Dân mạng tranh cãi, mổ xẻ vì sao tài nữ đi thi lái tốt nhưng ra đường lái kém

0
16
Nghiên cứu chỉ ra phụ nữ lái xe an toàn hơn nam giới đang gây bàn luận sôi nổi.
Dân mạng tranh cãi, mổ xẻ vì sao tài nữ đi thi lái tốt nhưng ra đường lái kém - Ảnh 1.

Cuộc tranh luận về kỹ năng lái của tài nữ dường như không kết thúc – Ảnh minh họa: Unsplash

Các con số thống kê cho thấy, thực tế nam giới lái xe gặp nhiều tai nạn hơn. Chẳng hạn, theo Bộ Giao thông vận tải Mỹ, trong giai đoạn 1975 – 2022, hằng năm, số ca tử vong do tai nạn giao thông của nam giới nhìn chung cao gấp đôi số ca tử vong do tai nạn giao thông của nữ giới.

Tuy nhiên, nếu dạo qua một vòng mạng xã hội, mỗi khi có bất kỳ vụ tai nạn nào liên quan đến phụ nữ lái xe, có thể dễ dàng bắt gặp những câu như ‘không nên giao xe cho phụ nữ’, ‘giao xe cho phụ nữ là thảm họa’ hay ‘bán xăng cho phụ nữ là tội ác’.

Trong khi đó, những bài chia sẻ về các vụ tai nạn giao thông liên quan đến nam giới, hầu hết cư dân mạng tập trung mổ xẻ ai có lỗi, và hoàn toàn không có những câu kiểu ‘bán xăng cho đàn ông là tội ác’.

Khi Tuổi Trẻ Online đăng tải về những nghiên cứu lý giải vì sao phụ nữ lái xe không đáng bị chế giễu, bạn đọc đã sôi nổi bình luận.

“Không bao giờ giao xe cho vợ chạy”

Bạn đọc Tô Vũ viết: “Ai chứ riêng tôi sẽ không bao giờ giao xe cho vợ chạy. Nhìn tác phong “chấp chới” là đã ớn rồi. Nói chung, việc thay đổi quy định về thực hành lái xe đường trường bây giờ là điều rất là cần thiết, việc này đã tăng chất lượng tài xế mới lên rất nhiều”.

Đồng tình, một bạn đọc khác viết: “Ở Việt Nam có vẻ phần đông phụ nữ lái ẩu là thật. Phần lớn không thấy bật xi nhan khi rẽ, và đặc biệt có thói quen bóp còi xin đường dù có khi đi ngược chiều, chưa kể có thói quen chở con cắt ngang đường bất chấp dòng xe rất đông. Dĩ nhiên không vơ cả bó, nhưng tôi thấy là thế, mong các chị em chú ý hơn”.

Một bạn đọc khác cho rằng nghiên cứu của Bộ Giao thông vận tải Mỹ không phản ánh đúng thực trạng: “Tính toán như thế là phiến diện. Không thể tính nam gây tai nạn… cao gấp x lần nữ, mà phải tính tỉ lệ trên số lượng nam hoặc nữ lái. Ví như 1.000 nam, tai nạn 100, tức tỉ lệ 10%. Nhưng nếu chỉ 100 nữ, nhưng 25 tai nạn tức tỉ lệ 25%. So tỉ lệ đi sẽ thấy sự kinh khủng”.

“An toàn không nằm ở giới tính”

Tuy nhiên, cũng không ít người đánh giá những ý kiến cho rằng “không nên giao xe cho phụ nữ” cũng là quan điểm phiến diện, kỳ thị giới tính.

Dân mạng tranh cãi, mổ xẻ vì sao tài nữ đi thi lái tốt nhưng ra đường lái kém - Ảnh 3.

Một số cho rằng giới tính không quyết định khả năng lái xe – Ảnh: Unsplash

“Bây giờ là năm 2024 rồi sao nhiều người vẫn còn suy nghĩ nam thế này, nữ thế kia vậy. Phụ thuộc vào từng cá nhân hết”, “đọc comment thấy toàn một hội nam giới vào bình luận chê bai phụ nữ…” là một vài bình luận như vậy.

Dân mạng đưa ra lý giải riêng

Một số đưa ra quan điểm đúng là phụ nữ lái xe cũng cẩn thận, vấn đề là xử lý tình huống quá kém. “Nói chung nữ giới lái xe có cẩn thận như thế nào thì phản xạ khi gặp sự cố vẫn kém hơn nam giới… Còn về gây tai nạn thì đây là một nghề đặc thù, nam giới tham gia nhiều nên tỉ lệ gây tai nạn cao hơn là đương nhiên!”, một bạn đọc bình luận.

Bạn đọc Bảo ủng hộ: “Nói ở Việt Nam, tôi đi học lái xe ở Việt Nam, tỉ lệ nữ đậu cao hơn nam, học chăm và thông minh hơn nam. Ra đường lái xe, tỉ lệ nữ gây tai nạn cao hơn nam, lái chậm, xử lý tình huống tệ hơn nam. Tôi thật sự khó hiểu, vì nữ học lái xe tốt hơn nam nhiều lần”.

“Cần xem xét lại quy trình đào tạo lái xe”

  • Dân mạng tranh cãi, mổ xẻ vì sao tài nữ đi thi lái tốt nhưng ra đường lái kém - Ảnh 4.

Bình luận của bạn đọc Phong Vũ lý giải vì sao có sự khác biệt giữa “lý thuyết” và “thực tế” này: “Tôi thấy vấn đề này Mỹ khác Việt Nam. Tôi cho rằng phụ nữ Việt Nam, đặc biệt là người mới có bằng lái xe, có thể một số chưa thực tập đủ thành thạo và toàn diện tất cả thao tác phản xạ cần thiết.

Vài chi tiết phản xạ khi gấp rút không có thì giờ suy nghĩ bằng não bộ, mà phải để cho cơ bắp điều khiển tự động, tuy đã tập nhưng chưa đủ thuần thục. Cơ bắp còn loạng choạng, thậm chí quên mất cần phải làm gì khi gấp rút, hoảng loạn, hoặc mệt mỏi. Có thể Việt Nam cần nghiên cứu cấp bằng lái tập sự với một số giới hạn trong thời gian 2 năm đầu mới lái xe.

Phụ nữ ở Mỹ đa số tiểu bang cho lái xe từ 16 tuổi, có tiểu bang cho lái xe trong đất nông trường tư nhân (không lái ra công lộ) ở tuổi 14. Khi bắt đầu lái xe cũng được đào tạo bài bản bằng giảng viên chuyên nghiệp có xe 2 tay lái 2 phanh để tập toàn diện trên nhiều loại đường ở tốc độ khác nhau.

Sau đó, người mới lái 16 tuổi chỉ có giấy phép lái xe hạn chế, không được lái đêm khuya, và không được tụ tập bạn bè nhí nhố, không là anh chị em ruột dưới 20 tuổi chở nhau trong xe. Tất cả hành khách phải là người đã lái xe nhiều năm để nhắc nhở giám sát. Sau 2 năm tập sự lái xe khi đến 18 tuổi mà điểm lái xe tốt thì mới được cấp giấy phép lái không hạn chế.

Hơn nữa đường ở Mỹ rộng và dễ thấy xe vì toàn xe to kềnh, không có nhiều xe máy chạy loạn xạ chen giữa làn và bám sát ngang hông ô tô ở vùng khuất, tạo nhiều tình huống xe máy cứ như là lúc ẩn lúc hiện, gây bất ngờ cho người lái ô tô, và gây bấn loạn phản xạ cho người lái chưa dày kinh nghiệm”.