Xe Trung Quốc chạy 'ầm ầm' ở Nga dù hãng khẳng định không bán ở nước ngoài: Điều gì đang xảy ra?

0
29
Các đơn vị tư nhân xuất khẩu xe Trung Quốc đã từng thu về lợi nhuận rất cao khi bán xe ra nước ngoài.

Nội dung chính

  • Các đơn vị bán xe Trung Quốc ra nước ngoài lách thuế bằng cách lập khống hồ sơ, biến thành xe cũ;
  • Những chiếc xe “cũ” này bị áp thuế ít hơn, bán giá tốt hơn.

Xe Trung Quốc chạy 'ầm ầm' ở Nga dù hãng khẳng định không bán ở nước ngoài: Điều gì đang xảy ra?- Ảnh 1.

Ô tô Trung Quốc được đưa đi xuất khẩu. Ảnh: Chen Tao/GT

Trong khi kiểm kê số lượng xe đã bán ra trong tháng 7, nhân viên của hãng xe Trung Quốc – Li Auto – nhận thấy có gì đó bất thường. Tổng Giám đốc Li Xiang của Li Auto cho biết rằng trong 3 tuần đầu của tháng, có đến 200 chiếc được đăng ký ở Trung Quốc, nhưng lại không hoàn thành đủ hồ sơ để có thể ra đường một cách hợp pháp.

Sau khi tìm hiểu kỹ hơn, Li Auto nhận ra rằng số xe này đã được vận chuyển ra nước ngoài, chủ yếu tới Nga, khu vực Trung Đông và Trung Á. Điều đáng nhắc tới là Li Auto mới chỉ bán xe tại Trung Quốc. 

Đáng chú ý hơn nữa, trên mạng xã hội, một chiếc Li Auto L7 được rao bán tại Kazakhstan với mức giá đội lên khoảng 25.800 USD, tương đương gần 650 triệu đồng, so với giá bán tại Trung Quốc.

“Hóa phép” xe mới thành xe cũ

Ngày nay, Trung Quốc là quốc gia có sản lượng ô tô điện lớn nhất thế giới; BYD cũng đã vượt Tesla để trở thành nhà sản xuất ô tô điện số 1 toàn cầu. Quốc gia tỷ dân này có hàng tá nhà sản xuất nội địa với số lượng thương hiệu khó ai kể được hết tên. Xe Trung Quốc cũng đang dần tràn ra nhiều nước trên thế giới khi cung đã vượt cầu tại thị trường nội địa.

Cũng trong làn sóng đưa xe ra nước ngoài, các cá nhân, đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ cũng kiếm được rất nhiều tiền, nhất là tại những thị trường mà hãng chưa phân phối xe chính thức. Cách thức gia tăng lợi nhuận thường được áp dụng nhất là lợi dụng chính sách thuế với xe đã qua sử dụng: Xe sẽ đăng ký tại Trung Quốc, sau đó chuyển luôn sang nước ngoài.

Tức là trên giấy tờ, đây là những chiếc xe đã qua sử dụng, nhưng về mặt thực tế thì có khi chưa từng có một ngày “nếm” thử nhựa đường.

Xe Trung Quốc chạy 'ầm ầm' ở Nga dù hãng khẳng định không bán ở nước ngoài: Điều gì đang xảy ra?- Ảnh 2.

Một chiếc xe của BYD lăn bánh tại Nga. Ảnh: Ilya / CleanTechnica

Ở một số thị trường, ô tô điện Trung Quốc rất được ưa chuộng, như tại Nga, Kazakhstan, Ả rập Xê út, thậm chí còn trở thành biểu tượng xu hướng. Ở khu vực biên giới giữa Trung Quốc với Kazakhstan, xe được đưa đến các gara tại đây để đổi ngôn ngữ hệ thống sang tiếng Anh hoặc tiếng Nga. 

Nói về những điểm sáng được khách hàng yêu thích trên xe Trung Quốc, Ethan Zhang – một người chuyên xuất khẩu xe – cho biết: “Màn hình lớn, các tính năng tương tác, tay nắm cửa ẩn, điều khiển bằng giọng nói, ghế tích hợp mát-xa – tất cả những thứ này đều rất hấp dẫn”. Anh cũng cho rằng: “Xe Trung Quốc càng ngày càng được ưa chuộng hơn”.

Xe Trung Quốc chạy 'ầm ầm' ở Nga dù hãng khẳng định không bán ở nước ngoài: Điều gì đang xảy ra?- Ảnh 3.

Xe Trung Quốc gây ấn tượng với danh sách tính năng rất dài.

Trước đây, các đơn vị kinh doanh làm ở chiều ngược lại, tức là nhập xe về bán cho người Trung Quốc, từ những mẫu xe sang trọng của BMW, Mercedes đến những mẫu xe có giá bình dân. 

Nhưng khi xe điện của Trung Quốc trở nên được chú ý hơn thì họ đã đảo chiều, giúp những vị khách mạo hiểm được sờ tay vào sản phẩm từ Li Auto, Zeekr, hay BYD trước cả khi những hãng này chính thức phân phối.

Với một hãng xe, khi muốn kinh doanh tại quốc gia nào thì họ sẽ cần thành lập hệ thống kinh doanh và bảo dưỡng xe, còn những đơn vị và cá nhân bán xe đơn lẻ này thì không cần, nên có thể tiếp cận được tới những thị trường mà các hãng chưa để tâm đến.

Xe Trung Quốc chạy 'ầm ầm' ở Nga dù hãng khẳng định không bán ở nước ngoài: Điều gì đang xảy ra?- Ảnh 4.

Nhiều đơn vị chuyển từ nhập xe châu Âu sang xuất xe Trung Quốc.

Nga là một trong những thị trường lớn với loại hình xuất khẩu này. 

Konstantin Durasov là một nhà nhập khẩu xe tại Nga, cho biết ông đã chuyển từ bán xe châu Âu sang bán xe điện Trung Quốc khoảng 1 năm nay khi Nga phải chịu nhiều hạn chế, khiến việc đưa xe từ châu Âu về rất khó.

Showroom Zeecar của Konstantin trong năm 2023 đã nhập về khoảng 400 chiếc xe thuần điện và PHEV từ Trung Quốc, tiêu biểu là những xe từ BYD, Li Auto và Zeekr. Để dễ dàng kinh doanh hơn, Konstantin Durasov còn mở một văn phòng ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Konstantin Durasov cho biết: “Một thời gian trước, xe Trung Quốc được xem là rất rất rẻ và không có chất lượng tốt. Nhưng bây giờ thì khách hàng cho rằng đây là những sản phẩm tốt trong tầm giá”.

Video quảng cáo xe Trung Quốc do showroom Zeecar tại Nga thực hiện.

Katerina Zabrodkina là một người tư vấn bán xe tại Nga, cho rằng khi các hãng xe nước ngoài rời đi, khách hàng không còn nhiều sự lựa chọn ngoài những mẫu xe Trung Quốc. Katerina Zabrodkina cho biết: “Ngày càng có nhiều người tìm kiếm, cả những xe từ Trung Quốc mà có thiết kế đẹp lên trong những năm trở lại đây. Chúng ta thấy Tesla rồi, nhưng Zeekr thì mới hơn nên cũng hấp dẫn hơn”.

Một số đơn vị truyền thông bán xe điện bằng cách đăng tải các video xe rất hoành tráng lên mạng xã hội như Tik Tok hay Instagram. Nhờ đó, họ có thêm đơn hàng từ khắp mọi nơi trên thế giới, như Hu Changwen – một người xuất khẩu xe Trung Quốc – cho biết được khách từ Nam Phi, Mexico và cả Algeria hỏi thăm qua kênh Tik Tok của mình.

Một video của Hu Changwen về Aito M5 đạt tới 6 triệu lượt xem, sau đó cũng có một vài đại lý xe từ Đức quan tâm. Song, quy định của Liên minh châu Âu đã không cho phép xe được bán sang.

Lợi nhuận từng rất cao

Tuy nhiên, khi ngày càng có nhiều đơn vị bán xe Trung Quốc hơn các đại lý vấp phải khó khăn: Cạnh tranh tăng lên, lợi nhuận giảm đi. 

Yang Pingping sống tại vùng biên giới Trung Quốc-Nga, là một người bán xe Trung Quốc sang Nga, chia sẻ rằng biên lợi nhuận đã giảm từ 15% hồi đầu năm 2023 xuống còn khoảng 8% trong năm nay. Trong khi đó, Ethan Zhang cho biết lợi nhuận trên đầu xe đã từng đạt đỉnh khoảng 50.000 tệ (gần 175 triệu đồng) vào năm 2022 xuống 10.000 tệ (khoảng 35 triệu đồng) trong thời gian gần đây.

Vì xe được bán ra mà không có nhà phân phối chính thức, những xe này cũng không đi kèm bất cứ chương trình hậu mãi hay bảo hành chính thức nào, khiến việc sửa chữa trở nên rất phiền phức. 

Giả sử với Li Auto, hãng này không bán lẻ linh kiện, nên chủ xe tại Nga nếu cần sửa chữa hay thay thế phụ tùng thì phải mua phụ tùng tháo xe. Cũng vì câu chuyện này, một số đại lý cũng đã mở sang cả mảng sửa chữa xe.

Xe Trung Quốc chạy 'ầm ầm' ở Nga dù hãng khẳng định không bán ở nước ngoài: Điều gì đang xảy ra?- Ảnh 5.

Aito M5 là sản phẩm trong hợp tác giữa Huawei và Seres.

Tổng Giám đốc của Li Auto từng khẳng định rằng hãng không có kế hoạch bán xe ra nước ngoài trước năm 2025, hãng cũng không có cách nào để ngăn các đơn vị, cá nhân khác đưa xe ra khỏi biên giới. Nhưng những đơn vị này cho rằng việc họ xuất xe sang các nước khác giống như thăm dò thị trường hộ hãng.

Chỉ sau ít tháng bán xe Trung Quốc, Konstantin Durasov đã mua một chiếc Li Auto L7 cho mình và một chiếc Li Auto L9 cho em trai. Đối tác của ông thì đã mua 1 chiếc Zeekr. Konstantin Durasov cũng đang có mặt trong một hội nhóm trên Telegram của những người yêu thích xe Li Auto cùng với khoảng 17.000 người từ Nga, Kazakhstan và các quốc gia nói tiếng Nga khác. Trên nhóm, mọi người chia sẻ mẹo sửa chữa, bảo dưỡng và vận hành xe.

Khi đi trên phố, nhiều người cũng dừng lại hỏi về chiếc xe. Konstantin Durasov nói: “Chiếc xe giống như một công cụ marketing vậy. Khi đi xe là bạn đang chào bán xe”.