Lực lượng cứu hỏa ở Mỹ đang phải cập nhật các phương pháp chữa cháy xe mới trong bối cảnh ngày càng có nhiều xe điện lăn bánh trên phố. Cháy bộ pin lithium-ion nổi tiếng khó xử lý nếu chỉ dùng vòi cứu hỏa truyền thống; nhiều vụ cháy cần cả chục ngàn lít nước mới dập được.
Theo trang NewsNation, đã xảy ra ít nhất 4 vụ cháy xe Tesla chỉ trong vòng một tuần qua, sau trận bão Ian tại Mỹ. Nước biển và pin lithium-ion kị nhau, vì muối trong nước biển gây ăn mòn và có thể phá hủy các bộ phận nhạy cảm bên trong bộ pin hoặc kết cấu xung quanh. Khi cháy xe điện, cực kỳ khó dập lửa vì hơi nóng quá lớn. Và đó cũng là lý do bộ pin có thể “bỗng nhiên” cháy nhiều ngày sau khi xảy ra vụ cháy ban đầu.
Theo hướng dẫn chữa cháy của Tesla dành cho mẫu Model S, cần 3.000-6.000 gallon nước (13.638-36.368 lít) để dập tắt lửa, nhiều gấp 3-8 lần so với chữa cháy xe xăng. Ngoài ra, nguy cơ xe điện bỗng nhiên bốc cháy trở lại sau khi đã dập lửa nhiều ngày khiến một số phòng cứu hỏa phải ngâm cả chiếc ô tô trong nước ngọt một thời gian để phòng ngừa.
Đây là nguy cơ không phải của riêng xe Tesla, mà với xe chạy điện nói chung. Đã xảy ra một vài sự cố gây thiệt hại nghiêm trọng liên quan tới việc cháy pin. Đáng chú ý nhất là vụ một chiếc tàu chở xe Porsche và Bentley trị giá hàng triệu USD bốc cháy và chìm ở Đại Tây Dương sau khi những chiếc xe mang pin lithium-ion bốc cháy trong khoang chứa hàng.
Trên thực tế, pin của ô tô điện không dễ dập tắt hoàn toàn, mà chỉ có thể dùng một lượng lớn nước làm mát nó. Do đó, phần bị cháy của xe sẽ phải được giữ trong một bể chứa nước hoặc một thùng chứa đặc biệt nhằm tránh không bị kết dính.