Là một người yêu thích thương hiệu BMW, tôi đã quan sát kỹ sự thay đổi của hãng xe này từ chất thuần cơ khí sang việc lệ thuộc vào các hệ thống điện tử. Dù sự thay đổi nào cũng có mặt phải và mặt trái nhưng là một người luôn tìm kiếm những cỗ máy cho trải nghiệm lái chân thực nhất, tôi vẫn thoáng buồn với tầm nhìn của giới lãnh đạo BMW hiện nay.
Thật vậy, dù đã trải nghiệm cả M4 F82 cho đến 750i đời G11 nhưng những cỗ máy BMW mà tôi yêu thích nhất, khao khát nhất, vẫn là những chiếc “xe nát” được sản xuất từ hơn 1 thập kỷ trước! Một chiếc Series 3 đời E46 luôn nằm trong danh sách xe mơ ước của tôi.
“The Ultimate Driving Machine”
Có thể khẳng định ngay rằng danh tiếng của BMW được tạo dựng nên bởi những cá nhân mê lái xe, những người không chịu sở hữu một chiếc xe nhàm chán. Nếu chịu khó tìm hiểu một chút thôi về Bayerische Motoren Werke – BMW, bạn cũng sẽ nghe qua khẩu hiệu “The Ultimate Driving Machine” ít nhất một lần. Vậy, “cỗ máy tột đỉnh” là gì?
“The Ultimate Driving Machine” là chiến dịch truyền thông của những năm 70 thế kỷ trước, lần đầu được trình làng bởi Bob Lutz, cựu Giám đốc truyền thông và kinh doanh của BMW thời đó. Slogan này chính thức được tung ra từ năm 1973 và kể từ đó, slogan này là một phần tất yếu của hình ảnh thương hiệu BMW.
Slogan này cộng hưởng với lối suy nghĩ của giới trẻ Mỹ vào thời kỳ đó. Đó là những đứa trẻ được sinh ra ngay sau Thế chiến thứ 2, đang độ tuổi muốn khẳng định bản thân và khao khát sở hữu một chiếc xe phản ánh đúng cá tính của họ. Với những con người thuộc độ tuổi đôi mươi này, một chiếc Buick – người bạn đồng hành tin cậy của bố mẹ họ, là quá già cỗi, tốn xăng và chẳng có chút thú vị nào. Như một lẽ thường tình, những con người trẻ này tìm kiếm những lựa chọn khác nhỏ gọn, tiết kiệm xăng và cá tính hơn.
Với sự quyết đoán và đầy tính chất khẳng định và tự tôn, slogan “The Ultimate Driving Machine” đánh đúng vào tâm lý của giới trẻ Mỹ. Nó không là kiểu slogan nước đôi, nhạt nhòa của những hãng xe khác mà khẳng định chắc nịch tầm nhìn của BMW: tạo ra những chiếc xe cho trải nghiệm “đã” nhất. Chọn 1 chiếc BMW, bạn sẽ có trải nghiệm khác biệt, đơn giản là vậy. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là những sản phẩm của BMW thực sự phản ánh đúng khẩu hiệu này, đặc biệt là những cỗ máy tuyệt vời như 3.0 CSL hay 2002 Turbo.
“The Ultimate Driving Machine” thành công tới nỗi nó làm lu mờ những slogan sau này của BMW như “Sheer Driving Pleasure” hay “Joy of BMW”. Cũng như “Vorsprung durch Technik” của Audi, “The Best or Nothing” của Mercedes-Benz hay “There is no substitute” của Porsche, slogan của BMW phản ánh được những gì người tiêu dùng nên mong đợi ở sản phẩm của họ. Với Audi, đó là công nghệ, với Mercedes, đó là sự sang trọng tột đỉnh, với BMW, đó là trải nghiệm lái khác biệt.
Với tôi, cỗ máy tột đỉnh về trải nghiệm lái là một chiếc BMW M3 CLS đời E46. Tuy nhiên, quá khó để được “trên mông” chiếc xe hiệu năng cao này tại Việt Nam. Thậm chí, BMW M3 đời E46 bản tiêu chuẩn cũng gần như không xuất hiện. Dù vậy, cái hay của BMW thời kỳ thuần cơ khí là ở chỗ: ngay cả những bản thấp cấp nhất vẫn sở hữu một chút “phép màu” của các cỗ máy ///M. Với đời F30 hiện tại? Cảm xúc tột độ khi cầm lái chỉ tồn tại khi bạn vươn đến bản 340i hay M3, M4 mà thôi. Đó là lý do vì sao dù đã cầm lái khá nhiều chiếc BMW hiện đại, tôi vẫn hướng về những chiếc BMW đời E46 hay E60. Bài trải nghiệm dưới đây được thực hiện với 1 chiếc BMW 325i E46 đời 2004, một chiếc xe vẫn đậm đặc “chất BMW cũ” mà có giá bán chỉ hơn 200 triệu đồng.
Thiết kế – Cổ nhưng không cũ
Sau khi ngắm hàng tá nếp gấp, gờ lõm, vân dập nổi của đời G20, tôi thực sự thấy dịu mắt khi một lần nữa nhìn lại những đường nét thiết kế đơn giản, tinh gọn của đời E46, dòng Series 3 của 3 thế hệ trước. Nghe có vẻ như rất sáo rỗng nhưng thực sự, càng tìm hiểu sâu về xe cộ, tôi càng thấy châm ngôn “Đơn giản là sự phức tạp tối đa” nó mới đúng làm sao! 20 năm nữa, liệu G20 có được nhìn lại và đánh giá rằng nó là một mốc son về thiết kế xe giống như điều mà E46 làm được ở hiện tại? Tôi nghĩ là không, khi những đường nét cầu kỳ của G20 trở nên lỗi thời trước thiết kế bo tròn thuôn mượt của những chiếc xe tương lai.
Trở lại với chiếc 325i đời E46 này, từng đường nét đều là một phần nhỏ góp phần tạo nên một thiết kế tổng thể gọn gàng và thể thao. Bao quanh thân xe là một dải nhựa đen – thiết kế tương đồng với đàn anh Series 5 E39, tạo vẻ đứng đắn, gọn gàng cho chiếc 325i. Tôi gọi đường nẹp đen này là một chiếc thắt lưng da cao cấp của một quý ông gọn gàng, chỉn chu. Phần đầu xe cũng rất gọn gàng với mặt ca lăng quả thận màu đen, 2 cụm đèn pha xenon với các dải LED tròn “Angel Eyes” đặc trưng. Sau 15 năm, đây vẫn là 1 bộ mặt có thể thu hút sự chú ý trên đường phố.
Ở bên hông, những đường thẳng tạo nên sự sang trọng, đơn giản cho phần thân xe với điểm nhấn là bộ la-zăng M Sport kiểu Style 194 kích cỡ 17 inch tuyệt đẹp. Đây là chi tiết được chủ xe độ thêm, thay cho la-zăng 5 chấu đặc trưng của 325i. Người chủ xe này cũng rất “chất chơi” khi độ thêm lốp hiệu năng cao Michelin Pilot Sport 4 cho xế cưng của mình. Chỉ riêng sự thay đổi này cũng hứa hẹn mang lại trải nghiệm thể thao hơn khá nhiều cho chiếc xe nhiều tuổi đời này. Phần đuôi xe tương đối nguyên bản, chỉ được bổ sung thêm nẹp nắp khoang hành lý dán giả các-bon và bộ pô độ on/off.
Vậy sau 15 năm, thời gian đã để lại những dấu vết gì trên chiếc 325i này? Thông thường, dấu vết thời gian sẽ thể hiện rõ nhất ở phần đầu xe, và trên chiếc xe này cũng không ngoại lệ. Cụm đèn pha vẫn sáng rõ, nhưng phần chóa đèn đã ngả sang màu ngà. Tấm cản trước cũng có khá nhiều vết đá dăm, điều không thể tránh khỏi nếu bạn sử dụng xe thường xuyên.
Nhìn sang bên hông, bộ la-zăng cũng có một vài vết xước, mẻ, dù so với tuổi xe, bộ la-zăng này vẫn còn mới hơn tôi mong đợi. Có lẽ là vì bộ la-zăng 7 inch thể thao này mới được thay chưa lâu. Nước sơn cũng hơi ngả vàng, điều khó tránh khỏi khi 1 chiếc xe màu trắng chạy hơn 15 năm tại Việt Nam. Dù vậy, nhìn chung thì chiếc xe này có ngoại hình khá ổn, nếu ai kỹ tính thì có thể cho nó đi “spa” để tút tát lại vẻ đẹp với chi phí không quá đắt đỏ.
Khoang nội thất chiếc 325i này có thiết kế thuần nút bấm cơ học nhưng các chi tiết có độ bền thực sự đáng nể so với xe bình dân cùng tầm. Thứ gây ấn tượng nhất đối với tôi là bộ ghế ngồi. Ghế được bọc da thật sáng màu, thứ da mà dân chơi BMW hay gọi là “da voi” vì lớp vân đặc biệt của nó. Thật khó tin khi sau 15 năm sử dụng, mặt ghế lái vẫn chưa lõm mà chỉ có một vài vết nứt nhỏ. Ghế lái cũng có tới 3 vị trí nhớ và chỉnh điện 8 hướng, ghế phụ cũng chỉnh điện. Hàng ghế sau cũng có độ bền và êm ái tương tự ghế trước với các miếng đệm hông dày dặn. Chỉ tiếc là ta không có cửa gió cho hàng ghế phía sau, thay vào đó là 1 khay chứa đồ nhỏ.
Các chi tiết khác trong khoang nội thất cũng giữ được sự bền bỉ xứng tầm xe sang. Vô lăng 4 chấu được bọc da vẫn rất mềm mại, các nút bấm vẫn nảy “tanh tách”, không bị rơ. Phía sau vô lăng là đồng hồ dạng cơ đặc trưng của BMW và các màn hình nhỏ thông báo tình trạng hoạt động của xe. Thực sự, tôi thích đồng hồ cơ này hơn mọi đồng hồ điện tử của BMW sau này. Những mặt đồng hồ tròn và kim chỉ cơ cho thấy BMW từng là hãng xe tập trung hơn về trải nghiệm lái thay vì “đồ chơi” trên xe. Khó có thể nói được điều đó với các mẫu xe hiện tại của BMW.
Nhắc về khoản đồ chơi, ta sẽ thấy BMW 325i có và không có thứ gì khi so với các mẫu xe bình dân hiện tại. Xe không có gập gương tự động, cũng không có nút bấm khởi động Start/Stop, càng không có màn hình LCD trung tâm. Chiếc xe này được chủ nhân độ đầu DVD Android kèm màn hình 8 inch để tiện sử dụng hàng ngày hơn. Vậy chiếc xe này có gì? Đó là đèn pha tự động, ga tự động (Cruise Control), rèm cửa sau điều khiển điện, 4 cửa kính tự động. Không nhiều, nhưng đủ để chiếc xe này không quá tụt hậu so với các mẫu xe bình dân hiện tại.
Tuy nhiên, nếu chọn 1 chiếc xe sang cũ như BMW 325i đời 2004, bạn sẽ được nhiều thứ hơn thế. Đó là sự an toàn. Xe có đủ 6 túi khí, bao gồm túi khí bên hông cho mọi hành khách trên xe. Khung gầm của chiếc xe này cũng chắc chắn hơn nhiều so với xe bình dân hiện nay. Hình ảnh dưới đây cho thấy khi va chạm nửa đầu xe (moderate overlap), chiếc xe sang cỡ nhỏ vẫn kiểm soát tốt việc biến dạng khoang cabin, mang lại sự an toàn cao cho người ngồi trong xe. Bạn khó có thể tìm thấy hiệu năng va chạm tốt hơn với những mẫu xe mới dưới 1 tỷ đồng hiện tại.
Trải nghiệm thứ từng là chuẩn mực
Series 3 luôn là dòng xe chiến lược của BMW. Kể từ khi thế hệ E21 ra đời năm 1975 và đời E30 (1982) đưa tên tuổi của Series 3 vươn tầm thế giới, dòng xe này luôn là chuẩn mực của một chiếc sedan thể thao cỡ nhỏ. Trên thực tế, đây là mẫu xe sang cỡ nhỏ giữ vị trí lâu nhất trong Top 10 xe tốt nhất năm của tạp chí Car and Driver trong hơn 20 năm, cho đến khi đời F30 gây thất vọng với cảm giác lái không sắc sảo như xưa. Đời F30 với kích cỡ lớn nhất từ trước đến nay và vô lăng trợ lực điện không chút cảm giác thực sự là 1 chiếc xe sang hơn là thể thao, và điều đó khiến nhiều fan cuồng BMW thất vọng. Trở lại với đời E46 trong bài viết, đó là một trải nghiệm khác biệt hoàn toàn so với F30.
Nhắc đến BMW là phải nhắc đến dòng động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng của họ. BMW là một trong số ít hãng xe trung thành với động cơ I6, cấu hình động cơ được coi là hoàn hảo cho một chiếc xe sang. Vậy, động cơ I6 2.5L tên mã M54B25 của chiếc BMW 325i này có gì đặc biệt?
Khối động cơ 2.5L này sản sinh công suất tối đa 189 mã lực tại 6.000 vòng/phút và lực mô-men xoắn tối đa 245 Nm tại 3.500 vòng/phút. Khi so với các mẫu xe bình dân hiện tại, đơn cử như Honda Civic VTEC Turbo, BMW 325i vẫn trội hơn một chút. Hơn nữa, 189 con ngựa này chỉ phải cõng trong lượng khô 1.490 kg, tương đối nhẹ so với các mẫu xe hiện tại. Do đó, trải nghiệm với BMW 325i đời E46 vẫn hứa hẹn sẽ rất thú vị dù xe đã 15 năm tuổi.
Ngoài những con số về công suất, cấu hình 6 xy-lanh thẳng hàng cũng là điều đáng nói. Động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng ưu việt hơn động cơ V6 nhờ sự êm ái, mượt mà và thiết kế đơn giản hơn. Khi nói về độ rung động của một khối động cơ, ta có 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển động lên xuống của các pít tông. Với động cơ I6, mỗi pít tông đều có một người anh em song sinh đối diện (1 và 6, 2 và 5, 3 và 4) chuyển động theo chiều ngược lại. Ví dụ, nếu pít tông 1 đang đạt điểm chết trên thì pít tông 6 ở điểm chết dưới. Chính sự chuyển động ngược chiều này đã triệt tiêu hoàn toàn sự rung động do chuyển động tịnh tiến của pít tông. Chỉ có cấu hình động cơ I6 và V12 (bản chất là 2 khối I6 chập lại) là có sự mượt mà tuyệt vời này.
Nguyên nhân thứ 2 khiến 1 khối động cơ rung động là chuyển động quay của trục khuỷu và bánh đà. Bánh đà của khối động cơ N53 được giảm cân, qua đó giảm rung động khi quay. Trục khủy được thiết kế với các mấu khuỷu đặt lệch nhau với nhau một góc 120 độ, mang đến sự cân bằng hoàn hảo khi các vấu khuỷu và đối trọng chuyển động quay.
Nguyên nhân thứ 3 khiến động cơ rung là kỳ sinh công của các xy-lanh, hay nói cụ thể hơn, đó là góc đánh lửa. Thiết kế mấu khuỷu lệch nhau 120 độ mang đến góc đánh lửa 120 độ – hoàn hảo cho 6 xy-lanh lần lượt sinh công một cách mượt mà. Tức là, trục khuỷu cứ quay được 120 độ thì sẽ có 1 xy-lanh bước vào kỳ nổ, 6 xy lanh = 720 độ, tức 2 vòng quay của trục khuỷu. Chính sự cân bằng về mặt thiết kế mang đến sự êm ái và mượt mà tối ưu cho cấu hình động cơ 6 xy-lanh, và Mercedes-Benz cũng như Jaguar Land Rover cũng dần trở lại với cấu hình I6 sau nhiều thập kỷ trung thành với động cơ V6.
Nước ga đầu của chiếc BMW 325i sẽ cho cảm giác khá uể oải nếu như bạn đã quen lái những chiếc xe sở hữu động cơ tăng áp. Đúng vậy, lực mô-men xoắn tối đa chỉ đến ở tua máy 3.500 vòng/phút, dải vòng tua mà bạn hiếm khi chạm tới nếu chỉ chạy trong phố. Dù vậy, ưu điểm của động cơ nạp khí tự nhiên là nó không có độ trễ tăng áp, và bạn sẽ “đạp tới đâu, thấy tới đó”. Chân ga và động cơ phản ứng tức thì với cái chân phải của bạn.
Điều đó thực sự tỏa sáng khi bạn lái chiếc BMW 325i theo cách nó được thiết kế để hoạt động. Dồn số thấp, tua vòng vọt lên trên 3.000 phút – đây là lúc hệ thống van biến thiên VANOS chuyển sang cấu hình vấu cam lớn để sẵn sàng bung trọn toàn bộ sức mạnh của khối động cơ I6. Tiếng ống xả uy lực hơn nhiều và cả chiếc xe như bừng tỉnh, sẵn sàng cùng bạn đạt mức redline 6.500 vòng/phút. Chiếc xe cần hơn 7 giây để chạm mốc 100 km/h, không quá nhanh nhưng tốc độ đường thẳng không phải là tất cả. Đó còn là độ phản hồi của động cơ, là tiếng pô ở dải tua vòng cao, là sự phản hồi chân thực của vô lăng trợ lực dầu và sự cân bằng tuyệt vời của khung gầm và hệ thống treo. Ở tốc độ cao và trên những cung đường đèo cua trái phải liên tục, chiếc 325i mới thực sự trở nên khác biệt so với những mẫu xe bình dân dẫn động cầu sau.
Vậy khi bạn chỉ đơn giản là lái xe trên cao tốc thì sao? Khả năng cách âm tương đối tốt của BMW 325i 2004 được thể hiện ở chỉ số độ ồn 65 dB ở tốc độ 80 km/h. Đây là một mức rất tốt so với 1 chiếc xe cũ. Không chỉ cách âm tốt mà khung gầm cứng kết hợp với hệ thống treo tốt mang lại sự êm ái rất dễ chịu, nhất là đi đường xấu, ví dụ như đại lộ Thăng Long. Kết thúc hành trình trải nghiệm, chiếc BMW 325i này tiêu thụ trung bình 11,6 lít xăng/100 km, một con số chấp nhận được so với trải nghiệm nó mang lại.
Còn về độ bền của chiếc xe thì sao? Vẫn biết rằng “của bền tại người” nhưng rõ ràng những chiếc xe Đức vẫn “nhạy cảm” hơn so với xe Nhật, phần nhiều vì tư duy thiết kế thiên về hiệu năng và trải nghiệm của xe Đức, trong khi xe Nhật luôn được thiết kế với độ bền là tiêu chí hàng đầu.
Với chiếc BMW 325i đời E46 này, có lẽ thứ khiến chủ xe đau đầu nhất là hệ thống làm mát động cơ của nó. Yếu điểm của hệ thống này là nó sử dụng quá nhiều chi tiết bằng nhựa. Nhựa là vật liệu nhân tạo tuyệt vời với nhiều ưu điểm như giá rẻ và dễ tạo hình, nhưng khi phải chung sống cùng khối động cơ có nhiệt độ hoạt động cao như động cơ I6 của BMW, các chi tiết nhựa này rất dễ biến dạng, nứt, thủng và ảnh hưởng đến khả năng làm mát động cơ. Do đó, khi tìm mua 1 chiếc E46 cũ hay bất kỳ chiếc BMW cũ nào, hệ thống làm mát là thứ đầu tiên bạn cần kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuống tiền. Thêm vào đó, hãy luôn sử dụng nước làm mát được khuyên dùng bởi BMW để bảo vệ các chi tiết kim loại, đặc biệt là bơm nước. Tin tôi đi, bạn không muốn bơm nước động cơ BMW bị ăn mòn đâu, vì nó là khởi nguồn của rất nhiều căn bệnh kinh niên của xe BMW!
Bên cạnh khung phụ phía sau yếu hơn cần thiết thì ngàm giảm chấn phía sau cũng là một bộ phận cần lưu ý. Nếu như bạn có ý định chạy chiếc E46 theo phong cách “phá làng phá xóm” thì việc nâng cấp các vị trí trọng yếu này là cần thiết. Cuối cùng, một vấn đề dễ gặp nữa là bệnh chảy dầu máy. Nhiều người đùa rằng “nếu không chảy dầu thì không phải là máy BMW!” và phần lớn nguyên nhân chảy dầu là do nhiệt độ làm việc cao của động cơ BMW làm lão hóa các doăng cao su ở các chi tiết máy. Để giải quyết tình trạng này thì bạn nên chăm sóc kỹ lưỡng hệ thống làm mát động cơ và nếu có thể, hãy thay loại van hằng nhiệt được thiết kế để mở ở nhiệt độ thấp hơn.
Kết luận
Hơn 200 triệu đồng là con số “không tưởng” nếu như bạn muốn mua 1 chiếc xe mới. Đó cũng là số tiền chỉ vừa đủ để mua những chiếc Camry hay Morning đời “ơ kìa”. Dù vậy, nếu có đủ hiểu biết căn bản về kỹ thuật và có dự trù 1 khoản tiền để sửa chữa khi cần thiết, những người mê cầm lái hoàn toàn có thể lựa chọn 1 chiếc “Bim nát” hay “Mẹc cổ” để làm người bạn đồng hành. Nên nhớ, một chiếc xe sinh ra đã là xe sang thì cả đời nó vẫn là xe sang! Tất nhiên, chi phí sửa chữa và sử dụng nó cũng đậm chất xe sang. Nếu đã xác định được điều đó thì không có lý do gì ngăn cản bạn “nhảy hố vôi” với một chiếc BMW Series đời E46.
Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)