Nhờ chính sách miễn 100% lệ phí trước bạ cho ô tô điện của Nhà nước, loại hình “xe xanh” này ngày càng được người dùng Việt đón nhận. Nhiều hãng xe nắm bắt cơ hội, giới thiệu đa dạng các sản phẩm từ phân khúc giá rẻ cho đến hạng sang.
VinFast sở hữu hệ thống trạm sạc trải khắp toàn quốc nhưng hãng xe Việt chưa có ý định chia sẻ. Việc sạc pin xe điện của các thương hiệu khác chủ yếu được thực hiện tại nhà hoặc các đại lý chính hãng, tạo nên rào cản với phần đông người dùng, vì không phải ai cũng có thể đánh xe vào tận nhà để sạc.
Câu chuyện này có phần giống con gà và quả trứng. Việc sử dụng xe điện yêu cầu người dùng thay đổi thói quen sử dụng ô tô, nên nếu không có trạm sạc thì sẽ khó thuyết phục khách hàng mua xe; nhưng nếu người mua xe điện không nhiều thì việc đầu tư trạm sạc lại là một “canh bạc”.
Tuy nhiên, đã có đơn vị thứ 3 bắt tay vào xây dựng trạm sạc công cộng; có thể kể đến EV One và EverCharge. Hai đơn vị này đều phát triển ứng dụng điện thoại riêng, cho phép người dùng tìm kiểm điểm sạc gần nhất, thống kê phiên sạc và thanh toán.
Trong đó, EV One hiện mới có 2 điểm sạc tại Hà Nội nhưng chỉ có 1 điểm hoạt động, gồm 2 súng sạc nhanh 180kW. Biểu giá chi phí sạc của đơn vị này là 9.900 đồng/kWh (số điện). Trải nghiệm nhanh của phóng viên Dân trí với cây sạc này trong 3 phút hết hơn 46.000 đồng cho 4,67kWh.
Phóng viên đã thử sạc thành công với chiếc Porsche Taycan tại trụ sạc EV One – Audi Hà Nội (trên đường Phạm Hùng). Trong đó, người sử dụng cần tạo tài khoản trên ứng dụng của điện thoại thông minh, nạp sẵn tiền (trả trước). Thao tác sạc sẽ là cắm súng sạc vào xe, mở ứng dụng, quét mã QR để xác nhận.
Chiếc Taycan bản pin hiệu suất cao có dung lượng 93,4kWh, nếu sạc 0-100% bằng trụ này sẽ tốn 924.660 đồng và sẽ di chuyển được khoảng 500km (theo ước tính của chủ xe).
Về phía EverCharge, đơn vị này chưa có nhiều điểm sạc như EV One nhưng chi phí sạc thấp hơn và khác nhau tùy từng điểm. Ví dụ, ở Cầu Giấy (Hà Nội) có một trụ tính phí 4.000 đồng/số điện, trong khi một điểm khác cũng tại Hà Nội có nhiều trụ hơn, tính phí 3.500 đồng/kWh, nhưng chưa đi vào hoạt động.
Trong khi đó, với xe điện VinFast, chi phí sạc được áp dụng từ ngày 19/3 là 3.858 đồng/kWh. Chi phí sạc của 2 đơn vị trên tuy đắt hơn nhưng vẫn là bước khởi đầu đầy hứa hẹn, đem lại cho người dùng giải pháp sạc nếu muốn sử dụng xe điện không phải của thương hiệu VinFast.
Nếu cần sạc nhanh, người dùng có thể sử dụng trụ của EV One để tiết kiệm thời gian, đánh đổi là chi phí không rẻ. Nếu muốn tiết kiệm, EverCharge sẽ là lựa chọn hợp lý, nhưng để đem lại sự thuận tiện và thu hút khách hàng, 2 đơn vị này vẫn cần đầu tư phát triển hệ thống trạm sạc dày đặc hơn nữa.