Phân khúc sedan cỡ D phổ thông nằm trong sự thoái trào của xe gầm thấp nói chung tại Việt Nam bởi xu hướng ưa chuộng xe gầm cao CUV/SUV. 4 năm qua, số lượng xe mới gầm cao ra mắt thị trường ở mức hàng chục mẫu, nhưng sedan cỡ D vẫn chỉ quanh quẩn với 4 cái tên: Toyota Camry, Mazda6, Honda Accord và Kia K5 (Optima). Doanh số tổng những mẫu này trong 2023 đạt 4.625 xe, giảm 44% so với mức 8.293 năm 2020.
Một trường hợp khác là Volkswagen Passat nhưng mẫu xe này có doanh số không đáng kể. Hãng Đức cũng đã khai tử Passat từ 2022 để tập trung vào chiến lược xe gầm cao vốn thu hút nhiều khách hàng hơn.
Trong 2024, phân khúc sedan được hâm nóng bởi hai mẫu xe lần đầu xuất hiện: BYD Seal và MG7. Đây đều là những món gia vị mới cho khách Việt, từ thiết kế đến hiệu suất vận hành, cùng xuất xứ từ Trung Quốc.
Điểm chung của Seal và MG7 đều là những chiếc sedan đầu bảng của mỗi hãng. Tất cả công nghệ về động cơ lẫn hỗ trợ lái an toàn, tiện nghi đều thuộc hàng phong phú nhất. Đi kèm là giá bán khá cạnh tranh trước các đối thủ Nhật, Hàn đã nhiều năm chinh chiến ở thị trường trong nước.
BYD và MG đều không quá đặt nặng về mục tiêu doanh số, bởi phân khúc này những năm qua chứng kiến lượng khách ngày càng thu hẹp. Đến như Toyota Camry, mẫu xe dẫn đầu doanh số với tầm ảnh hưởng xuyên suốt từ quá khứ đến hiện tại cũng không đứng ngoài xu hướng thoái trào của phân khúc. Tuy nhiên, sự mới mẻ đến từ yếu tố thương hiệu, kiểu dáng thiết kế và trang bị có thể là chất xúc tác để MG7 và Seal tìm cho mình một tệp khách hàng riêng.
Seal nằm trong bộ ba sản phẩm tiếp cận thị trường của BYD, hãng xe điện lớn nhất thế giới về doanh số (2023). Dolphin tiếp cận nhóm khách phổ thông, mới mua xe lần đầu nhờ giá rẻ, thiết kế trung tính, Atto 3 chen chân vào phân khúc sôi động nhất thị trường – CUV cỡ B, còn Seal mang tính chất phô diễn công nghệ của hãng xe Trung Quốc.
Là mẫu xe thuần điện duy nhất phân khúc, BYD Seal sở hữu sức mạnh áp đảo về hiệu suất động cơ. Bản thấp Advance của Seal lắp môtơ đơn, công suất 201 nhưng cũng đủ sức áp đảo tất cả các mẫu xe chạy xăng (bản cao nhất).
Lên bản cao cấp nhất Performance, Seal mạnh tới 522 mã lực, lực kéo 670 Nm. Đi cùng sức mạnh này là khả năng tăng tốc như siêu xe, 0-100 km/h trong 3,8 giây. Với những người lần đầu cầm lái xe điện, chưa có trải nghiệm nhiều với xe thể thao chạy xăng, dầu công suất lớn, khả năng tăng tốc của Seal có thể gây choáng.
Cũng sở hữu chất thể thao như Seal nhưng MG7 gần gũi hơn với người dùng phổ thông bởi vẫn là chiếc sedan thuần xăng. Kiểu dáng của mẫu xe thương hiệu Anh đậm chất thời trang pha trộn hơi hướng tốc độ.
Bản 1.5 tăng áp công suất 167 mã lực của MG7 giá 738 triệu đồng, rẻ nhất phân khúc. Bản cao nhất lắp động cơ 2.0 tăng áp công suất 227 mã lực, mạnh nhất trong số các mẫu xe chạy xăng và chỉ xếp sau chiếc Seal thuần điện.
Nội thất trau chuốt và hàng tá tiện nghi, an toàn cao cấp cũng là cách MG7 tạo ra nét riêng để thuyết phục khách hàng cho một lựa chọn mới. Chưa kể giá bán khá cạnh tranh dù nguồn gốc nhập khẩu. Hiện Mazda6 và Kia K5 là những mẫu xe lắp ráp trong nước.
Tuy nhiên, MG7 và BYD vẫn có những điểm hạn chế trước các đối thủ Nhật, Hàn. Yếu tố thương hiệu mờ nhạt hơn luôn là một trở ngại để xe Trung Quốc hoặc xe xuất xứ từ quốc gia này tiếp cận khách Việt. Với riêng Seal, hệ thống trạm sạc còn ít tại Việt Nam là điểm khiến khách hàng cần nhiều thời gian cân nhắc, bên cạnh những lựa chọn truyền thống như Camry, Mazda6… chạy xăng vốn linh hoạt hơn về mục đích di chuyển hàng ngày.
Theo các chuyên gia bán hàng, sự xuất hiện của BYD Seal và MG7 phần nào cho khách hàng thêm lựa chọn ở nhóm xe gầm thấp truyền thống chủ yếu dùng cho gia đình ưu tiên tiện nghi, an toàn. Ảnh hưởng của xu hướng xe gầm cao đang phủ bóng lên toàn thị trường. Không dễ để doanh số nhóm xe gầm thấp, trong đó có sedan cỡ D, tạo đột biến trong thời gian tới.
Phạm Trung