Thiết kế ngoại thất trẻ trung – hiện đại
Xét theo các thông số kích thước tổng thể, Mitsubishi Xpander rõ ràng chiếm lợi thế hơn đối thủ Toyota Veloz (DxRxC: 4.595 x 1.750 x 1.750mm; trục cơ sở: 2.775mm và khoảng sáng gầm 225mm so với 4.475 x 1.750 x 1.700mm; trục cơ sở: 2.750mm và khoảng sáng gầm 205mm).
Trong khi Veloz sở hữu vóc dáng thuôn dài gầm thấp đúng kiểu thiết kế điển hình của các mẫu MPV trên thị trường, thì trên bản cập nhật 2022, Xpander đã được nâng cấp thể hình cao ráo khỏe mạnh tiệm cận các mẫu SUV. Thậm chí khoảng sáng gầm của Xpander mới còn ăn đứt nhiều mẫu xe crossover “tự nhận mình là SUV”.
Veloz – với vóc dáng của một mẫu MPV cơ bản – giảm thiểu được những chuyển động sàng ngang (lắc ngang thân xe) khi vào cua ở tốc độ cao hoặc những đoạn đường cong nối nhau liên tục trên các cung đường đèo.
Còn Xpander lại sở hữu lợi thế “bơi lội” trong mùa mưa ở khu vực đô thị, hay khi vượt địa hình nhờ được gia tăng khoảng sáng gầm xe lên mức 225mm – vượt trội hơn cả nhiều mẫu SUV hiện nay.
Xpander được Mitsubishi duy trì gương mặt tạo hình Dynamic Shield hiện đại, cập nhật lưới tản nhiệt dạng kim cương sang trọng, các tấm cản trước – sau thiết kế khỏe khoắn, lì lợm. Còn Toyota Veloz ra mắt với diện mạo đĩnh đạc, chỉn chu. Điểm nhấn ở phần đầu xe là mặt lưới tản nhiệt lục giác với họa tiết phi tiêu ba cánh rất hiện đại và sang trọng.
Xpander được trang bị hệ thống đèn chiếu sáng dạng LED có bi projector chia khoang, không chỉ mang tính thẩm mỹ cao, mà còn đem đến khả năng chiếu sáng ấn tượng. Trong khi đó với cùng mức giá 648 triệu đồng, Veloz lại chỉ được trang bị bộ đèn LED chóa phản xạ nhưng được tích hợp cảm biến tự động tắt mở.
Bước sang thân xe, cả hai đều có gương tích hợp xi nhan, ăng ten vây cá mập. Toyota cũng cung cấp cho xe cảm biến điểm mù trên gương – nhỉnh hơn về mặt trang bị an toàn so với Xpander. Phía trên nóc xe Veloz được gắn thanh nẹp nhưng chỉ để trang trí chứ không có tác dụng chịu lực và có thể chở đồ.
Trong khi đó, dàn chân của Xpander tỏ ra ấn tượng với la-zăng 17 inch thiết kế mới, trẻ trung và hiện đại. Veloz dù chỉ sở hữu bộ mâm 16 inch, tuy nhiên thiết kế cũng rất sang trọng, bắt mắt. Hơn nữa, Veloz lại được trang bị phanh đĩa trên cả 4 bánh xe, thay vì chỉ có 2 bánh trước còn 2 bánh sau sử dụng phanh tang trống như trên Xpander.
Ở phần đuôi xe, cả hai đều mang thiết kế ấn tượng. Xpander nổi bật với bộ đèn phanh “T-Shape” hiện đại, đồng bộ với hệ thống đèn trước. Trong khi đó, dải đèn LED mảnh kéo dài ngang thân khiến Veloz tạo được không khí cao cấp khi nhìn từ phía sau.
Nội thất rộng rãi – tiện nghi
Không gian nội thất của Xpander cho cảm giác thoải mái hơn, nhờ kích thước tổng thể vượt trội, đặc biệt là chênh lệch chiều dài trục cơ sở. Tuy nhiên Veloz cũng không hề chật chội, xe vẫn đủ khả năng cung cấp chỗ ngồi cho 7 người lớn trong những chặng di chuyển trung bình.
Điểm khác biệt dễ nhận thấy nhất trong khoang nội thất của 2 mẫu MPV, là Xpander được trang bị bộ ghế bọc da với chất liệu hạn chế hấp thụ nhiệt – rất hữu ích vào mùa nóng. Trong khi đó, Veloz lại chỉ sở hữu bộ ghế da pha nỉ kém “hưởng thụ” hơn và người mua sẽ phải mất thêm chi phí nếu muốn bọc lại da ghế.
Không gian dành cho 7 hành khách bên trong Xpander cũng rộng rãi, thoải mái hơn trên Veloz, đặc biệt là khoảng để chân. Xpander được trang bị tới 7 chế độ gập ghế, giúp tùy biến linh hoạt không gian để có thể chứa đồ tùy ý. Còn Toyota Veloz lại có thể “xếp hình” thành chế độ Sofa, giúp cho cả gia đình có thể nằm dài thoải mái duỗi chân trong những chuyến dã ngoại.
Tiếp đến, hệ thống thông tin giải trí của 2 mẫu MPV Nhật Bản cũng có sự khác biệt khá lớn. Với cùng mức tiền, khách hàng sở hữu Xpander được trang bị màn hình cảm ứng lên tới 9 inch có tích hợp đầy đủ kết nối Apple CarPlay, Android Auto và các cổng sạc chuẩn USB, Type-C và tẩu 12V đầy đủ cho cả 3 hàng ghế.
Còn ở phía bên kia chiến tuyến, người dùng Veloz sẽ chỉ có màn hình 8 inch (?) với viền benzel dày cộp thiếu tính thẩm mỹ và khả năng kết nối với điện thoại thông qua sóng Bluetooth. Nhưng bên cạnh đó, Veloz lại trang bị cho hành khách cả một tấm sạc không dây chuẩn Qi cũng như các cổng sạc USB và tẩu 12V đầy đủ cho cả 3 hàng ghế.
Màn hình thông tin kích cỡ 7 inch phía sau vô lăng cũng chính là một ưu điểm của Veloz khi đứng cạnh Xpander. Nhờ màn hình này, Veloz cung cấp cho người lái được nhiều thông tin trực quan hơn Xpander với cấu hình 2 đồng hồ tua máy – tốc độ hai bên và một màn hình đa thông tin nhỏ ở chính giữa.
Một điểm nâng cấp đáng khen ngợi trên Xpander 2022 để cân bằng với Veloz, đó là cả 2 mẫu MPV đều được trang bị phanh tay điện tử, đi kèm với tính năng Auto Hold; giúp cho không gian bệ tỳ tay trung tâm trở nên rất gọn gàng và hiện đại.
Mặc dù trên các phương tiện mạng xã hội xuất hiện nhiều ý kiến cho rằng tính năng giữ phanh tự động trên Toyota Veloz có trục trặc và không hoạt động tốt trên địa hình dốc nghiêng; tuy nhiên trải nghiệm thực tế tại khu vực vườn quốc gia Ba Vì với các đoạn dốc trên 10 độ cho thấy tính năng này hoạt động tốt trên cả 2 mẫu xe.
Xpander cao cấp với nội thất bọc da, các tấm ốp vân kim loại sắc nét, hiện đại. Trong khi đó Veloz tỏ ra khá thua kém với nội thất đa phần được làm từ vật liệu nhựa cứng, những mảng bọc da cũng không được “căng nét”. Đặc biệt, khu vực táp pi cửa hay bệ tỳ tay trung tâm của Veloz được làm khá xộc xệch, các chi tiết dễ xô lệch tạo cảm giác ọp ẹp.
Đối với một mẫu xe 7 chỗ, điều hòa cũng là một chi tiết rất đáng lưu tâm. Cả hai mẫu MPV này đều có đủ họng gió cho cả 3 hàng ghế, với kiểu set up hàng ghế trước đặt trên bảng táp lô còn hai hàng sau bố trí trên trần.
Veloz được ưu ái trang bị hệ thống điều hòa tự động 1 vùng, trong khi đó Xpander lại sở hữu hệ thống nút bấm kiểu kỹ thuật số đẹp mắt, hiện đại và gọn gàng hơn. Đặc biệt, Xpander còn sở hữu cả tính năng Max Cool với khả năng làm lạnh nhanh hữu ích trong môi trường nhiệt đới khí hậu như ở Việt Nam.
Vận hành ổn định, mượt mà, tiết kiệm
Trong khi Mitsubishi Xpander được trang bị khối động cơ MIVEC 1.5L, đi kèm hộp số tự động 4 cấp cho sức mạnh 105 PS và lực kéo mô-men xoắn cực đại 141 Nm; thì Toyota Veloz lại sở hữu khối động cơ 2NR-VE 1.5L, kết hợp với hộp số tự động vô cấp CVT có thể tạo ra tối đa 105 HP và 138 Nm lực mô-men xoắn.
Xét về tổng thể, cả Xpander và Veloz đều rất tương đồng về sức mạnh động cơ. Tuy nhiên khác biệt về hộp số cũng tạo ra những chênh lệch nhất định khi cầm lái. Xpander với hộp số 4 cấp cho tỷ số truyền cố định và khả năng tải có vẻ khỏe hơn ở các cấp số thấp, có ích khi leo đèo dốc.
Còn Veloz với hộp số vô cấp CVT sẽ phải gầm gào nhiều hơn và đẩy tốc độ vòng tua máy lên cao hơn với cùng mức tải (cùng số lượng người – hàng hóa và cùng cung đường đèo dốc như nhau). Bù lại động cơ CVT cho cảm giác tăng tốc mượt mà hơn, không khựng như hộp số tự động có cấp.
Toyota trang bị cho “gà nhà” 3 chế độ lái: Eco, Normal và Power; tuy nhiên không thực sự hiệu quả khi cần khai thác sức mạnh mà chỉ hiệu quả khi cần vận hành tiết kiệm.
Trong các cung đường đô thị, Xpander và Veloz đều tỏ ra dư sức khi vận hành ở tốc độ khoảng dưới 60 km/h. Còn khi bước ra đường trường hay đường cao tốc, xe bắt đầu phải vận hành ở tốc độ cao hơn, mẫu MPV của Mitsubishi tỏ ra vượt trội hơn ở khả năng cách âm cũng như độ cứng vững của thân xe.
Nhờ hệ thống treo đã được nâng cấp với lò xo và bộ phuộc lớn hơn, Xpander dập tắt giao động thừa rất nhanh mỗi khi vượt qua những đoạn ổ gà hay mố cầu; không gây cảm giác “lộc xộc” và dội lực thúc vào hông hay lưng khiến hành khách khó chịu như trên Veloz.
Nếu tinh ý, chỉ cần nhìn cách Xpander được hoàn thiện khoang máy so với Toyota Veloz, cũng có thể thấy Mitsubishi thực sự rất nghiêm túc với sản phẩm của mình: các lớp sơn sắc nét không lem nhem, động cơ được che chắn bằng nắp đậy, bên dưới khoang máy có tấm che bùn đất, các khe gió được đệm lót giảm độ ồn, các đường viền được bơm bọt cao su chỉn chu…
Với một số trang bị an toàn chênh lệch: 6 túi khí so với 2 túi khí, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang phía sau; Veloz chú trọng nhiều hơn tới các tính năng an toàn so với đối thủ Xpander. Tuy nhiên đại diện của Mitsubishi lại tó ra thực tế hơn khi trang bị cho người lái tính năng hỗ trợ ga tự động cruise control. Đây là một điểm thua thiệt cực kỳ khó hiểu của Toyota đối với mẫu MPV gà nhà.
Đánh giá tổng thể, Mitsubishi Xpander và Toyota Veloz rất tương đồng về thiết kế, vóc dáng, không gian, trang bị và cả sức mạnh. Mỗi mẫu xe có một thế mạnh riêng và xứng đáng là “kỳ phùng địch thủ” trong phân khúc MPV 7 chỗ, bỏ xa Suzuki XL7.
Cả hai đều có xuất xứ nhập khẩu nguyên chiếc từ Indonesia, tuy nhiên mức giá niêm yết 648 triệu đồng lại có sự chênh lệch khi khách hàng muốn mua xe. Như vậy, sự thành công của Xpander hay Veloz chắc chắn sẽ phụ thuộc rất lớn vào mức giá thực tế của mỗi mẫu xe và đặc biệt là nguồn hàng, khả năng cung cấp sản phẩm sẵn có trong giai đoạn tất cả các hãng xe đều đang chịu hậu quả nặng nề từ việc đứt gãy chuỗi cung ứng linh kiện do đại dịch gây ra trên phạm vi toàn cầu.
Anh Phan (Tuoitrethudo)