Đổ đèo thế nào cho an toàn: Lên số nào xuống số đó, nhớ taluy dương, không rà phanh liên tục

0
8
Chuyên gia cho biết, khi đi đường đèo núi, người lái cần nhớ những quy tắc căn bản như lên số nào xuống số đó, không rà phanh liên tục, xác định taluy dương… Đặc biệt, cần đi đúng làn đường của mình.
Đổ đèo thế nào cho an toàn: Lên số nào xuống số đó, nhớ taluy dương, không rà phanh liên tục - Ảnh 1.

Anh Đoàn Kiều Dũng, chủ tịch của Kỷ Nguyên Group, người sáng lập kênh YouTube Phê Phượt – Ảnh: HOÀNG VŨ

Trong chương trình Trên Ghế ngày 23-11, anh Đoàn Kiều Dũng – chủ tịch của Kỷ Nguyên Group, người sáng lập kênh YouTube Phê Phượt – chia sẻ kinh nghiệm xung quanh vấn đề được nhiều người quan tâm: “Đổ đèo thế nào cho an toàn?”.

Đi đường đèo, đường núi, phải biết cách dùng phanh

Anh Đoàn Kiều Dũng cho hay trước khi đi đường đèo, đường núi, sau khi kiểm tra thật kỹ chiếc xe, một việc quan trọng là phải kiểm tra hệ thống phanh.

Khi đua xe, các vận động viên thường chỉ lái xe bằng tay trái, tay phải dùng để điều khiển các chức năng khác của xe như sang số, chuyển chế độ lái…

Chúng ta đang đi vào đoạn đường hơi cao và dốc nghiêng, đường đất gồ ghề không bằng phẳng. Với điều kiện mặt đường như thế này, kết hợp với các tính năng của xe, các bạn cần lưu ý một số điểm.

Thứ nhất, ai cũng phải nắm chắc trong đầu là “lên số nào, xuống số đó”. Tức là, khi lên dốc cao bằng số 1-2, lúc đi xuống cũng cần đi số 1-2.

Xe mới hiện nay thường trang bị hộp số tự động, nhưng khi đi đường đèo dốc cần chuyển sang chế độ số tay. Lúc đó cần chuyển về số 1-2, chúng ta có thể kiểm soát được tốc độ khi lên xuống dốc.

Thứ hai, khi đổ đèo, cần có kỹ năng sử dụng phanh. Không nên phanh nhiều quá, vì nếu má phanh bị ép liên tục (thường gọi là “miết phanh”) sẽ dẫn đến má phanh bị nóng. Nếu quá lâu sẽ “cháy má phanh” nên không còn độ bám, hay nhiều người thường gọi là mất phanh.

Với điều kiện đường đèo dốc liên tục ở vùng núi phía Bắc, nếu đi xe phanh liên tục rất nguy hiểm. Vì thế, khi cần nên nhấp nhả phanh, nhưng không nên đạp quá mạnh mà chỉ nhẹ nhàng để giảm tốc từ từ.

Thứ ba, khi vào cua ở những góc cua tay áo hay những góc cua nguy hiểm, tuyệt đối không tăng ga, nhưng cũng không đạp phanh đột ngột. Thay vào đó, rà phanh nhẹ nhàng để giảm tốc.

Thứ tư, khi lên xuống dốc, cần phải tuân thủ luật giao thông. Đường càng nhỏ hẹp, góc cua càng gắt, càng nhiều dốc tức (dốc có độ dốc lớn – PV), càng phải tuyệt đối đi đúng làn, vì cần tránh trường hợp bắt gặp xe ngược chiều bất ngờ rất nguy hiểm.

Với con dốc trước mặt, tôi sẽ chuyển sang chế độ số tay, chọn số 2 để máy khỏe hơn khi lên dốc. Khi xuống dốc, tôi cũng sẽ đi bằng số 2, động cơ sẽ ghì xe lại, vòng tua lên cao nhưng các bạn đừng sợ hại máy, vì như thế mới an toàn.

Đổ đèo thế nào cho an toàn: Lên số nào xuống số đó, nhớ taluy dương, không rà phanh liên tục - Ảnh 3.

Đậu xe ngắm cảnh: Đừng đậu xe trên đường hẹp

Tiếp theo, phải biết bên phải xe là taluy dương hay âm. Taluy dương hiểu nôm na là phía vách núi, lan can hoặc những vật cản đủ lớn giúp giữ chiếc xe lại nếu lỡ gặp sự cố.

Khi đã xác định được taluy dương, nên chuẩn bị tinh thần nếu xe mất phanh thì sẵn sàng lao xe về phía đó, chúng tôi hay gọi là “vả” xe vào đó. Lúc đó, vách núi sẽ giữ xe lại.

Khi xe đâm vào vách núi, dù có móp méo, hư hỏng cũng không sao. Vì quan trọng là sự an toàn của người ngồi trên xe. Nếu chẳng may bị gãy chân, gãy tay thì vẫn không bị lăn xuống vực.

Có lần, tôi chạy lên Sin Suối Hồ (Lai Châu) trong đêm, đường nguy hiểm và xe bị mất phanh, những kinh nghiệm này đã cứu sống cả đoàn.

Cuối cùng, đừng đậu xe trên cung đường hẹp. Nhiều người đang đi thấy cảnh đẹp nên dừng lại chụp ảnh. Có thể các bạn nghĩ rằng đậu xe sát bên phải đường là an toàn, nhưng không phải. Các xe khi đổ đèo quán tính lớn, tốc độ khá nhanh, nếu bị khuất tầm nhìn sẽ rất khó để xử lý nếu gặp tình huống bất ngờ.

Song song với những điều trên, khi lái xe đường đèo núi cần chuẩn bị tâm lý sẵn sàng xử lý mọi tình huống.

Đổ đèo thế nào cho an toàn: Lên số nào xuống số đó, nhớ taluy dương, không rà phanh liên tục - Ảnh 4.

Bí kíp lái xe êm, người ngồi trên xe ăn mì, uống nước không sợ đổ

Anh Đoàn Kiều Dũng cho hay, đoàn anh khi đi phượt, người ngồi ghế phụ thường xuyên pha mì ly ăn như bình thường. Nếu người lái xe tốt, người ăn uống sẽ không bị ướt người, trừ trường hợp có trâu, bò tự nhiên lao ra đường đột ngột.

Tại khúc cua, chỉ chạy ở tốc độ 42-45km/h. Đây cũng là tốc độ nên duy trì khi vào cua hay đổ dốc, không nên chạy lên đến 60-70km/h, đồng thời vẫn phải tuân thủ nguyên tắc đã nói ở trên. Dù đang xuống dốc, anh không sử dụng phanh liên tục mà chuyển sang chế độ sang số tay.

Tôi giữ ở số 2, nếu cảm thấy chưa yên tâm tôi sẽ về số 1. Ở số 1, chúng ta cảm giác như xe đang phanh, dù không hề đạp phanh.

Đổ đèo thế nào cho an toàn: Lên số nào xuống số đó, nhớ taluy dương, không rà phanh liên tục - Ảnh 6.