Không chỉ rộng rãi, đem đến sự tiện nghi thoải mái nhất còn thể mà Previa còn thể hiện độ bền bỉ không ngờ sau hơn một thập kỷ sử dụng.
Toyota Previa là một mẫu xe thuộc phân khúc MPV (xe đa dụng) được chính thức đưa vào dây chuyền sản xuất của công ty Toyota Motor kể từ năm 1990. Ít ai biết rằng tên gọi riêng “Previa” là tiếng Tây Ban Nha xuất phát từ “Preview” trong tiếng Anh có nghĩa là “tiên phong”. Chính vì vậy mà Toyota Previa đã từng được xem như một trong những chiến binh tiên phong của phân khúc mẫu xe đa dụng (MPV).
Trải qua hơn 20 năm phát triển và xây dựng nhưng Toyota Previa mới trải qua có ba thế hệ, và chiếc xe mà chúng tôi sử dụng trong bài đánh giá lần này nằm trong thế hệ thứ nhất (1990-2000). Mẫu xe này lúc bấy giờ chỉ được phân phối chủ yếu ở một số thị trường chính là Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Úc, New Zealand và một số nước thuộc khu vực Châu Âu. Cụ thể hơn thế hệ thứ nhất dành cho thị trường Bắc Mỹ kết thúc vào năm 1997 nhưng tại quê hương Mặt trời mọc, mẫu xe dường như được ưu ái hơn khi kết thúc vào năm 2000.
Tại Hoa Kỳ, mẫu xe này được đánh giá là đối thủ đáng gờm trong phân khúc xe đa dụng cùng với 3 ứng cử viên chính trong cuộc chơi đều đến từ nước Mỹ: Dodge Caravan và cặp song sinh Chrysler Town and Country với Plymouth Voyager. Không lâu sau đó, Toyota Previa đã kịp chứng tỏ mình khi đánh bại hầu hết các đối thủ về mặt doanh số và dần trở thành một phương tiện phổ biến ở Mỹ mặc dù tại thời điểm đó giá xe Previa được cho là cao nhất. Danh tiếng từ sự tiết kiệm nhiên liệu của hãng xe Nhật Bản cùng độ an toàn cao là nguyên nhân chính khiến Toyota Previa được lòng các khách hàng Mỹ.
Giới chơi xe Việt Nam biết đến mẫu xe Previa thông qua một số đơn vị xe nhập khẩu vào khoảng giữa thập niên 90. Toyota Previa thế hệ đầu tiên được nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có nguồn gốc từ Mỹ, một số ít được nhập về các nước Châu Âu. Sở hữu chiều dài tổng thể 4.760mm, chiều rộng 1.798mm và chiều cao 1.781mm, Previa luôn gây ấn tượng với bất kỳ ai về sự to lớn cùng vẻ tròn trịa nhờ những đường nét nhẹ nhàng kéo dài từ phần đầu cho đến tận đuôi xe. Phần cản trước được thiết kế có phong cách “xệ” hẳn xuống cùng nguyên liệu nhựa thô khiến chiếc xe trông có phần “ì ạch” khác đặc trưng của dòng xe này. Thân xe không có những đường gân tạo kiểu như những mẫu xe hiện đại nhưng nó lại tô điểm thêm phần nào vẻ hiền lành, chất phác cho chiếc xe. Có lẽ vì cái sự to lớn, thô kệch và tròn trịa đấy là biệt danh “đĩa bay” từ khi nào đã gắn bó với những chiếc xe. Hãy dạo một vòng chợ xe và hỏi về mẫu xe Previa, tôi cá cược với bạn rằng chỉ có 3 trong tổng số 10 người được hỏi biết về chiếc xe này nhưng khi được hỏi với tên gọi “đĩa bay” thì có tới 6 trong số 10 người biết đến.
Nổi tiếng là thế nhưng trải qua năm tháng cùng sự phát triển của xã hội, những mẫu xe cũ dần được thay thế bởi những mẫu xe mới hiện đại, nhiều trang thiết bị và bắt mắt hơn nên số lượng xe hiện nay không còn nhiều như trước, thậm chí tìm được một chiếc xe “ngon” theo đúng nghĩa không hề đơn giản. Tuy nhiên giống như những mẫu xe nổi tiếng khác, Previa cũng có một hội chơi chung với một sở thích chính là Previa. Hỏi về mẫu xe này, mọi thành viên đều có nhận xét chung đó chính là sự tiện lợi, thoái mái khi vận hành và quan trọng chất lượng xe nhập cùng mức giá cho một chiếc xe cũ phù hợp với nhiều người. Chơi Previa cũng không khác gì các thú chơi khác, nó đòi hỏi ba yếu tố chính: đam mê, có thời gian chăm sóc và cuối cùng mới đến kinh tế.
Một chiếc xe Previa cũ để xác định được giá bán người chơi luôn dựa trên yếu tố đời xe và “độ cứng” của chiếc xe sau nhiều năm sử dụng. Những chiếc xe tốt chủ yếu có giá dao động từ 13-17 nghìn đô tùy thuộc vào độ “máu” của người mua. Thậm chí chiếc Previa trong hành trình của chúng tôi được sản xuất năm 1999 thuộc loại hàng hiếm ở Việt Nam bởi chú yếu các xe Previa có mặt tại Việt Nam không quá đời 1997, hơn nữa độ cứng của chiếc xe này cùng lý lịch trích ngang tốt là điều khiến nhiều người chơi xe Previa khác hỏi mua với giá trên 20.000 USD nhưng chủ xe mỉm cười đi kém với hai từ “Không bán”.
Xét về động cơ, mọi mẫu xe Previa nhập về đều được trang bị động cơ có dung tích xy-lanh 2.438cc cùng hộp số tự động 4 cấp, một số ít xe sử dụng hộp số sàn 5 cấp. Ngoài ra những chiếc xe Previa sử dụng hệ truyền động AWD đều có giá đắt hơn. Vào thời điểm đó, đây là một sự lựa chọn thêm cho chiếc xe thay vì sử dụng dẫn động cầu sau của mẫu xe nguyên bản. Những mẫu xe Previa xuất Mỹ lúc đầu đều sử dụng động cơ 2.4L nhưng chỉ có công suất cực đại 133 mã lực tại vòng tia 5.000 vòng/phút. Nhưng nếu so sánh với khối động cơ V6 của đối thủ Đoge hay Plymouth và Chrysler thì Previa lại đứng ở chiếu dưới, không chịu sự thua kém này các kỹ sư của Toyota đã phát triển thêm một bộ tăng áp nâng công suất động cơ lên 160 mã lực. Đây là một sự lựa chọn thêm cho những mẫu xe thuộc model 1994 và 1995 với tên gọi Previa LE tại Mỹ. Kể từ năm 1996, động cơ tăng áp này được áp dụng với tất cả các model Previa và trở thành lựa chọn tiêu chuẩn cho chiếc xe.
Là một chiếc xe gia đình nên sự an toàn được đặt lên trên hết, chỉ một chi tiết nhỏ như cánh cửa sau chỉ được bố trí bên phải cũng đã nói lên phần nào. Điều này sẽ chỉ được nhận ra rõ hơn nếu bạn điều khiển chiếc xe và dừng lại tại điểm đỗ, mức độ nguy hiểm cho người ra bên cửa trái luôn cao gấp đôi so với những người xuống bằng cửa mở bên phải.
Xét về nội thất của Previa cũng không thua kém các mẫu xe sang hiện nay. Các tùy chọn được người mua chấp nhận luôn làm chiếc xe của họ khác với bất kỳ chiếc Previa nào khác. Tuy nhiên một số các tùy chọn dưới đây luôn làm những người chơi xe bây giờ phải thức đêm hôm, tìm kiếm trên những trang web bán phụ tùng để đặt về rồi nâng cấp cho “cục cưng” của mình thành full option. Ví dụ dễ thấy nhất là hàng ghế thứ hai, những chiếc Previa được cho là V.I.P khi hàng ghế thứ hai tách rời tạo cảm giác sang trọng hơn rất nhiều thay vì một băng ghế liền thường thấy. Chưa dừng ở việc hàng ghế thứ hai tách rời, mong muốn nó có thể quay được 180 độ lại khiến bạn mất thêm một khoản tiền đáng kể nữa. 20 triệu đồng là giá cho một bộ hai chiếc ghế xoay hàng thứ hai.
Hai cửa sổ trời hay hộp lạnh trước là điều hiếm hoi ở những chiếc Previa nhưng bạn có biết việc bắt gặp một chiếc Previa có bảng đồng hồ trung tâm với cả đồng hồ đo tốc độ lẫn đồng hồ đo vòng tua máy lại càng hiếm hoi. Bởi lẽ nó chỉ xuất hiện ở một số mẫu xe model cao và chủ yếu là hàng Châu Âu mà những chiếc xe này ở Việt Nam lại không có nhiều. Xét về mặt an toàn thì hệ thống chống bó cứng phanh ABS cũng là một tùy chọn thêm mà không phải xe nào cũng có.
Bất kỳ ai khi bước vào không gian Previa đều phải thốt lên bởi sự rỗng rãi mà hiếm mẫu xe MPV nào có được. Ấn tượng với bảng tap-lô trước được thiết kế đôi chút kỳ lạ với hai các mảng uốn lượn, cao thấp khác nhau khiến chúng như có khả năng gây tò mò cho bất cứ ai. Nổi tiếng với sự sắp đặt khoa học chính vì vậy mọi cho tiết nội thất đều được các kỹ sư sắp đặt một cách tiết kiệm diện tích sử dụng, tăng không gian cho hành khách. Đơn giản như cần số không bố trí ở giữa hàng ghế trước mà được thay thế bằng vị trí bên phải vô-lăng đặc trưng của các dòng xe Mỹ.
Mọi thứ trên chiếc xe đều được chiều chỉnh cơ thay vì điện mà chúng ta bắt gặp ở các mẫu xe hiện thời. Không gian để chân ở cả ba hàng ghế đều khiến bất cứ ai cũng phải hài lòng cho dù đoạn đường bạn đi dài bao xa đi chăng nữa.
Khởi hành từ lúc mặt trời còn chưa kịp thức dậy, do đèn xe thế hệ cũ không còn có sáng nên hầu hết xe trong đoàn đều được thay thế cốt và mặt pha hoặc mặt kính để đảm bảo độ sáng khi di chuyển trời tối. Với tuổi đời hơn 10 năm, hộp số của Previa thể hiện rõ độ giật mỗi khi sang số, đặc biệt là từ số 1 sang số 2. Đòi hỏi người lái phải quen xe và nắm rõ vòng tua máy khi sang số để chiếc xe di chuyển một cách mượt nhất có thể. Tuổi đời cao nhưng mọi chi tiết của chiếc Previa 1999 hầu như vẫn còn thể hiện rõ độ bền như nhựa tap-lô, các chi tiết có thể sinh ra tiếng động xấu sau một khoảng thời gian dài hoạt động hay bắt gặp ở cánh cửa, tap-lô bắt đầu xuất hiện nhưng chỉ khi bạn gặp chỗ sốc lớn mới cảm nhận rõ. Hệ thống chống ồn khá tốt cho đến khi xe đạt vận tốc trên 80 km/h, lúc này các tạp âm bắt đầu lọt vào cabin những sẽ nhanh chóng dập tắt phần nào bằng hệ thống giải trí 6 loa trang bị xung quanh xe đi kèm với một loa sub nguyên bản.
Phần đầu xe có độ vát chéo lớn cùng kính lái rộng là thứ bạn cảm thấy thích thú với việc có thể quan sát được mọi thứ đằng trước cùng lực cản gió được giảm thiểu là thứ giúp Previa phần nào tăng tốc nhanh hơn. Suốt chặng đường dài, đệm ghế với lớp mút dày kết hợp sự linh hoạt, cảm giác “đầm” nhờ sức nặng hơn 1,6 tấn của chiếc xe luôn giúp bạn cảm thấy thoải mái và ít mệt mỏi hơn. Hệ thống điều hòa với dàn lạnh trước, sau tách rời vẫn đủ để làm xóa tan cơn lạnh đầu năm đang hoành hành bên ngoài nhờ hệ thống sưởi.
Cung đường từ Hà Tĩnh đến Viên Chăn phải vượt qua dãy núi Trường Sơn để lên đến đỉnh cho kịp giờ làm thủ tục xuất ngoại cho đoàn xe tại Cửa khẩu Cầu Treo có lẽ là đoạn đường gây khó khăn nhất cho cả đoàn xe. Cơn mưa rừng như đã biết trước “mai phục” đoàn xe ngay từ chân núi khiến cả đoàn phải đi chậm lại, từng khúc cua quanh co cùng với hạt mưa rừng như đập thẳng muốn phá tan cửa kính xe. Cả đoàn xe luôn lên dốc với vòng tua máy xung quanh từ 1.800 cho đến 2.500 vòng/phút tùy từng đoạn. Gần đến đỉnh núi, lúc này cơn mưa không còn đeo bám nữa mà thay vào đó những làn sương mờ tà tà bám lấy thân xe như thể bạn đang đưa cả đoàn xe vào xứ sở sương mù cùng cái lạnh giá rét vẫn còn đấy, chỉ cần mở hé cửa kính, cái lạnh đã kịp len vào làm buốt mặt người lái.
Một nửa quãng đường đã đi qua, chặng đường đổ đèo sẽ quyết định ai là người có tài đi xe. Luôn hạn chế phanh mà thay bằng để số thấp đẩy vòng tua máy lên cao là điều mà người đi đầu luôn nhắc nhở lái xe. Những con dốc thoải vẫn được hoạt động với cấp số D, một số những đoạn đổ dốc có độ nghiêng cao đòi hỏi người lái phải dồn về số 2 để đảm bảo xe không bị trôi.
Hơn 700 km đã trôi qua cùng với việc mặt trời đã xuống núi, cả đoàn quyết định dừng chân tại Nong-khai cách thủ đô Viên Chăn hơn 100km nữa. 9h sáng ngày hôm sau, những chiếc “đĩa bay” tiếp tục lên đường làm nhiệm vụ hoàn thành nốt quãng đường còn lại. Đường vắng cộng với văn hóa giao thông văn minh của người Lào giúp cho người lái phần nào bớt căng thẳng và thời gian sẽ được rút ngắn lại khi tốc độ liên tiếp được tăng lên, ở tốc độ 120 km/h Previa vẫn tỏ ra ổn định và rất linh hoạt. Ở tốc độ 100 km/h, Previa hoạt động ở vòng tua máy 2.200 vòng/phút do mới chỉ được trang bị hộp số tự động 4 cấp. Những khúc cua thoải vẫn được Previa vượt qua với vận tốc 80 km/h một cách dễ dàng.. Gần vào đến thành phố, lúc này cái nóng bắt đầu cảm nhận rõ, mở cửa để nếm được cái vị nóng của nước bạn. Ở cửa sổ các hàng ghế sau của mẫu xe Toyota Previa đều không hạ xuống được nhưng các kỹ sư đã thiết kế theo dạng mang cá. Chỉ cần mở hé sang ngang nhưng những cơn số vẫn có cơ hội ùa vào đi lướt qua làn tóc hành khách đem theo cảm giác sảng khoái và hồi hộp để được chiêm ngưỡng thành phố Viên Chăn.
Sau hơn 1.600 km di chuyển, những chiếc Previa trở về Hà Nội đem theo cảm giác thoải mái, an toàn cho bất kỳ ai trong đoàn. Điều quan trọng hơn, Toyota Previa đã khẳng định được chất lượng của mình cho dù có những chiếc xe đã có tuổi đời gần 15 năm tuổi. Lượng nhiên liệu tiêu thụ trên quãng đường hỗn hợp là 12 l/100 km. Đây là con số phù hợp cho một chiếc xe “già cỗi” sử dụng động cơ 2.4L. Và Previa chắc chắn khẳng định được mình không hề thua kém về sức bền với những thế hệ sau này, quan trọng hơn nó làm cho chủ nhân tự hào về khoản đầu tư ít hơn 500 triệu nhưng đem lại nhiều lợi ích hơn thế!
Hãy cùng chia sẻ với Autopro trải nghiệm trên cung đường tuyệt vời này:
Ảnh: Astrid