Con đường toàn cầu hóa của xe điện Trung Quốc

0
31
Các hãng sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc tăng cường mở rộng các nhà máy ở nước ngoài, nhất là những nơi ổn định nguồn cung.

Hơn 1.000 năm trước, huyết mạch nối liền Trung Hoa rộng lớn với vùng đất Tây Á và châu Âu vốn là nơi buôn bán các sản phẩm tơ lụa và gốm sứ. Ngày nay, con đường tơ lụa huyền thoại bắt nguồn từ Tây An, tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, đang chuyển sang giao thương các sản phẩm năng lượng mới, dẫn đầu là xe điện.

Giải pháp chuyển đổi xanh

Theo China Daily, nhờ tiết kiệm chi phí, chất lượng cải thiện và dịch vụ hậu mãi tốt, các dòng xe năng lượng mới (NEV) của Trung Quốc đang trở thành lựa chọn cho các giải pháp chuyển đổi xanh ở nhiều quốc gia và chiếm thị phần lớn, đặc biệt là các nền kinh tế đang phát triển. Thời gian qua, không ít nhà sản xuất xe điện và phụ tùng ôtô Trung Quốc đã đẩy mạnh việc mở rộng nhiều cơ sở sản xuất ở nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn.

Truyền thông và chính trị gia phương Tây coi đây là tình trạng dư thừa công suất và cho rằng Trung Quốc đang bán phá giá sản phẩm ở nước ngoài. Phía Trung Quốc phản biện rằng sự phát triển của họ không chỉ thúc đẩy quá trình chuyển dịch xanh toàn cầu, mang lại lợi ích cho người tiêu dùng nhờ cắt giảm chi phí, mà còn mở ra nhiều cơ hội cho các công ty trên toàn cầu.

  • Khách hàng xem xe điện BYD tại một đại lý ở tỉnh Vân Nam, tháng 5/2024. Ảnh: China Daily

Fu Bingfeng, Phó tổng thư ký Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc (CAAM) cho biết lượng xuất khẩu xe thương hiệu Trung Quốc cao do chất lượng sản phẩm ngày càng cải thiện, công nghệ và dịch vụ đều được nâng cấp. Trong hai tháng đầu năm nay, Trung Quốc xuất khẩu khoảng 831.000 xe, tăng 21,9% so với kỳ cùng năm ngoái, trong đó có 285.000 xe năng lượng mới, tăng 11,1%. Trước cáo buộc “dư thừa công suất”, Fu cho biết tỷ lệ sử dụng công suất nhà máy NEV của Trung Quốc hiện ở mức hợp lý với hơn 70%.

“Người tiêu dùng ưa chuộng xe NEV của Trung Quốc vì chúng lấp đúng vào khoảng trống thị trường. Sự phát triển này còn có thể trở thành tư liệu tham khảo về chính sách hay công nghệ cho quá trình phát triển NEV của thế giới nói chung, qua đó đóng góp cho sự phát triển xanh của toàn cầu”, ông nhấn mạnh.

Norbert Wiest, Tổng giám đốc của SW China, công ty con của nhà sản xuất thiết bị máy móc SW Đức, nhận định: “Ngành công nghiệp ôtô của Trung Quốc vươn ra toàn cầu là hợp lý. Lịch sử đã chứng minh mọi nền kinh tế có tầm ảnh hưởng và phát triển nhanh chóng đều nhờ mạo hiểm bước ra khỏi vùng an toàn. Trong quá trình phát triển ngành công nghiệp ôtô, Nhật Bản đã mở rộng phạm vi hoạt động trên toàn cầu, các nhà sản xuất phụ tùng gốc của Đức cũng đạt thành công đáng kể khi xuất khẩu sang Trung Quốc”.

Cũng theo Wiest, mức giá cạnh tranh của các sản phẩm Trung Quốc xuất phát từ công nghệ tiến bộ và quy mô sản xuất lớn. Hiện nay, nhiều khách hàng của SW tại Trung Quốc là nhà cung ứng cấp một (tier-1) cho các công ty sản xuất phụ tùng gốc. Trong hai năm qua, chi nhánh của SW tại Hungary đã ghi nhận sự bùng nổ về kinh doanh, phần lớn nhờ các đơn hàng từ công ty sản xuất phụ tùng ôtô Trung Quốc có cơ sở sản xuất ở nước sở tại. Trong khi đó, khoảng 40% thu nhập toàn cầu của SW trong năm 2023 đến từ các đơn hàng Trung Quốc.

  • Khách hàng xem xe điện BYD tại một đại lý ở tỉnh Vân Nam, tháng 5/2024. Ảnh: China Daily
  • Khách tham quan xem sản phẩm của SW tại triển lãm máy cơ khí ở Thượng Hải, Trung Quốc, tháng 4/2018. Ảnh: China Daily

Ngoài SW, EMAG Group – tập đoàn sản xuất máy công cụ của Đức – cũng cho biết sẽ khai thác các cơ hội từ thị trường NEV đang phát triển của Trung Quốc với khoản đầu tư vài triệu euro trong vòng 3-5 năm tới. Markus Clement, Giám đốc điều hành toàn cầu của EMAG Group đánh giá Trung Quốc đang đóng vai trò quan trọng trong việc định hình cấu trúc toàn cầu của EMAG và hãng sẵn sàng ủng hộ đối tác Trung Quốc ở thị trường nội địa và quốc tế.

Bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ôtô Trung Quốc đang đối mặt với nhiều thách thức lớn, trong đó có cuộc điều tra của Liên minh châu Âu (EU) về các khoản trợ cấp của chính phủ nước này dành cho các nhà sản xuất xe điện. Tháng 5 vừa qua, chính phủ Mỹ đã quyết định áp đặt thuế bổ sung với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như xe điện, pin lithium, bên cạnh các mức thuế hiện có. Từ năm nay, Mỹ cũng sẽ tăng mức thuế với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc từ 25% lên 100%.

Giới phân tích cho rằng dù thị phần NEV của Trung Quốc tại thị trường Mỹ tương đối nhỏ, song Washington lo ngại sự tăng trưởng nhanh chóng có thể là mối đe dọa đến khả năng cạnh tranh của họ.

Từ Trung Âu ra thế giới

Chen Shihua, phó tổng thư ký của CAAM lý giải, với tình trạng phi toàn cầu hóa và tình hình địa chính trị phức tạp như hiện nay, khách hàng nước ngoài dù là đại lý hay nhà sản xuất, sẽ lưu tâm hơn đến vấn đề an toàn của chuỗi cung ứng thay vì chi phí. Họ sẽ ưu tiên các nhà cung cấp NEV hoặc phụ tùng ôtô có khả năng sản xuất ở những nơi có vị trí thuận lợi.

Xu hướng này thúc đẩy các nhà sản xuất ôtô và nhà cung cấp phụ tùng Trung Quốc bước chân ra thị trường quốc tế. Trong đó, Trung Âu và Mexico được coi là điểm đến quan trọng.

Trung Âu, Serbia và Hungary được đánh giá là nơi có vị trí chiến lược, chính sách thuận lợi và những nỗ lực thu hút đối tác. Với việc triển khai thỏa thuận thương mại tự do Serbia – Trung Quốc, hơn 90% sản lượng thương mại giữa hai nước sẽ được miễn thuế từ tháng 7 năm nay; các lĩnh vực được hưởng lợi trước tiên sẽ bao gồm ôtô, pin lithium và điện mặt trời.

Trong khi thuế doanh nghiệp thấp, chính sách chào đón đầu tư nước ngoài, cùng sự hiện diện trước đó của các cơ sở sản xuất xe Đức, cũng khiến Hungary trở thành điểm đến lý tưởng. Chervon-Auto, một nhà sản xuất linh kiện ôtô niêm yết tại Thượng Hải, Trung Quốc, đã đánh dấu sự hiện diện của mình tại Hungary với khoản đầu tư khoảng 129,8 triệu USD vào năm 2021 và hoàn thiện nhà máy tại đây vào năm 2023.

Shi Jiaqi, giám đốc dự án nước ngoài của Chervon-Auto, cho biết: “Các đơn đặt hàng từ nước ngoài thường chiếm khoảng 40-50%, trong đó khoảng 80% đến từ châu Âu. Để thấu hiểu cũng như đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng, việc thành lập cơ sở sản xuất ở nước ngoài là rất cần thiết”. Trong vòng 3-5 năm, công ty có kế hoạch mở trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Hungary để đáp ứng nhu cầu khách hàng khu vực châu Âu.

Cũng như cách mà Mỹ, Đức và Nhật Bản từng đưa chuỗi cung ứng của họ ra nước ngoài từ nhiều thập kỷ trước, Shi cho rằng toàn cầu hóa là hướng đi cần thiết không chỉ với các nhà sản xuất ôtô và phụ tùng Trung Quốc mà còn với các hãng khác trên toàn cầu.

Zhejiang Shuanghuan Driveline, một doanh nghiệp sản xuất hộp số ôtô niêm yết ở Thâm Quyến, cũng đã đầu tư 132 triệu USD cho dự án giai đoạn đầu ở Hungary.

“Ưu tiên hàng đầu của chúng tôi là môi trường đầu tư ổn định, ngay cả khi yếu tố này khiến chi phí hậu cần cao hơn. Sự tương đồng về văn hóa giúp chúng tôi áp dụng hệ thống quản lý hiệu quả. Thêm vào đó, Hungary còn đóng vai trò trung tâm trong quá trình chuyển dịch về phía đông của ngành sản xuất khu vực châu Âu. Nhiều hãng lớn như Audi và BMW cũng đang thành lập các nhà máy ở khu vực này đấy thôi”, người phụ trách các dự án ở nước ngoài của công ty, Wang Binlian giải thích.

Minh Long