Sáng 5-7, kỳ họp thường lệ giữa năm 2024 của HĐND TP Cần Thơ tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Chất vấn giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, đại biểu Nguyễn Phương Thủy kể vừa qua bà có nhóm bạn từ địa phương khác đến Cần Thơ du lịch, nhờ bà thiết kế một chuyến tham quan Cần Thơ.
Khi bà giới thiệu đến chợ nổi Cái Răng, có người trong nhóm phản đối “đừng đi tới đó vì có mấy chiếc ghe, chiếc tàu thì hết chứ không có gì”. Bà Thủy hỏi: “Với vai trò là giám đốc, đồng chí có suy nghĩ gì về phát biểu đó?”.
Ông Nguyễn Minh Tuấn, giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, cho biết: “Đây là vấn đề mà ngành du lịch và bản thân tôi rất băn khoăn thời gian qua. Chúng tôi cố gắng phối hợp với các ngành để xây dựng, tạo được thương thiệu, nét văn hóa, văn minh ở chợ nổi, thường xuyên đào tạo, tập huấn để hỗ trợ.
Tuy nhiên, để du lịch giữ chân du khách, cần nhiều sản phẩm mới. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến đầu tư để mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư quy mô lớn để khi đến với Cần Thơ thì sẽ lưu trú vài ngày và có sản phẩm mua sắm.
Sở xin ghi nhận ý kiến của đại biểu Nguyễn Phương Thủy và sẽ có nội dung, giải pháp cụ thể tham mưu lãnh đạo UBND TP tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố trong thời gian tới”, ông Tuấn hứa.
Lưu ý vấn đề này, Chủ tịch HĐND TP Cần Thơ Phạm Văn Hiểu cho rằng nhắc đến Cần Thơ là người ta nghĩ ngay tới chợ nổi Cái Răng, tới bến Ninh Kiều. Đây không chỉ là điểm nhấn du lịch mà còn là lịch sử, là phong tục tập quán, là bản sắc của Cần Thơ.
“Cần phải xây dựng thương hiệu mạnh mẽ hơn nữa để làm sao những điểm này trở thành điểm đến luôn ghi nhớ đối với du khách, khiến họ đến đây thì còn đến lần nữa, chứ không phải đến rồi thôi, chưa kể đến một lần rồi chán”, ông Hiểu nói.
Theo ông Hiểu, nguồn gốc hình thành chợ nổi ở miền Tây nói chung, chợ nổi Cái Răng nói riêng là vì thời điểm đó đường bộ chưa phát triển. Ngã ba sông là nơi hội tụ xuồng ghe, dần dần trở thành nơi mua bán, trao đổi hàng hóa.
Tuy nhiên, hiện nay đường bộ phát triển mạnh, chợ trên bờ nhiều hơn, thậm chí còn có cả chợ trên mạng. Từ đó, ông Hiểu gợi ý: “Chúng ta phải suy nghĩ về chức năng chủ yếu của chợ nổi, cần chuyển dần sang hình thái khác với hoạt động văn hóa chứ không chỉ là hoạt động kinh tế nữa”.