Cuối tuần qua, dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh , UBND thành phố đã họp với các sở ngành để xem xét thông qua một số nội dung của Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội”. Đề án được UBND thành phố dự kiến trình HĐND thành phố xem xét, quyết định trong phiên họp cuối năm vào tháng 12/2024.
Theo cơ quan soạn thảo, Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” bao gồm nhiều giải pháp và ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm nâng cao hiệu quả quản lý, điều hành giao thông, giảm ùn tắc và đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông.
Cụ thể, xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera; Ứng dụng hệ thống đèn giao thông thông minh; Ứng dụng giao thông thông minh qua các ứng dụng di động; Triển khai hệ thống thu phí tự động; Hệ thống quản lý và điều hành giao thông đô thị tập trung; Phát triển các giải pháp cho phương tiện công cộng; Đào tạo và nâng cao ý thức người dân…
Với nội dung triển khai hệ thống thu phí tự động, đề án có các công việc chính là lắp đặt hệ thống thu phí không dừng trên các tuyến đường chính và tại các trạm thu phí , giúp giảm thiểu ùn tắc và tăng cường tính minh bạch trong thu phí giao thông; hoàn thiện, nâng cấp hệ thống các trạm thu phí tự động để tích hợp với hệ thống vé tháng, vé năm cho phương tiện công cộng.
Ở nội dung xây dựng hệ thống giám sát giao thông bằng camera, đề án xác định hệ thống camera giám sát giao thông sẽ được lắp tại các ngã tư, các tuyến đường lớn và các điểm “nóng” giao thông. Hệ thống camera không chỉ ghi nhận tình hình giao thông mà còn hỗ trợ phát hiện, xử lý vi phạm như: vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ, đi sai làn đường…
Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 5/11, TS Đinh Thị Thanh Bình, Trung tâm Tư vấn phát triển giao thông vận tải (Trường Đại học Giao thông vận tải), đơn vị được Sở GTVT lựa chọn là tư vấn xây dựng dự thảo đề án thu phí vào nội đô, cho biết, từ thực tế giao thông và nhu cầu đi lại vào các năm 2021 – 2023, đơn vị đã xây dựng cơ bản xong đề án thu phí xe vào nội đô và trình Sở GTVT cho ý kiến để thực hiện các bước tiếp theo.
Sẽ có 100 trạm thu phí
Theo TS Đinh Thị Thanh Bình, sau khi xây dựng xong đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô với nội dung trọng tâm là xây dựng 87 trạm thu phí xe ô tô cá nhân (tính từ Vành đai 3 trở vào), đề án đã được Sở GTVT Hà Nội báo cáo UBND thành phố 3 lần.
“Sau lần báo cáo thứ 3 vừa qua, đề án đã cập nhật, bổ sung một số nội dung mới cho phù hợp với tình hình thực tế, trong đó mở rộng phạm vi được lựa chọn làm ranh giới khu vực thu phí giữa nội thành và ngoại thành cho phù hợp với Luật Thủ đô mới; tăng thêm các trạm/vị trí thu phí ô tô so với các lần đã báo cáo vào năm 2020, 2022” – bà Bình thông tin.
Đại diện đơn vị tư vấn cho biết, thay vì chỉ dựng 87 trạm thu phí ở khu vực phạm vi ranh giới giữa ngoại thành và nội thành (được xác định từ đường Vành đai 3 trở vào), trong lần báo cáo vừa qua, đơn vị tư vấn đã khảo sát và bổ sung tăng lên hơn 100 trạm.
Cùng với đó, ranh giới để xác định giữa khu vực nội thành và ngoại thành là tuyến đường Vành đai 3. Mức phí được tư vấn đề xuất cho một lượt xe ô tô loại tiêu chuẩn (từ 12 chỗ ngồi trở xuống) đi vào nội đô để thành phố xem xét, phê duyệt là từ 50.000 – 100.000 đồng/lượt.
Theo đề án đã trình thành phố Hà Nội lần thứ 3, qua khảo sát, nếu một giờ, một nút giao thông có khoảng 5.000 lượt xe đi qua Vành đai 3 để vào nội đô thì khi thực hiện đề án, lập tức sẽ giảm được khoảng 20% lượng xe không có nhu cầu đi vào nội đô. Với lưu lượng xe hiện nay, nếu vào giờ cao điểm khu vực nội đô giảm được 20% lưu lượng xe trên đường thì ùn tắc sẽ không còn phức tạp.
TS Đinh Thị Thanh Bình cho biết, đơn vị đang tiến hành bước lấy phiếu điều tra xã hội học theo hình thức trực tuyến đối tượng bị ảnh hưởng của đề án, từ đó có thêm cơ sở để Sở GTVT trình thành phố xem xét, phê duyệt mức phí phù hợp.
Trao đổi với PV Tiền Phong, đại diện Sở GTVT Hà Nội cho biết, tuy đề án cơ bản đã xong nhưng hai nhóm giải pháp trọng tâm, quan trọng nhất vẫn đang triển khai là lập đề án thu phí xe cơ giới vào nội đô và phân vùng dừng hoạt động xe máy. Đánh giá về tiến độ thực hiện hai nhóm giải pháp nêu trên, đại diện Sở GTVT Hà Nội nhìn nhận, đề án cơ bản đã hoàn thành, tuy nhiên đang bị chậm so với yêu cầu đặt ra. Do vậy, UBND thành phố yêu cầu đơn vị soạn thảo phối hợp với tư vấn hoàn thiện các nội dung về chủ trương, phương hướng thực hiện thu phí xe vào nội đô để đưa vào dự thảo Đề án “Giao thông thông minh trên địa bàn thành phố Hà Nội” trình HĐND thành phố xem xét, thông qua trong kỳ họp cuối năm nay.
Bỏ xe cá nhân, người dân đi lại bằng gì?
Ông Nguyễn Trọng Thông, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách Hà Nội cho biết, để thực hiện đề án thu phí ô tô vào nội đô, Nghị quyết số 04 thông qua đề án của HĐND thành phố Hà Nội năm 2017, yêu cầu, đến năm 2020 vận tải hành khách công cộng ( VTCC ) Hà Nội phải đạt được 20% nhu cầu đi lại của người dân; đến năm 2025 (thời điểm thu phí ô tô vào nội đô), VTCC phải đạt được 30 – 35% nhu cầu; sau năm 2030 là 50% nhu cầu. Nhưng đến nay theo báo cáo mới nhất của đại diện UBND thành phố, mặc dù có cố gắng nhưng VTCC hiện nay mới đáp ứng được 19%. Vậy nếu bỏ xe máy, ô tô cá nhân, người dân đi lại bằng gì? Anh Trọng (ghi)
Thu phí vào nội đô chỉ là một giải pháp
TS Phan Lê Bình – chuyên gia JICA nêu ý kiến, thu phí vào nội đô chỉ là một trong các giải pháp để giảm ùn tắc giao thông. Để giải bài toàn giao thông Hà Nội cần nhiều giải pháp triển khai đồng bộ, trong đó có ưu tiên phát triển vận tải công cộng; quy hoạch lại không gian đô thị, trong đó có giảm mật độ trong khu vực nội đô. Theo vị chuyên gia này, nếu khu vực nội đô trong 5 năm hay 10 năm tới vẫn tập trung những cơ quan thu hút người dân như trụ sở giao dịch hành chính, trung tâm thương mại, trường học… thì thành phố có thu phí 50.000 đồng đến 100 nghìn đồng/lượt xe ô tô, người dân vẫn sẵn sàng trả phí để đi ô tô cá nhân vào nội đô vì công việc cấp thiết.