[ĐÁNH GIÁ XE] BMW X5 xDrive40i 2019 – SUV gia đình cho người mê lái

0
83
Bạn có con nhỏ nhưng vẫn muốn tận hưởng cảm giác vần vô lăng mỗi khi lái xe một mình? Một chiếc SUV đa dụng như BMW X5 là một giải pháp rất đáng cân nhắc, tất nhiên khi và chỉ khi bạn có đủ 4,3 tỷ đồng để “cưới” mẫu SUV xứ Bavaria.

Lịch sử của kẻ dẫn đầu

Giờ đây, nhằm thu hút khách hàng trẻ, rất nhiều hãng xe đã gán 3 chữ cái S-U-V vào các mẫu xe gầm cao của họ, dù về bản chất, đa số các mẫu “SUV” trên thị trường chỉ là xe crossover (CUV) hoặc tệ hơn, là những mẫu hatchback nâng gầm. Ba chữ S-U-V tạo ấn tượng về 1 chiếc xe đa dụng, thể thao, mạnh mẽ và gắn với phong cách sống hướng ngoại, phóng khoáng. Đây là lý do vì sao bất kể hãng xe nào cũng muốn dùng SUV – Sport Utility Vehicle khi miêu tả chiếc xe của mình, dù đó chỉ là Ford EcoSport hay Honda HR-V!

BMW là hãng xe nổi danh với những chiếc sedan và coupe nhẹ cân, linh hoạt và nhỏ gọn – ba đặc điểm hoàn toàn trái ngược với xe SUV. Tuy nhiên, vào thời điểm cuối thế kỷ 20, khi mà xu hướng mua xe của khách hàng toàn cầu dần chuyển sang xe gầm cao, hãng xe xứ Bavaria không thể ngồi yên nhìn đối thủ gặm nhấm miếng bánh béo bở này. Bài toán khó ở đây là: làm thế nào để một hãng xe chưa từng sản xuất xe gầm cao tạo ra 1 sản phẩm có tính cạnh tranh trong thời gian ngắn nhất?

Câu trả lời của BMW lại rất đơn giản: cái gì chưa làm được thì đi mua! Năm 1994, BMW mua trọn Land Rover từ tay British Aerospace với một hợp đồng trị giá 800 triệu bảng Anh. Thương vụ chóng vánh này diễn ra trong đúng 10 ngày, điều cho thấy BMW đã sốt sắng nhảy vào cuộc chơi SUV như thế nào. Rất nhiều người hoài nghi về quyết định này vì tại thời điểm đó, Land Rover đang thua lỗ chưa từng thấy và đã có phép tính cho rằng mua Land Rover về, BMW phải chịu mức lỗ 1 triệu bảng Anh mỗi ngày!

Tuy nhiên, mục tiêu chính của việc nuốt gọn Land Rover là để “hấp thụ” những yếu tố về kỹ thuật và nhân lực của hãng xe chuyên sản xuất SUV của Anh Quốc để BMW có thể tự tạo ra 1 chiếc SUV của riêng họ. Năm 1999 tại triển lãm Detroit, BMW chính thức trình làng X5 phiên bản đầu tiên (E53). Với kết cấu khung liền gầm (unibody), hệ thống treo độc lập, X5 E53 dễ dàng vượt qua mọi mẫu SUV thời đó về độ cân bằng, êm ái và khả năng vận hành.

BMW thậm chí còn sáng tạo ra danh xưng mới cho con cưng: SAV – Sport Activity Vehicle, quyết không ngồi chung mâm với các mẫu SUV khác. Với động cơ xăng I6 3.0, V8 4.4, động cơ dầu 3.0 và động cơ V8 4.8 tên mã N62 cho phiên bản hiệu suất cao, BMW X5 thế hệ đầu tiên đã chinh phục khách hàng trên toàn thế giới. Đặc biệt, họ đã tạo ra bản thử nghiệm X5 Le Mans sở hữu động cơ V12 700 mã lực! Nó có thể được coi là mẫu super SUV đầu tiên trên thế giới, nhưng lúc đó, chi nhánh M Division chưa muốn sản xuất phiên bản M của xe gầm cao. Quả là 1 cơ hội bị bỏ phí!

Năm 2006, BMW X5 thế hệ 2 (E70) chính thức trình làng. Nó to hơn, mạnh hơn, đẹp hơn mẫu xe tiền nhiệm. Đời E70 cũng là lần đầu tiên BMW áp dụng cấu hình ghế 5+2 cho dòng xe X5, quyết định dấy lên nhiều tin đồn cho rằng 1 chiếc SUV 7 chỗ lớn hơn đang được phát triển. Trên thực tế, phải 12 năm sau thì BMW mới trình làng X7.

Thế hệ E70 cũng là lần đầu tiên BMW trình làng một chiếc M gầm cao đích thực. Với động cơ V8 4.8L tăng áp kép sản sinh công suất tối đa 555 mã lực, BMW X5 M đã thoáng chốc trở thành mẫu SUV mạnh và nhanh nhất thế giới tại thời điểm ra mắt. BMW cũng dựa vào nền tảng của X5 E70 để phái sinh ra mẫu “Coupe SUV” X6, với khác biệt lớn nhất là ở ngoại hình thể thao, thời trang hơn. BMW cũng tận dụng X6 để sáng tạo ra biến thể “M thiếu nhi” với chiếc X6 50d sở hữu động cơ diesel với 3 cụm tăng áp! Kể từ đó, những chiếc xe thuộc dòng M Performance trở thành lựa chọn tối ưu cho những ai đang tìm kiếm 1 chiếc BMW đủ mạnh mẽ nhưng không muốn bỏ quá nhiều tiền cho các bản M chính hiệu.

Thế hệ thứ 3 (F15) của BMW X5 được trình làng vào tháng 5/2013 và lần đầu tiên, khách hàng có thể lựa chọn 1 chiếc X5 với hệ dẫn động cầu sau. Một điều cũng lần đầu tiên xuất hiện với dòng X5 là phiên bản hybrid với động cơ 4 xy-lanh và 1 động cơ điện có công suất 94 mã lực. Đây chỉ là một phép thử của BMW với công nghệ hybrid, còn các phiên bản động cơ xăng, dầu vẫn mạnh mẽ hơn bao giờ hết, đặc biệt là bản X5 M với động cơ V8 4.4L tăng áp kép sản sinh công suất tối đa 575 mã lực, cho khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 4,2 giây.

Thế hệ thứ 4 (G05) được bán ra từ cuối năm 2018 và được kỳ vọng trở thành kẻ kế nhiệm xứng đáng cho F15. X5 mới sở hữu thiết kế hoàn toàn mới, đặc biệt là ở phần nội thất, thứ không được đánh giá cao trên đời F15. Tròn 20 năm qua và với 4 thế hệ, những chiếc BMW X5 vẫn giữ được sức hút và vẫn là những chiếc SUV đáng mua nhất. Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi đặt ra trong khuôn khổ bài viết này là với mức giá 4,3 tỷ VNĐ, liệu BMW X5 xDrive40i có xứng đáng chọn lựa hay không. Đây là mẫu xe được chờ đón khá nồng nhiệt bởi khách hàng Việt, nhưng trong bối cảnh cả Porsche Cayenne và Mercedes-Benz GLE đều có những phiên bản hoàn toàn mới, liệu đại diện của BMW có gì nổi bật hơn?

Thiết kế khác biệt

Nghĩ đến 1 chiếc SUV của BMW, ta dễ dàng liên tưởng đến những đường nét đặc trưng: mặt ca lăng hình quả thận, đèn tròn, kiểu dáng vuông vức, đèn hậu LED chữ L. BMW X5 2019 vẫn phần nào giữ được những đặc điểm này nhưng đồng thời cũng sở hữu nhiều điểm nhấn cá tính hơn. Hãy bắt đầu từ phần đầu xe. Mặt ca lăng quả thận đặc trưng nay đã “phù” hơn bao giờ hết, với các nan mạ crôm sáng loáng. Kích thước của quả thận này là điều mà ai cũng đã nhắc đến, nhưng ít nhất thì nó cũng không “siêu to khổng lồ” như mặt ca lăng của BMW X7. So với X5 đời F15, mặt ca lăng của X5 2019 có kích thước lớn hơn tới 40%. Vậy tại sao phải tăng kích thước của chúng?

Câu trả lời đơn giản là hiệu quả làm mát động cơ. Ta đã thấy BMW luôn cố mở rộng lưới tản nhiệt cho các mẫu xe của họ qua từng năm. Động cơ BMW nổi tiếng hoạt động ở mức nhiệt rất cao nên khả năng làm mát động cơ là rất quan trọng. Với việc tăng 40% diện tích mặt ca lăng, các kỹ sư BMW đã tăng được 18% hiệu suất tản nhiệt động cơ. Các nan dọc còn có thể đóng mở chủ động để giảm sức cản gió khi xe chạy nhanh, đồng thời giúp động cơ làm nóng nhanh hơn khi trời lạnh. Lưới tản nhiệt ngoại cỡ cũng là thứ mà khách hàng Trung Quốc đòi hỏi, nên với việc bơm phồng quả thận đặc trưng của mình, BMW đã “một mũi tên trúng hai đích”.

Mũi to lên, mắt nhỏ lại là nét nhận diện thương hiệu mới của xe BMW hiện đại. Những chiếc BMW X5 tại Việt Nam được trang bị đèn LED thông minh có kích thước tương đối nhỏ gọn so với kích cỡ lưới tản nhiệt. Những fan cuồng của hãng xe xứ Bavaria cũng sẽ nhận ra rằng các vòng tròn LED “Angel Eyes” cũng đã bị thay thế bằng những móc LED hình chữ U. Cá nhân tôi vẫn thích kiểu Angle Eyes hơn nhưng tôi hiểu rằng BMW không thể cứ mãi ôm lấy 1 phong cách thiết kế mà không thử nghiệm những ý tưởng mới.

Những chi tiết khác ở đầu xe cũng rất gân guốc và nam tính, tạo ra 1 bộ mặt đầy cá tính cho BMW X5 2019. Tuy nhiên, xe không sở hữu tính năng Kiểm soát hành trình thích ứng, một thiếu sót đáng tiếc khi ngay cả 1 chiếc xe giá rẻ như Mazda CX-5 cũng có tính năng này ở Việt Nam. Tất nhiên, đã so sánh thì ta cũng cần nói thêm rằng đối thủ chính của X5 là Mercedes-Benz GLE chính hãng cũng chưa có tính năng bám đuôi xe phía trước.

Nhìn sang phần thân xe, X5 2019 vẫn những đường nét gãy gọn, vuông vức đặc trưng của BMW. Vẫn là kính lái và kính cửa cốp có độ nghiêng lớn, tạo nên dáng hình năng động ngay cả khi xe đứng yên. Những đường dập nổi, cắt vát ở thân xe mang lại ấn tượng rằng chiếc X5 như được đẽo gọt từ một tảng đá nguyên khối vậy. Nhìn xuôi xuống dưới một chút, ta sẽ thấy móc khuyết Hofmeister Kink đã không còn cong vút nữa, thay vào đó là một hình đa giác sắc sảo hơn nhiều. Điểm trừ duy nhất ở phần thân xe là bộ la-zăng 19 inch có thiết kế và kích thước không tương xứng với ngoại hình hiện đại và sắc sảo của BMW X5 2019.

Phần đuôi xe cũng sở hữu thiết kế vuông vức đặc trưng của hãng xe Đức, với thay đổi lớn nhất so với thế hệ trước là thiết kế đèn hậu. Không còn kiểu 2 hình chữ L đối xứng nữa, thay vào đó là cụm đèn LED có thiết kế đậm chất 3 chiều. Cũng chính vì mang thiết kế 3 chiều nên khi nhìn hình ảnh BMW X5 trên mạng, tôi thấy cụm đèn này hơi “thường”. Tuy nhiên, khi trực tiếp nhìn ngắm chi tiết này ngoài đời, tôi đã hoàn toàn bị thuyết phục. Từng nếp gấp, từng đường vát của cụm đèn này đều vô cùng hút mắt, thậm chí tôi còn thấy đèn hậu X5 đẹp hơn chiếc X7 đắt tiền hơn.

Cụm ống xả đôi ở hai bên cũng là “hàng thật” với họng xả cỡ lớn ẩn sau 2 miếng chụp mạ crôm. Cá nhân tôi vẫn đánh giá cao việc BMW duy trì ống xả cỡ lớn với các mẫu xe của họ, trong bối cảnh mà cả Audi lẫn Mercedes-Benz đều không làm được điều đó. Một cải tiến khác so với BMW X5 đời trước là cửa khoang hành lý kiểu 2 mảnh nay đã chỉnh điện hoàn toàn, phiên bản trước chỉ có mảnh trên là đóng mở điện. Khoang hành lý của BMW X5 2019 có thể tích lên tới 650 lít, tăng 150 lít so với thế hệ trước.

BMW X5 2019 có kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) là 4.922 x 2.004 x 1745 (mm), chiều dài cơ sở đạt 2.975 mm. Đây là những thông số tương đối lớn trong phân khúc. Cụ thể, X5 2019 dài hơn GLE 103 mm, hơn Lexus RX350 32 mm, kém Audi Q7 130mm, kém Volvo XC90 28 mm. Mẫu xe nhà BMW có chiều rộng lớn hơn GLE 69 mm, hơn RX350 109 mm, hơn Audi Q7 20 mm và hơn XC90 46 mm. Về chiều dài cơ sở, X5 cũng hơn GLE 60 mm, hơn RX350 185 mm, kém Audi Q7 19 mm và kém XC90 9mm.

Nội thất nâng tầm

Nếu như ngoại thất là 1 sự kế thừa của phiên bản trước thì nội thất X5 2019 là một cuộc cách mạng triệt để. Xe vẫn mang thiết kế nội thất hướng đến người lái, đặc trưng là màn hình và bảng táp lô hơi nghiêng về phía người lái, nhưng các chi tiết nhỏ và vật liệu gia công đều tốt hơn nhiều so với thế hệ trước.

Hãy bắt đầu với khu vực dành cho người lái – vì đây là mẫu SUV được quảng cáo là dành cho người mê lái xe. Vô lăng có thiết kế mới, đẹp và đậm chất hình học hơn. Các nút chức năng có thiết kế nổi, rất dễ làm quen để bấm chúng mà không cần liếc xuống. Hai tính năng mà tôi thấy thiếu trên vô lăng là tính năng Ga tự động thích ứng và Hỗ trợ giữ làn. Tất nhiên, 2 tính năng này có cần thiết hay không thì còn tùy quan điểm mỗi người.

Phía sau vô lăng là màn hình LCD 12,3 inch có độ phân giải rất tốt (1920×720 pixel) và độ sáng tối ưu. Giao diện của màn hình này cũng rất trực quan và có thể hiển thị bản đồ ở giữa. Dù vậy, là một người luôn đánh giá cao cụm đồng hồ cơ 4 vòng tròn của các mẫu BMW cũ, tôi cảm thấy khó làm quen với kiểu đồng hồ vòng tua máy chạy ngược kim đồng hồ của BMW X5 2019.

Liếc sang khu vực bảng táp lô, thứ thu hút sự chú ý của tôi đầu tiên là màn hình trung tâm cũng có kích thước 12,3 inch, chạy giao diện iDrive 7.0. Hệ điều hành iDrive đã tiến những bước dài trong những lần nâng cấp, và bản 7.0 thực sự là tất cả những gì tôi cần về 1 hệ điều hành thông minh trên 1 chiếc xe hơi. Các tab thông tin được sắp xếp khoa học, hiệu ứng xếp chồng, trượt, chuyển cảnh rất mượt mà và đẹp mắt. Bạn có thể thao tác với màn hình bằng cách cảm ứng, bằng cử chỉ (Gesture Control) hay bằng các nút vật lý được sắp xếp thành cụm rất tiện dụng. Bên dưới màn hình là cụm điều hòa được gộp lại thành các nhóm nút rất dễ làm quen. Các cửa gió điều hòa cũng có thiết kế mới rất bắt mắt.

Về vật liệu gia công, những chiếc X5 2019 cũng được nâng tầm so với phiên bản 2018 tại Việt Nam. Những nút bấm, nẹp ốp bằng kim loại hoặc nhựa bọc kim loại thay thế kiểu nhựa sần của đời trước đã mang đến trải nghiệm thỏa mãn hơn nhiều mỗi khi bạn chạm vào chúng. Gỗ ốp trên xe cũng bắt mắt hơn và những chi tiết như đèn viền nội thất cũng được chăm chút hơn, dù bạn chỉ có 6 màu để lựa chọn, trong khi một số đối thủ cho bạn chọn tới … 64 màu.

Tuy nhiên, BMW X5 cũng có những chi tiết cực chất mà ít đối thủ nào sánh kịp. Đó là dải đèn chào Light Carpet chiếu sáng 2 bên thân xe mỗi khi bạn bước tới chiếc X5 của mình, hay hệ thống hỗ trợ đỗ xe với góc nhìn 3D, thứ mà Audi cũng đã học hỏi. Ngay cả đèn đọc sách của hàng ghế trước cũng được tạo thành bởi các dải LED nhìn rất tinh tế. Khá tiếc là X5 phân phối bởi Thaco sẽ không có cửa số trời Sky Lounge, nếu có thì chắc chắn đây là mẫu xe mang lại không gian sang trọng bậc nhất phân khúc.

BMW X5 xDrive40i được phân phối bởi Thaco đều có ghế ngồi bọc da Vernasca tương đối cao cấp. Nói một cách ngắn gọn thì da Vernasca nằm giữa Dakota và Merino Individual, cả về độ mịn, về vẻ đẹp thậm mỹ cũng như mùi thơm. Cá nhân tôi thấy lựa chọn trang bị da Vernasca cho những chiếc X5 tại Việt Nam là hợp lý, vì nó sẽ ít tốn công chăm sóc, bảo dưỡng hơn Merino nhưng vẫn có sự sang trọng nhất định chứ không “xoàng” như Dakota. Lớp vân của da Vernasca nhìn thật hơn Dakota, nhưng sự khác biệt lớn nhất vẫn là chất da: Dakota chỉ là vật liệu giả da, trong khi Vernasca là da thật được mài nhẵn để loại bỏ khiếm khuyết và dập lại vân da. Sự khác biệt sẽ rất rõ ràng khi bạn trực tiếp sờ vào 2 loại da này.

Về thiết kế của những ghế ngồi thì BMW X5 không khiến tôi thất vọng. Ghế rất ôm lưng, các tấm mút êm ái và nâng đỡ tốt. Hàng ghế thứ 2 gập điện để bạn dễ dàng tiếp cận hàng ghế thứ 3 hơn. Hàng ghế thứ 3 chỉ mang tính chất dự phòng vì khá chật nhưng ít nhất thì ghế ngồi cũng được bọc da Vernasca như 2 hàng ghế trên và có cả cửa gió điều hòa và hộc để cốc riêng.

Nhìn chung thì BMW X5 xDrive40i chính hãng có 1 khoang nội thất ở mức đủ sang để cạnh tranh sòng phẳng với GLE mới và Audi Q7. Tuy nhiên, nếu như Thaco thoáng tay hơn nữa về mặt trang bị xa xỉ cho X5 thì có lẽ sẽ phù hợp hơn với giá niêm yết 4,3 tỷ VND.

Trái tim khác biệt

Một anh bạn chơi xe đã từng nói với tôi rằng anh nói “không” với những chiếc BMW có động cơ ít hơn 6 xy-lanh. Tất nhiên, đó là quan điểm rất cá nhân nhưng thực sự, với những ai yêu thích thương hiệu BMW thì động cơ I6 thực sự là thứ tạo ra “chất BMW”. Không phải ngẫu nhiên mà họ dai dẳng bám lấy cấu hình I6 trong suốt 86 năm qua, và hiện tại, cả Mercedes-Benz lẫn Jaguar Land Rover cũng phải quay lại với cấu hình I6. Vậy động cơ 6 xy-lanh có gì đặc biệt?

Động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng ưu việt hơn động cơ V6 nhờ sự êm ái, mượt mà và thiết kế đơn giản hơn. Khi nói về độ rung động của một khối động cơ, ta có 3 nguyên nhân chính. Nguyên nhân đầu tiên là sự chuyển động lên xuống của các pít tông. Với động cơ I6, mỗi pít tông đều có một người anh em song sinh đối diện (1 và 6, 2 và 5, 3 và 4) chuyển động theo chiều ngược lại. Ví dụ, nếu pít tông 1 đang đạt điểm chết trên thì pít tông 6 ở điểm chết dưới. Chính sự chuyển động ngược chiều này đã triệt tiêu hoàn toàn sự rung động do chuyển động tịnh tiến của pít tông. Chỉ có cấu hình động cơ I6 và V12 (bản chất là 2 khối I6 chập lại) là có sự mượt mà tuyệt vời này.

Nguyên nhân thứ 2 khiến 1 khối động cơ rung động là chuyển động quay của trục khuỷu và bánh đà. Bánh đà của khối động cơ B58 được giảm cân, qua đó giảm rung động khi quay. Trục khủy được thiết kế với các mấu khuỷu đặt lệch nhau với nhau một góc 120 độ, mang đến sự cân bằng hoàn hảo khi các vấu khuỷu và đối trọng chuyển động quay.

Nguyên nhân thứ 3 khiến động cơ rung là kỳ sinh công của các xy-lanh, hay nói cụ thể hơn, đó là góc đánh lửa. Thiết kế mấu khuỷu lệch nhau 120 độ mang đến góc đánh lửa 120 độ – hoàn hảo cho 6 xy-lanh lần lượt sinh công một cách mượt mà. Tức là, trục khuỷu cứ quay được 120 độ thì sẽ có 1 xy-lanh bước vào kỳ nổ, 6 xy lanh = 720 độ, tức 2 vòng quay của trục khuỷu. Chính sự cân bằng về mặt thiết kế mang đến sự êm ái và mượt mà tối ưu cho cấu hình động cơ 6 xy-lanh, và Mercedes-Benz cũng như Jaguar Land Rover cũng dần trở lại với cấu hình I6 sau nhiều thập kỷ trung thành với động cơ V6.

BMW X5 xDrive40i sở hữu động cơ I6 3.0L tên mã B58, sản sinh công suất tối đa 340 mã lực và lực mô-men xoắn cực đại 450 Nm có được ở dải vòng tua cực rộng, từ 1.500 v/p cho đến 5.200 v/p. Tuy nhiên, những con số trên chỉ kể một phần câu chuyện. Phần quan trọng hơn là kết cấu của khối động cơ này ưu việt hơn hẳn so với những động cơ 6 xy-lanh trước đó của BMW.

Điều đầu tiên và quan trọng nhất: So với máy N55 tiền nhiệm, máy B58 đã chuyển sang thiết kế lốc máy kín (closed-deck cylinder block) thay vì kiểu lốc máy có dàn áo nước lớn (open-deck cylinder block) của đại đa số động cơ thông dụng khác, tính cả N55. Thiết kế lốc máy kín khiến bộ phận này chịu lực tốt hơn rất nhiều, qua đó bền bỉ hơn với thời gian. Thiết kế này cũng là lý do vì sao giới độ xe “thích mê” máy B58 vì họ chẳng cần chọc ngoáy gì nhiều cũng có thể đẩy mức công suất của khối B58 lên 500-600 mã lực.


Gầm xe được làm phẳng với các tấm mút gắn kèm. Thiết kế này tối ưu hóa dòng không khí đi qua gầm xe.

Tất nhiên, thiết kế kín cũng có nhược điểm của nó: các đường dẫn nước làm mát nhỏ hơn nhiều việc giải nhiệt động cơ phức tạp hơn, đến nỗi BMW phải sử dụng 1 ECU riêng để quản lý việc này. Dù vậy, thiết kế closed-deck là dấu hiệu cho thấy BMW muốn tạo ra 1 khối động cơ sẵn sàng cho các phiên bản hiệu năng cao, dù đó là máy S58 cho các dòng xe M hay các phiên bản độ của hãng thứ ba.

Nâng cấp tiếp theo là máy B58 không sử dụng ống lót xy-lanh nữa, thay vào đó là công nghệ dùng tia plasma để phủ thành xy-lanh. Công nghệ này không mới trong làng xe, Mercedes-Benz đã sử dụng từ lâu và thậm chí Ford cũng đang áp dụng trên dòng động cơ EcoBoost, nhưng “cũ người mới ta”, rất đáng khen khi BMW cũng đã áp dụng nó.

Tiếp theo là công nghệ làm mát khí nạp kiểu gió-dung dịch (air-to-liquid), thay thế cho kiểu làm mát khí nạp chỉ bằng khí (air-to-air) trên máy N55. Trên thực tế, đa số động cơ tăng áp hiện nay vẫn sử dụng kiểu air-to-air, nhưng mọi động cơ hiệu năng cao đều đã chuyển qua thiết kế kiểu gió-dung dịch để tăng hiệu quả làm mát. Bộ làm mát tích hợp (intercooler) của B58 được tích hợp ngay vào trong động cơ, nằm kẹp giữa cổ góp khí nạp và nắp máy. Thiết kế này khiến khí nạp không cần phải chạy qua lưới tản nhiệt ở đầu xe nữa, qua đó giảm quãng đường dòng khí mát di chuyển, giúp cải thiện độ phản ứng của động cơ. Còn rất nhiều nâng cấp khác mà động cơ B58 có, ví dụ như trục khuỷu và tay biên tiện CNC, nhưng tôi sẽ phân tích kỹ hơn trong một bài viết khác. Điều quan trọng là: những cải tiến đó mang lại trải nghiệm ra sao?

Ngay từ những nước ga đầu tiên, tôi đã cảm thấy sự khác biệt. Khối động cơ B58 với lực mô-men xoắn tối đa đến ngay từ tua máy 1.500 vòng/phút khiến chiếc X5 lướt đi nhẹ nhàng dù xe có trọng lượng hơn 2 tấn. Điều đặc biệt là ngay cả khi đạp ga lên 5, 6.000 vòng/phút, động cơ X5 vẫn mang lại sức kéo đáng nể, không hề hụt hơi như những khối động cơ có mô-men xoắn tối đa ở tua vòng thấp của hãng xe khác. Âm thanh mà động cơ B58 cùng hệ thống xả tiêu chuẩn mang lại cũng rất phấn khích, dù tôi không rõ bao nhiêu % âm thanh là thực tế, bao nhiêu là được giả lập bởi hệ thống loa Harman Kardon.

Hộp số 8 cấp Steptronic hoạt động mượt mà ở chế độ Comfort, gần như “tàng hình” thì đúng hơn. Thế nhưng ở chế độ Sport Plus, những pha chuyển số cực nhanh và gãy gọn của hộp số này mang lại trải nghiệm đậm chất thể thao. Vô lăng của X5 2019 tương đối nhạy và chính xác, dù cảm nhận mặt đường gần như không tồn tại. X5 tại Việt Nam cũng không có hệ thống đánh lái cầu sau nên dù khó tin nhưng xoay trở chiếc X5 trong địa hình hẹp lại vất vả hơn so với X7 có trang bị hệ thống này!

Hệ thống treo khí nén ở cả 4 bánh cũng êm như tôi mong đợi. Với biên độ điều chỉnh lên tới 80 mm, hệ thống treo này khiến bạn không phải lo lắng về việc cạ gầm hay ngập nước, dù cho đi đường núi Tây Bắc hay lội nước giữa Hà Nội. Ở chế độ Sport Plus, hệ thống treo này kiểm soát dao động theo chiều dọc và dao động lắc ngang rất tốt, giúp tôi tự tin vào cua với tốc độ cao. Thêm vào đó, khung gầm CLAR vô cùng rắn chắc giúp xe nâng tầm cả về hiệu năng lẫn sự êm ái. Theo tài liệu hãng, khung gầm CLAR của BMW X5 có độ cứng xoắn tốt hơn 40% so với thế hệ trước. Độ ồn tôi đo được ở 100 km/h chỉ là 60 dB, thuộc hàng êm ái nhất trong số những chiếc xe tôi từng trải nghiệm!

Kết luận

4,3 tỷ là mức giá cao hơn tôi kỳ vọng. Đây là mức giá khiến X5 xDrive40i vươn lên xếp ngang hàng với Porsche Cayenne bản tiêu chuẩn, điều mà theo tôi, là một bất lợi lớn cho mẫu SUV xứ Bavaria. Tuy nhiên, trải nghiệm thực tế trong 2 ngày đồng hành cùng X5 G05 cho tôi thấy mẫu xe này hoàn toàn xứng đáng được sánh vai cùng mẫu SUV lớn nhất của Porsche, thậm chí có yếu tố mà X5 còn trội hơn Cayenne, đó là khối động cơ B58. Số tiền bạn phải bỏ ra để sắm BMW X5 2019 là không nhỏ, nhưng hoàn toàn xứng đáng.

Điểm: 9/10

Ưu điểm:

– Động cơ hay nhất phân khúc
– Khả năng cách âm và sự êm ái tuyệt vời
– Thiết kế đẹp từ trong ra ngoài

Nhược điểm:

– Giá bán cao
– Thiếu một số trang bị sang trọng
– Dịch vụ sau bán hàng vẫn chưa tương xứng với đối thủ đồng hạng

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)