Phụ nữ bán ô tô làm gì khi có đề nghị khiếm nhã?

0
4
Một nữ tư vấn bán ô tô chia sẻ, trong quá trình cô làm việc, nhiều khách hàng nam có hành vi không lịch sự, thậm chí có ý gạ gẫm. Tuy nhiên, những người đồng ý với điều này thường không tồn tại được lâu trong nghề.
Góc khuất phụ nữ bán ô tô: '10 khách mua xe, 5-6 khách có dấu hiệu khiếm nhã' - Ảnh 1.

Nữ tư vấn bán hàng lâu năm tiết lộ những câu chuyện trong nghề ít người biết – Ảnh: Trên Ghế

Phụ nữ bán ô tô đang gặp phải rất nhiều thách thức và cám dỗ trong quá trình làm việc, đặc biệt khi tiếp cận các tay chơi nhà giàu để bán xe. Trong chương trình Trên Ghế ngày 17-10, một nữ nhân viên sales ô tô lâu năm, tạm gọi là chị A, đã chia sẻ những câu chuyện thực tế trong “hậu trường” nghề bán xe.

Phụ nữ bán ô tô dễ bị gạ gẫm

Theo chị A, tin đồn liên quan đến những vấn đề nhạy cảm như “bán xe tặng chân dài”, khách gạ nữ tư vấn bán hàng là có thật. Thậm chí khá phổ biến. “Ví dụ 10 xe bán ra, các bạn nữ có thể nhận lời gạ gẫm từ 5-6 khách hàng”, chị chia sẻ.

Tình trạng này không chỉ xuất hiện khi nữ tư vấn bán hàng tiếp cận các khách hàng giàu có để bán xe sang, mà ngay cả khách mua xe phổ thông cũng không ít trường hợp thể hiện sự khiếm nhã.

Góc khuất phụ nữ bán ô tô: '10 khách mua xe, 5-6 khách có dấu hiệu khiếm nhã' - Ảnh 2.

Sự khiếm nhã đó xuất hiện dưới nhiều hình thức. Có người mở lời một cách thô lỗ theo kiểu: “Rảnh không tối nay đi chơi, đi xong đừng có về nhà nhé”. Có người lại lên cả một quá trình để lấy lòng các bạn nữ. Trước tiên là mời đi ăn, đi cà phê. Sau đó là những lời mời “nặng đô” hơn như uống rượu.

Bản thân chị cũng từng rơi vào các tình huống bị khách hàng đưa ra những lời mời khiếm nhã. Ví dụ khi mang xe đến gần nơi ở của khách để lái thử, trong quá trình hướng dẫn khách cảm nhận xe, họ cố tình động chạm chân tay, hoặc đề nghị một cách khiếm nhã mời mọc bằng lời nói.

Đổi lại, các nữ tư vấn bán hàng có thể nhận về nhiều thứ, ngoài bán được xe. Chẳng hạn, có người hứa hẹn dẫn đi du lịch.

Tuy nhiên, chị cũng cảnh báo, rất nhiều chỉ là “bánh vẽ”, tán tỉnh cho vui. Có khách hẹn đi mua sắm nhưng sau báo bận. Thậm chí có khách đồng ý mua xe, thậm chí chuyển khoản ngay trước mặt, nhưng cố tình viết sai một chữ số nên giao dịch không thành công.

Góc khuất phụ nữ bán ô tô: '10 khách mua xe, 5-6 khách có dấu hiệu khiếm nhã' - Ảnh 3.

Những người “thỏa hiệp” không gắn bó với nghề 

Dù việc khách gạ gẫm khó tránh, nhưng theo chị A, hầu hết trường hợp tùy vào quyết định của bạn nữ. “Có những người vì muốn bán được xe hoặc muốn lấy lòng khách hàng nên đồng ý. Còn có đi “tăng cuối” hay không phụ thuộc vào từng bạn”, chị A kể lại. Với bản thân chị, khi nhận ra những tín hiệu gạ gẫm từ khách hàng thì sẽ không tiếp tục làm việc nữa.

Chị cho biết, thực tế, chị chưa gặp nữ tư vấn thực sự nào sẵn sàng “hy sinh” mình vì doanh số. Những người đi “tăng cuối” thực chất thường ham vui và thích tiền, không phải là người đam mê với nghề và muốn gắn bó với nghề bán xe.

“Những bạn đam mê và muốn gắn bó với nghề sẽ không cần những khách hàng như thế. Các bạn ấy dùng năng lực của mình để thuyết phục khách hàng mua xe. Những bạn ấy cố gắng chăm sóc khách hàng thật tốt, từ những khách hàng này sẽ ra rất nhiều khách hàng khác nữa”, chị cho hay.

Làm tròn trách nhiệm của một người bán hàng

Chị khuyên các nữ tư vấn bán hàng nên “biết điểm dừng”, bởi “những người có tiền là những người có đầu óc, bất kỳ một tư vấn bán hàng nào cũng đừng mơ có thể ăn tiền của họ”.

Nếu một khách hàng muốn mua xe thực sự, cuối cùng họ vẫn sẽ mua xe. Do đó, nên làm tròn trách nhiệm ở vị trí người bán hàng, tạo những mối quan hệ bạn bè, đối tác thân thiết để khách hàng có thể hỗ trợ mình có những bước tiến về sau.

Góc khuất phụ nữ bán ô tô: '10 khách mua xe, 5-6 khách có dấu hiệu khiếm nhã' - Ảnh 5.

“Điều quan trọng là những giá trị mà mình mang lại cho khách hàng về chiếc xe đó. Trước hết, khách hàng cần được mua xe với giá tốt nhất. Tiếp theo, tôi sẵn sàng hỗ trợ khách mỗi khi xe cần bảo dưỡng hay gặp hỏng hóc trong quá trình sử dụng. Ngoài ra, những dịp lễ, Tết, sinh nhật… tôi đều cố gắng nhắn tin chúc mừng, hỏi thăm khách hàng. Khách hàng rất trân trọng những điều dù nhỏ này.

Về việc khách mời tham gia các cuộc hẹn như đi ăn hay cà phê, buổi đầu tiên tôi vẫn sẽ đi theo lời mời của khách. Nhưng nếu buổi đầu này tôi có cảm nhận gì đó không tốt, tôi sẽ từ chối ở những buổi tiếp theo”, chị chia sẻ kinh nghiệm.

Chương trình Trên Ghế được phát sóng lúc 18h10 thứ 3, 5, 7 và phát lại cùng khung giờ thứ 2, 4 hằng tuần trên HTV9.