Toyota đi ngược xu hướng, tăng sản xuất tại Trung Quốc

0
15
Toyota lên kế hoạch sản xuất 2,5-3 triệu xe mỗi năm tại Trung Quốc tính đến hết 2030.

Động thái nhằm đưa hoạt động kinh doanh và sản xuất của hãng tại Trung Quốc gần nhau hơn, đồng thời cho phép các nhà quản lý địa phương tự do hơn trong việc phát triển.

Kế hoạch này, chưa được công bố trước đây, thể hiện sự chuyển hướng chiến lược của nhà sản xuất ôtô hàng đầu thế giới tại thị trường ôtô lớn nhất thế giới, nhấn mạnh tham vọng giành lại thị phần đã mất vào tay BYD và các đối thủ nội địa khác trong những năm gần đây.

Chiến lược của Toyota trái ngược với các hãng ôtô toàn cầu khác, bao gồm cả các hãng Nhật Bản, đang giảm quy mô hoặc rút lui khỏi Trung Quốc.

Toyota dự định tăng sản lượng lên tới 3 triệu xe mỗi năm vào cuối thập kỷ này. Tuy nhiên, hãng chưa thiết lập một mục tiêu chính thức. Các nguồn tin của Reuters đều từ chối tiết lộ danh tính vì vấn đề chưa được công khai.

  • Xe Toyota trưng bày tại triển lãm ôtô Bắc Kinh tháng 4 vừa qua. Ảnh: CnEVPost

Mục tiêu sản lượng tăng đại diện cho mức tăng 63% so với kỷ lục 1,84 triệu xe mà hãng đã sản xuất ở Trung Quốc vào năm 2022. Trong 2023, Toyota sản xuất 1,75 triệu xe tại đây.

Toyota đã thông báo cho một số nhà cung cấp về kế hoạch tăng cường sản xuất nhằm trấn an các nhà sản xuất linh kiện, phụ tùng về cam kết của hãng đối với thị trường Trung Quốc cũng như để đảm bảo chuỗi cung ứng.

Trong phản hồi với Reuters, Toyota cho biết: “Với sự cạnh tranh khốc liệt ở thị trường Trung Quốc, chúng tôi liên tục cân nhắc các sáng kiến khác nhau”. Hãng khẳng định sẽ tiếp tục làm việc để tạo ra “các mẫu xe ngày càng tốt hơn” cho thị trường Trung Quốc.

Nhà sản xuất ôtô Nhật Bản dự định đưa hoạt động bán hàng và sản xuất của hai liên doanh tại Trung Quốc lại gần nhau hơn để cải thiện hiệu quả. Hãng cũng muốn chuyển giao nhiều nhất có thể trách nhiệm phát triển cho nhân viên tại Trung Quốc, những người có sự hiểu biết tốt hơn về sở thích của thị trường địa phương, đặc biệt là công nghệ xe điện hóa và kết nối.

Toyota nhận ra rằng cần dựa vào nhân sự địa phương để dẫn dắt và đẩy nhanh phát triển sản phẩm tại Trung Quốc. Điều này diễn ra trong bối cảnh các nhà sản xuất ôtô lâu đời như Toyota đang bị các nhà sản xuất xe điện nội địa vượt mặt với dòng xe giá cả phải chăng và công nghệ tiên tiến.

Năm 2023, Toyota công bố kế hoạch tăng cường hợp tác giữa trung tâm R&D tại tỉnh Giang Tô và hai liên doanh địa phương. Một vấn đề đại diện cho tình trạng khó khăn lớn hơn của Toyota là xe do đối tác liên doanh phát triển độc lập đang bán chạy hơn những mẫu xe sản xuất cùng Toyota.

Chẳng hạn, thương hiệu Hongqi của FAW và Aion EV của GAC đều vượt qua các mẫu từ FAW Toyota và GAC Toyota. Hiện Toyota có ý định kết hợp tốt hơn kiến thức chuyên môn của các đối tác địa phương vào sản phẩm của hãng.

Hiện nay, cùng một mẫu xe được sản xuất tại hai liên doanh và bán với thiết kế và tên gọi khác nhau – gọi là “xe song sinh”. Trong tương lai, việc sản xuất mỗi xe sẽ được tập trung tại một trong hai liên doanh. Các mẫu xe này sẽ được phân phối tại các đại lý của cả hai liên doanh.

Khi các nhà sản xuất ôtô Nhật Bản gặp khó khăn, các nhà cung cấp phụ tùng Nhật Bản hoạt động tại Trung Quốc cũng chịu ảnh hưởng. Toyota công bố trong báo cáo thu nhập mới nhất, rằng lợi nhuận hoạt động tại Trung Quốc giảm trong nửa đầu năm tài chính chủ yếu do chi phí tiếp thị cao hơn khi cạnh tranh với các thương hiệu Trung Quốc.

Giữa bối cảnh đó, Mitsubishi đã rút khỏi Trung Quốc, trong khi HondaNissan đã quyết định giảm năng lực sản xuất tại địa phương.

Mỹ Anh