Omoda & Jaecoo được chốt nhà máy gần 20.000 tỷ tại Việt Nam: Lắp xe xăng, PHEV, công suất 50.000 xe/năm, có thể xuất khẩu

0
22
Geleximco – Chery đã được Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp. Đây là dấu mốc quan trọng cho liên doanh này khi muốn phát triển bền vững tại thị trường Việt Nam.

Trong những ngày đầu của nửa sau tháng 10, Hội nghị Người dùng Toàn cầu được tập đoàn Chery tổ chức tại Trung Quốc đã có sự tham gia của khoảng 700 khách mời từ 49 quốc gia, trong đó có cả các lãnh đạo từ Việt Nam. Cũng trong khuôn khổ hội nghị này, ông Nguyễn Khắc Thận, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình, đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư và đăng ký doanh nghiệp của liên doanh Geleximco – Chery.

Omoda & Jaecoo được chốt nhà máy gần 20.000 tỷ tại Việt Nam: Lắp xe xăng, PHEV, công suất 50.000 xe/năm, có thể xuất khẩu- Ảnh 1.

Ông Vũ Khắc Thận (thứ 3 từ trái sang) trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho liên doanh Geleximco – Chery.

Trước đó, vào ngày 4/4, tập đoàn Geleximco và thương hiệu xe Omoda & Jaecoo (thuộc tập đoàn Chery) đã ký kết hợp đồng liên doanh tại Việt Nam. Theo công bố của liên doanh này khi đó, hai bên tập đoàn sẽ chung tay xây dựng một nhà máy đặt tại khu công nghiệp Hưng Phú, tỉnh Thái Bình có công suất lên tới 50.000 xe/năm, dự kiến hoàn thiện vào năm 2026. Khoản đầu tư cho nhà máy này lên tới 800 triệu USD (khoảng gần 20.000 tỷ đồng).

Cũng tại sự kiện được tổ chức tại Trung Quốc, ông Yin Tongyue, Chủ tịch tập đoàn Chery, còn cho biết rằng Việt Nam là một thị trường quan trọng với Chery. Ông cho biết tập đoàn này không chỉ hướng đến tiêu thụ nội địa mà còn xuất khẩu ra các nước Đông Nam Á và và cả toàn cầu. Đáng chú ý, tập đoàn Chery còn tính xây dựng cả trung tâm nghiên cứu và chế tạo ngay tại Việt Nam.

Omoda & Jaecoo được chốt nhà máy gần 20.000 tỷ tại Việt Nam: Lắp xe xăng, PHEV, công suất 50.000 xe/năm, có thể xuất khẩu- Ảnh 2.

Nhà máy sẽ lắp ráp xe phục vụ cả thị trường Việt Nam và quốc tế.

Dự án này được dự kiến sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm cho người dân địa phương. Theo ông Nguyễn Khắc Thận, dự án cũng sẽ góp phần thu hút thêm các nhà đầu tư phụ trợ tới đầu tư tại Việt Nam nói chung và tỉnh Thái Bình nói riêng. Do đó, ông khẳng định sẽ hỗ trợ tối đã để dự án khởi công và triển khai đúng tiến độ như dự kiến.

Về sản phẩm chính là ô tô, tập đoàn Trung Quốc này có kế hoạch sẽ phân phối xe xăng ở thời điểm ban đầu, sau đó mở rộng sang các dòng PHEV (hybrid cắm sạc). Trước mắt, mẫu Omoda C5 được lên lịch ra mắt thị trường Việt Nam vào cuối năm nay sẽ được nhập trước từ Indonesia. Khi nhà máy được hoàn thiện, nhiều khả năng đây sẽ là một trong những mẫu xe đầu tiên của hãng được nội địa hóa.

Omoda & Jaecoo được chốt nhà máy gần 20.000 tỷ tại Việt Nam: Lắp xe xăng, PHEV, công suất 50.000 xe/năm, có thể xuất khẩu- Ảnh 3.

Những chiếc Omoda C5 sắp được bán tại thị trường Việt Nam.

Omoda & Jaecoo cho biết họ cam kết phát triển các dòng xe thân thiện với môi trường. Nhiều khả năng, các mẫu xe tiếp theo sẽ được phân phối sau Omoda C5 là mẫu xe thuần điện Omoda E5 và xe PHEV Jaecoo J7. Trong đó, mẫu J7 dễ được lắp ráp tại Việt Nam hơn cả do phù hợp với cơ sở hạ tầng hiện tại.