Ngoại thất: mạnh mẽ, thể thao nhưng kém hiện đại
Sandero Stepway có tổng thể gọn gàng, lớn hơn Hyundai i20 Active nhưng nhỏ hơn Ford EcoSport. Trục cơ sở dài hơn khá nhiều mang tới sự ổn định tốt hơn cũng như không gian bên trong thoải mái hơn so chiếc xe Pháp.
Renault Sandero Stepway có ngoại hình nhỏ gọn, định hướng đô thị
Hãng xe Pháp tạo hình cho mẫu xe cỡ nhỏ theo phong cách khá “cơ bắp” và mang tính việt dã, với vòm lốp mở rộng, giá đồ nóc xe và mặt ca-lăng với tấm lót gầm sáng màu. Tuy nhiên, về mặt chi tiết, các đường nét chưa thực sự hài hòa và có phần kém hiện đại lại đánh mất cảm tình của người viết dành cho mẫu crossover đô thị này.
Thể thao, cứng cáp nhưng thiếu một chút hiện đại
Nội thất: vừa đủ “đồ chơi” cho mức giá bình dân
Mức giá 620 triệu đồng phản ánh ngay lên cửa xe. Nếu đã từng lái một chiếc Renault “đắt tiền” như Latitude, cảm giác của bạn sẽ là khá hụt hẫng khi mở cửa Sandero Stepway. Cửa xe quá nhẹ khiến cho ngay cả việc đóng cửa đôi khi cũng gặp khó khăn do thiếu lực. Chất liệu nhựa sử dụng trong xe cũng chủ yếu là nhựa cứng.
Nội thất với chất liệu bình dân
Không gian bên trong cabin khá thoải mái cho 5 người. Vị trí ghế lái cao, tầm nhìn thoáng, dù cột chữ A hơi dày. Hàng ghế sau cũng có không gian phía trên đầu và không gian để chân thoải mái cho những người cao khoảng 1.75 m trở xuống. Điểm cộng khác của Sandero Stepway là không gian để hành lý thực sự rộng rãi, nếu so sánh với các đối thủ.
Ghế lái cho cảm giác thoáng, góc nhìn rộng rãi, nhưng cột A hơi dày
Renault trang bị cho mẫu xe giá rẻ khá nhiều trang thiết bị như cân bằng điện tử ESP, chống bó cứng phanh ABS, hỗ trợ phanh khẩn cấp EBA, kiểm soát hành trình cruise control, giới hạn tốc độ speed limit, điều hòa tự động 1 vùng, sưởi 2 ghế trước và hệ thống 4 túi khí an toàn.
Clip trải nghiệm nội thất và ngoại thất của Renault Sandero Stepway
Vận hành: chắc chắn nhưng chậm chạp
Khối động cơ 1,6 lít với công suất tối đa 102 mã lực và mô-men xoắn cực đại 145 Nm đều đạt được ở vòng tua khá trễ 5.750 vòng/phút cùng hộp số tự động 4 cấp khiến mẫu xe nặng 1,2 tấn khá nặng nề trong phố đông. Tay lái nặng có lẽ cũng là một điểm trừ với người dùng là nữ giới.
Mẫu crossover đô thị khá nặng nề trong thành phố
Khả năng cách âm của Sandero Stepway cũng ở mức trung bình. Tiếng động cơ xe máy đỗ cạnh cửa xe hay chính tiếng còi từ khoang động cơ cũng dễ dàng lọt vào trong cabin. Cách âm gầm xe tốt hơn một chút với tiếng lốp vọng vào khoang xe bắt đầu từ vận tốc trên 50 km/h.
Khung gầm của mẫu crossover Pháp dựa trên chiếc xe “anh em” Renault Logan, chắn chắn và cứng cáp. Hệ thống treo hơi mềm thể hiện rõ định hướng đô thị của Sandero Stepway. Bù lại, hệ thống ESP hoạt động hiệu quả và tay lái nặng giúp người lái có thể tự tin vào những khúc cua gắt trên cung đường đèo Ba Vì ở tận tốc tới 60 km/h.
Khung gầm chắc chắn, tay lái nặng và khả năng cân bằng tốt là những điểm mạnh trên đường trường
Đạp ga “sát ván”, khối động cơ 1,6 lít sang số ở gần 6.000 vòng/phút, xe vẫn có độ bốc và khả năng bứt tốc tương đối tốt để vượt những xe đi 80 km/h trước mặt. Nếu có chút yêu thích khám phá, những địa hình đơn giản cũng sẽ là nơi Sandero Stepway thể hiện ưu điểm của chiều cao gầm lên tới 195 mm.
Clip trải nghiệm khả năng vận hành của Renault Sandero Stepway
Renault Sandero Stepway: có đáng tiền?
Thật khó để có một câu trả lời chính xác cho mức giá chỉ 620 triệu đồng của mẫu crossover này. Tuy nhiên, nếu bạn cần một chiếc xe thể thao, nhỏ gọn, giá rẻ, với không gian rộng rãi và trang bị vừa đủ để di chuyển trong đô thị, Sandero Stepway cũng sẽ là một lựa chọn đáng cân nhắc với sự “đảm bảo” về độ bền bỉ từ thương hiệu Renault.
Một chút “việt dã” của mẫu crossover Pháp
Renault Sandero Stepway, thực chất là phiên bản gầm cao của chiếc Sandero, mẫu xe hatchback hạng B của thương hiệu Dacia. Là một cái tên khá xa lạ nhưng Dacia là thương hiệu con của Renault tại thị trường Rumani và đã có 49 năm lịch sử sản xuất xe hơi cho thị trường châu Âu. Tùy vào thị trường mà các mẫu xe Dacia sẽ có logo Renault hay Dacia.
Thành NT