Với cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, nguyên sơ, Hà Giang đang là điểm dừng chân được du khách trong và ngoài nước yêu thích. Tận dụng cơ hội, nhiều bạn trẻ dân tộc về lại quê nhà lập thân lập nghiệp bằng chính hoạt động du lịch tại địa phương.
Từ nhà cổ trong bản đến điểm du lịch không thể bỏ qua
Nằm sâu trong bản Lao Xa, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang, căn nhà trình tường nguyên bản dân tộc Mông của gia đình anh Vàng Mí Hồng cũng giống như bao căn nhà khác.
Nhưng từ ngôi nhà thân thuộc ấy, chàng trai trẻ Mí Hồng đã viết nên giấc mơ quảng bá văn hóa dân tộc mình đến bạn bè quốc tế.
Năm 2019, sau khi trải qua đủ thứ nghề ở phố thị đông đúc, chàng trai dân tộc Mông Vừ Mí Hồng đã quay trở về quê nhà và đưa ra quyết định táo bạo: sửa nhà làm homestay.
“Ước mơ lớn nhất của đời mình là đưa nền văn hóa của người Mông đi khắp thế giới, để mọi người thấy dân tộc mình có văn hóa riêng, chữ viết riêng. Chính vì vậy mình đã mở homestay này để giữ gìn nét văn hóa của dân tộc mình. Đến nay, homestay này đã đón khách được 2 năm và mình sẽ giữ mãi ngôi nhà đã 70 năm tuổi của gia đình”, anh Hồng bộc bạch.
Khi bắt đầu, anh Hồng là người đầu tiên làm homestay trong bản. Vừa làm vừa sửa, vừa làm vừa học hỏi kinh nghiệm, anh Hồng tự học tiếng Anh, tự làm marketing cho homestay của chính mình.
“Ở Hà Giang, Lao Xa cũng là một bản rất đẹp, nhưng trước đây mọi người chưa biết đến nhiều. Lao Xa cũng có những ngôi nhà truyền thống của người Mông, có hoa đào khi xuân đến và đặc biệt có trạm đúc bạc cổ cả trăm năm tuổi. Mình thấy đấy đều là thế mạnh của bản mình. Mình muốn giúp bản, giúp chính gia đình mình thay đổi”, anh Hồng nói.
Đến nay, Lao Xa đã được nhiều bạn trẻ, du khách quốc tế biết đến trên bản đồ du lịch Hà Giang và là một điểm trải nghiệm không thể bỏ qua để khám phá văn hóa của người Mông bản địa.
Chàng trai Tày, cô gái Mông đón khách siêu giàu
Khác với anh Vừ Mí Hồng, nhiều bạn trẻ dân tộc Tày, Dao, Mông ở huyện Bắc Mê, tỉnh Hà Giang tuy không tự thân khởi nghiệp nhưng họ cũng thoát ra khỏi ruộng lúa, nương ngô bước chân vào làm du lịch.
Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Thu Sự – giám đốc vận hành P’apiu resort, toàn bộ nhân sự tại khu nghỉ dưỡng cao cấp trên đỉnh núi Bắc Bìu này đều là người dân tộc ở địa phương.
“Họ là những con người chịu thương chịu khó, rất hiền và lặng lẽ… Rất nhiều bạn đã làm cho chúng tôi từ khi khu nghỉ dưỡng chưa vận hành chính thức nên họ rất hiểu công việc ở đây. Lúc đầu chúng tôi đã thuyết phục họ đến làm bằng cách động viên, chia sẻ về cuộc sống ổn định, có giá trị hơn. Hiện tại, chính họ cũng là những bạn nhân viên đã phục vụ cho nhiều đoàn khách siêu giàu đến nghỉ dưỡng”, bà Sự chia sẻ.
Tùy theo vị trí làm việc, trung bình mỗi nhân viên ở đây có thu nhập từ 9-10 triệu đồng/tháng.
Đối với cô gái dân tộc Mông Sùng Thị Mai, công việc lễ tân hiện tại đã giúp cô thay đổi đời mình. Học hết cấp 3, Mai cũng chỉ biết quanh quẩn bên nương ngô, ruộng lúa phụ giúp cha mẹ. Từ khi thanh niên trong bản đến làm ở khu nghỉ dưỡng nhiều hơn, Mai mới mạnh dạn đăng ký xin việc.
“Nhớ lần đầu đón khách, mình rất run, không tự tin giao tiếp với du khách. Nhiều đoàn khách là tỉ phú, nghệ sĩ nổi tiếng nhưng đối với mình dù vị khách đó là ai, mình cũng luôn đối xử như người thân của mình.
Nhờ công việc hiện tại mà mình và các anh chị trong bản có thu nhập ổn định hơn để lo cho bản thân và gia đình” , Mai bộc bạch.