[ĐÁNH GIÁ XE] Mercedes-Benz CL63 AMG 2007 – Gã lực sĩ mặc com-lê!

0
21
Nhiều người hâm mộ AMG đã gọi CL63 là “lực sĩ mặc com-lê” và họ hoàn toàn đúng về điều đó. Chiếc coupe của Mercedes sẵn sàng đóng vai Bruce Banner khi đi phố nhưng chỉ cần một cú đạp ga, gã Hulk ngay lập tức lộ diện!

Lịch sử dòng CL-Class

Dòng xe CL-Class là một phần không thể thiếu trong lịch sử hãng xe sang nổi tiếng nhất nước Đức. Kể từ những năm 50 của thế kỷ trước, Mercedes-Benz đã sản xuất những chiếc coupe 2 cửa, 4 chỗ với tất cả những công nghệ tối tân nhất và tinh vi nhất mà họ có. Có một sự thật khá thú vị là dòng S-Class sedan hay SL-Class luôn có doanh số áp đảo CL-Class nhưng nhiều nhà lãnh đạo Dailmer cũng như fan gạo cội của Mercedes-Benz đều cho rằng CL-Class mới thực sự là “flagship”, là mẫu xe đầu bảng của hãng xe có logo sao ba cánh.

Minh chứng cho điều đó là những mẫu coupe cỡ lớn thuộc dòng CL-Class trong lịch sử. Chúng là những mẫu xe đi đầu về công nghệ của Mercedes-Benz cũng như ngành xe hơi nói chung, là bệ phóng cho những tiện nghi mà thậm chí hàng chục năm sau cũng chưa phổ cập đến các dòng xe giá rẻ. Năm 1961, chiếc Mercedes 220SE là mẫu xe thương mại đầu tiên của Mercedes có phanh đĩa. Năm 1995, S600 Coupe lần đầu tiên sở hữu công nghệ Cân bằng điện tử ESP. Năm 1999, dòng xe CL-Class tiên phong cho công nghệ treo khí nén thích ứng Active Body Control trứ danh của Mercedes-Benz.

Lịch sử của dòng CL-Class bắt đầu với mẫu 300S Coupe vốn được trình làng năm 1952. Tại triển lãm Paris Motor Show năm 1952, tấm màn nhung được vén lên, hé lộ một chiếc Mercedes-Benz đen bóng với thiết kế uốn lượn đặc trưng của thập kỷ 50. Chiếc 300S Coupe sở hữu động cơ 6 xy-lanh thẳng hàng sản sinh công suất tối đa 150 mã lực, đạt tốc độ tối đa 175 km/h. Mercedes-Benz cho rằng 300S Coupe “có thể đi một hành trình dài nhất trong quãng thời gian ngắn nhất và khiến hành khách trong xe ít mệt mỏi nhất có thể”. Nói ngắn gọn thì 300S Coupe là định nghĩa chuẩn mực của một chiếc Grand Tourer.

Năm 1955, mẫu 300Sc Coupe phiên bản nâng cấp được trình làng. Kim phun xăng thay thế cho các bộ chế hòa khí, nâng công suất tối đa lên 175 mã lực. Đó là mức công suất rất đáng nể tại thời điểm đó, khi mà những mẫu xe thể thao đình đám nhất cũng chỉ sở hữu khoảng 220 mã lực. Chỉ có khoảng 314 chiếc 300S Coupe và 300Sc Coupe được sản xuất, điều khiến dòng xe này trở thành đồ sưu tầm ưa thích của giới nhà giàu tại Mỹ và châu Âu.

Năm 1961, tại lễ khánh thành Bảo tàng Mercedes-Benz, hãng xe Đức đã trình làng chiếc 220SE Coupe, mẫu xe kế nhiệm 300S Coupe đời W112, tiếp sau đó là 300 SE Coupe với động cơ I6 160 mã lực. Mẫu coupe hạng sang này được trang bị mọi công nghệ thời thượng nhất thời bấy giờ: hộp số tự động 4 cấp, hệ thống treo khí nén và trợ lực vô lăng dầu. Năm 1969, dòng coupe này chào tạm biệt thế giới với phiên bản mạnh mẽ nhất: 280SE 3.5 Coupe với động cơ V8 200 mã lực. W111 (220SE Coupe) và W112 có doanh số rất tốt với 28.918 xe bán ra, gấp rất nhiều lần so với 300S Coupe thế hệ đầu tiên.

Những năm 80 là rất khắc nghiệt đối với dòng coupe cao cấp nhất của Mercedes-Benz. Những quy định khí thải khắt khe hơn khiến mọi hãng sản xuất buộc phải giảm công suất các mẫu xe của mình nếu muốn đạt quy định khí thải mới. Chúng ta có những khối động cơ V8 5.6L nhưng chỉ sản sinh công suất tối đa 272 mã lực, tức là chỉ đạt mức công suất/thể tích động cơ khoảng 48 mã lực/1000 phân khối, còn thua cả Kia Morning! Những năm 80 là một giai đoạn đáng buồn của người hâm mộ xe thể thao, nhưng cũng nhờ đó mà các hãng sản xuất tìm ra cách để vừa cắt giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường, vừa tăng hiệu năng xe trong những năm 90, thời kỳ vàng của xe hiệu năng cao.

Tháng 1 năm 1992 là thời điểm mẫu SEC Coupe đời C140 trình làng tại Triển lãm ô tô Bắc Mỹ và cuối cùng thì sức mạnh xứng tầm flagship đã quay trở lại với dòng coupe đắt tiền nhất của Mercedes-Benz. Mẫu 500SEC sở hữu động cơ V8 320 mã lực trong khi mẫu 600SEC lần đầu tiên sở hữu động cơ V12 với công suất lên tới 394 mã lực.

Năm 1996, lần đầu tiên, các mẫu coupe sang trọng nhất của Mercedes-Benz được gọi với cái tên CL và tên mã C215. Điều đó có nghĩa rằng chúng có doanh số đủ lớn để tách ra làm 1 dòng xe riêng chứ không gộp chung với S-Class nữa. Năm 2000, CL55 AMG F1 Limited Edition được trình làng và trở thành chiếc xe đường phố đầu tiên có hệ thống phanh gốm các-bon. Chỉ có đúng 55 chiếc CL55 AMG F1 Limited Edition được sản xuất với giá bán tại thời điểm đó lên tới 150.000 USD, khoảng 225.000 USD tại thời điểm hiện tại. Với sức hút mới, C215 có doanh số 48.000 xe.

Năm 2006, CL-Class đời C216 ra đời, cũng là đời xe của chiếc CL63 AMG phiên bản 2007 mà tôi có dịp trải nghiệm ngày hôm nay. C216 tiếp tục là dòng Coupe sang trọng và đắt tiền bậc nhất của Mercedes-Benz. Dòng xe này được duyệt thiết kế bởi Gorden Wagener và Peter Pfeiffer, cũng là 2 cái tên huyền thoại của hãng xe Đức. Phiên bản facelift của C216 ra đời năm 2011 và dừng sản xuất năm 2014. Vì nhu cầu mua xe coupe cỡ lớn của khách hàng giảm rõ rệt nên dòng CL-Class một lần nữa lại được sát nhập với S-Class, trở thành phiên bản S-Class Coupe.

Thiết kế không tuổi

Nhìn vào chiếc CL63 AMG trắng tinh này, tôi cảm thấy thật khó tin khi chiếc coupe cỡ lớn này đã 13 năm tuổi! Những đường cong lực lưỡng đầy nam tính của CL63 AMG thực sự có khả năng thách thức thời gian. Phần đầu xe vẫn mang những nét thiết kế đứng đắn và lịch lãm đặc trưng của Mercedes-Benz nhưng đã được điểm thêm “chất AMG”. Đó là mặt ca lăng có thiết kế tuyệt đẹp với 2 thanh mạ crôm ngang ôm trọn biểu tượng ngôi sao ba cánh và các thanh dọc ẩn phía sau. Cá nhân tôi thấy các thanh dọc này là tiên phong cho thiết kế mặt ca lăng kiểu Panamericana mà những chiếc AMG hiện tại đang sử dụng. Tấm cản trước cũng có thiết kế đậm nét và thể thao hơn so với các mẫu CL tiêu chuẩn.

Nếu để ý kỹ một chút thì ta sẽ thấy logo sao ba cánh ở đầu xe của CL63 AMG là dạng 3D với mặt nhựa đen. Đây là thiết kế để che đi phần cảm biến cho hệ thống kiểm soát hành trình thích ứng Distronic Plus và tính năng tự động phanh khẩn cấp Pre-Safe.

Trên thực tế thì C216 CL-Class là dòng xe đầu tiên của Mercedes-Benz sở hữu tính năng tự động phanh khẩn cấp Pre-Safe, thứ mà nhiều mẫu xe bình dân của năm 2020 còn chưa được trang bị. Về cơ bản thì Pre-Safe sẽ cung cấp khả năng tự động phanh với gia tốc tối đa 0,4G nếu như nó phát hiện nguy cơ va chạm phía trước xe. Một tính năng thời thượng khác mà CL63 AMG 2007 sở hữu là camera hồng ngoại, cung cấp khả năng phát hiện vật thể nằm ngoài phạm vi chiếu sáng của cụm đèn pha xenon.

Phần thân xe CL63 AMG cũng không thiếu điểm nhấn. Đó là các vòm bánh xe vô cùng nở nang, tạo khoảng trống cho bộ la-zăng độ 20 inch và bộ lốp Michelin Super Sport có kích cỡ 255mm trước, 275mm sau. Một miếng kim loại nho nhỏ gắn bên hông với các ký tự rất đơn giản: 6.3 AMG, hé lộ thứ giá trị nhất mà chiếc siêu coupe này sở hữu. Ta còn có các khe gió ở tấm cản trước có thiết kế khí động học, vốn có nhiệm vụ tạo ra 1 luồng không khí bao quanh vòm bánh xe, hạn chế nhiễu động không khí do chuyển động quay của bánh xe tạo ra.

Một điểm nhấn đặc biệt khác của CL63 AMG là cửa kính không viền của nó. Kính không viền không có cột B là đặc trưng của các mẫu coupe nhà Mercedes-Benz và trên CL63 AMG cũng vậy. Đây là chiếc coupe sang trọng nhất của hãng xe Đức nên cửa kính là loại 2 lớp có bổ sung miếng dán cách âm ở giữa 2 lớp kính và phủ sẵn lớp phủ chống tua UV và tia hồng ngoại. Điều thực sự độc đáo của CL63 AMG là phần kính dành cho người ngồi sau cũng có thể hạ xuống, tạo nên không gian thoáng đãng đến bất ngờ cho 4 người lớn ngồi trong xe. Phần đuôi xe cũng sở hữu thiết kế mà tôi rất thích trên các mẫu AMG đời trước: bộ 4 ống xả tròn sáng loáng.

Mercedes CL63 AMG được sản xuất dựa trên nền tảng của S-Class W221 nên kích thước ngoại vi của mẫu xe này cũng đồ sộ không kém. Xe có chiều dài tổng thể lên tới 5.085 mm, chiều rộng 1.872 mm không tính gương, chiều cao 1.417 mm, chiều dài cơ sở 2.955 mm. Mercedes CL63 AMG có trọng lượng khô lên tới 2.045 kg, tức là còn nặng hơn một chút so với mẫu S-Class S63 AMG.

Bước vào trong xe, bạn sẽ choáng ngợp bởi không gian thoáng đãng và sang trọng bên trong dù xe đã 13 năm tuổi. Ghế ngồi thể thao được bọc da nappa vẫn giữ được độ mềm và độ căng, bóng như thế chiếc xe này được sản xuất năm 2017 chứ không phải 2007. Thậm chí phần đệm đùi bên trái của ghế lái – vị trí dễ bị bẹp và nhăn nheo nhất – cũng căng mượt gần như mới! Phần da bọc trên vô lăng cũng không cho thấy dấu hiệu lão hóa. Chiếc CL63 AMG mới lăn bánh được 4 vạn km này là một trong những chiếc xe cũ có nội thất “nuột” nhất mà tôi từng trải nghiệm.

Không chỉ phần da bọc ghế hay vô lăng mà bảng táp lô cũng như các bộ phận ốp gỗ cũng lưu giữ được vẻ đẹp như vừa xuất xưởng. Gỗ óc chó ốp trên xe là gỗ thật, một điều đáng trân trọng vì giờ đây, rất nhiều xe Mercedes tầm thấp (C-Class, GLC-Class) chỉ có nhựa dập vân gỗ. Các bộ phận bằng nhôm cũng như nút bấm kim loại vẫn có độ bóng và không hề lung lay, kể cả những nút được bấm nhiều của hệ thống điều hòa.

Tất nhiên, mặt đồng hồ thương hiệu IWC ở trung tâm bảng táp lô là một nét thiết kế “phả” ra sự sang trọng và xa xỉ cho chiếc CL63 AMG. Tựu chung lại thì chiếc Mercedes 13 năm tuổi này đã chứng minh được sự bền bỉ với thời gian, còn hiệu năng thì sao?

Xe cơ bắp của người Đức!

Lật nắp capô, bạn sẽ được chiêm ngưỡng một tuyệt tác cơ khí. Đó là cỗ máy V8 6.2L nạp khí tự nhiên cung cấp công suất tối đa 525 mã lực tại 6.800 vòng/phút, 630 Nm tại 5.200 vòng/phút. Có lẽ bạn đang thắc mắc rằng tại sao xe “chỉ” có động cơ 6.2L mà lại được đặt tên là CL63 AMG và có logo 6.3 AMG gắn bên sườn. Tại sao lại như vậy?

Không phải là Mercedes-Benz “ăn gian” đâu! Cái tên marketing CL63 AMG được lựa chọn vì Mercedes, hay nói đúng hơn là chi nhánh AMG, muốn vinh danh khối động cơ M100 6.3L. Đây là khối động cơ V8 đầu tiên trong lịch sử Mercedes-Benz, vốn được trang bị cho chiếc 300SEL 6.3 – chiếc xe đã từng giữ danh hiệu sedan nhanh nhất thế giới khi nó trình làng năm 1968.

Quả là một sự vinh danh xứng đáng vì khối M156 6.2L của CL63 AMG là động cơ đầu tiên mà các kỹ sư AMG tự thiết kế hoàn toàn mà không dựa vào nền tảng có sẵn của động cơ Mercedes-Benz. Từ nền tảng của M156, AMG tiếp tục nhào nặn ra M159 cho chiếc SLS AMG, và thậm chí đến tận ngày hôm nay, M159 vẫn được dùng cho xe đua AMG GT3 thay vì cỗ máy V8 4.0 tăng áp kép (M178) dùng trên xe thể thao đường phố AMG GT. Vì vậy, đây hẳn là một khối động cơ đặc biệt trong lịch sử Mercedes-Benz cũng như AMG.

Ấn nhẹ nút đề, tôi thoáng giật mình vì tiếng gầm mãnh liệt của trái tim 6.208 phân khối. Đó là một thứ âm thanh rền vang lấn át mọi thứ xung quanh nó. Sau vài chục giây nổ máy nguội (cold-start), ECU điều khiển động cơ trở lại với chế độ xăng gió bình thường, ngồi sau lớp kính cách âm 2 lớp của CL63 AMG, tôi chỉ còn khẽ nghe thấy âm thanh trầm hùng ở phía trước tay lái. Trải nghiệm ban đầu đó hệt như việc thấy 1 chú sư tử gào thét thị uy rồi lại thư thái nằm nghỉ, khẽ gầm gừ trong họng, lặng ngắm lãnh thổ của nó. Muốn đánh thức chú sư tử đó ư? Bạn chỉ cần đạp ga…

Xoáy bánh! Chỉ cần hơi tham lam một chút với chân ga, 2 bánh sau của CL63 AMG ngay lập tức trượt và xoáy tròn, phát ra những tiếng rít chói tai. Bạn chỉ đốt lốp được khi tắt cân bằng điện tử vì hệ thống này khá khắt khe trên CL63 AMG, không bao giờ tắt hoàn toàn như xe BMW. Khi tắt cân bằng điện tử, Mercedes CL63 AMG ngay lập tức xé toạc bộ lễ phục bảnh bao và sẵn sàng phô diễn nguồn sức mạnh khổng lồ dưới nắp capô.

Vì kết cấu trục khuỷu có các vấu khuỷu dạng chữ thập (cross-plane crankshaft) nên khối V8 6.2L của CL63 AMG cho tiếng nổ trầm và thiên về âm trầm giống như xe cơ bắp Mỹ hơn là tiếng thét cao vút giống như máy V8 của Ferrari. Độ nhạy của chân ga và độ phản ứng tức thời của khối động cơ nạp khí tự nhiên khiến trải nghiệm tốc độ với CL63 AMG là thỏa mãn hơn nhiều so với kỳ vọng ban đầu của tôi. Hộp số 7G-Tronic cũng làm tròn nhiệm vụ, sang số tương đối nhanh chóng và ít gián đoạn quá trình tăng tốc, dù những hộp số ly hợp kép hiện đại rõ ràng là ưu việt hơn hộp số CL63 AMG.

Cảm giác vô lăng với Mercedes CL63 AMG cũng tốt đến bất ngờ. Vô lăng được trợ lực vừa phải và dễ nắm bắt, nó không bất ngờ thay đổi độ trợ lực ở những tình huống bạn không ngờ tới giống như một vài hệ thống biến thiên trợ lực vô lăng trên các mẫu xe bình dân. Chân phanh cũng có độ đầm và chính xác cao khiến tôi dễ dàng căn lực phanh cần thiết. Cảm giác chân phanh của chiếc xe 13 năm tuổi này là chân thật và dễ làm chủ hơn nhiều chiếc Mercedes hiện đại, vốn có chân phanh khá mơ hồ.

Với trọng lượng khô hơn 2 tấn và khối động cơ lớn ở trước kính lái, sự dịch chuyển trọng lượng khi vào cua khiến CL63 AMG không thể nhanh lẹ như một chiếc xe thể thao 2 cửa của Porsche. Điều đó cũng không quá quan trọng vì chiếc Mercedes-Benz CL63 AMG 2007 này chỉ cần làm tốt một điều: mang lại trải nghiệm êm ái song hành cùng khả năng tăng tốc ấn tượng. Nó làm rất tốt điều đó và bổ sung thêm một điều nữa – tiếng pô chát chúa và uy lực không chiếc AMG hiện đại nào sánh bằng!

Vĩ Phạm (Tuoitrethudo)