Chạy xe quá chậm cũng tiềm ẩn tai nạn chết người

0
6
Khi lái xe quá chậm, đặc biệt là ở làn ngoài cùng bên trái, một xe đi chậm sẽ cản trở toàn bộ dòng xe phía sau, có thể dẫn đến ùn tắc giao thông.
Lái xe quá chậm gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn tai nạn chết người - Ảnh 1.

Chạy xe quá chậm cũng tiềm ẩn nguy cơ tai nạn – Ảnh: Arnolditkin

Chạy quá tốc độ là một trong các nguyên nhân hàng đầu gây ra tai nạn giao thông. Ngược lại, lái xe quá chậm cũng gây nguy hiểm, dù nhiều tài xế thực ra không nhận thức được điều này.

Như thế nào là lái xe quá chậm?

Luật pháp nhiều bang ở Mỹ quy định: Không ai được lái xe cơ giới ở tốc độ chậm đến mức cản trở việc di chuyển bình thường và hợp lý của giao thông, trừ khi cần phải giảm tốc độ để vận hành an toàn hoặc tuân thủ luật pháp.

Luật Giao thông Singapore có quy định về chiếm đường (road-hogging, tạm dịch) là hành vi lái xe với tốc độ chậm bất hợp lý trên đường, đặc biệt là bên phải hoặc dọc theo giữa đường (nước này theo luật đi bên trái).

Như vậy, lái xe quá chậm nghĩa là thấp hơn đáng kể so với tốc độ tối thiểu quy định, hoặc so với tình trạng giao thông xung quanh, gây ảnh hưởng tiêu cực đến giao thông trên đường.

Vi phạm trong các trường hợp trên đều bị phạt. Việc xác định vi phạm tùy thuộc vào quyết định của người thực thi pháp luật, căn cứ vào tình hình giao thông cụ thể. Tại Anh, tài xế lái xe quá chậm sẽ bị phạt 100 bảng và trừ 3 điểm vào giấy phép lái xe.

Tuy nhiên, luật pháp nước ta hiện chỉ quy định xử phạt với hành vi đi dưới tốc độ tối thiểu trên những đoạn đường có quy định tốc độ tối thiểu cho phép. Không có quy định về đi chậm cản trở giao thông hay chiếm đường.

Tăng nguy cơ tai nạn và ùn tắc giao thông

Khi tất cả các phương tiện đi với cùng một tốc độ, nguy cơ xảy ra tai nạn nghiêm trọng sẽ giảm. Tuy nhiên, khi một người lái xe đi với tốc độ khác, tỉ lệ tiếp cận giữa các xe sẽ tăng nhanh, làm tăng nguy cơ va chạm. Nói cách khác, lái xe quá chậm thực sự có thể làm tăng khả năng xảy ra tai nạn.

Theo một nghiên cứu của Viện Kỹ sư giao thông (ITE, Mỹ), lái xe chậm hơn 10 dặm/giờ (16 km/giờ) so với tốc độ dòng giao thông sẽ có nguy cơ khả năng gặp tai nạn cao gấp sáu lần. Nếu tốc độ trung bình trên đường liên bang là 70 dặm/giờ thì người lái xe với tốc độ 60 dặm/giờ có khả năng gặp tai nạn cao hơn nhiều so với người lái xe với tốc độ 70 hoặc thậm chí 80 dặm/giờ.

  • Lái xe quá chậm gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn tai nạn chết người - Ảnh 2.

Khi đi chậm, đặc biệt là ở làn ngoài cùng bên trái, một xe đi sẽ cản trở toàn bộ dòng xe phía sau, có thể dẫn đến ùn tắc giao thông. Sự cản trở, ùn tắc này sẽ khiến những người lái xe phía sau bực bội, tức giận, có thể dẫn đến những hành vi lái xe hung hăng (aggressive driving) gây nguy hiểm trên đường, theo nhận định của Liên minh Tài xế Anh quốc (ADB).

Trong trường hợp này, các hành vi lái xe hung hăng bao gồm: bám đuôi, vượt ẩu, lấn làn hoặc chuyển làn đột ngột, ấn còi hoặc nháy đèn liên tục, la hét, chửi bới và thậm chí là đâm va từ phía sau.

Ngoài ra, người lái xe chậm có thể không nhận thức được những mối nguy hiểm mà họ gây ra, dẫn đến không phản ứng phù hợp với tình hình giao thông xung quanh, từ đó lại góp phần gia tăng nguy cơ tai nạn.

Không chỉ chậm về tốc độ mà quá chậm về thao tác, ví dụ như do dự quá mức khi đi qua các giao lộ, cũng gây ảnh hưởng tương tự.

Người lái xe phải biết được khi nào mình được quyền đi trước và di chuyển ngay khi đó. Nhường đường không đúng quy tắc ở giao lộ không phải là cách tham gia giao thông văn minh, mà là hành vi chạy xe quá chậm, sẽ gây cản trở và khiến những xe sau tức giận.

Đối phó với xe chạy quá chậm

Lái xe quá chậm gây ách tắc giao thông, tiềm ẩn tai nạn chết người - Ảnh 2.

Một người đi xe đạp tranh cãi với người lái ô tô vì cho rằng người này chiếm đường – Ảnh minh họa: SgfollowsAll

Khi gặp một chiếc xe đi quá chậm trên đường, điều quan trọng là phải giữ bình tĩnh, tuân thủ luật giao thông và thực hiện các biện pháp an toàn sau:

1. Giữ khoảng cách an toàn: Tránh bám đuôi xe đi chậm, giữ khoảng cách hợp lý để có thời gian phản ứng trong trường hợp cần thiết.

2. Không tỏ thái độ gây hấn: Tránh bấm còi liên tục, nháy đèn pha, hoặc cố tình cản trở, vì những hành vi này có thể làm tình hình thêm căng thẳng và nguy hiểm.

3. Tìm cơ hội vượt an toàn: Nếu có đủ khoảng trống và đúng luật, hãy bật xi nhan và vượt xe đó một cách cẩn thận. Chỉ vượt khi chắc chắn rằng không có xe nào khác cũng đang muốn vượt và có đủ thời gian, không gian để thao tác an toàn.

4. Chờ đợi: Nếu không thể vượt ngay, kiên nhẫn chờ đến khi có cơ hội an toàn, chẳng hạn như đến đoạn đường có làn rộng hơn hoặc khi xe đi chậm chuyển sang làn đường khác.

5. Cảnh báo khi cần thiết: Nếu thấy xe đó gây nguy hiểm hoặc có vấn đề kỹ thuật, xe sau có thể nháy đèn nhẹ nhàng để thông báo nhưng phải tôn trọng người lái xe phía trước.

6. Chuyển làn hoặc rẽ: Nếu có thể, hãy chuyển sang làn đường khác hoặc tìm đường rẽ để tránh xe đi quá chậm.