Va quẹt xe, ứng xử sao cho hợp lý?

0
25
Tài xế nói gì về văn hóa giao thông cãi nhau sau va quẹt trên đường? Hiểu đúng về giữ nguyên hiện trường để đảm bảo quyền lợi từ công ty bảo hiểm?
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên cao tốc - Ảnh: D.X.

Hiện trường một vụ tai nạn giao thông trên cao tốc – Ảnh: D.X.

Tuổi Trẻ trích ý kiến bạn đọc xung quanh việc này.

– Anh Huỳnh Tấn Tài (kỹ sư cầu đường):

Chiếm dụng mặt đường để cãi nhau, nguy cơ va chạm liên hoàn

Vài lần đi trên cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, TP.HCM – Trung Lương, tôi thấy những vụ va quẹt nhỏ, xe trầy xước nhỏ nhưng hai bên dừng lại tranh cãi kịch liệt.

Trong khi đó hàng trăm, hàng nghìn người đi đường khác phải “bò” trên cao tốc để chờ đợi lực lượng chức năng, bảo hiểm đến giải quyết. Như vậy vừa ảnh hưởng giao thông, nguy cơ xảy ra va chạm liên hoàn, còn dẫn tới thiệt hại kinh tế.

Tất nhiên, quy định về giữ nguyên hiện trường sau va chạm đã được pháp luật quy định và mọi công dân phải chấp hành. Nhưng về phía người lái xe, trong trường hợp xảy ra va chạm nhẹ, không có người bị thương, xe chỉ hư hỏng nhẹ, lái xe có thể cân nhắc thỏa thuận nhanh rồi đi tiếp, tránh chiếm dụng mặt đường quá lâu gây cản trở giao thông.

– Anh Lê Hùng (tài xế 10 năm lái xe đường dài):

Nên linh hoạt xử lý theo tình huống

Theo đúng trình tự, sau khi xảy ra tai nạn, người lái xe hoặc người đi đường cần dừng phương tiện, giữ nguyên hiện trường, cấp cứu người bị nạn (nếu có). Người gây va chạm phải có mặt ngay khi cơ quan có thẩm quyền yêu cầu.

Tuy nhiên, bằng kinh nghiệm thực tế tôi cho rằng tài xế phải linh động xử lý tùy vào tình huống và mức độ. Xe tôi từng bị đụng trên đường cao tốc, xe móp nhẹ, trầy xước không đáng kể. Thấy dòng xe bắt đầu ùn ứ, tôi chủ động yêu cầu xe bên kia cùng đưa xe vào làn khẩn cấp tránh gây cản trở, nguy hiểm.

Đối với trường hợp mức độ thiệt hại cao, tốt nhất tài xế lập tức liên hệ với nhân viên bảo hiểm để hỏi xem họ có đến hiện trường ngay được không. Nếu nhân viên bảo hiểm không kịp thời có mặt, tài xế quay phim lại hiện trường, đánh dấu vị trí các xe và đợi cơ quan chức năng đến lập biên bản.

Trường hợp tai nạn nghiêm trọng có người bị thương, xe hư hỏng nặng thì lập tức đưa người bị nạn đi cấp cứu. Đồng thời chờ cơ quan chức năng đến lập biên bản, thực hiện đo vẽ hiện trường. Bên bảo hiểm sẽ làm việc dựa vào biên bản của cơ quan chức năng.

– Chị Nguyễn Thị Phượng (một nữ tài xế ở TP Biên Hòa, Đồng Nai):

Đừng đẩy thiệt hại cho tài xế bị nạn

Tháng 4-2023, xe tôi có va chạm với một ô tô khác tại TP Thủ Đức, TP.HCM. Xe tôi bị tông mạnh từ phía sau khi chờ đèn đỏ dẫn tới bị vỡ đèn, móp đuôi xe. Mặt tôi bị đập mạnh vào vô lăng.

16h chiều, khu vực ngã tư Thủ Đức rất đông xe. Tôi gọi cho nhân viên bảo hiểm và được thông báo do xe va chạm ngoài tỉnh nên nhân viên không thể đến được. Họ đề nghị tôi chụp lại hình ảnh vụ va chạm, họ sẽ xử lý sau.

Khi lực lượng chức năng vừa đến, xe kia xin cho hai bên tự thỏa thuận và di chuyển khỏi hiện trường để không ảnh hưởng giao thông. Trước dòng xe càng lúc càng đông, tôi đã đồng ý rời đi, chỉ lấy số điện thoại phía bên kia.

Sau đó bảo hiểm từ chối giải quyết hồ sơ của tôi (với chi phí sửa xe là 145 triệu đồng). Lý do của họ là thông tin tôi cung cấp không đầy đủ hình ảnh, thiếu biên bản của lực lượng chức năng nên bảo hiểm không bồi thường. Tôi liên lạc với bên kia yêu cầu bồi thường nhưng họ cũng làm lơ rồi chặn số điện thoại của tôi.

Trong những tình huống như vậy, nếu tài xế hai bên cứ tranh cãi hoặc chờ các bên đến sẽ gây ùn tắc trên đường. Tự giải quyết có thể mất tiền ấm ức.

Tôi cho rằng phía công ty bảo hiểm hoàn toàn có thể nhờ lực lượng chức năng hỗ trợ kiểm tra lại vụ việc thông qua dữ liệu camera để giải quyết hồ sơ. Các công ty bảo hiểm cần nới lỏng một số điều kiện quá “ngặt”, hỗ trợ người mua bảo hiểm nhiều hơn trong khâu đòi bồi thường sau tai nạn.

Ứng xử theo luật

Một buổi sáng, tôi lái xe đi làm, đường đông kẹt cứng. Lúc tôi vừa dừng lại thì một chiếc ô tô vượt làn đụng vào xe tôi. May là vì đường kẹt nên tốc độ không cao. Tôi bước ra khỏi xe, lấy điện thoại ra chụp lại biển số xe của người đụng vào xe tôi rồi giơ tay ra hiệu bảo xe kia đi vào làn khẩn cấp.

Tôi hỏi anh có bị thương không? Anh lắc đầu, nói không hề gì. Tôi hỏi giấy tờ bảo hiểm xe và thông tin bằng lái. Sau khi lấy điện thoại ra chụp lại thông tin, tôi gọi cho công ty bảo hiểm xe của anh ta trong ngày. Xe tôi có camera nên tôi có thể nộp hình ảnh cho công ty bảo hiểm luôn. Hai bên thỏa thuận xong thì đường ai nấy đi.

Trường hợp của tôi dù sao vẫn là may mắn. Tôi từng biết có nhiều chuyện kinh hoàng. Có những trường hợp đụng nhau xong là hai bên cãi nhau, thậm chí có những vụ bắn nhau.

Có những trường hợp người Mỹ gọi là “hit and run” tức là đụng xong bỏ chạy, tôi cũng từng bị rồi. Cũng có lúc gặp phải người xấu, khi mình xin thông tin bảo hiểm và bằng lái thì họ cũng đưa, nhưng lúc gọi lên công ty bảo hiểm thì họ nói bảo hiểm này bị vô hiệu lực lâu rồi do chủ xe không đóng phí.

Có những trường hợp người lái xe say rượu đụng xe người khác, lúc nói chuyện họ cũng không hợp tác. Lại có lúc gặp người không có bảo hiểm lại chọn cách… bỏ của chạy lấy người.

Cho nên khi gặp tai nạn giao thông, người Mỹ thường khuyến cáo gọi cảnh sát đến để họ làm biên bản, lúc đó nếu người đụng nhận lỗi và cho lời khai vào biên bản thì sau này có gì cũng không thể chối được. Còn trong trường hợp có tranh chấp thì cảnh sát cũng có thể đứng ra hòa giải.

Hầu hết ô tô bây giờ đều có bảo hiểm hai chiều thì việc bảo hiểm xử lý vết trầy xước, móp nhẹ… không quá khó khăn để chúng ta phải “mạo hiểm” đứng lại cãi nhau như vụ trên cao tốc vừa qua.

Vỹ An (California, Mỹ)

Tùy trường hợp mới phải giữ nguyên hiện trường

Hồ sơ yêu cầu bồi thường sau tai nạn thông thường bao gồm: thông báo tai nạn và yêu cầu bồi thường (theo mẫu), tài liệu liên quan đến xe và tài xế, tài liệu chứng minh thiệt hại…

Công ty bảo hiểm phối hợp, hướng dẫn chủ xe thu nhập một số tài liệu (nếu có) gồm: biên bản khám nghiệm và sơ đồ hiện trường tai nạn, biên bản khám nghiệm phương tiện liên quan đến vụ tai nạn, biên bản kết luận điều tra tai nạn…

Theo điều khoản, hầu hết các công ty bảo hiểm đều quy định khi xảy ra tổn thất, chủ xe/người điều khiển xe phải có trách nhiệm thông báo ngay cho công ty bảo hiểm và thông báo cho cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương gần nhất, trừ trường hợp bất khả kháng.

Người dân mua bảo hiểm ô tô tại một đại lý ở TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Người dân mua bảo hiểm ô tô tại một đại lý ở TP.HCM – Ảnh: T.T.D.

Theo luật sư Trần Minh Hùng (Đoàn luật sư TP.HCM), việc giữ nguyên hiện trường nhằm xác định rõ các thiệt hại, làm cơ sở giải quyết tranh chấp giữa các bên. Trên thực tế, khi xảy ra tai nạn nghiêm trọng, cảnh sát giao thông có mặt trước người của công ty bảo hiểm. Vì vậy, công ty bảo hiểm căn cứ vào các tài liệu của cơ quan chức năng để đưa ra quyết định chi trả.

Với tai nạn nghiêm trọng, thiệt hại về người, hư hỏng xe 70 – 80%, cần cân nhắc giữ nguyên hiện trường, chỉ di dời khi cơ quan chức năng yêu cầu. Những va quẹt, hư hỏng nhỏ, không cần sự có mặt của cơ quan chức năng, nhưng chờ người của công ty bảo hiểm đến quá lâu, tài xế có thể gọi điện thông báo cho bên bảo hiểm, rồi quay video và chụp ảnh hiện trường để đảm bảo quyền lợi trước khi di dời xe đến nơi an toàn.

Hiện nay, nhiều công ty bảo hiểm đang ứng dụng (app) trên điện thoại hoặc trang web, khách hàng có thể khai báo trực tuyến về tổn thất xe, mọi lúc mọi nơi. Khi có khai báo tai nạn, phía công ty bảo hiểm sẽ cập nhật thông tin và điều động giám định viên. Khách hàng nhận một tin nhắn chứa đường dẫn, truy cập vào để tải hình ảnh. Công ty xem xét sẽ yêu cầu tài xế giữ hiện trường để giám định, hoặc không.

Có công ty bảo hiểm còn áp dụng công nghệ livestream (phát trực tuyến) trong suốt quá trình khách hàng khai báo trên website, giúp ghi nhận thời gian thực tế, ghi hình tổn thất xe.