[ĐÁNH GIÁ XE] Khám phá Subaru Forester 2023: Quá “đáng yêu” cho người “biết yêu”

0
36
Qua chuyến trải nghiệm với đầy đủ loại địa hình từ đường phố, cao tốc, đường trường cho tới rừng núi; Subaru Forester tỏ rõ thế mạnh của mình: lái hay, rộng rãi, thoải mái và an toàn.

Ngày 11/2/2023, nhà phân phối Motor Image đã ra mắt phiên bản cập nhật facelift cho Subaru Forester 2023. Nhìn vào những điểm mới “lác đác” trên các phương tiện truyền thông, một người tiêu dùng bình thường chắc chắn sẽ khó có thể cảm thấy đây là một mẫu crossover hấp dẫn giữa “một rừng” các sự lựa chọn khác như Hyundai Tucson, Kia Sorento, Honda CR-V, Mazda CX-5, Mitsubishi Outlander.

Thực tế Subaru là một hãng xe không giỏi làm hình ảnh của mình hấp dẫn trước mắt công chúng. Tuy nhiên “tốt gỗ hơn tốt nước sơn”, đây lại là thương hiệu mà phải tự mình cầm lái thì mới thấy được cái hay. Đây cũng chính là lý do để chúng tôi tham gia hành trình trải nghiệm Subaru Forester 2023, tự mình khám phá, tự do trải nghiệm và đưa ra được những đánh giá chuẩn xác nhất.

Chuyến Roadtrip lần này khởi hành từ Hà Nội với đích đến là đồi Pu Nhi, thuộc khu vực xã Phiêng Ban, huyện Bắc Yên, tỉnh Sơn La. Đây là mảnh đất mang đậm chất Tây Bắc, với “đặc sản” núi cao, ruộng bậc thang với rất nhiều sương mù. Bắt đầu lăn bánh từ Hà Nội, 11 chiếc Forester len lỏi ra khỏi nội thành và nhập vào cao tốc Hòa Lạc.

Cung đường này chính là nơi để gói công nghệ hỗ trợ lái thế hệ mới EyeSight 4.0 phát huy tác dụng. Với các tính năng nổi bật như: kiểm soát hành trình thích ứng (Adaptive Cruise Control), cảnh báo lệch làn và hỗ trợ giữ làn; tài xế hoàn toàn có thể cầm lái xe một cách cực kỳ nhàn nhã, mà vẫn đảm bảo an toàn.

Hệ thống tính năng EyeSight 4.0 về cơ bản hoạt động tốt. Đặc biệt, tính năng kiểm soát hành trình thích ứng được bổ sung thêm khả năng định tâm làn đường, cho phép xe luôn chạy ở giữa làn đường (kể cả qua đoạn cong); thay vì liệng trái – phải liên tục như một số dòng xe khác khi sử dụng tính năng tương đương.

Tuy nhiên đáng lưu ý, trong trường hợp Forester đang bám theo xe phía trước, mà phương tiện đó rời khỏi làn đường; chiếc xe sẽ tự động hồi phục tốc độ cài đặt ban đầu với một gia tốc khá lớn, vòng tua đột ngột nhảy cao và gấp, tạo cho người cầm lái cũng như các hành khách cảm giác bị “thốc ga” dẫn đến tâm lý lo âu.

Đây hoàn toàn là điều mà nhà sản xuất có thể cập nhật lại trong hệ thống phần mềm điều khiển; để có thể ưu tiên trải nghiệm mượt mà và đảm bảo sự thoải mái cho hành khách, hơn là mục tiêu khiến chiếc xe phải nhất nhất tuân theo cài đặt hệ thống một cách tuyệt đối.

Sau khi trải qua đoạn cao tốc Hòa Lạc, đoàn xe tiếp tục di chuyển theo hướng Tản Lĩnh, Ba Vì – Thanh Thủy, Thanh Sơn, Phú Thọ rồi đến Thu Cúc. Đây là đoạn đường trường với nhiều nhà dân hai bên đường, mật độ giao thông không lớn nhưng thường xuyên có những tình huống phức tạp xảy ra bất ngờ. Đây không khác gì một “bài test thực tế” dành cho hệ thống EyeSight thế hệ 4.0 trên những chiếc Subaru Forester.

Với hệ thống camera kép được cải tiến tăng góc quan sát phía trước lên gấp đôi tức hơn 100 độ; đồng thời bổ sung thêm radar ghi nhận tình hình giao thông phía sau xe; những chiếc Forester thế hệ mới có thể đáp ứng khả năng lái bán tự động tương đương cấp độ 2. Nhờ vậy, xe được trang bị thêm tính năng tự động đánh lái khẩn cấp – tránh vật cản (với tốc độ dưới 80 km/h), bên cạnh khả năng phanh tự động phòng tránh va chạm.

Lời khuyên cho các tài xế khi cầm lái Subaru Forester thế hệ mới khi đi qua những đoạn đường giao thông kiểu quốc lộ như thế này là có thể bật EyeSight để sử dụng, tuy nhiên cần chú ý làm chủ tình huống mà đặc biệt là khi lưu thông qua các giao lộ.

Từ ngã ba Thu Cúc, đoàn xe chuyển hướng sang quốc lộ 37B lên Phù Yên, trước khi đặt chân vào đất Bắc Yên – Sơn La. Bắt đầu xuất hiện những đoạn đường đồi núi với những con dốc cao và cua trái – phải liên tục. Đặc biệt, thời tiết mưa mù khiến mặt đường trở nên trơn trượt. Điều kiện bất lợi này lại chính là thời điểm để những “giá trị cốt lõi” – phần “chất gỗ” mà mỗi chiếc Subaru sở hữu bên trong được kiểm chứng và phát huy hết tác dụng.

Khối động cơ Boxer 2.0L “nghe lời” mỗi cú đạp ga của người cầm lái một cách rất ngoan ngoãn. Thông số công suất dừng lại ở mức 156 mã lực và 196 Nm lực kéo có thể dễ khiến nhiều người nghĩ chiếc xe không hề mạnh mẽ. Nhưng trải nghiệm thực tế cho thấy Subaru Forester sở hữu sức mạnh hoàn toàn “cân được” mọi cung đường cao tốc hay đèo núi một cách thoải mái. Tất nhiên, không có chuyện dư thừa sức mạnh nhưng nếu biết lựa chân và đạp ga một cách hợp lý, chiếc xe sẽ đáp ứng được mọi nhu cầu vượt, vọt của tài xế.

Bên cạnh đó, hộp số vô cấp CVT trên mỗi chiếc Forester có khả năng giả lập tỷ số truyền tới 7 cấp độ. Mỗi cấp độ giả lập được thiết kế để đem lại cảm giác sang số rất sắc sảo. Khi lên đèo về số, sức mạnh được cung cấp thêm vào mỗi cú đạp ga một cách tức thời; trong khi xuống đèo về số, chiếc xe lại được ghì lại với một lực hãm rất hợp lý giúp người điều khiển có thể lợi dụng trọng lực để hạn chế phanh liên tục gây nguy hiểm.

Đặc biệt, hệ thống khung gầm tiêu chuẩn toàn cầu SGP (Subaru Global Platform) đem đến sự vững vàng, ổn định cho từng vị trí ngồi bên trong chiếc Subaru Forester, mặc cho người cầm lái liên tục đánh tay trái – phải để vượt lên đèo. Cùng với đó, hệ thống dẫn động bốn bánh toàn thời gian S-AWD (Symmetrical All-Wheel Drive) cho phép vận hành xe một cách chính xác và tự tin, gọn gàng, linh hoạt.

Những cú đánh lái vào cua được chiếc xe xử lý một cách không hề bị thừa thãi (hiện tượng “bai xe”, hay còn được gọi nôm na là văng đuôi), nhờ lực kéo được phân chia tới từng bánh xe để tối ưu khả năng kiểm soát tốt nhất ngay cả với điều kiện mặt đường trơn trượt. Bên cạnh đó, chiếc Subaru Forester còn dễ dàng “nuốt gọn” những đoạn ổ gà hay mấp mô.

Mọi giao động theo cả phương ngang và phương dọc đều được xe hấp thụ nhanh chóng và dập tắt gọn gàng. Không hề có phần lực thừa bị lặp lại nhiều lần, khiến cho hành khách trên xe khó chịu. Thêm vào đó, nhờ khối động cơ được đặt thấp, trọng tâm của xe cũng giảm và hệ quả là vị trí ngồi của các hành khách trên xe cũng thấp hơn hẳn những chiếc crossover cùng phân khúc. Nhờ đó, tầm quan sát từ bên trong xe ra ngoài là rất rộng rãi, đem lại cảm giác thoáng đãng và đồng thời trọng tâm thấp cũng giúp chiếc xe trở nên linh hoạt và an toàn hơn.

Kết quả có thể thấy rõ tại đích đến, tất cả hơn 30 hành khách có thể thoải mái bước xuống khỏi những chiếc Forester và đều thoải mái, vui vẻ và khỏe khoắn để hưởng thụ những làn gió mát lành của thung lũng miền Tây Bắc. Không một ai có dấu hiệu mệt mỏi, dù vừa vượt khoảng 200 km đường đèo núi qua nhiều tiếng đồng hồ di chuyển liên tục.

Để có được điều này; bên cạnh những giá trị đã nhắc tới ở trên, còn phải kể đến không gian cực kỳ rộng rãi của những chiếc Forester. Kích thước của xe hoàn toàn tương đương những đối thủ 5+2 trong phân khúc crossover tầm giá 1 tỷ đồng. Tuy nhiên việc nhà sản xuất Nhật Bản nhất quyết giữ lại cấu hình 5 chỗ khiến cho các hành khách trên xe có thể hưởng thụ không gian “mênh mông” kèm một khoang cốp chứa đồ “thênh thang”.

Sau khi tới điểm tập kết và nghỉ ngơi, 11 chiếc Subaru Forester lại tiếp tục được đưa vào cung đường địa hình để kiểm thử khả năng vận hành. Với nhiều người tiêu dùng Việt Nam, cụm từ “xe địa hình” là phải gắn với sa mạc – bùn lầy, núi cao – suối sâu, đất nhão – đá hộc. Tuy nhiên đó là những định kiến cực kỳ sai lầm.

Một người tiêu dùng phổ thông hoàn toàn không cần thiết phải đam mê một cách hardcore như vậy; nhưng lại rất có nhu cầu lái xe đổ đèo an toàn trong điều kiện trời mưa; vượt những đoạn đường ngoằn nghoèo mấp mô nhiều sỏi đất để vào những bản làng xa xôi. Và đây chính là điều mà chế độ X Mode trên mỗi chiếc Subaru Forester có thể dư sức đáp ứng được. Người cầm lái chỉ cần xoay núm chế độ lái, sau đó để xe tự tính toán và đưa ra phương án hỗ trợ một cách tối ưu nhất.

Màn hình phụ sát chân kính lái khi này sẽ hiển thị những thông số vận hành (lực kéo đang dồn về đâu, xe nghiêng phương ngang và phương dọc theo góc bao nhiêu độ) một cách cực kỳ chính xác và trực quan. Tài xế chỉ cần tập trung đạp ga, đánh lái và quan sát mọi phía để đưa xe khỏi địa hình khó. Dường như lúc này Subaru Forester với vai trò một chiếc xe 2 cầu khung thân liền thậm chí còn “vào việc” tốt hơn cả những chiếc SUV 2 cầu khung thân rời nặng nề, thô ráp.

Kết thúc hành trình hai ngày một đêm là lúc những người cầm lái nhận ra Subaru Forester có thể là một mẫu xe “lười” thay đổi hình thức, tuy nhiên nhìn vào mặt tích cực thì đây lại là ưu điểm bởi những người sở hữu xe không hề lo “lỗi mốt” như những chủ xe Hàn vừa mua nửa năm đã “tức hộc máu” hay cảm thấy “bị hãng đấm vào mặt” khi thấy phiên bản mới ra mắt với thiết kế hào nhoáng hơn hẳn nhưng lại chẳng hề có sự liên quan.

Cái hay của Subaru Forester đó là có thể nhìn không bắt mắt, nhưng một khi đã lái thì sẽ “nghiện”, mà chắc chắn cái “nghiện này” là một thói “nghiện khó bỏ”. Bởi Subaru nói chung và Forester nói riêng có khả năng đem lại một cảm xúc vận hành, cảm giác thoải mái và sự an toàn ở một đẳng cấp khác hẳn với những mẫu xe đồng hương hay rộng hơn là xuất xứ khu vực châu Á.

Hơn thế nữa, với mức giá hiện nay đang cực kỳ dễ tiếp cận – chỉ từ 969 triệu đồng cho phiên bản thấp cấp nhất và chưa tới 900 triệu đồng cho một số xe thuộc phiên bản cũ còn tồn kho tại đại lý; rõ ràng Subaru Forester đang là một mẫu xe cực kỳ đáng mua và rất – rất – rất (điều gì quan trọng thì nhắc lại ba lần) tốt khi tham chiếu trên mức giá khách hàng phải bỏ ra và những giá trị mà họ nhận lại được.

Chỉ có điều, Subaru Forester là một mẫu xe không thuận mắt nhiều người tiêu dùng; nên dễ bị bỏ qua mà không kịp khám phá hết những giá trị ẩn dấu bên trong. Đây thực sự là một điều mà Subaru nên nghiêm túc nhìn nhận để cải thiện. Thế hệ mới của Forester có thể đã bắt mắt hơn, tuy nhiên điều này là chưa đủ để có thể cạnh tranh về mặt doanh số với những mẫu xe hào nhoáng hiện nay trên thị trường.

Anh Phan (Tuoitrethudo)