Dỡ dải phân cách cứng để thoát tắc đường – Video: @jakarta.terkini
Hành động lạ khi kẹt xe
Vụ việc xảy ra tại trạm Jembatan Gantung trên đường Daan Mogot, Cengkareng, Jakarta, Indonesia. Đoạn video ghi lại cảnh nhiều người đi xe máy hợp sức phá dỡ dải phân cách cứng để thoát khỏi tình trạng ùn tắc.
Đáng chú ý, làn bị tắc nghẽn lại là làn dành riêng cho xe buýt. Hay nói cách khác, rất nhiều người đã coi làn xe buýt như đường dành cho xe máy. Và đó không phải hiện tượng cá biệt.
Theo trang tin tức hàng đầu Indonesia Kompas, đây không phải lần đầu tiên hành vi vi phạm giao thông kiểu này xuất hiện ở Jakarta – thành phố vốn nổi tiếng với tình trạng kẹt xe kinh niên.
Bên cạnh việc xâm phạm làn đường dành riêng cho xe buýt, nhiều người điều khiển xe máy còn đi ngược chiều, không gắn biển số, không đội mũ bảo hiểm… bất chấp mức phạt khá nặng.
Hành động quen thuộc khi kẹt xe?
Theo luật giao thông ở Indonesia, các phương tiện cơ giới hai bánh trở lên bị cấm đi vào tuyến đường dành riêng cho xe buýt. Nếu vi phạm có thể bị phạt tù tối đa 180 ngày (6 tháng) và phạt tiền từ 5 triệu – 50 triệu IDR (tương đương 8 – 80 triệu đồng).
Cảnh tượng quen thuộc ở Indonesia, nơi luôn có người muốn “đi tắt đón đầu” để né tắc đường – Ảnh: Kompas
Theo luật sư Jusri Pulubuhu – người sáng lập Tổ chức Tư vấn lái xe an toàn Jakarta (JDCC), nguyên nhân dẫn đến hành vi này là do tâm lý đám đông. Ông nhận định: “Khi con người làm việc theo nhóm, họ có xu hướng tự tin hơn. Sự tự tin này sẽ xuất hiện khi có điều kích động và khơi gợi họ, những người cùng chí hướng sẽ bị kích động làm điều tương tự”.
Ông Jusri so sánh hành vi lấn chiếm làn đường dành riêng cho xe buýt giống như các cổ động viên bóng đá quá khích sau trận đấu. Nếu có điều gì không vừa ý, họ sẽ dễ dàng bị kích động và gây rối trật tự công cộng.
“Không chỉ xe máy, ô tô cũng không ngoại lệ. Có những mẫu xe nổi tiếng với hình ảnh ‘côn đồ’ như Fortuner và Pajero Sport. Nhiều người lái xe này có hành vi hung hăng trên đường”, ông Jusri chỉ ra thực trạng văn hóa giao thông ở Indonesia.
Cộng đồng mạng nói gì?
Video đã thu hút sự chú ý của cư dân mạng, cả người Indonesia lẫn quốc tế. Hầu hết để lại những bình luận chỉ trích cực lực hành vi phản cảm này.
– Những người này làm sao vậy?
– Làm vấy bẩn hình ảnh người Jakarta trong mắt thế giới. Đi sai đường rồi còn phá hoại cả công trình công cộng.
– Đất nước làm sao phát triển được nếu văn hóa giao thông còn như thế này.
– Nhìn văn hóa giao thông thế này ai dám đầu tư vào Indonesia.
– Làn bên cạnh rõ ràng thông thoáng, nhưng họ vẫn cố tình đi vào làn xe buýt, vì tiện, vì muốn hưởng đặc quyền không dành cho họ.