Mặc dù sở hữu kích thước DxRxC lần lượt là 4.784 x 1.916 x 1.381 mm và trục cơ sở 2.720 mm – tương đương một mẫu sedan hạng C tiêu chuẩn, tuy nhiên không gian khoang hành khách của Ford Mustang lại khá khiêm tốn với chỉ 4 chỗ ngồi và hàng ghế sau không thể ngồi thoải mái được – kể cả đối với trẻ em.
Đây là ví dụ điển hình của triết lý làm xe “thiết kế vị công năng”. Thay vì tập trung vào tiện ích nhắm tới hành khách, Ford Mustang – cũng như nhiều mẫu xe cơ bắp Mỹ điển hình khác – đều hướng tới hiệu năng vận hành vượt trội.
Bằng chứng là khoang máy của Ford Mustang có chiều dài rất lớn dọc theo thân xe, đẩy trụ A xuống sâu phía sau. Phần lớn không gian đều được nhà thiết kế để dành cho khối động cơ V8 – linh hồn làm nên sức mạnh của chú ngựa đua trứ danh.
Đây cũng chính là điểm giống nhau giữa Ford Mustang và tinh thần cao bồi đậm chất Mỹ: có thể không quần là áo lượt, đầu tóc bóng lộn như những chàng trai văn phòng; nhưng luôn ngùn ngụt vẻ đẹp cơ bắp nam tính, bụi bặm và khỏe khoắn.
Về thiết kế, Ford Mustang vẫn được duy trì dáng dấp của những chiếc coupe hoàng kim thuở nào, với kiểu dáng mui dài, mái dốc mang đậm hơi hướng fastback. Dọc thân xe là những đường cơ bắp dập nổi tuy tối giản nhưng rất khỏe khoắn, mạnh mẽ.
Nắp capo được dập nổi khỏe khoắn, tô điểm bằng hai khe lấy gió bổ sung cho trái tim V8 phía bên dưới. Phần lớn diện tích mặt ca-lăng đầu xe được dành cho lưới tản nhiệt hình lục giác bo tròn, đem lại cảm giác uyển chuyển, không cứng ngắc.
Logo chú ngựa phi nước kiệu bằng kim loại được đánh sáng bóng, đặt lệch về phía bên phải đầu xe thay vì vị trí chính giữa thông thường – thể hiện sự tự hào về xuất thân hoang dại của dòng xe trứ danh, với ưu ái dành tối đa cho người cầm lái.
Hai bên cạnh là hệ thống đèn chiếu sáng với kiểu projector cỡ lớn dạng tròn vô cùng truyền thống. Ba đường LED đậm chạy song song được bố trí ngay bên cạnh, đóng vai trò làm hệ thống đèn demi, càng tăng thêm tính nhận diện vốn đã rất rõ nét của Mustang.
Dàn chân của chiếc Ford Mustang cũng vô cùng “nuột nà” với bộ mâm độ thiết kế 5 chấu kép có kích thước rất lớn. Vách lốp mỏng, tối ưu khả năng vận hành và khoe được trọn vẹn hệ thống phanh đĩa hiệu suất cao với kích cỡ khủng không kém ở phía bên trong.
Hiện diện dưới gương chiếu hậu – ở ngay bên rìa hốc lốp – decal “High Performance 2.3L” in đậm thêm một lần nữa khẳng định khả năng vận hành ưu việt của chú ngựa Mỹ so với những mẫu xe phổ thông nhàm chán khác đang ngày ngày lăn bánh trên đường phố.
Tuy nhiên gương chiếu hậu lại là một điểm trừ lớn. Diện tích mặt gương rất bé, cộng hưởng với thiết kế dày dặn của cột A và kiểu mái dốc phía sau, khiến cho khả năng quan sát của người cầm lái Ford Mustang sẽ bị giảm đáng kể. Có lẽ xe sinh ra để tuân thủ nhiệm vụ tối thượng là cán đích thật nhanh trong những cuộc đua “Quarter miles” – đua đề pa quãng ngắn khoảng cách ¼ dặm, tương đương hơn 400m phổ biến tại Mỹ – thay vì vai trò một chiếc xe đa dụng hàng ngày.
Đuôi xe của Ford Mustang cũng là một điểm thu hút cực kỳ lớn. Hai vòm bánh sau được thiết kế vô cùng uy lực, tạo hình như phần cơ đùi của những chú ngựa khỏe khoắn nhất đang tung vó trên đồng cỏ.
Nắp cốp sau được tích hợp một cánh gió nhỏ, tăng thêm tính thể thao cho mẫu xe ngựa hoang nước Mỹ. Các chi tiết khí động học phía trước và sau xe đều được sơn màu đen cực ngầu.
Đồng bộ với thiết kế của đèn demi phía trước, hệ thống đèn báo phanh sau xe cũng được tạo hình từ 3 đường thẳng nghiêng song song. Ở chính giữa đuôi xe là logo chú ngựa tung vó đặt bên trong hình tròn – kiểu thiết kế đặc trưng độc đáo và nổi bật; đảm bảo người đi đường có thể ngay lập tức nhận ra từ phía xa xa đó là một chiếc Ford Mustang bất kể là nhìn từ phía trước hay phía sau.
Phía bên dưới, Ford Mustang được trang bị hệ thống ống xả kép với 2 họng khí xả mỗi bên – một trang bị của phiên bản GT. Kết hợp với tấm cản gầm định vị luồng gió, Ford Mustang thực sự có thể ngay lập tức vào trường đua để vận hành “cháy phố” mỗi khi chủ xe nổi hứng chinh phục tốc độ.
Lật nắp capo lên và chiêm ngưỡm khoang máy của Ford Mustang. Đây chính là nơi ngự trị của khối động cơ V8 Ecoboost (tăng áp) dung tích 2.3L có khả năng bơm sức mạnh 310 mã lực tới hai bánh sau. Trên phiên bản Shelby GT350R cao cấp nhất, xe có thể đạt công suất lên tới 760 mã lực nhờ động cơ V8 5.2L VCT.
Ngay khi mở cửa để bước vào trong xe, hành khách có thể dễ dàng ấn tượng với logo Mustang được dập nổi trên bệ đỡ chân. Thêm một lần nữa, các nhà thiết kế nhắc lại: hãy nhớ rằng bạn đang bước lên một chú ngựa hoang nước Mỹ!
Khi ổn định ghế ngồi và đóng cửa, hành khách sẽ thêm một lần nữa được cảm nhận “chất xe Mỹ” khi nghe thấy tiếng cánh cửa sập vào chắc nịch, cực kỳ “đã tai” – mặc dù xe sử dụng cửa kính không viền.
Tương tự như thiết kế bên ngoài, khoang nội thất của Ford Mustang là sự pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, sự khỏe khoắn và nét thể thao không thể lẫn đi đâu được. Chiếc vô-lăng ba chấu dày dặn, to bản được bọc chrome sáng bóng, với logo chú ngựa phi nước kiệu ở chính giữa.
Trên cánh vô-lăng là đầy đủ các phím chức năng của gói hỗ trợ lái an toàn cao cấp, với những tính năng như: hỗ trợ giữ làn, ga tự động thông minh, giữ khoảng cách an toàn với xe phía trước… giúp xe đạt tiêu chuẩn an toàn 5 sao của Mỹ.
Phía sau vô lăng, nhà sản xuất trang bị cho Mustang một đồng hồ thông số dạng màn hình điện tử kích thước rất lớn lên tới 12 inch, với giao diện hiện đại và có thể tùy biến theo từng chế độ lái. Giao diện của màn hình này ưu tiên hiển thị rất chi tiết tốc độ vòng tua máy, với red line nằm trong khoảng từ 6,5 – 8 nghìn vòng/phút.
Là một mẫu xe hiệu năng cao với tinh thần thể thao tốc độ đậm nét, Ford Mustang được gắn sẵn trên bảng táp lô hai đồng hồ đo áp suất dầu và áp lực của hệ thống tăng áp – những trang bị chuyên nghiệp vốn thường chỉ xuất hiện trên những mẫu xe đua.
Ngay phía bên phải, một tấm tag kim loại cũng nhấn mạnh thêm một lần nữa vi thế của một mẫu xe đua “High Performance” với sức mạnh xuất phát từ khối động cơ V8 dung tích 2.3L trứ danh.
Phía bên dưới, xe được trang bị một màn hình thông tin giải trí kích cỡ khá nhỏ chỉ 8 inch, đặt chìm vào trong để hạn chế bóng nắng – tăng khả năng hiển thị. Là xe được nhập khẩu nguyên chiếc từ Mỹ nên Ford Mustang không có giao diện được Việt hóa.
Dưới màn hình là cụm nút chức năng điều chỉnh âm thanh giải trí – hệ thống điều hòa, được phối hợp giữa núm xoay dạng tròn và các phím vuông vức, tạo cảm giác cổ điển, mạnh mẽ và cực kỳ nam tính cho xe.
Đặc biệt, dàn phím điều chỉnh chế độ vận hành phía dưới cùng được thiết kế theo dạng công tắc cổ điển, đem lại không khí thể thao đậm nét cho xe. Với mỗi chế độ lái khác nhau, xe có phép tùy chỉnh rất nhiều cài đặt vận hành: độ nhạy chân ga, mức độ phản hồi nặng/nhẹ của vô-lăng; hệ thống treo cứng/mềm hay độ mở/đóng của ống pô khí xả.
Trong khi đó, cần số của Ford Mustang lại đi theo thiết kế cổ điển, dạng núm tròn với lẫy an toàn được đặt ngay mặt trên. Người cầm lái chỉ cần đè tay vào là có thể thao tác sang số một cách nhanh chóng. Tất nhiên, lẫy chuyển số sau vô-lăng cũng là trang bị không thể thiếu trên mẫu xe đậm chất thể thao này.
Nhà sản xuất nước Mỹ cũng tỏ ra rất hiểu người dùng, khi giữ lại cần phanh tay cơ, với thiết kế cao dễ cầm nắm – trang bị cực kỳ cần thiết khi sử dụng xe để thực hiện những cú Drift đẹp mắt “cháy phố”.
Hai ghế trước của Ford Mustang đều được trang bị điều chỉnh điện đa hướng, phom ghế dày dặn ôm người đối với những hành khách nặng dưới 80kg. Trải nghiệm thực tế cho thấy những hành khách nặng khoảng trên 90kg sẽ cảm thấy khá chật vật, khó tìm được tư thế thoải mái khi ngồi trong bộ ghế này.
Trong khi đó, không gian hai ghế sau gần như chỉ có thể dùng để chứa đồ; chứ không thể sử dụng để ngồi – kể cả là với trẻ em. Cửa sổ phía sau cũng có diện tích vô cùng hạn chế và buộc phải sử dụng chung cửa với ghế trước – tức là phải mở cửa, trượt ghế trước lên để ra vào hàng sau; tiếp đến mới trượt lại ghế trước và đóng cửa.
Tất nhiên, điều này là hoàn toàn chấp nhận được vì Ford Mustang là một mẫu “xe chơi” với mục đích ưu tiên cảm giác lái cho người điều khiển; thay vì một chiếc xe đi lại hàng ngày tiện dụng cho gia đình.
Trải nghiệm lái thực tế cho thấy nếu chỉ đi 1 – 2 người, xe vẫn có thể đáp ứng tốt nhu cầu di chuyển hàng ngày. Với cài đặt vô lăng nhẹ nhất và đóng tối đa hệ thống ống xả, Mustang di chuyển khá nhẹ nhàng và linh hoạt trong phố – ngược lại với khi vận hành ở chế độ thể thao, vô-lăng xe sẽ cho độ xiết nặng hơn.
Là một mẫu xe thể thao; Ford Mustang có hệ thống khung gầm cực kỳ dày dặn có thể khiến các hành khách cảm nhận “ưng cái bụng” khi băng qua gờ giảm tốc; những đoạn đường xấu hay chuyển làn “gắt gỏng” trên đường cao tốc.
Khả năng tăng tốc của xe khá “ù lì” ở chế độ normal. Tuy nhiên khi chuyển sang chế độ lái thể thao và mở hệ thống khí xả; Ford Mustang ngay lập tức đem lại không khí thể thao tràn ngập khoang lái.
Với hệ thống khung gầm đầm chắc trọng lượng lớn, Ford Mustang không thể lao vút đi một cách sốc nổi mất kiểm soát ngay khi người lái đạp ga lút cán. Thay vào đó, xe vẫn đem lại cảm giác tăng tốc dính lưng, gia tốc lên rất đều và mượt – một cảm giác rất đầm mà chúng tôi đã trải nghiệm!
Phản hồi chân ga và xe là cực kỳ nhanh nhạy, chú ngựa sẽ lập tức chồm về phía trước theo mỗi cú nhấp nhả chân ga dù là nhẹ nhất. Và tất nhiên với mỗi cú thúc ga như vậy, chủ xe hoàn toàn có thể “bay ngay bát phở” với khối động cơ V8 “uống xăng như nước lã”. Tất nhiên, đây là điều mà chắc chắn mỗi dân chơi Mustang không bao giờ phải quan tâm khi đã có đủ điều kiện sở hữu xe.
Tổng kết nhanh, Ford Mustang xứng đáng là một lựa chọn không thể thiếu với những “người chơi hệ tốc độ” ưa thích sự đầm lỳ chắc chắn và sức mạnh của những mẫu xe cơ bắp Mỹ.
Với thiết kế hầm hố bắt mắt, sức mạnh đáng kể, khả năng vận hành tối ưu đem lại cảm giác chinh phục tốc độ dễ gây nghiện – không khó hiểu khi Ford Mustang trở thành một biểu tượng của gã khổng lồ Ford nói riêng, dòng xe cơ bắp Mỹ nói chung và là hình ảnh đại diện cho nền công nghiệp xe hơi của xứ cờ hoa.
Nhờ danh tiếng và chất lượng sản phẩm được khẳng định từ lâu, Ford Mustang dễ dàng xếp vị trí thứ 5 trong số những mẫu xe bán chạy nhất của thương hiệu Ford và đạt doanh số hơn 10 triệu xe bán ra trên toàn cầu, tính từ khi chú ngựa ra mắt năm 1964 cho tới nay.
Anh Phan (Tuoitrethudo)