Taxi tự lái Cybercab bị tố sao chép từ phim, đạo diễn đòi lại thiết kế

0
6
Đạo diễn bộ phim “I, Robot” cho rằng thiết kế mới nhất đến từ hãng xe của Elon Musk trông rất quen thuộc. Nhưng đó không phải lời tố cáo duy nhất.
Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 1.

Mẫu xe mới của Tesla mới ra mắt đã có nhiều rắc rối – Ảnh: Tesla

Như mọi khi, sự kiện mới nhất của Tesla tiếp tục thu hút sự chú ý và gây tranh cãi. Sự kiện “We, Robot” đã tiết lộ mẫu taxi tự lái Cybercab, một chiếc xe chở được 20 người gọi là Robovan cũng như cái nhìn rõ hơn về những chú robot Optimus mới của tỉ phú Elon Musk.

Một trong những điều gây tranh cãi là ngày càng có nhiều nghi ngờ về tính nguyên bản của cả ba sản phẩm được trình diễn.

Đạo diễn “I, Robot” tố cáo bị mượn thiết kế

Sự kiện “We, Robot” của Elon Musk rõ ràng chịu ảnh hưởng từ bộ phim nổi tiếng đầu những năm 2000 là “I, Robot”. Cái tên cũng đã thể hiện rõ điều này. Nhưng điều trớ trêu là, bộ phim đó lại cảnh báo về sự nguy hiểm của robot và trí tuệ nhân tạo.

Bỏ qua sự trớ trêu đó, dường như sự kiện của Elon Musk không chỉ vay mượn cách đặt tên. Đạo diễn bộ phim, Alex Proyas, đã cáo buộc Elon Musk và Tesla sao chép thiết kế của mình.

Proyas đã lên mạng xã hội X do Musk sở hữu và nói rằng: “Elon ơi, tôi có thể lấy lại thiết kế của mình được không?”.

Trong khi nhiều người sẽ chỉ ra rằng robot hình người khó tránh khỏi sự tương đồng, thì chuyện “sao chép” (nếu đúng) không dừng lại ở đó. Chiếc Robovan tự lái khá giống những phương tiện giao hàng không người lái xuất hiện trong phim. Chiếc Cybercab cũng có sự tương đồng kỳ lạ với chiếc xe tự lái của nhân vật chính do Will Smith thủ vai.

Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 2.

Bài đăng tố Tesla sao chép và đòi Elon Musk trả lại thiết kế của đạo diễn đến nay đã thu hút 8 triệu lượt truy cập – Ảnh chụp màn hình

Theo The Hollywood Reporter, không chỉ có Proyas cảm thấy Tesla có thể đã mượn một vài thứ từ bộ phim. Matt Granger, người từng làm trợ lý cho Proyas trong “I, Robot”, cũng chỉ trích Elon Musk chẳng có chút sáng tạo nào, chỉ là một kẻ sao chép.

Cybercab như bản thuần điện của Volkswagen XL1?

Dường như “I, Robot” không phải cái tên duy nhất được Elon Musk tham khảo (hay ít nhất các nhân viên của ông).

Chỉ có 250 chiếc XL1 từng được sản xuất với mức giá tương đương 121.500 USD (hơn 3 tỉ đồng) ngày nay (xe sản xuất 2013). Xe chỉ tiêu thụ 0,9 lít xăng cho 100km thông qua hệ truyền động hybrid diesel 2 xy-lanh sản sinh công suất 68 mã lực, kết hợp với vật liệu nhẹ tiên tiến và tính khí động học cao.

Theo trang Carscoops, Cybercab và mẫu Volkswagen XL1 có ít nhất 5 điểm giống nhau. Sự tương đồng kỳ lạ giữa hai mẫu xe có thể coi Cybercab là bản điện tự lái của XL1.

XL1 không nổi tiếng như Cybercab, nhưng với người trong ngành, mẫu xe Đức thực sự là “kỳ lân” (từ thường dùng để chỉ những start-up cực kỳ nổi trội).

Điểm tương đồng rõ ràng nhất giữa hai mẫu xe là hình dáng tổng thể. Mũi ngắn, đường mái dốc được vuốt khéo léo để tăng tính khí động học. Nhưng về cơ bản, XL1 có tính khí động học cao hơn, khi Cybercab sử dụng mâm lớn, đường hông “thô” hơn.

Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 3.
Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 4.

Nhìn thoáng qua thì hai mẫu xe khá giống anh em một nhà – Ảnh: Carscoops

Cả hai đều sử dụng thiết kế cửa cánh bướm. Không chỉ trông đẹp, thiết kế này giúp hành khách dễ dàng ra vào cabin hơn, đặc biệt là ở xe gầm thấp. Đây là lý do tại sao kiểu cửa này thường có trên siêu xe.

XL1 tiến bộ hơn (dù ra trước) bằng cách kết hợp các phần của mái vào thiết kế cửa – điều cần thiết vì chiều cao của xe chỉ 1.153mm. Mặc dù Tesla chưa công bố thông số kỹ thuật chi tiết, nhưng nguyên mẫu có vẻ cao hơn đáng kể so với XL1, khiến kiểu cửa này thiên về hình thức hơn là chức năng.

Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 5.

Cửa cánh bướm trên XL1 được đánh giá cao hơn Cybercab – Ảnh: Carscoops

Việc bỏ kính chắn gió phía sau không phải là điều bất thường vào năm 2024 như thời điểm XL1 ra đời, nhưng đây là một đặc điểm chung khác giữa hai mẫu xe. Ở XL1, việc thiếu kính sau phục vụ cho mục tiêu về trọng lượng và khí động học. Đối với Cybercab, việc lái xe hoàn toàn tự động loại bỏ nhu cầu về nhìn phía sau.

Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 6.

Cybercab bỏ kính chắn gió sau không gây chấn động như thời điểm XL1 ra đời (bản concept ra năm 2002, bản sản xuất ra 2013) – Ảnh: Carscoops

Cả Cybercab và XL1 đều có dải đèn chạy toàn bộ chiều rộng phần đầu xe, mang đến cho chúng vẻ đẹp tương lai, đặc biệt là vào ban đêm. Tất nhiên, thật khó để nói đây là “học hỏi”.

Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 7.

Phần đầu xe có chút giống nhưng không quá rõ rệt – Ảnh: Carscoops

Cuối cùng, cả hai mẫu xe đều có bố cục nội thất hai chỗ ngồi. Tesla Cybercab có đặc điểm độc đáo hơn là bỏ đi các thành phần điều khiển do hướng tới tự lái. Trong khi Volkswagen XL1 vẫn là một mẫu xe “truyền thống”.

Xe mới của Tesla bị tố sao chép từ phim, đạo diễn hỏi Elon Musk: 'Khi nào tôi được lấy lại xe?' - Ảnh 8.

Cả hai cùng chung cách bố trí ghế dù thiết kế khác nhau – Ảnh: Carscoops

Bình luận về bài viết của trang Carscoops, nhiều người cho rằng “XL1 đi trước thời đại”, “Cybercab như thể sản phẩm của đứa trẻ 12 tuổi hình dung về chiếc xe yêu thích thông qua những chiếc xe chúng đã nhìn thấy”, “giá Volkswagen cố gắng giữ XL1 thì đã không còn đất cho Cybercab”…

Tất nhiên, vẫn có những ý kiến bênh vực khi nói rằng: “Cậu bé 12 tuổi đó đã ‘gắp’ được tên lửa lớn nhất từng được chế tạo bằng ‘đôi đũa’ khổng lồ”.