[ĐÁNH GIÁ XE] Trải nghiệm thực tế Subaru Forester trong hành trình 500 km

0
23
Subaru Forester phiên bản nhập từ Thái Lan đã khiến doanh số Subaru Việt Nam tăng gấp … 10 lần kể từ khi được bán ra từ tháng 7/2019. Điều gì tạo ra “phép màu” này?

Tại thị trường trong nước, sức hút của Subaru Forester dần ấm lên sau khi Subaru Việt Nam quyết định nhập khẩu xe từ Thái Lan thay vì Nhật Bản như trước đó. Với sự chuyển dịch này, giá xe Subaru Forester đã giảm hàng trăm triệu đồng so với trước đây và tiệm cận giá bán của những đối thủ chính như Honda CR-V hay Mazda CX-5. Cụ thể, giá bán của Subaru Forester 2019 là từ 960 triệu đến 1,1 tỷ đồng tùy phiên bản.

Việc Subaru và tập đoàn Tan Chong đầu tư nhà máy hiện đại hàng đầu của họ tại Thái Lan đã mở rộng cửa cho thương hiệu Nhật Bản tiến sâu hơn vào thị trường Đông Nam Á vốn rất hứa hẹn. Hãng xe Nhật đã nghiêm túc thừa nhận rằng nhu cầu đối với xe Subaru là quá lớn và nhà máy của họ đặt tại Gunma, Nhật Bản luôn rơi vào tình trạng quá tải, dẫn đến những hệ lụy như chậm giao xe và chất lượng xe thành phẩm không đồng đều. Nhà máy thứ 2 của hãng, vốn đặt tại bang Indiana tại Mỹ cũng không còn khả năng mở rộng vì chỉ riêng nhà máy này đã phục vụ 65% nhu cầu xe Subaru trên toàn cầu. Có thể thấy rằng: nhà máy thứ 3 của Subaru đặt tại Thái Lan là một mũi tên trúng nhiều đích!

Tất nhiên, câu hỏi mà rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đặt ra sẽ là: liệu xe Subaru lắp ráp tại Thái Lan có chất lượng tương đương với xe sản xuất tại Gunma, Nhật Bản hay không? Theo Subaru, họ lựa chọn Thái Lan làm nơi đặt nhà máy vì tại đây, các hãng sản xuất đồ phụ trợ như lốp xe, các bộ phận cao su, nhựa v.v.. đều là công ty con của hãng mẹ đặt tại Nhật Bản nên không cần khoảng đệm để chuyển giao công nghệ. Đồ phụ trợ mà các công ty tại Thái Lan sản xuất cũng đạt tiêu chuẩn mà Subaru Nhật Bản đưa ra mà không cần nâng cấp, cải tiến nhà máy của họ.

Thêm nữa, mọi chiếc Subaru Forester dời xưởng tại Thái Lan đều phải trải qua bước kiểm tra so sánh với xe Forester sản xuất tại Nhật Bản ở cuối dây chuyền lắp ráp. Như vậy, người tiêu dùng ở Việt Nam có lẽ không cần phải lo lắng về chất lượng lắp ráp của Forester Thái Lan.

Nhờ nhà máy tại Thái Lan thì chỉ riêng tại Việt Nam, giá của Forester 2019 đã giảm hàng trăm triệu đồng so với những chiếc Forester trước đây nhập khẩu từ Nhật Bản. Cụ thể, giá bán của Subaru Forester 2019 là từ 990 triệu đến 1,199 tỷ đồng tùy phiên bản, tiệm cận giá niêm yết của những đối thủ chính như Honda CR-V hay Mazda CX-5. Cần lưu ý là tôi đang nêu ra giá niêm yết, từng đại lý bán xe sẽ có những chính sách ưu đãi khác nhau.

Dù vậy, nếu loại bỏ các yếu tố về giá và xuất xứ, xe Subaru vẫn chưa có được chỗ đứng vững chắc trong lòng số đông người tiêu dùng Việt Nam. So với Toyota, Honda hay Hyundai, những chiếc xe Subaru vẫn đang đánh vào thị trường ngách, chưa thuộc vào “mâm lớn” như các mẫu xe thuộc những thương hiệu kể trên. Để có sức cạnh tranh đủ lớn thì những sản phẩm mới (tại Việt Nam) như Forester phải có “chất riêng”. May mắn làm sao, “chất” là thứ mẫu CUV nhà Subaru không hề thiếu! Nhắc đến Subaru, ta không thể không nhắc đến 4 công nghệ chính mà họ trang bị cho rất nhiều mẫu xe của mình. Đó là hệ dẫn động bốn bánh toàn thời gian đối xứng S-AWD, động cơ Boxer, khung gầm Subaru Global Platform và gói công nghệ hỗ trợ người lái EyeSight.

Nghĩ đến Subaru là nghĩ đến hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian đối xứng S-AWD. Trong một chiến dịch quảng bá, Subaru đã đưa ra một bình luận rất hóm hỉnh: “An toàn không phải là một công việc part-time”, hàm ý rằng hệ dẫn động S-AWD của họ luôn luôn truyền lực đến cả 4 bánh xe, trong khi những hệ dẫn động bốn bánh của các đối thủ hầu hết chỉ làm việc bán thời gian.

Điều đó có nghĩa là trong các tình huống bình thường, lực mô-men xoắn của động cơ chỉ truyền đến 2 bánh trước và chỉ khi cảm biến nhận thấy có sự trượt bánh thì lực mô-men xoắn mới được truyền đến hai bánh sau. Đó là cách mà hệ dẫn động 4 bánh của Honda CR-V hay Mazda CX-5 hoạt động. Đúng với từ “đối xứng” (Symetrical), hệ dẫn động S-AWD của Subaru luôn phân bổ lực kéo theo tỷ lệ 50:50 cho cầu trước và cầu sau, mang lại lực bám đường ưu việt trên mọi địa hình. Một đặc trưng cũng rất độc đáo của Subaru là các trục láp đối xứng ở 2 cầu đều có độ dài bằng nhau. Thiết kế này loại bỏ hiện tượng lệch lái về 1 bên khi đạp ga lút sàn (torque steer).

Một thứ khác cũng đối xứng trên mọi chiếc Subaru là khối động cơ Boxer 4 xy-lanh đối đỉnh danh tiếng. So với cấu hình động cơ 4 xy-lanh thẳng hàng, động cơ Boxer tạo ra ít rung động hơn vì chuyển động của 2 cặp xy-lanh đối nhau đã triệt tiêu phần lớn rung động tạo ra. Do ít rung động hơn nên động cơ Boxer cũng nhẹ hơn vì không cần bổ sung các đối trọng để triệt tiêu rung động giống như động cơ xy-lanh thẳng hàng.

Ưu điểm quan trọng nữa của động cơ Boxer là do xy-lanh đặt ngang nên động cơ có trọng tâm thấp hơn hẳn, kéo trọng tâm xe thấp theo. Động cơ là thành phần nặng nhất trên một chiếc xe nên việc đặt nó càng thấp càng tốt sẽ cải thiện khả năng vận hành của chiếc xe. Với trọng tâm thấp, xe sẽ vào cua mượt mà hơn, nhanh hơn và cảm giác lái cũng được cải thiện đáng kể. Khối động cơ Boxer của Forester cũng được thiết kế để trượt xuống dưới gầm xe thay vì lao thẳng vào khoang lái trong tình huống có va chạm mạnh. Do đó, xe được trang bị động cơ Boxer sẽ an toàn hơn xe dùng động cơ inline. Subaru Forester 2019 được trang bị động cơ boxer nạp khí tự nhiên cho công suất tối đa 156 mã lực và lực mô-men xoắn 198 Nm. Con số này không ấn tượng như Honda CR-V hay Mazda CX-5 bản 2.5. Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu xem Subaru Forester có thể làm được gì với “chỉ” 156 mã lực ở phần trải nghiệm thực tế.

Khung gầm Subaru Global Platform cũng cải thiện cả về hiệu suất hoạt động và sự an toàn của hành khách trên xe. Khung gầm mới có độ cứng xoắn tốt hơn 50% so với khung gầm Forester cũ và có thể hấp thụ lực va chạm tốt hơn tới 40%. Về mặt hiệu suất thì một nền tảng khung gầm cứng vững hơn sẽ khiến chiếc xe vào cua tốt hơn. Chưa hết, Subaru Global Platform còn có khả năng triệt tiêu rung động tốt hơn 50% so với hệ khung gầm cũ, mang đến sự êm ái cho hành khách trên xe.

Giải pháp công nghệ cuối cùng tạo nên trải nghiệm đặc trưng của Subaru là gói công nghệ an toàn EyeSight. Hệ thống bao gồm 2 camera 3D hoạt động song song. Chúng đồng thời thu thập hình ảnh phía trước đầu xe và đo đạc khoảng cách xe phía trước bằng cách đối chiếu thị sai của 2 hình ảnh mà 2 camera thu được. Chính vì cách hoạt động giống với mắt con người này mà hệ thống được đặt tên là EyeSight. Subaru là hãng xe duy nhất áp dụng kiểu camera đôi như vậy. Ưu điểm so với camera đơn của các hãng xe khác là phản xạ nhanh hơn và có độ chính xác cao hơn.

Sáu tính năng tiên tiến của EyeSight: Phanh tự động khi gặp vật cản (Pre-Collision Braking); Kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control); Kiểm soát chân ga tránh đạp nhầm (Pre-Collision Throttle Management; Cảnh báo lệch làn (Lane Departure Warning); Cảnh báo đi lảo đảo (Lane Sway Warning – cảnh báo khi người lái không giữ xe đi thẳng do mệt mỏi hay gió tạt ngang); Cảnh báo khi dừng đèn đỏ (Lead Vehicle Start Alert – Cảnh báo người lái khi xe phía trước di chuyển mà người lái lơ đãng chưa khởi hành).

Tính năng đáng kể nhất của EyeSight là khả năng hỗ trợ phanh tự động khi có vật cản (Pre-Collision Braking). Tính năng này hoạt động hiệu quả nhất nếu tốc độ tương đối giữa 2 xe là dưới 50 km/h và giữa xe và người đi bộ dưới 35 km/h. Trên ngưỡng tốc độ trên thì hệ thống vẫn hoạt động hết khả năng để giảm thiếu lực va chạm nhưng sẽ không thể hoàn toàn ngăn chặn va chạm.

Pre-Collision Braking hoạt động với 3 mức độ. Cấp 1 là Cảnh báo: Khi một mục tiêu trước đầu xe được xác định là nguy hiểm, nó sẽ được hiển thị trên màn hình sau vô lăng, đồng thời những tiếng beep ngắn vang lên để cảnh báo người lái.

Cấp 2: Hỗ trợ phanh lần đầu: Khi mục tiêu được xác định là nguy hiểm và có nguy cơ va chạm cao, máy tính sẽ kích hoạt phanh lần đầu với lực vừa phải, đồng thời vẫn đưa ra cảnh báo ở màn hình sau vô lăng và cảnh báo bằng âm thanh. Nếu người lái đạp mạnh chân phanh và đánh lái nhiều, máy tính sẽ hiểu rằng người lái đang làm chủ được tình huống và sẽ tắt tính năng hỗ trợ phanh.

Cấp 3: Hỗ trợ phanh lần hai: Khi nguy cơ va chạm là rất rõ ràng và nguy cấp, máy tính sẽ dùng lực phanh tối đa để ngăn chặn hoặc hạn chế va chạm, đi kèm là tiếng beep liên tục. Khi người lái có hành động đạp phanh mạnh hoặc ga mạnh hoặc đánh lái nhiều, hệ thống sẽ nhận đinh là người lái đang kiểm soát và có hành động né tránh và phanh tự động sẽ không được kích hoạt để người lái hoàn toàn chủ động điều khiển xe.

Như vậy, chốt lại là: EyeSight sẽ luôn ưu tiên để người lái chủ động trong các tình huống và chỉ can thiệp vào những thời khắc cuối cùng. EyeSight là hệ thống hỗ trợ giảm thiểu va chạm, không phải là phép màu. Người lái vẫn cần tập trung tối đa vào việc lái xe, tránh lệ thuộc vào EyeSight. Những điều kiện có khả năng cản trở độ chính xác của EyeSight: trời mưa lớn hoặc có sương mù dày đặc, xe phía trước đi đêm không bật đèn, đối tượng chạy cắt mặt quá đột ngột v.v.. Cần đặc biệt lưu ý rằng camera ba chiều của EyeSight rất nhạy cảm nên tuyệt đối không lau chùi camera, không đặt, dán vật cản lên khu vực đỉnh táp lô và kính lái và thay thế kính lái ngay khi bị vỡ hoặc nứt để camera làm việc chính xác.

Trải nghiệm thực tế

Hành trình của chúng tôi bắt đầu bằng 1 cung đường mà tôi … cực ngại lái xe: quốc lộ 5 đoạn từ ngã tư Nguyễn Văn Cừ – Lê Văn Linh cho đến đường rẽ ra cầu Thanh Trì. Đây là đoạn đường có mật độ giao thông rất dày, nhiều xe tải chở hàng cồng kềnh và xe con dưới 9 chỗ chỉ được phép chạy ở làn bên trái ngoài cùng. Đoàn xe trải nghiệm xuất phát vào đúng giờ đi làm nên tình trạng giao thông càng thêm trầm trọng.

Đây là không gian thích hợp để tính năng Kiểm soát hành trình thích ứng thuộc gói công nghệ EyeSight của Subaru phát huy tác dụng của nó. Cài tốc độ 50 km/h, chọn khoảng cách với xe trước 25 mét, việc lái xe giờ tắc đường trở nên thoải mái hơn bao giờ hết! Mỗi lần nhấp phím tăng hoặc giảm tốc, chiếc xe sẽ thay đổi tốc độ theo từng bước 5 km/h, cũng như thay đổi khoảng cách “bám đuôi” xe phía trước theo từng bước 5 mét. Kết hợp với tính năng cảnh báo điểm mù và cảnh báo lệch làn, điều khiển chiếc Forester giữa đường đông là rất nhàn nhã. Mỗi khi xe phía trước thay đổi tốc độ, chiếc Forester cũng thay đổi theo một cách mượt mà, đỡ gắt hơn hệ thống tương tự trên xe Volvo. Bên cạnh đó, mỗi khi cần tự mình đạp ga, bạn sẽ thấy chân ga của Forester và độ phản ứng của động cơ Boxer là rất nhạy và chính xác.

Ra đến Đại lộ Thăng Long, cả tôi và chiếc Subaru đều có cơ hội được “duỗi chân”. Đạp thốc ga, khối động cơ Boxer 2.0L phản ứng tức thì với mệnh lệnh từ cái chân phải của tôi. Nhưng – nó không đủ lực kéo để khiến quá trình tăng tốc trở nên hứng khởi. Đúng vậy, khối động cơ Boxer 156 mã lực, 198 Nm không thể cho lực kéo mãnh liệt như máy 1.5L tăng áp của Honda CR-V nhưng bù lại thì nó mượt mà hơn và ít rung động hơn ở dải tua cao. Hộp số CVT của Subaru cũng hoạt động trơn tru, gần như không bị hiện tượng dây chun khi tăng tốc thốc và các cấp số ảo cũng cho cảm giác thuyết phục. Nhìn chung thì trải nghiệm trên cao tốc với Forester cũng khá ấn tượng, bạn chỉ cần tính toán kỹ một chút khi cần vượt xe và tận dụng 2 lẫy chuyển số trên vô lăng.

Sau khi dừng chân nghỉ trưa, đoàn trải nghiệm chúng tôi tiếp tục với cung đường lái xe thú vị nhất trong hành trình. Đó là đoạn quốc lộ 13 đoạn từ ngã ba Tòng Đậu đến Đèo Đá Trắng. Đó là sự kết hợp giữa một vài đoạn đường đẹp như tranh và rất nhiều đoạn chỉ còn đường nhựa vỡ nát, trơ đá xanh vì mưa lũ, đường đất bụi mù mịt và những mảng đường đang thi công nham nhở. Thực sự mà nói thì chẳng mấy khi chúng ta chạy xe trên các địa hình xấu như vậy nhưng khi cần thiết, Forester sẵn sàng cùng bạn đến bất cứ đâu với khung gầm vững chãi và hệ dẫn động 4 bánh thông minh. Khoảng sáng gầm xe lên tới 220 mm cũng khiến bạn loại bỏ nỗi lo cạ gầm.

Bất cứ xe nào có gầm tương đối cao một chút thì cũng sẽ bò được qua những đoạn đường xấu như vậy. Điều tạo ra sự khác biệt là giới hạn của chiếc xe nằm ở đâu và bạn dám đi nhanh đến đâu. Dẫn đầu đoàn trải nghiệm là một tay đua quen thuộc của đội Racing AKA nên cánh phóng viên chúng tôi bắt buộc phải chạy đủ nhanh nếu không muốn tụt lại phía sau.

Hệ dẫn động 4 bánh của Forester không chỉ hữu ích khi đi off-road mà nó cũng mang lại sự tự tin khi bạn vào cua ở tốc độ cao. Trên thực tế, chẳng mấy ai đi đường mà vào cua với tốc độ có thể làm khó Subaru Forester vì với lực mô-men xoắn được phân bổ đều cho cả 4 bánh, giới hạn lực bám đường của Forester là rất cao. Bạn có thể tự tin ôm cua mà không lo trượt bánh giống như các mẫu CUV cầu trước! Khối động cơ Boxer trọng tâm thấp cũng khiến xe có khả năng vào cua rất tốt, cân bằng và ít bị dao dộng theo phương ngang. Thực sự, bạn phải thử cầm lái chiếc Subaru Forester theo phong cách lái “hung hăng” thì mới tin rằng 1 chiếc CUV đến từ Nhật mà lại lái hay đến thế!

Kết luận

Tôi là phóng viên duy nhất cầm lái đủ 350 km liên tục trong ngày trải nghiệm đầu tiên, không đổi lái sau mỗi chặng nghỉ. Sau một hành trình dài như vậy, ấn tượng lớn nhất mà tôi có được với Subaru Forester không phải là khả năng “ăn cua” của nó mà là sự thoải mái cho cả người lái và hành khách trên xe. Lái xe liên tục gần 10 tiếng nhưng vì vị trí ngồi thoải mái, tầm quan sát rộng và xe êm nên tôi vẫn còn đủ sự tỉnh táo và thể lực để tham dự gala dinner tại Ninh Bình cũng như về phòng làm việc thêm 2 tiếng.

Bên cạnh đó, 3 hành khách trên xe vẫn có thể ngủ ngon lành mặc cho tôi đang mải mê tìm kiếm quỹ đạo tốt nhất qua mỗi khúc cua tay áo. Khi đã ngủ chán chê thì họ … lôi laptop ra làm việc mà không hề say xe. Thực sự, tôi không thể tìm được chiếc CUV 5 chỗ nào trong tầm giá 1 tỷ đồng có thể phục vụ tốt cả ông tài xế và hành khách trên xe như Subaru Forester.

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)