Ôtô Mỹ có thể bị cấm bán ở quê nhà vì phần mềm Trung Quốc

0
30
Đề xuất từ Bộ Thương mại Mỹ nhằm cấm phần mềm, phần cứng Trung Quốc trong ôtô có thể khiến chính các hãng xe Mỹ bị ảnh hưởng.

Lúc này, các nhà sản xuất Trung Quốc chưa gia nhập thị trường Mỹ. Nhưng một kế hoạch đang được chính quyền của Tổng thống Joe Biden chuẩn bị để ngăn chặn các thương hiệu ôtô Trung Quốc tự do vào thị trường này trong tương lai gần.

Trong khi Trung Quốc coi đề xuất này là bảo hộ, chính quyền Mỹ cho rằng kế hoạch này được thực hiện dưới danh nghĩa an ninh quốc gia, tương tự như lệnh cấm đối với một số loại drone, điện thoại và máy tính cùng linh kiện.

Những lo ngại chính mà đề xuất đưa ra liên quan đến nguy cơ các công ty Trung Quốc thu thập dữ liệu của người lái xe và cơ sở hạ tầng ở Mỹ, cũng như khả năng can thiệp từ xa vào các phương tiện kết nối Internet và hệ thống điều hướng.

  • Mẫu SUV Lincoln Nautilus tại Trung Quốc. Ảnh: Yiche

Hồi tháng 5, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết rủi ro của phần mềm hoặc phần cứng Trung Quốc trong các phương tiện kết nối ở Mỹ là “đáng kể”.

“Bạn có thể tưởng tượng kịch bản thảm khốc nhất về lý thuyết nếu có vài triệu xe trên đường và phần mềm bị vô hiệu hóa”, bà Raimondo nói khi đó.

Một phần của đề xuất là cấm các phần cứng và phần mềm sản xuất tại Trung Quốc bởi các hãng ôtô bán và sản xuất xe tại Mỹ bắt đầu từ xe đời 2027 đối với phần mềm, trong khi phần cứng sẽ bị cấm từ đời 2030, hoặc bắt đầu từ tháng 1/2029 đối với các xe không có đời xe truyền thống.

Cả hai lệnh cấm dường như chỉ áp dụng cho các loại xe hợp pháp sử dụng trên đường phố Mỹ như xe con, xe tải, SUV và xe thương mại, trong khi các loại xe không được chạy trên đường cao tốc như xe nông nghiệp và khai thác mỏ sẽ không thuộc diện bị cấm này. Nhưng Bộ Thương mại có thể cho phép “các phê chuẩn cụ thể” đối với những ngoại lệ, theo Reuters, mà không đề cập đến những phê chuẩn đó là gì.

Hiện cả General Motors (GM) và Ford đều có các mẫu xe sản xuất tại Trung Quốc có thể bị ảnh hưởng bởi đề xuất này. Buick Envision (sản xuất bởi liên doanh với SAIC) và Lincoln Nautilus (sản xuất bởi liên doanh với Changan) có thể bị cấm bán tại Mỹ nếu đề xuất này được thông qua, nhưng cũng có thể thuộc diện “phê chuẩn cụ thể” vừa được đề cập, dù điều này sẽ tạo thêm một lớp quy định đau đầu đối với các mẫu xe mới và có thể làm giảm đầu tư vào các hoạt động ở Trung Quốc trong tương lai.

Trong khi đó, Alliance for Automotive Innovation (AAI) – nhóm thương mại đại diện cho các nhà sản xuất ôtô tại Mỹ gồm GM, Toyota, Volkswagen và những hãng khác – và chủ tịch John Bozzella đã đưa ra một tuyên bố phản hồi đề xuất, chỉ ra rằng họ hiểu sự cần thiết của quy tắc như vậy. Tuy nhiên, họ bổ sung rằng “hiện nay có rất ít công nghệ – phần cứng hay phần mềm – trong chuỗi cung ứng xe kết nối ngày nay đi vào Mỹ từ Trung Quốc.”

AAI chỉ ra rằng dòng sản phẩm gồm các mẫu xe đời 2027-2030 sẽ rất khó khăn cho một số nhà sản xuất khi phải tìm kiếm các nhà cung ứng thay thế.

Bộ Thương mại Mỹ dự định cho phép công chúng nêu ý kiến trong 30 ngày trước khi hoàn thiện quy định. Đến nay, gần như tất cả phương tiện mới trên đường Mỹ đều được coi là “kết nối” khi có phần cứng mạng trên xe cho phép truy cập Internet, chia sẻ dữ liệu với các thiết bị bên trong và ngoài xe.

Mỹ Anh