Người ‘bỏ cọc’ sẽ bị cấm đấu giá biển số xe 1 năm

0
25
Nếu không hoàn thành nghĩa vụ tài chính trong 30 ngày, người trúng đấu giá biển số xe không được hoàn trả tiền đặt trước, tiền đã nộp và không được tham gia đấu giá biển số xe trong 12 tháng.
Cán bộ giám sát đấu giá biển số xe của Bộ Công an - Ảnh: HỒNG QUANG

Cán bộ giám sát đấu giá biển số xe của Bộ Công an – Ảnh: HỒNG QUANG

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho biết tính đến ngày 8-8, số tiền thu được từ đấu giá biển số xe đạt khoảng 2.900 tỉ đồng. Hiện cơ quan chức năng đang đưa ra đấu giá biển số ô tô nền trắng, chữ và số màu đen và áp dụng các quy định theo nghị quyết 73/2022 của Quốc hội.

Hiện nay Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã được thông qua và sẽ có hiệu lực từ 1-1-2025, trong đó chính thức quy định luật hóa về đấu giá biển số xe.

“Các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đang phối hợp Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, tập trung xây dựng nghị định về đấu giá biển số xe để sớm trình Chính phủ xem xét. Nghị định sẽ quy định cụ thể việc thực hiện đấu giá biển số”, đại diện Cục Cảnh sát giao thông cho hay.

  • Cho phép đấu giá biển số xe máy, giá khởi điểm ít nhất 5 triệu đồng

Theo quy định của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, người trúng đấu giá biển số xe có nghĩa vụ nộp đủ tiền trong 30 ngày từ khi có thông báo kết quả. Tiền trúng đấu giá không bao gồm lệ phí đăng ký, cấp biển số xe.

Sau thời hạn trên, người trúng đấu giá không nộp hoặc nộp không đủ tiền thì biển số xe sẽ được đấu giá lại, hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký, quản lý xe. Đồng thời người trúng đấu giá không được hoàn trả tiền đặt trước, tiền đã nộp và không được tham gia đấu giá biển số xe trong 12 tháng.

Đồng thời người trúng đấu giá phải làm thủ tục đăng ký xe để gắn biển số trong 12 tháng, trường hợp bất khả kháng được kéo dài thêm 6 tháng. Quá thời hạn này, biển số xe được đấu giá lại hoặc chuyển vào hệ thống đăng ký và không được hoàn trả số tiền đã nộp.

Ngoài ra, các biển số được đưa ra đấu giá còn bao gồm thêm biển số xe máy (giá khởi điểm không thấp hơn 5 triệu đồng) và biển số màu vàng (cấp cho ô tô kinh doanh vận tải).

Ngày 13-1, biển số 30K-999.99 được trả giá kỷ lục hơn 75 tỉ đồng, nhưng sau đó người trúng không hoàn thành nghĩa vụ tài chính. Tới ngày 5-4, biển số này được đấu giá lại bằng một nửa giá – khoảng 30,6 tỉ đồng.

Tình trạng trúng đấu giá rồi “bỏ cọc” trước đó cũng diễn ra ở nhiều biển số ngũ quý. Theo quy định cũ, người trúng đấu giá không nộp tiền thì chỉ mất số tiền đặt trước là 40 triệu đồng.