Người trẻ nhất chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới

0
5
Trong tháng 10, chàng trai 18 tuổi người Nepal Nima Rinji Sherpa chính thức trở thành người trẻ nhất chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới.
Người trẻ nhất chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới - Ảnh 1.

Chàng trai 18 tuổi người Nepal Nima Rinji Sherpa chính thức trở thành người trẻ nhất chinh phục 14 đỉnh núi cao nhất thế giới – Ảnh: Getty

Đôi tai của Nima vẫn còn bầm do giá lạnh, một nguy cơ khi leo lên những đỉnh núi ở độ cao, nơi con người khó thở và thời tiết có thể trở nên nguy hiểm trong tích tắc. Tuy nhiên, anh đã sẵn sàng cho thử thách lớn tiếp theo của mình.

Niềm vui thuần khiết từ việc chinh phục những đỉnh núi

Nima cho biết anh sẽ nghỉ ngơi vài tuần trước khi chuẩn bị leo lên đỉnh núi cao thứ 8 thế giới, Manaslu, cùng nhà leo núi người Ý Simone Moro vào mùa đông, theo kiểu leo núi trên dãy Alps.

“Điều đó có nghĩa là chúng tôi sẽ leo lên một ngọn núi cao 8.000m vào mùa đông. Không có dây cố định, không có oxy bổ sung và không có sự hỗ trợ nào. Vì vậy, đây là một thử thách về sức chịu đựng thuần túy của con người”, Nima nói. “Điều này chưa từng có tiền lệ trong giới leo núi”.

Ngày 9-10, Nima lên đến đỉnh Shishapangma cao 8.027m cùng với người bạn đồng hành Pasang Nurbu Sherpa. Đối với Nima, đây là đỉnh cuối cùng trong số những “đỉnh cao tám nghìn”, tức là 14 ngọn núi được Liên đoàn Leo núi quốc tế công nhận là có độ cao trên 8.000m so với mực nước biển.

Miêu tả khoảnh khắc chinh phục đỉnh cuối cùng là “niềm vui thuần khiết”, Nima cho biết động lực của mình đến từ gia đình. Dòng họ của anh có nhiều người là những nhà leo núi danh tiếng. Cha của anh, ông Tashi Lakpa Sherpa, đã leo lên Everest 9 lần, và ở tuổi 19 trở thành người trẻ nhất chinh phục đỉnh núi mà không dùng oxy. Người chú Mingma Sherpa của anh là người leo núi Nam Á đầu tiên chinh phục 14 đỉnh vào năm 2011.

Mở cánh cửa cho các nhà leo núi Nepal khác

Người Sherpa ở Nepal đã sống ở những vùng cao của dãy Himalaya qua nhiều thế hệ và từ lâu đã làm hướng dẫn viên và khuân vác, với kiến thức địa phương vô cùng quý giá đối với người nước ngoài khi cố gắng leo núi trong khu vực.

Tên của họ đã trở thành từ đồng nghĩa với leo núi. Người Sherpa thường là “xương sống” của các cuộc thám hiểm leo núi quốc tế, vận chuyển thiết bị và vật dụng nặng lên núi và dẫn dắt mọi người lên các đỉnh cao trong điều kiện nguy hiểm. Nhưng họ thường không nhận được sự công nhận hay phần thưởng tài chính như những đồng nghiệp phương Tây.

Dù đạt thành tích phá kỷ lục, Nima không nhận được sự tài trợ từ các thương hiệu lớn. Anh phải dựa vào công ty 14 Peaks Expedition của cha mình để có quỹ và hỗ trợ hậu cần.

“Mọi người đều nói người Sherpa là siêu nhân, nhưng có bao nhiêu người Sherpa được coi là gương mặt của một thương hiệu hoặc là một vận động viên được tài trợ? Không ai cả”, Nima nói.

Nima hy vọng có thể truyền cảm hứng cho các nhà leo núi trẻ tuổi người Sherpa nhận ra tiềm năng của mình như những vận động viên và nhà leo núi chuyên nghiệp, thay vì chỉ được xem là nhân viên hỗ trợ.

“Hy vọng rằng tôi sẽ trở thành gương mặt của một thương hiệu lớn. Và sau đó thế hệ trẻ người Sherpa sẽ không thấy nghề này chỉ là công việc nguy hiểm. Họ sẽ nhìn nhận đây là một thành tích thể thao”. Cậu hy vọng dùng thành tích gần đây của mình để “mở cánh cửa” cho các nhà leo núi Nepal khác.

Người trẻ nhất chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới - Ảnh 2.

Nima Rinji Sherpa trên đường leo lên đỉnh Everest – Ảnh: Getty

Người trẻ nhất chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới - Ảnh 3.

Nima Rinji Sherpa chụp ảnh tại núi Annapurna – Ảnh: Getty

Người trẻ nhất chinh phục những đỉnh núi cao nhất thế giới - Ảnh 4.

Nima Rinji Sherpa vẫy tay chào khi đến sân bay ở Kathmandu – Ảnh: Getty

Vùng tử thần

Nima bắt đầu hành trình vào tháng 9-2022 khi lần đầu tiên anh leo lên đỉnh Manaslu cao 8.163m ở Nepal. Trong hai năm tiếp theo, anh đã chinh phục tất cả các “đỉnh cao tám nghìn” bao gồm Everest, ngọn núi cao nhất thế giới ở độ cao 8.849m và K2 nguy hiểm nổi tiếng ở độ cao 8.611m.

Anh chinh phục Everest và Lhotse cao 8.516m trong cùng một ngày – chỉ cách nhau 10 giờ – và leo lên năm đỉnh núi trong vòng chưa đầy năm tuần.

Nima nói 200m cuối cùng là khó khăn nhất, “vì tôi đã không có oxy trong não suốt 20 giờ”. “Dù ngọn núi đẹp, thành công của đỉnh cao, leo núi luôn là một môn thể thao nguy hiểm”, anh nói.

Dành thời gian lâu trên 8.000m – được gọi là “vùng tử thần” – cơ thể sẽ bắt đầu suy yếu. Không khí loãng khiến não và phổi thiếu oxy, có thể dẫn đến tình trạng thiếu oxy chết người. Nima miêu tả cuộc sống trên 8.000m là “về việc ai có thể chịu đựng tốt nhất trước những hoàn cảnh như vậy”.

Khi nhiệt độ xuống dưới âm 16 độ C và gió thổi với tốc độ 100km/h, Nima nói đó là lúc sức mạnh thể chất của người leo núi ngừng lại và sức mạnh tinh thần lên tiếng. “Có lẽ tôi thích chịu đựng”, anh cười nói.

Để lại một di sản tốt đẹp hơn

Nepal đang ở tuyến đầu của cuộc khủng hoảng khí hậu, khi nhiệt độ tăng nhanh làm tan chảy sông băng Himalaya và gây ra lũ lụt tàn phá, ảnh hưởng đến hàng triệu người. Du lịch tăng cường đến Nepal mang lại lợi nhuận, nhưng cũng mang theo hàng tấn rác thải đe dọa hệ sinh thái mong manh của các ngọn núi.

Nima cho biết anh hy vọng thế hệ của mình có thể để lại một di sản bền vững hơn cho thế hệ sau.

“Ta có thể thấy rất nhiều vấn đề. Hy vọng rằng thế hệ trẻ, như tôi và những người khác, chúng tôi sẽ cố gắng huy động và làm cho ngành này bền vững hơn cho các thế hệ tương lai”, anh nói.

Giấc mơ của Nima là thành lập một tổ chức tài trợ cho việc đào tạo và trang thiết bị kỹ thuật để giúp người trẻ Nepal bước vào nghề leo núi và hướng dẫn viên một cách an toàn. Anh mơ ước các nhà leo núi Nepal nhận được sự chú ý như các nhà leo núi chuyên nghiệp phương Tây, và đã thấy thế hệ trẻ đang biến điều này thành hiện thực.

“Thế hệ trước chúng tôi là những người tiên phong. Chúng tôi đang leo theo con đường mà họ đã tạo ra”, anh nói. “Nhưng tôi rất vui khi được sống trong khoảnh khắc này, khi rất nhiều điều đang diễn ra trong thế giới leo núi. Và là thế hệ trẻ, chúng tôi sẽ luôn cố gắng làm điều gì đó tốt hơn”.