Tham quan bảo tàng, có nên hành xử như khu vui chơi?

0
20
Đến bảo tàng mong khách đừng chạy theo trào lưu chụp ảnh sống ảo, khoe mẽ trên mạng xã hội, hành xử như ở khu vui chơi.
Người Việt tham quan bảo tàng xin đừng  - Ảnh 1.

Khách tham quan leo trèo lên xe tăng hiện vật ở bảo tàng vào ngày 10-11 – Ảnh: TUẤN T.T.

Như Tuổi Trẻ Online thông tin, mới đầu buổi sáng mở cửa, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam đã quá tải do nhiều du khách tới tham quan.

Bảo tàng khuyến cáo người dân chủ động sắp xếp thời gian hợp lý để buổi tham quan diễn ra thuận lợi, tránh tình trạng chen lấn, xô đẩy.

Tuy nhiên, một số khách có hành động phản cảm khi leo lên xe tăng, súng, pháo ở bảo tàng chụp ảnh, cha mẹ còn cổ vũ.

Thậm chí có tình trạng một cô gái cùng một người khác trèo lên nóc bảo tàng để quay phim, chụp ảnh, khiến cộng đồng mạng bức xúc.

Nhằm góp thêm góc nhìn, sau đây là chia sẻ của bạn đọc Nguyễn Văn Mỹ xung quanh vụ việc này.

Mừng vì bảo tàng được “đánh thức”

Lâu nay ít người quan tâm đến bảo tàng. Bằng chứng hệ thống bảo tàng Việt Nam hoạt động trầm lắng, vắng vẻ. Có bảo tàng còn tổ chức sự kiện để có thêm kinh phí.

Không ít ý kiến cho rằng nhiều người còn thờ ơ với bảo tàng vì không hấp dẫn, có bảo tàng  không khác nhà trưng bày.

  • Tham quan bảo tàng chạy theo trào lưu chụp ảnh sống ảo, khoe mẽ là phản cảm - Ảnh 2.

Thật ra cũng có những bảo tàng thú vị, hoạt động hiệu quả như Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (TP.HCM), Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam (Thái Nguyên), Bảo tàng Quảng Ninh (Quảng Ninh)…

Các chương trình du lịch nội địa Việt Nam ít tham quan bảo tàng nhưng tour Inbound (người nước ngoài đến Việt Nam) và Outbound (người Việt Nam ra nước ngoài) hầu hết có bảo tàng.

Ra nước ngoài, khi đến bảo tàng, nhiều khách ít chịu nghe thuyết minh, dù được nhắc nhở. Họ thường tranh nhau chụp hình, cứ như sợ người khác chụp trước, mình chụp sau hết nóng.

Việc hàng chục ngàn người dân đổ xô đến tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam những ngày qua là việc đáng mừng.

Mừng vì không ít người đã thay đổi suy nghĩ về bảo tàng sau đại dịch COVID-19. Vui vì Việt Nam có thêm bảo tàng quá hoành tráng, hiện đại và ấn tượng. Đã vậy, bảo tàng còn miễn vé tham quan những ngày đầu, rất hiệu quả.

Tuy nhiên, tính hiệu quả còn phải chờ thêm thời gian. Vấn đề là làm sao duy trì lượng khách ổn định và kéo nhiều khách nước ngoài đến. Và từ chuyện Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam, tôi mơ về bảo tàng văn hóa Việt tầm cỡ và các bảo tàng ngành, nghề khác.

Hiện vật bị ngã đổ, xô lệch, bảng tên bị gãy

Những ngày qua, có nhiều lý giải hiện tượng Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam quá tải như vì tò mò, vì mới và đẹp, vì hiệu ứng đám đông… Lý do nhiều người thường có xu hướng thích cái mới, luôn muốn là người đầu tiên được đến những nơi mới mở.

  • Tham quan bảo tàng chạy theo trào lưu chụp ảnh sống ảo, khoe mẽ là phản cảm - Ảnh 3.

Hơn nữa, không ít người theo trào lưu chụp ảnh sống ảo, khoe trên mạng xã hội hơn là thực sự muốn nghiên cứu các giá trị tinh thần bên trong bảo tàng.

Hiện tượng “trẩy hội” đã dẫn đến tình trạng quá tải, kẹt xe, không gian bức bối. Cả khách tham quan lẫn người phục vụ đều bị ảnh hưởng về tâm lý.

Một số trường hợp cả nhà cùng đi, mang theo đồ ăn, thức uống, đồ chơi trẻ em (điều cấm kỵ khi đến bảo tàng) như đi công viên hay cắm trại.

Nhiều người lần đầu đến bảo tàng và hành xử như khu vui chơi với rất nhiều hình ảnh xấu xí. Do bị xâm hại, một số hiện vật bị ngã đổ, xô lệch, bảng tên bị gãy. Thậm chí một số bạn trẻ còn leo lên nóc bảo tàng livestream như… siêu nhân.

Được người khác nhắc nhở, có khi bị lườm nguýt, thách thức, gây sự, ăn chửi…

Mấy ngày qua, một số người bạn nước ngoài gửi cho tôi những tấm ảnh khó coi trên kèm những chấm hỏi. Tôi không dám trả lời hay thanh minh.

Phổ biến rộng rãi các nội quy, vận dụng công nghệ

Đến bất kỳ bảo tàng nào, việc đầu tiên, trước khi mua vé là phải đọc kỹ nội quy bảo tàng. Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng có bảng nội quy nhưng chắc ít ai đọc. Nhân viên phục vụ, có khi quên nhắc hoặc đông quá, nhắc không xuể.

Tùy nội dung bảo tàng sẽ có lứa tuổi tham quan phù hợp.

Các bảo tàng văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, ngành nghề… là điểm ngoại khóa lý tưởng cho học sinh (từ cuối tiểu học), sinh viên. Các em được chuẩn bị tinh thần, tìm hiểu trước trên mạng, vào tham quan thực tế, ghi chép, chụp ảnh và làm bài thu họach.

Ban quản lý bảo tàng chưa lượng được lượng khách quá đông nên bị động, lúng túng trong xử lý.

Thiết nghĩ cần thiết phải quy định lượng khách tham quan tương ứng với không gian trưng bày và khả năng phục vụ, nhất là đội ngũ thuyết minh. Khuyến khích đăng ký trước qua app để khỏi xếp hàng chờ đợi. Nếu khách đi theo đoàn, phải báo trước mấy ngày để chuẩn bị, hỗ trợ đội ngũ thuyết minh phục vụ khách nhóm, khách lẻ.

Sức hút của các bảo tàng tùy thuộc nội dung và cách thể hiện. 

Tôi cực kỳ ấn tượng với Bảo tàng Văn hóa Dubai (UAE). “Nhỏ nhưng có võ”. Các hoạt động nông nghiệp xưa được tái hiện bằng hình ảnh 3D, có cả âm thanh lẫn mùi vị, sống động hơn thật.

Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam so với bảo tàng các nước ra sao?

Theo số liệu, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam rộng 386.600m² (cả diện tích đất và trưng bày), hiện đang lưu giữ 150.000 hiện vật.

Như vậy xét về diện tích, Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam không chỉ bỏ xa các bảo tàng khác trong nước mà còn hơn hẳn một số bảo tàng lớn trên thế giới.

Như Bảo tàng Hermitage (St. Petersbursg, Nga) có hơn 1.000 phòng trưng bày, rộng 230.000m²; Bảo tàng Louvre (Paris, Pháp) rộng 210.000m², trưng bày 35.000 trên tổng số 380.000 hiện vật; Bảo tàng Quốc gia Trung Quốc (Bắc Kinh) rộng 200.000m², trưng bày và lưu giữ hơn 1.300.000 hiện vật…

Đồng thời, giá vé tham quan Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam cũng rẻ hơn rất nhiều so với một số nơi khác.

Theo đó, giá vé tham quan Bảo tàng Louvre là 22 euro (1 euro # 28.000 đồng). Giá vé Bảo tàng Hermitage 600 rup (1 rup # 260 đồng). Còn Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam dự kiến giá vé người lớn 40.000 đồng; người già, học sinh, sinh viên 20.000 đồng. Bộ đội, cựu chiến binh được miễn phí.