Trải nghiệm xe đạp điện trị giá 57 triệu đồng

0
37
Với kiểu dáng cổ điển và thiết kế thể thao, mẫu xe đạp điện e-Solex được bán với giá 2.800 USD (khoảng 57 triệu đồng).

Nhãn hiệu Solex được thành lập vào năm 1905 bởi 2 người Pháp là Marcel Mennesson and Maurice Goudard. Sau hơn 105 năm hoạt động, Solex mang đến rất nhiều mẫu xe đạp máy đã từng trở thành niềm mơ ước của nhiều người.

Tại Việt Nam, trong những năm sau giải phóng, những chiếc xe đạp máy như Solex, Peugeot hay Mobylette thực sự là cả một gia tài. Vào thời điểm đó, những người sở hữu xe Solex phần lớn đều thuộc gia đình trung lưu và trí thức.
 
Một thời gian sau đó, các dòng xe máy như Cub, Dream rồi đến Wave, Viva, Future… bắt đầu tràn vào Việt Nam và dần thay thế những chiếc Solex “cổ lỗ sĩ” nhờ những ưu điểm về kiểu dáng, tốc độ và tính tiện dụng. Tuy không còn xuất hiện trên đường phố hiện nay nhưng Solex vẫn tồn tại như một niềm đam mê trong lòng nhiều người yêu xe Việt Nam.
 
img
 
Trước xu thế chuộng các dòng sản phẩm tiết kiệm nhiên liệu và thân thiện với môi trường của ngành công nghiệp xe thế giới, hãng Solex cũng quyết định hòa nhập bằng mẫu xế điện mang tên e-Solex. Dòng xe Solex trước đây nổi bật với thiết kế môtơ nằm ngay trên bánh trước và truyền động trực tiếp lên lốp. Chính điều này đã tạo nên thiết kế độc đáo của Solex và mang đến cảm giác khác lạ cho người lái. Chuyển sang phiên bản e-Solex, các nhà thiết kế đã đưa phần môtơ điện xuống vị trí gầm xe dưới yên. Trên bánh trước của mẫu xế điện xuất hiện một hộp đèn nhằm duy trì kiểu dáng như dòng Solex cổ. Tuy nhiên, đây chỉ là hộp cốp đựng đồ và đèn pha trước của xe. Với những người đam mê dòng Solex cổ, thiết kế của mẫu xế điện có thể gây chút thất vọng vì không còn có cơ hội trải nghiệm cảm giác được “kéo đi” trên đường như trước.
 
img
 
Không giống những chiếc Solex trước đây, e-Solex được trang bị tay lái mang phong cách thể thao với 2 đồng hồ hiển thị điện tử. Đồng hồ phía trên hiển thị thông tin về tốc độ xe, quãng đường đã đi và dung lượng pin còn lại. Trong khi đó, đồng hồ điện tử phía dưới dùng để báo giờ.
 
img
 
Một điểm nhấn khá lạ trên e-Solex chính là cảm biến sóng điện thoại của đồng hồ điện tử. Cụ thể, khi người lái có cuộc gọi tới, đèn LED màu cam sẽ nhấp nháy để thông báo cho họ biết. Điều này rất thuận tiện với những người thường xuyên cài đặt điện thoại ở chế độ rung và để trong túi xách hoặc ví.
 
img
 
Ngay dưới cổ tay lái chính là phần gióng xe. Ở những chiếc Solex chạy xăng thông thường, đây là phần được các nhà thiết kế uốn cong mềm mại nhằm tạo cảm giác nhẹ nhàng nhưng không kém phần khỏe khoắn. Tuy nhiên, với e-Solex, phần gióng được thiết kế lớn hơn và chạy thẳng xuống sàn xe bởi đây chính là nơi chứa cụm pin Lithium-Polymer 37 V x 16 Ah (592Wh). Nhờ đó, e-Solex có thể chạy liên tục trong 35-40 km sau mỗi lần sạc đầy pin.
 
Với kích thước và trọng lượng khá lớn (3,9 kg), cụm pin Lithium-Polymer của e-Solex đảm bảo năng lượng cần thiết để duy trì hoạt động e-Solex. Do đó, thời gian cần để sạc đầy pin cho e-Solex cũng khá dài, khoảng 8 tiếng. Người dùng có thể trực tiếp cắm sạc điện bằng adapter đi kèm xe vào lỗ sạc nằm ngay dưới yên. Trong trường hợp không có ổ điện nào gần vị trí đỗ xe, người dùng có thể tháo rời pin và mang đến nơi thuận tiện để sạc.
 
img
 
Điểm trừ lớn nhất đối với e-Solex có lẽ chính là phần yên xe. Với thiết kế to bản, yên của e-Solex đủ rộng cho người lái. Tuy nhiên, yên lại khá cứng và phần giảm xóc bên dưới hoạt động kém êm ái mỗi khi xe đi vào chỗ xóc nên tạo cảm giác không thoải mái cho người lái.

Phía sau, e-Solex có thêm phần nối dài dùng để lắp cốp đựng đồ cho xe. Với thiết kế như vậy, e-Solex rõ ràng không phải mẫu xe dành cho 2 người. Thêm vào đó, với môtơ điện Brushless 400W – 36V và tốc độ tối đa 26 km/h, e-Solex cần rất nhiều điện năng để chở được 2 người. Bản thân xe cũng không có giảm xóc cho bánh sau nên chỉ phù hợp cho 1 người sử dụng.

img
 
Khi vận hành thử chiếc e-Solex, có thể nhận ra cảm giác “bon” của xe. Sau khi người lái vặn tay ga và qua được ngưỡng trễ của bộ ly hợp, tiếng môtơ của xe gằn lên một chút. Xe bắt đầu từ từ chuyển động và tăng tốc đều đặn. Ngay khi xe đạt tốc độ 14 km/h, tiếng gằn của môtơ biến mất, thay vào đó là sự yên tĩnh lạ thường. Không tiếng máy móc ồn ào, chỉ có một cảm giác thoải mái cho người lái khi xe cứ từ từ tăng tốc trên đường. Để đạt vận tốc tối đa 26 km/h, e-Solex mất khoảng 6 giây.
 
Qua quá trình chạy thử e-Solex, có thể thấy tốc độ tối đa của xe sẽ giảm dần tương ứng với dung lượng pin. Ví dụ, khi dung lượng pin còn 2/3, xe chỉ có thể đạt tốc độ 24 km/h. Với 1/3 pin dung lượng pin, tốc độ tối đa của xe chỉ còn 22 km/h.
 
img
 
e-Solex được trang bị 2 phanh đĩa cho cả bánh trước và bánh sau. Một điểm khá lý thú là khi người lái bóp phanh sau, hệ thống điều khiển của e-Solex cũng sẽ đồng thời tự ngắt ga của xe, từ đó giúp giảm tốc độ nhanh chóng. Điều này đảm bảo sự an toàn cho người lái trong những tình huống khẩn cấp.
 
img
 
Đèn pha phía trước của e-Solex có tầm chiếu sáng xa nhưng cường độ khá nhẹ. Ưu điểm của đèn pha là góc chiếu rộng, đặc biệt hữu dụng trong trường hợp xe di chuyển trong những con phố hoặc ngõ nhỏ. Các vầng sáng tròn xung quanh sẽ giúp người lái tránh được những chướng ngại vật bất ngờ xuất hiện 2 bên đường.

Một kinh nghiệm cho các bạn khi lái xe e-Solex là không nên quá dựa dẫm vào môtơ điện. Trong những tình huống như xe phải lên dốc hay khi đề pa xuất phát, các bạn có thể đạp pedal xe đồng thời vẫn vặn ga để tạo thêm lực và giúp xe nhanh chóng đạt tốc độ ổn định. Điều này rất có ích vì nó vừa giúp bạn rèn luyện thể lực lại vừa giảm tải cho môtơ xe, từ đó kéo dài quãng đường sử dụng pin.

Nếu các bạn có ý định tìm một chiếc xe đạp điện để đi dạo phố thì e-Solex là một lựa chọn phù hợp với kiểu dáng cổ điển, lịch lãm kết hợp cùng thiết kế hiện đại, thể thao và tính năng vận hành mượt mà, thân thiện môi trường. Tất nhiên, với mức giá 2.800 USD (khoảng 57 triệu đồng), e-Solex có lẽ không phải là sự lựa chọn hàng đầu của nhiều người Việt Nam.
 
Thêm một số hình ảnh của e-Solex:
 
img

img

img

 
img
 
img
 
img
 
img
 
img

img

Theo MaskOnline