[ĐÁNH GIÁ XE] BMW X7 vs Lexus LX 570 – Thách thức ngôi vua

0
27
Lexus LX 570 là một mẫu SUV hạng sang đã quá quen thuộc với giới thượng lưu Việt Nam. Sức hấp dẫn của nó có lẽ không còn nằm trong bản thân chiếc xe nữa mà lại đến từ những giá trị vô hình khác. Liệu BMW X7 có đủ tốt để ngoạm lấy miếng bánh của Lexus bằng cái miệng 82 centi-mét của nó?

Việt Nam là một thị trường xe rất đặc biệt. Không, tôi phải dùng từ “dị biệt” thì sẽ phù hợp hơn. Đây là một thị trường tồn tại vô vàn nghịch lý mà nếu như bạn mới lần đầu đặt chân đến Việt Nam, bạn sẽ đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác.

Đây là nơi mà khá nhiều người mua xe đi chọn xe hơi mà lại nghĩ cho chủ nhân tiếp theo của nó  – họ mua những chiếc xe có giá trị thanh khoản tốt nhất chứ không chọn chiếc xe an toàn nhất hay nhiều công nghệ hiện đại nhất. Tất nhiên, xu thế tiêu dùng sẽ thay đổi theo thời gian và giờ đây, số lượng người đặt trải nghiệm, tiện ích công nghệ, an toàn lên trên giá trị thanh khoản. Giữa một thị trường … thú vị như vậy, Lexus LX 570 vẫn luôn đứng vững với vai trò “trùm cuối” ở phân khúc SUV 7 chỗ hạng sang.

Lexus LX 570 hấp dẫn trong mắt khách hàng Việt giàu có bởi hàng loạt giá trị vô hình và hữu hình. Những điểm thu hút hữu hình ở đây là ngoại thất bệ vệ, nổi bật, khả năng cách âm và sự êm ái tuyệt vời, sự bền bỉ của các chi tiết cơ khí nhưng theo tôi, những giá trị vô hình của LX 570 là hấp dẫn hơn. Đó là danh tiếng của thương hiệu Lexus và là hình ảnh đồng hành cùng chủ xe LX 570. Khi nghĩ đến chủ nhân của mẫu SUV to lớn này, người Việt thường nghĩ đến những ông chủ đích thực, trầm tĩnh và không khoa trương. Tuy nhiên, trong một bài so sánh trực quan và khách quan nhất có thể, liệu Lexus LX570 có giữ được ngôi vị số một?

Ngoại thất

Khi nói về BMW X7 và Lexus LX570, tôi muốn nhắc đến kích thước của chúng đầu tiên. X7 là mẫu xe to lớn nhất mà BMW từng sản xuất với kích thước tổng thể (dài x rộng x cao) là 5.151 x 2.000 x 1.805 mm, chiều dài cơ sở lên tới 3.105 mm. Khi so với GLS thế hệ hiện tại, BMW X7 dài hơn 21 mm, rộng hơn 66 mm, thấp hơn 45 mm và có chiều dài cơ sở dài hơn 30 mm. So sánh với Lexus LX570, X7 cũng dài hơn 71 mm, rộng hơn 20 mm, thấp hơn 60 mm và có chiều dài cơ sở hơn tới 255 mm! Như vậy, xét về kích thước tổng thể thì BMW X7 không “ngán” bất cứ đối thủ nào trong phân khúc, và chiều cao thấp hơn khiến BMW X7 có dáng vẽ bớt cồng kềnh hơn 1 chút so với Mercedes GLS và Lexus LX570. So với đối thủ trực tiếp LX570, BMW X7 trội hơn ở chiều dài cơ sở tốt hơn 255mm.

Đối với tôi thì thiết kế ngoại thất BMW X7 là sự kết hợp ấn tượng giữa kiểu dáng bề thế và những đường nét đậm chất thể thao. Phần đầu xe nổi bật với mặt ca-lăng hình quả thận có kích thước lớn nhất từ trước đến nay. Cá nhân tôi đã dùng thước và đo được bề ngang của lưới tản nhiệt này dài tới 82 cm! Để tiện so sánh thì lưới tản nhiệt của BMW E30 M3 chỉ có chiều ngang đạt 29 cm.

Lưới tản nhiệt cũng là điểm nhấn không thể bỏ qua trên Lexus LX570. Nhiều người đã so sánh phần miệng cực rộng của chiếc LX với … quái vật Predator và thực sự mà nói, có một mỗi liên hệ nào đó giữa 2 “quái vật” này. Tuy nhiên, thực tế mà nói thì tôi thấy mặt ca lăng của Lexus phù hợp với thiết kế tổng thể sử dụng nhiều đường cắt và mô típ chữ L chủa Lexus hơn là quả thận siêu to khổng lồ của X7. Về thiết kế, tôi đánh giá cao chiếc miệng của LX hơn.

Dù vậy, xét về mặt công năng thì tôi lại thấy mặt ca lăng của BMW trội hơn! Bên trong lưới tản nhiệt là 14 nan dọc có khả năng đóng mở để tăng khả năng làm mát khi động cơ hoạt động với mức hiệu suất cao hoặc giảm thời gian làm nóng động cơ khi trời lạnh. Lưới tản nhiệt Active Grille của X7 giúp tăng 18% hiệu suất làm mát và tăng 12% hiệu suất khí động học so với kích cỡ lưới tản nhiệt truyền thống trên các mẫu xe trước đây của BMW. Điều đó có nghĩa là mặt ca lăng của BMW to là bởi vì nó có tác dụng của nó, trong khi thiết kế của Lexus đơn thuần là yếu tố thẩm mỹ.

Cụm đèn trước dạng LED kết hợp với đèn laser là điểm nhấn tạo ra khác biệt cho BMW X7 xDrive40i. Với đèn pha laser, chùm sáng tập trung đạt cường độ sáng lớn gấp 10 lần so với nguồn sáng thông thường như halogen, xenon hay LED. Đèn Laserlight của BMW có khoảng cách chiếu sáng lên tới 600 mét, gấp đôi so với đèn pha sử dụng công nghệ cũ.

Hệ thống này cũng tiết kiệm điện 30% so với đèn LED. Ngoài ra, đi-ốt phát quang trong đèn laser nhỏ hơn 10 lần so với đèn xenon hay đèn LED thông thường, cho phép thiết kế đèn pha nhỏ gọn và đẹp mắt hơn. Vì cường độ ánh sáng rất mạnh nên ánh sáng Laser chỉ hoạt động ở chế độ chiếu xa và chỉ được kích hoạt khi xe di chuyển với tốc độ từ 60 km/h trở lên. Tính đến thời điểm hiện tại, BMW là hãng xe trang bị tùy chọn đèn Laser trên nhiều dòng sản phẩm nhất trên thế giới.

Cụm đèn của Lexus LX570 có thiết kế hình chữ L theo đúng logo hãng và tất cả mắt đèn đều là dạng LED. Về cường độ sáng thì hệ thống đèn pha của LX không hề thua kém đối thủ Đức nhưng về độ “thông minh” thì hệ thống đèn của gã đô con người Nhật lại không bằng. Hệ thống đèn pha của Lexus LX570 không có tính năng “nắn” luồng sáng thông minh để tránh làm chói mắt xe đi đối diện khi bật đèn pha, thứ mà nhiều hãng khác gọi là Matrix LED hay Multibeam LED.

Lý do ở đây là dòng LX được phát triển chủ yếu cho thị trường Bắc Mỹ mà nơi đây mới chỉ cho phép hệ thống điều khiển đèn ma trận xuất hiện trên xe hơi từ năm nay, trong khi dòng LX đã được phát triển từ nhiều năm trước. Tóm lại là về khoản đèn đóm, Lexus LX570 đang thua BMW X7 không phải vì hãng xe Nhật không thể làm đèn “xịn” (trên thực tế, Lexus là hãng xe đầu tiên áp dụng đèn pha LED trên mẫu LS600hL vào năm 2007), mà rào cản ở đây là luật pháp đi sau thời đại tại Bắc Mỹ.

Về phần thân xe, chiếc X7 trong bài viết được trang bị gói M Sport với điểm nhấn là bộ la-zăng 22 inch 5 chấu kép, tấm nẹp crôm chạy dọc cửa xe và các đường gân dập nổi mạnh mẽ tạo nên một chiếc SUV bề thế và ấn tượng, xứng đáng với vị thế của xe gầm cao đắt giá nhất mà BMW từng sản xuất. Cột D của BMW X7 vẫn rất nổi bật với móc khuyết Hofmeister Kink được cách điệu. Đây là đường nét thiết kế đặc trưng của xe BMW trong nhiều năm qua.

Lexus LX570 cũng không kém cạnh với thiết kế vạm vỡ, vuông vức đậm chất off-road vốn là một phần không thể thiếu đối với dòng LX của Lexus hay Land Cruiser của hãng mẹ Toyota. Nhìn chung thì ở phần thân xe, cả 2 chiếc SUV 7 chỗ đều thể hiện được cá tính của chúng.

Ở phần đuôi xe, cả LX570 và BMW X7 đều có những đường nét thiết kế to bản và đậm nét. Cả hai đều có đèn hậu LED và tôi thích kiểu đèn có chấm LED rời kiểu “chấm sao – star dust” của LX570 hơn là dạng ống LED nguyên khối của BMW. Bù lại thì các chi tiết khác của đuôi X7 tinh tế và liền mạch hơn, đặc biệt là cụm ống xả đôi ở hai bên đuôi xe là “hàng thật” với họng xả cỡ lớn ẩn sau 2 miếng chụp mạ crôm.

Cá nhân tôi vẫn đánh giá cao việc BMW duy trì ống xả cỡ lớn với các mẫu xe của họ, trong bối cảnh mà mọi đối thủ khác không sử dụng ống xả cỡ lớn, hoặc tệ hơn là giấu hẳn ống xả thật, chỉ dán 2 miếng crôm vào đuôi xe như Lexus hay Audi. Nhìn chung, cả 2 chiếc SUV trong bài so sánh đều mang lại ấn tượng về những cỗ máy hạng sang cỡ lớn, đều rất nổi bật trên đường phố. Tôi sẽ nghiêng về BMW X7 một chút vì tôi thích những đường nét hiện đại của chiếc xe này hơn. BMW 1 – Lexus 0.

Nội thất

Chúng ta sẽ tiếp tục so sánh BMW X7 và Lexus LX570 bằng những số đo kích thước và tôi sẽ liệt kê thêm thông số của Mercedes GLS để tăng phần “kịch tính”. BMWW X7 có khoảng cách từ mặt ghế đến trần xe (headroom) của hàng ghế trước đạt mức 1.064 mm, hơn GLS 18 mm (1.046), hơn Lexus LX570 92 mm (972), khoảng đặt chân ở hàng ghế trước của X7 là 1.010 mm, kém GLS 13 mm (1.023), kém LX570 79 mm (1.089). Như vậy, vì cùng là SUV fullsize nên 3 mẫu xe này có không gian dành cho người lái không hơn kém nhau là bao và đều thuộc hàng tốt nhất trong thế giới xe. Nếu không thể cảm thấy thoải mái khi ngồi lái 1 trong 3 chiếc xe kể trên thì có lẽ chỉ có … xe bus mới vừa vặn đối với bạn!

Ở hàng ghế thứ 2 và thứ 3, ba mẫu xe này cũng chỉ hơn kém nhau vài chục mili-mét và đều rất rộng rãi cho 7 người lớn ngồi trên xe. Sự khác biệt nằm ở chỗ mọi ghế ngồi trên BMW X7 đều được chỉnh điện, thậm chí người ngồi ở hàng 3 cũng có 2 vùng điều hòa độc lập và cửa sổ trời dành riêng cho họ. Hai ghế ngồi ở hàng thứ 3 cũng được bọc da Merino cao cấp giống như 2 hàng ghế trên và bệ tỳ tay kèm bậu cửa sổ ở hàng 3 cũng được bọc loại da cao cấp này, trong khi với GLS và LX570, bậu cửa sổ là nhựa cứng.

Điều đặc biệt đối với chiếc LX570 này nằm ở 3 từ ngắn gọn: MBS. Đây là hãng chuyên độ nội thất đến từ UAE, chuyên nâng cấp nội thất trên những mẫu SUV cỡ trung và lớn. Chiếc LX 570 độ MBS này được chế lại thành cấu hình 4 chỗ ngồi, hàng ghế thứ 3 bị loại bỏ và 2 ghế ngồi ở hàng 2 được thiết kế độc lập. Chúng có tới 19 hướng điều chỉnh với 12 phần tử rung (8 ở lưng ghế, 4 ở mặt ghế phục vụ … bàn tọa người ngồi!). Chưa dừng lại ở đó, khoảng đặt chân cho 2 người ngồi phía sau được tăng lên 200 mm nhờ việc loại bỏ hàng ghế 3. Tất nhiên, các túi khí tích hợp ở vai ghế vẫn hoạt động bình thường.

Theo MBS, họ chỉ sử dụng da bò tự nhiên nhập khẩu từ Đức cho các loại ghế độ của họ. Mỗi bộ ghế cần từ 30 đến 40 ngày để hoàn thiện và được chế tác thủ công. Cá nhân tôi thấy da ghế thực sự “xịn”, về độ mềm, chất lượng vân da và độ thoáng khí không hề thua kém các tùy chọn da đắt tiền nhất của BMW hay Porsche. Tuy nhiên, loại chỉ thêu mà MBS lựa chọn lại không thẩm mỹ cho lắm, nhìn chẳng khác nào … dây dù mà hồi bé tôi thường dùng để thả diều.

Dàn ghế của BMW cũng không phải hàng vừa. Đây gần như là chiếc X7 “full option” nhất Việt Nam với điểm nhấn là nội thất bọc da Merino Individual hảo hạng của BMW, tùy chọn có giá hơn 5.000 USD tại thị trường Mỹ. Loại da nappa chất lượng cao này có độ mềm và mịn không kém cạnh da mà hãng độ MBS sử dụng. Những chi tiết như tựa tay hay tựa đầu cũng rất tương đồng về mặt trải nghiệm. Vậy còn các bộ phận khác trong khoang nội thất thì sao?

Về thiết kế vô lăng, tôi chấm điểm thiết kế của BMW X7 cao hơn. Vô lăng của X7 không chỉ cho cảm giác cầm nắm tốt hơn, bọc da nappa mềm hơn, có các nút bấm chuẩn xe sang hơn mà phần trung tâm cũng được bọc da nappa và thêu chỉ màu tương phản nhìn rất đẹp mắt.

Vô lăng của LX570 cũng có điểm nhấn là các lớp gỗ Shimamoku cực kỳ sang trọng và tỉ mỉ, nhưng các nút bấm dường như đường bê nguyên xi từ xe Toyota sang. Đó là lý do tôi vẫn ưu ái vô lăng của BMW hơn.

Phía sau vô lăng cũng là khu vực mà BMW X7 hoàn toàn lấn át đối thủ Nhật. Chúng ta có một màn hình LCD 12,3 inch với độ phân giải cao (1920×720 pixel) và hàng loạt thông tin về tình trạng hoạt động xe, thậm chí là bản đồ dẫn hướng. Với Lexus LX570 thì ta có 2 cụm đồng hồ cơ với màn hình nhỏ ở giữa. Có lẽ cũng không cần phải nói nhiều về việc cụm đồng hồ nào ưu việt hơn. Có thể một số khách hàng của Lexus sẽ thích đồng hồ cơ hơn nhưng cá nhân tôi thích sự hiện đại của BMW X7.

Màn hình trung tâm giải trí cũng là thứ mà BMW vượt trội so với Lexus. Màn hình cũng có kích thước 12,3 inch, chạy giao diện iDrive 7.0. Hệ điều hành iDrive đã tiến những bước dài trong những lần nâng cấp, và bản 7.0 thực sự là tất cả những gì tôi cần về 1 hệ điều hành thông minh trên 1 chiếc xe hơi. Các tab thông tin được sắp xếp khoa học, hiệu ứng xếp chồng, trượt, chuyển cảnh rất mượt mà và đẹp mắt. Bạn có thể thao tác với màn hình bằng cách cảm ứng, bằng cử chỉ (Gesture Control) hay bằng các nút vật lý được sắp xếp thành cụm rất tiện dụng.

Bên dưới màn hình là cụm điều hòa được gộp lại thành các nhóm nút rất dễ làm quen. Các cửa gió điều hòa cũng có thiết kế mới rất bắt mắt. Không chỉ đẹp mà hệ thống của BMW còn hỗ trợ hệ thống camera toàn cảnh có tính năng giả lập 3D rất hữu dụng trong những bãi đỗ xe cực hẹp. Chất lượng hình ảnh của camera quanh xe cũng cao hơn Lexus LX570.

Hệ thông tin giải trí Enform của Lexus LX570 không chỉ đi kèm màn hình có độ phân giải rất tệ, không cảm ứng, đi kèm con trỏ điều khiển dở tệ mà Enform cũng không hỗ trợ Apple Carplay và Android Auto. Màn hình giữa táp lô có kích thước rất lớn, xấp xỉ 12 inch nhưng độ phân giải và giao diện đều kém đối thủ Đức khá nhiều. Cá nhân tôi đã phát bực khi cố điều khiển con trỏ ở bảng điều khiển. Chỉ những tác vụ rất đơn giản như đổi kênh FM cũng khiến tôi loay hoay và mất tập trung khi lái xe.

Các tiểu tiết nhỏ như cần số pha lê, nút bấm trên vô lăng hay nút bấm ở bảng điều khiển trung tâm của BMW X7 cũng chỉn chu và cho cảm giác chạm vào thuyết phục hơn dàn nút của LX570, vốn gần như được bê nguyên từ xe Toyota sang. Đổi lại thì phần gỗ ốp Shimamoku nhìn đẹp và tinh tế hơn gỗ ốp trên X7.

Hai dàn loa Bowers & Wilkins Diamond với 20 loa vệ tinh và tổng công suất 1.500W trên X7 và Mark Levinson Premium Surround (15 loa vệ tinh, tổng công suất 835 watt) của LX 570 có vẻ như cũng khá ngang tài ngang sức. Vì điều kiện thời gian có hạn nên tôi chưa thể trải nghiệm 2 dàn loa này đủ lâu để so sánh, nhưng đây cũng là 2 dàn loa xe hơi được giới audiophile đánh giá rất cao.


Ảnh: BMW

Về phương diện nội thất thì chiếc BMW X7 còn có rất nhiều lợi thế khi so với Lexus LX570, có thể kể đến dàn đèn LED ambient light, cộng với cửa số trời Sky Lounge vô cùng thẩm mỹ khi lái xe về đêm. Bên cạnh đó là 2 chiếc tablet cho người ngồi sau tốt hơn nhiều so với LX570. Nhìn chung thì dàn nội thất của BMW đại diện cho sự hiện đại đậm chất công nghệ đặc trưng của BMW, còn nội thất Lexus có thiên hướng cổ điển hơn, đồng nghĩa với việc thiếu đi các tính năng thời thượng khi so với đối thủ Đức. Cá nhân tôi vẫn nghiêng về đội Đức hơn. BMW 2 – Lexus 0.

Trải nghiệm lái

Như vậy, đội Lexus đã thua 0 – 2, liệu chiếc LX 570 có thể gỡ gạc lại trong bài trải nghiệm thực tế? Chúng ta hãy cùng so sánh 2 khối động cơ trước. Đúng như tên gọi, Lexus LX570 sở hữu động cơ V8 có dung tích lên tới 5.7 lít nạp khí tự nhiên, cung cấp công suất tối đa 383 mã lực tại 5.600 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 546 mã lực. Lexus LX570 sở hữu hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh toàn thời gian với vi sai trung tâm hạn chế trượt kiểu Torsen và khóa vi sai trung tâm điều khiển điện tử.

Động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng của BMW X7 cho công suất tối đa 335 mã lực tại 5.500 vòng/phút, lực mô-men xoắn cực đại 450 Nm, song hành cùng hộp số tự động 8 cấp và hệ dẫn động 4 bánh xDrive với một bộ vi sai trung tâm dạng lá côn ướt để luân chuyển lực kéo động cơ đến 2 cầu với tỷ lệ tiêu chuẩn trước – sau 40/60.. Nghe thì có vẻ X7 yếu thế hơn hẳn so với LX570, nhưng trải nghiệm thực tế thì sao?

Trải nghiệm thực tế khác hoàn toàn so với những thông số trên giấy tờ. Chiếc LX570 cho trải nghiệm đúng chất thư thái, nhẹ nhàng. Đạp thốc ga, chiếc xe lưỡng lự một lúc rồi mới lao lên phía trước như một con gấu chợt bừng tỉnh giấc sau giấc ngủ đông. Kể cả khi bạn chủ động dồn số thủ công, khối động cơ V8 và hộp số 8 cấp cũng không cho phản ứng nhanh lẹ như BMW X7 dù đây là động cơ nạp khí tự nhiên.

Tính toán 1 chút, ta sẽ thấy đây có lẽ là một trong những khối động cơ thương mại … lười biếng nhất thế giới với tỷ lệ công suất/thể tích động cơ chỉ 67 mã lực/1.000 phân khối, trong khi thông số tương tự của động cơ BMW là 111 mã lực/1.000 phân khối. Tất nhiên, sự lười biếng của động cơ V8 Lexus là điều sẽ khiến động cơ có độ bền bỉ tốt hơn động cơ tăng áp dung tích nhỏ.

Nhảy lên X7 và đạp ga, chiếc xe phản ứng tắp lự với từng cử chỉ chân ga, chân phanh và vô lăng của tôi. Cầm lái LX570 là một sự thư thái, nhẹ nhàng và có lẽ là phù hợp nhất khi bạn đi đường trường, thăm công trình tại 1 tỉnh xa Hà Nội. Còn X7 là một chiếc xe cho cảm giác lái hay hơn nhiều so với kích thước to lớn của nó. Nói một cách đơn giản thì đây là BMW X5 bản Plus, và trải nghiệm của nó cũng như 1 chiếc X5 kéo dài một chút.

Tôi là một người thích lái xe nên chắc chắn tôi sẽ lựa chọn 1 chiếc xe có độ nhanh nhạy, linh hoạt và nghe lời như BMW X7. Với hệ thống đánh lái bánh sau và trợ lực vô lăng biến thiên, X7 trở nên tháo vát đến bất ngờ ở địa hình hẹp, nhất là khi đỗ xe. Trái lại, cầm lái chiếc LX570, bạn sẽ thấy ngay sự cồng kềnh của nó ở bất cứ địa hình hay tốc độ nào. Cả hai chiếc xe đều có hệ thống treo khí nén nhưng cách chúng phản ứng với khiếm khuyết mặt đường là rất khác biệt.

Lexus LX570 là sự kết hợp của hệ thống giảm xóc khí nén và các thanh giảm chấn đều có độ cứng thấp hơn so với BMW, mang đến trải nghiệm bồng bềnh đặc trưng của xe Lexus, cho hành khách cảm giác rằng xe đang bay là là trên mặt đất. Chiếc X7 có hệ thống treo khí nén cứng hơn so với LX570 nhưng điều đó kết hợp với khung gầm CLAR có độ cứng xoắn cực tốt nên dao động từ mặt đường vẫn bị vô hiệu hóa gần như triệt để, không dội đến xương sống hành khách trong xe. Cá nhân tôi thích trải nghiệm của X7 hơn vì nó cung cấp đủ cảm giác mặt đường nhưng vẫn đủ thoải mái cho hành khách. Khi lái xe ở tốc độ cao, chiếc X7 cũng cho tôi cảm giác tự tin hơn LX570. Tất nhiên, vẫn có người thích sự êm ái của Lexus LX570 nhưng với tôi, đó lại là 1 điểm số nữa cho BMW.

Kết luận

Như vậy, đối với tôi thì BMW X7 đã chiến thắng thuyết phục trước Lexus LX570 ở mọi tiêu chí mà tôi tìm kiếm. BMW X7 là một chiếc xe gia đình phù hợp cho những người bắt buộc phải có SUV 6-7 chỗ nhưng vẫn tìm kiếm sự hứng khởi sau vô lăng. Lexus LX570 là chiếc xe sẽ phù hợp với những người muốn sở hữu một biểu tượng cho sự giàu sang (ở Việt Nam) và không màng đến những yếu tố kỹ thuật hay trải nghiệm lái. Suy cho cùng, ở phân khúc SUV trên 7 tỷ đồng thì không có chiếc xe nào là dở tệ hay hoàn hảo tuyệt đối. Điều quan trọng nhất là chiếc xe nào phù hợp nhất với cá tính và đòi hỏi của bạn mà thôi. Đối với tôi (nếu trúng số), đó sẽ là BMW X7.

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)