VF 5 Plus cần gần 1h30 để sạc từ 27% lên 100% pin, ước tính công suất chỉ khoảng 30kW.

Chi phí sạc của Loca EV sau khi quy đổi khoảng 6.000 đồng/kWh, theo chia sẻ của anh Trọng (Ảnh: Trọng Phùng Thế).

Loca EV đều có mặt tại các thành phố lớn của Lào, trải dài trục chính Bắc – Nam với mỗi điểm sạc cách nhau khoảng 200km. Trong khi đó, các mẫu xe điện của VinFast đều có phạm vi hoạt động tối đa trên 300km nên có thể dễ dàng đi xuyên Lào, theo đánh giá của anh Trọng.

Ngoài ra, người dùng xe điện còn có thể sạc qua đêm tại khách sạn. Trải nghiệm thực tế của anh Trọng cho thấy, những chỗ nghỉ trên hành trình đi qua Lào đều thiết kế đường điện đủ lớn để cắm sạc di động của VinFast, thời gian sạc khoảng 7 tiếng giúp chiếc VF 5 Plus đi được tầm 200-250km.

Những chiếc xe điện VinFast có mặt tại thủ đô Vientiane của Lào (Ảnh: Trọng Phùng Thế).

Khó khăn tại Campuchia

Sang tới Campuchia, đoàn xe điện VinFast gặp khó khăn khi không còn hệ thống trạm sạc trải rộng như Lào. Tại đây, một số cơ sở tư nhân như siêu thị hoặc khách sạn có xây dựng trụ sạc để kinh doanh nhưng khó hệ thống hay tìm kiếm.

Theo chia sẻ của anh Trọng, tại Campuchia có ứng dụng điện thoại PlugShare với tính năng tìm kiếm những điểm sạc tư nhân trên. Tuy nhiên, ứng dụng này chưa được hoàn thiện, khuyết thiếu những thông tin như số cổng sạc hay công suất súng sạc.

Để thực hiện hành trình xuyên Campuchia, 3 chiếc xe điện VinFast phụ thuộc chủ yếu vào bộ sạc di động. Theo chia sẻ của anh Trọng, điện áp tại quốc gia này không được tốt như Lào, dễ “sập áp” khi sạc cùng lúc nhiều xe tại một khách sạn.

Theo anh Trọng, người dùng sử dụng xe điện qua Campuchia nếu đi đoàn đông nên cân nhắc chia nhỏ ra nhiều khách sạn để sử dụng sạc di động, tránh sập áp (Ảnh: Trọng Phùng Thế).

Trong hành trình tại Campuchia, anh Trọng đánh giá, VinFast VF 5 Plus có ưu điểm hơn VF 8 và VF 9 khi không “kén” điện. Mẫu SUV điện cỡ A này có dung lượng pin nhỏ, không đòi hỏi cơ sở hạ tầng lớn, dễ dàng sạc tại các điểm dừng chân như quán ăn, nhà nghỉ nhỏ.

Trong khi đó hai “đàn anh” lại cần lựa chọn kỹ hơn để sạc được ở công suất lớn nhất của bộ sạc di động (7,4kW).

Trong điều kiện đường điện không mạnh, chủ xe VinFast VF 9 cần lựa chọn kỹ để tối ưu được công suất của bộ sạc di động nhưng bù lại, mẫu SUV điện cỡ E này đi được tối đa 423-594km tùy phiên bản (Ảnh: Trọng Phùng Thế).

Nhìn chung, việc chạy xe điện xuyên Đông Dương hoàn toàn khả thi khi các nước lân cận đã dần phát triển loại hình “xe xanh” này, đánh đổi là chi phí sạc sẽ cao hơn Việt Nam (khoảng 6.000 đồng/1kWh).

Bên cạnh đó, người dùng nên tính toán tới những yếu tố như điều kiện thời tiết nóng hoặc lạnh cũng ảnh hưởng đến mức tiêu hao pin. Không nên chạy cố mà cần nghiên cứu kĩ điểm sạc trên đường đi.

Tại nước ta, chi phí sạc xe điện VinFast từ ngày 19/3 là 3.858 đồng/kWh. Hai đơn vị thứ 3 phát triển trạm sạc là EV One cùng EverCharge có mức phí cao hơn, khoảng 3.500-9.900 đồng/kWh, trong đó cây sạc của EV One có công suất đầu ra lên tới 180kW.

VinFast VF 5 Plus, VF 8 và VF 9 “check-in” tại Angkor Wat (Campuchia) (Ảnh: Trọng Phùng Thế).