Có thể lấy ngay Mercedes-Benz GLC; BMW X3 hay Audi Q5 để làm thước đo cho luận điểm này. Bởi lẽ tại thị trường Việt Nam, Ford Explorer đang được thương hiệu Mỹ phân phối với duy nhất một phiên bản Limited, có giá bán 2,4 tỷ đồng – tương đương các mẫu xe sang kể trên.
Đầu tiên phải kể tới khối động cơ EcoBoost 4 xi-lanh dung tích 2.3L kết hợp với hộp số tự động 10 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian trên xe. Ford Explorer có thể đạt công suất cực đại 300 mã lực và lực mô-men xoắn tới 432 Nm. Người dùng cũng có thể tùy chỉnh tới 7 chế độ vận hành khác nhau – tức là vượt trội hơn các mẫu xe sang cùng tầm tiền (vốn sở hữu khối động cơ 2.0L tăng áp kép và hộp số 7 – 9 cấp.
Tất nhiên, mỗi thương hiệu xe sang đều sở hữu một công nghệ vận hành riêng biệt với cực kỳ nhiều tính năng tinh vi phức tạp, nhằm cải thiện cảm giác lái. Tuy nhiên cũng không thể phủ nhận công suất vượt trội của Explorer so với các mẫu xe này, bởi bản thân Ford cũng là một nhà sản xuất lâu đời, nắm giữ nhiều công nghệ không kém các thương hiệu Đức. Chưa kể tới bản thân Explorer cũng là sản phẩm top đầu trong danh mục kinh doanh của thương hiệu Oval xanh.
Công nghệ tiếp theo mà Ford Explorer có thể “đánh bại” các mẫu xe sang, đó là tính năng hỗ trợ đỗ xe tự động. Thậm chí tính năng này đã được mang xuống cả các mẫu xe bình dân thấp cấp như Ford Focus từ những năm 2013 (cách đây 10 năm). Vậy mà cho đến giờ, các mẫu xe gầm cao cỡ D của nhà “Mẹc”, “Bim”, hay Audi vẫn chưa được trang bị tính năng này.
Hay những trang bị tiện ích ngoại thất rất nhỏ, như: gương chiếu hậu hông có sấy và nhớ vị trí hoặc cửa cốp đóng mở điện thông minh có tính năng chống kẹt, camera sau có khả năng tự vệ sinh; hay đặc biệt là dãy số an ninh dạng cảm ứng trên cột B để người dùng có thể mở cửa vào trong xe mà không cần chìa khóa – cũng là những thứ mà Ford Explorer tỏ ra “thông minh” hơn.
Về các tính năng thông minh hỗ trợ lái, Explorer được nhà sản xuất Mỹ trang bị gói Ford Co-Pilot 360 “xịn xò” với khả năng hỗ trợ đánh lái tránh va chạm và kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control). Đây là các tính năng vượt trội của Explorer, trong khi các tính năng thông minh khác cũng rất đầy đủ – tương đương các mẫu xe sang: cảnh báo và hỗ trợ phanh tránh va chạm trước, cảnh báo điểm mù kết hợp cảnh báo và phanh tự động phòng tránh phương tiện cắt ngang phía sau; đèn pha thông minh; hỗ trợ giữ làn…
Tiếp theo, khoang nội thất là nơi Ford Explorer có thể tiếp tục khiến nhiều mẫu xe sang phải “khó thở” khi so bì về mặt trang bị (dù tất nhiên, về vật liệu hay chất lượng hoàn thiện thì Ford khó có cửa “chòi vào mâm” các thương hiệu xe sang).
Mẫu SUV Fullsize đến từ Mỹ được trang bị ghế chỉnh điện có nhớ vị trí, kèm theo cả khả năng sưởi cũng như làm mát lưng; riêng hàng ghế thứ 3 có thể gập điện; cần số điện tử dạng núm xoay; 2 màn hình thông tin sau vô-lăng và chính giữa bảng táp-lô; hệ thống âm thanh giải trí lên tới 12 loa đến từ thương hiệu Bang & Olufsen; sạc và kết nối Apple CarPlay / Android Auto không dây, điều khiển giọng nói có tích hợp dẫn đường bằng GPS…
Còn nhiều trang bị khác mà Ford Explorer cũng vượt trội hơn nhiều mẫu xe sang cỡ D đang lăn bánh tại Việt Nam, nhưng không phải là các tính năng thông minh nên sẽ được lược bỏ trong bài viết.
Nói như vậy không có nghĩa Ford Explorer vượt trội hơn các mẫu xe sang. Mỗi chiếc xe đều mang một giá trị riêng; và đối với xe sang, trải nghiệm sử dụng cũng như giá trị thương hiệu là những thứ dù vô hình nhưng lại luôn được khách hàng đong đếm và ưu tiên khi bỏ tiền ra để sở hữu.
Anh Phan (Tuoitrethudo)