Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ

0
36
Đối với anh Hoàng Anh, niềm đam mê lớn nhất là được cầm lái chu du khắp mọi nơi. Anh không thích những mẫu xe sang êm ái vì đôi lúc cảm thấy say say ở hàng ghế sau.

Một buổi sáng đầu năm mới, tôi gặp anh Hoàng Anh tại nhà riêng của anh ấy. Đó là một căn biệt thự ở quận 7, TP.HCM. Người ta thường nói, bước vào một căn nhà có thể biết chủ nhân là người như thế nào. Với anh Hoàng Anh, chắc chắn đó là tình yêu với xe cộ.

Ở cửa ra vào, ngay bên trái, anh đặt một mô hình Porsche 911 GT2 RS Clubsport sản xuất giới hạn, mang số thứ tự 225/300. Còn bên phải là một vách kín trong suốt nhìn thẳng ra garage, nơi đang đỗ hai chiếc Porsche: 911 Dakar và 911 GTS.

Xung quanh là ngổn ngang lốp, mâm và một số phụ tùng cơ bản, cho thấy không phải bất cứ khi nào xe gặp vấn đề, anh cũng mang xe tới garage, xưởng dịch vụ. Anh còn khoe với tôi cánh cửa garage chuyên dụng được đặt hàng riêng và sơn đúng màu của chiếc Porsche 911 GTS.

Anh Hoàng Anh là người vừa hoàn thành chuyến đi xuyên Việt Nam – Trung Quốc – Mông Cổ với tổng quãng đường hơn 33.000 km trong 75 ngày. Câu chuyện của anh càng trở nên đặc biệt, bởi anh cầm lái chính chiếc 911 Dakar gần 20 tỷ đồng vừa được Porsche Việt Nam bàn giao ở tuổi 5x, độ tuổi mà nhiều người có lẽ muốn an yên hơn là phiêu bạt khắp mọi nơi.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 2.

“Hành trình hay, bạn đồng hành lý tưởng thì tiền bạc hay những thứ khác không quá quan trọng”

– Chào anh, rất vui được trò chuyện với anh. Câu hỏi đầu tiên là ý tưởng về hành trình vừa rồi xuất phát từ đâu?

Ý định thực hiện hành trình lần này đã manh nha từ năm 2018. Thời điểm đó, tôi đi một chuyến đi tới Trung Quốc. Khi sang tới đó mới thấy hạ tầng giao thông của Trung Quốc rất phát triển, nên tôi thầm nghĩ được lái xe thể thao trên những con đường này thì rất tuyệt. Hồi đó là tôi đi bằng chiếc Mercedes-Benz GL 500, nhưng ở nhà đang có Porsche 911 GTS. Tôi nghĩ sẽ có một ngày nào đó sẽ mang chiếc 911 GTS sang Trung Quốc để chạy.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 3.

Năm 2022, tôi đặt mua chiếc Porsche 911 Dakar. Lúc đó, tôi mới nghĩ là, xe tên là Dakar, thì đi vượt qua sa mạc, những chuyến đường xa, đường dài, nếu gần Việt Nam nhất chỉ có sa mạc Gobi (sa mạc trải rộng trên một phần khu vực Bắc – Tây Bắc Trung Quốc và Nam Mông Cổ – PV). Tôi rất muốn thử lái chiếc xe đó qua Trung Quốc, Mông Cổ thử xem thế nào.

Đến tháng 8/2023, Porsche Việt Nam bàn giao chiếc 911 Dakar, và tôi lên kế hoạch hành trình trong 2 tháng và khởi hành vào ngày 22/9 từ Hà Nội.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 2.

– Nhân tiện anh vừa nói đến sức khỏe, ở độ tuổi của anh, anh đã chuẩn bị sức khỏe thế nào trước chuyến đi?

Trước khi đi, tôi có thử chạy chiếc Porsche 911 Dakar đi Đà Nẵng trong 2 ngày. Một ngày đi và một ngày về. Tôi vượt qua được thử thách đó nên tôi hoàn toàn tự tin để đi hành trình dài gần 3 tháng. Một trong những điều mà tôi cảm thấy tự hào và may mắn là suốt 75 ngày hành trình, tôi không ho, hắt hơi, sổ mũi gì cả, dù có lúc đi đến những vùng lạnh nhất -20 độ C.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 5.

– Để có một hành trình như vậy, theo anh điều gì là quan trọng nhất?

Cái cần chuẩn bị nhất là bản thân cái hành trình. Tức là ý tưởng của hành trình. Mình muốn đi tới đâu, ngắm cái gì, cảm nhận cái gì, đó là thứ quan trọng nhất. Sau đó bắt đầu xây dựng xương sống của hành trình, chọn công ty du lịch. Công ty đó phải am hiểu về những vùng đất mà mình sẽ đến.

Cái thứ hai là bạn đồng hành. Bạn đồng hành nên là những người bạn đã chơi với nhau, đã biết nhau từ lâu. Đi hành trình dài với những người chưa hề quen biết sẽ có những ý thích khác nhau, nhu cầu khác nhau dễ xảy ra những xung khắc. 

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 3.

Nếu 2 cái này hoàn hảo rồi, chuyến đi không cần phức tạp. Nhiều người nghĩ là đi sẽ phải chuẩn bị những gì, mang theo cái gì, ăn gì, mặc gì, phụ tùng gì. Những cái đó tưởng là quan trọng, nhưng thực chất chỉ là phụ kiện của chuyến đi. Còn giấy tờ, tiền bạc hay thời gian là những thứ đương nhiên rồi.

– Trên hành trình ấy, thời điểm nào khiến anh cảm thấy khó khăn nhất?

Đó là chặng đi vào Mông Cổ. Bên đó đa phần vẫn là đường nhựa, nhưng nhiều đoạn không có đường. Nói thế này cho dễ hình dung. Trong 5.000 km mà đoàn đi ở Mông Cổ, thì có khoảng 500 km đổ lại là không có đường nhựa, tức là chạy trên thảo nguyên, chạy trên đường mòn. Chạy trên địa hình đó, chúng tôi có nói với nhau rằng, chuyến đi của mình dài hơn 33.000 km, mình cố gắng giữ cái xe để nó có thể chạy được đủ số đó, chứ không phải mình chạy cho sướng.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 7.

Nói về sự cố thì đó là hôm đi vào làng Kazakh – một ngôi làng nuôi đại bàng, thì tôi bị một tảng đá trông rất thấp, nhìn không thấy gì mà sau khi đi qua, tảng đá đó đâm thủng 2 chiếc lốp một bên. Lúc đó tôi mang theo 2 lốp sơ cua nên tôi có gắn vào chạy luôn. Sau đó đến tối thì đem 2 chiếc lốp hỏng đó đi vá rồi thay ngược lại.

Một hôm khác cũng mệt mỏi là ngày chạy dọc biên giới Mông Cổ – Nga. Đường rất xấu nên phải chạy chậm. Đến tối rồi mà cả đoàn vẫn đang chạy trên đường núi. Mắt tôi thì kém, bò được ra khỏi đó cũng rất căng thẳng.

Cuối cùng là đoạn đường đi ở Nội Mông. Hôm đấy là đầu mùa đông, tuyết rơi. Tuyết rơi không phải vấn đề lớn, nhưng khu đấy rất nhiều xe tải chở than cho khu công nghiệp. Khi xe tải cán lên tuyết, thì tuyết tan đóng thành một lớp băng trên đường. Ngày hôm đó đoàn dự kiến chạy 500 km, nhưng thực tế chỉ chạy 300km do đường trơn trượt và kẹt xe. Cuối cùng, chúng tôi quyết định dừng lại nghỉ ở một thành phố nhỏ, hôm sau chạy bù.

Thực tế là, hành trình có hay đến mấy, cũng sẽ có những ngày rất chán. Đó là những ngày đoàn chạy vài trăm km mà không có cảnh đẹp hay điều gì thú vị xung quanh. Đôi khi là buồn ngủ, muốn dừng lại. Nhưng chúng tôi vẫn phải cố gắng lái tiếp để đến những chặng tiếp theo thú vị, hay ho hơn.

– Đi một hành trình dài như vậy sẽ rất tốn kém phải không anh?

Tốn kém hay không cũng tùy vào nhiều yếu tố. Với tôi thì chi phí cho hành trình vừa rồi rất hợp lý. Số đông sẽ nghĩ xe thể thao, xe Porsche tốn cả tỷ tiền xăng, nhưng thực tế không phải vậy. Hết hành trình, đồng hồ Porsche 911 Dakar báo tiêu thụ trung bình 10 lít/100km, tức là chi phí đổ xăng chỉ khoảng 75-80 triệu đồng cho hành trình hơn 33.000 km.

Còn các chi phí khác như ăn uống thì cũng chỉ cao hơn Việt Nam một chút, khách sạn 4 sao cũng khoảng 50-70 USD một đêm. Thông thường, một đoàn xe sẽ có 2 xe “tour guide” hỗ trợ, nhưng chúng tôi chỉ cần 1 người dẫn đường, còn lại là tự lo nên chi phí sẽ hợp lý.

Từ tấm hình trên Facebook đến quyết định mua Porsche 911 Dakar

– Anh mua một chiếc xe đặc biệt như Porsche 911 Dakar chắc hẳn quá trình mua cũng đặc biệt?

Năm 2021, tôi tình cờ thấy một bạn bên Porsche Việt Nam đăng tải hình ảnh chiếc 911 Safari. Tôi có nhắn tin hỏi liệu Porsche có sản xuất lại chiếc 911 Safari hay không thì bạn ấy trả lời là hoàn toàn có thể. Tôi trao đổi thêm với bạn ấy về mong muốn được sở hữu chiếc xe đó. Bạn đó đồng ý và nói rằng sẽ báo ngay với Porsche toàn cầu về mong muốn này.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 10.

Thời điểm đó, hãng xe Đức vẫn chưa hé lộ bất cứ thông tin nào về dự án này. Một thời gian sau, những tin đồn đầu tiên về việc Porsche hồi sinh 911 Safari mới xuất hiện và lan truyền trên internet.

Đến cuối 2022, Porsche 911 Dakar ra mắt ở Los Angeles (Mỹ). Bên hãng có gọi điện thoại cho tôi và tôi đồng ý đặt xe. Quá trình đặt hàng bắt đầu bằng việc lựa chọn các trang bị đi kèm. Sau khi gửi yêu cầu sang nhà máy Porsche tại Đức, xe đi vào quá trình sản xuất và hoàn thiện vào tháng 3/2023. Chiếc xe sau đó được vận chuyển bằng tàu ro-ro và về Việt Nam vào đầu tháng 6/2023. Đây là chiếc Porsche 911 Dakar đầu tiên tại Việt Nam.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 6.

Porsche 911 Dakar là một phiên bản đặc biệt và sản xuất giới hạn. Vì thế, xe đã được trang bị đầy đủ các tính năng và tùy chọn cần thiết. Về ghế ngồi, tôi chọn ghế dạng bucket kiểu xe đua thay vì ghế chỉnh điện 18 hướng. Trang bị đáng giá mà tôi chọn thêm là khung chống lật và giá nóc cùng các phụ kiện khác.

Tôi được quyền chọn một số bất kỳ trong khoảng 0001-2500 miễn là chưa có ai chọn. Về điều này, tôi nghĩ rằng một con số gắn liền với cá nhân sẽ có ý nghĩa hơn. Vì thế tôi chọn số 1904 với ý nghĩa là ngày sinh 19/4 của mình. Còn về dòng chữ trên bậc cửa, sau khi trao đổi ý tưởng của mình với Porsche Việt Nam, cả hai bên đi đến thống nhất là “Limitless Drive – H.Anh”. Mẫu chữ H.Anh do tôi viết tay, sau đó gửi cho Porsche toàn cầu để lấy mẫu và đưa vào sản xuất. Với những điều này, thông điệp mà tôi muốn truyền tải là “Không có giới hạn nào cho chiếc 911 Dakar này”.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 7.

– Porsche 911 Dakar là phiên bản để đi đường xấu, đi đường dài, nhưng dù gì nó cũng là một mẫu xe thể thao. Vậy chiếc xe đáp ứng như thế nào trong chuyến đi lần này?

Nếu nhu cầu là vừa thích thể thao, vừa thích chạy đường dài, thì Porsche 911 Dakar là chiếc xe hoàn hảo để hài hòa hai thú vui đó. Chạy đường xấu, đường dài thì đương nhiên SUV sẽ phù hợp hơn, nhưng SUV lại không mang lại cảm giác thể thao như vậy. Nếu đi vào đường xấu thì đương nhiên sẽ phải đi cẩn thận và chậm hơn các bạn đi SUV, bán tải.

– Ghế ngồi trên chiếc Porsche 911 Dakar của anh là ghế bucket, không chỉnh được độ ngả tựa lưng. Đi một hành trình dài như vậy có đau lưng hay mệt mỏi không?

(Cười) Thực tế thì ghế đó cũng êm, chỉ có điều là tựa lưng thẳng, không ngả ra được. Tôi có mua thêm một cái gối đệm vào lưng, nên ngồi cả chặng đường dài thấy bình thường. Nhiều người nói ngồi ghế này dễ bị đau lưng, thoát vị đĩa đệm nhưng thực tế điều đó không có. Ghế một phần ngồi êm là hệ thống treo của 911 Dakar cũng mềm hơn 911 thông thường.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 13.

Người đàn ông không thích hưởng thụ ở hàng ghế sau

– Anh dường như có một niềm đam mê rất lớn với lái xe?

Đam mê của tôi là được tự lái xe đi lang thang, du lịch. Chuyến đầu tiên tôi đi là cách đây 10 năm rồi. Đó là chuyến đi Việt Nam – Lào – Cam – Thái. Năm 2018 tôi cũng đi Trung Quốc, rồi 2 lần lái Porsche 911 GTS từ Việt Nam tới trường đua Chang (Thái Lan) để mang xe vào chạy trong đó. Còn xuyên Việt thì chắc là đếm không hết. Năm nào tôi cũng đi, chỉ trừ những năm dịch Covid-19.

– Ở tuổi của anh tại sao anh không chọn ngồi băng ghế sau của những chiếc xe sang, xe siêu sang như Mercedes, Mercedes-Maybach, Lexus hay Bentley?

Đơn giản là tôi thích tự lái. Ngồi êm ái tôi không thích. Có hôm ở Mông Cổ, bạn “tour guide” chở đi lang thang bằng chiếc Toyota Land Cruiser LC 200 mà tôi suýt say xe. Tôi không quen ngồi trong những chiếc xe mềm như vậy. Chiếc xe đi hàng ngày của tôi là Mercedes-AMG G 63, còn lại hai chiếc Porsche 911 khi cần mới sử dụng đến.

Chủ xe Porsche 911 Dakar: Từ bức ảnh trên Facebook tới quyết định mua xe và chuyến phượt hơn 33.000km từ Việt Nam tới Mông Cổ - Ảnh 9.

– Là chủ một doanh nghiệp vận tải, vì sao anh vẫn sắp xếp được thời gian để đi những hành trình dài như vậy?

Cái đấy đơn giản là thu xếp thời gian, thu xếp công việc thôi.

– Những chuyến đi như vậy mang lại cho anh điều gì?

Thứ nhất là thỏa mãn thú vui, sở thích của bản thân. Thứ hai là đôi lúc công việc căng thẳng, nhiều sức ép, những chuyến đi cũng giúp tôi cân bằng lại cuộc sống. Còn đi với mục đích kiếm tiền thì không có.

– Được biết, anh có dự định tham gia giải đua Dakar, điều này có thật không hay anh có dự định nào cho chuyến đi tiếp theo?

Trước giờ tôi có thói quen không thích nói trước. Khi nào kế hoạch đã tương đối rồi, chỉ còn chờ ngày lên đường thì lúc đó mới nói. Đúng là tôi cũng có những kế hoạch tiếp theo, nhưng cụ thể là gì thì tôi chưa trả lời được.

– Cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!