Đang tư vấn phát triển du lịch cho nhiều địa phương ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, chuyên gia Phan Đình Huê cho rằng muốn phát triển thành công một điểm đến thì dựa vào những tài nguyên khác biệt để tạo ra những trải nghiệm độc đáo, đáng nhớ.
Và đến Đồng bằng sông Cửu Long, các không gian chợ nổi gắn với phong tục, tập quán của người dân cũng như hoạt động sinh hoạt trên mặt nước mang được giá trị như thế.
Du lịch đang dựa vào chợ nổi
Chợ nổi Cái Răng là một trong những chợ nổi bán sỉ lớn nhất khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm ngay cửa ngõ kết nối đô thị với vùng nông thôn.
Chợ cũng là khởi đầu của nhiều tuyến kênh nổi tiếng. Đến nay, du khách về Cần Thơ cũng sẽ tìm đến ngay bến Ninh Kiều, chợ nổi Cái Răng, đó là những đặc trưng mà không ai muốn bỏ qua, vì không đến thì cảm thấy thiếu.
Khác với những sản phẩm du lịch khác, chợ nổi chỉ sống được khi có họp chợ, có đi lại, có mua bán. Nhưng sự thay đổi của luồng giao thông, cách thức đi lại khiến vai trò của những chợ nổi giảm đi trong hoạt động giao thương của người dân, lượng ghe xuồng vì thế đang ngày càng ít đi, nếp sinh hoạt của người dân trên mặt nước không còn tấp nập như trước, dẫn đến một số chợ nổi bắt đầu “chìm” dần.
“Đành rằng số lượng ghe phải giảm vì xu thế, nhưng giảm đến mức ‘trống vắng’ như bây giờ là bất thường, cần phải xem xét nghiêm túc”, ông Huê đặt vấn đề.
Chợ nổi Cái Răng hiện vẫn đang được đưa vào làm du lịch, nhưng trớ trêu rằng đưa khách đến để tham quan có tạo ra lợi nhuận gì cho người địa phương. Du lịch đang sống dựa vào chợ nổi, nhưng chợ nổi lại chưa được hưởng lợi gì từ du lịch.
Với cách tổ chức đưa khách đến tham quan rồi đi như hiện nay thì thu nhập của những người dân đang kiếm sống trên khu chợ này không cải thiện là bao. Chưa kể mua hàng thì bị “chặt chém” khiến khách du lịch muốn mua cũng rất e ngại.
Ghe xuồng không thể nối liền bờ
“Các chuyến khảo sát của chúng tôi gần đây cũng thấy kết nối giữa chợ nổi trên bờ rất trắc trở. Xưa, ghe xuồng dễ dàng tấp bờ luân chuyển hàng hóa, để buôn bán với bờ, đưa hàng hóa lên xuống nhịp nhàng, các kết nối này đã có từ hàng trăm năm nay. Nhưng nay, các công trình kè đê xây bờ rất cao, khiến cho ghe xuồng ‘đứt gánh’ với bờ, lên cũng khó mà xuống cũng khó”, ông Huê nói thêm.
Chuyên gia này cho rằng chúng ta đã có những nỗi lo sợ về ô nhiễm, biến đổi khí hậu, nhưng song song đó cũng cần có những nghiên cứu để bảo tồn, tôn trọng các không gian sinh hoạt, văn hóa của người dân.
Cuối cùng, chúng ta nỗ lực tổ chức chợ nổi hoạt động nhưng không theo một chuỗi giá trị, điểm đầu đến điểm cuối. Hiện du khách mua tour đến chợ nổi chỉ để xem qua loa rồi về sớm để tránh nắng nóng, không có trải nghiệm hay biết thêm gì mới mẻ. Như một tất yếu, khách đến mua hàng ở chợ nổi giảm thì người dân phải chuyển sang nghề khác để sống.
Chợ nổi mất đi thì các không gian “ăn theo” chợ nổi từ nhà hàng, khu nghỉ dưỡng cũng bị ảnh hưởng.
“Một người bạn nước ngoài của tôi nhiều năm trước tình cờ đến Đồng bằng sông Cửu Long và biết đến chợ nổi, ông đã quyết định đầu tư một khu nghỉ dưỡng vì quá yêu mến nét văn hóa này. Và sau nhiều năm, nhà đầu tư này đang sốt ruột vì khu chợ nổi đang vắng dần, chỉ còn lèo tèo vài chiếc ghe buôn bán buổi sáng. Ông lo lắng: Khách quốc tế đến Đồng bằng sông Cửu Long sẽ xem gì, ngắm gì nếu không còn chợ nổi?”, ông Huê nói.
Còn anh Thành Vinh, du khách vừa trở về từ Thái Lan, cho biết có dịp đến chợ nổi Damnoen Saduak thì thấy khu chợ này chủ yếu bán lẻ, phục vụ trực tiếp du khách. Nhiều du khách chủ yếu mua trái cây, trải nghiệm ẩm thực, chứ hàng lưu niệm cũng bán khá chậm.
“Quan trọng là du khách cảm nhận được không gian sinh hoạt, nếp sống của người dân khi đến đây nên chợ vẫn rất nhộn nhịp”, anh Vinh chia sẻ.
Tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND TP Cần Thơ tổ chức vào ngày 5-7, chất vấn giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy phản ảnh: Khách du lịch chê chợ nổi Cái Răng chẳng có gì ngoài mấy chiếc ghe.