Khai hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo

0
18
Lần đầu tiên Bình Phước tổ chức lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo – tại một trong địa danh đã trở thành huyền thoại.
Khai hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo - Ảnh 1.

Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo lần đầu tiên được tổ chức với hàng loạt chương trình văn nghệ, lễ hội ẩm thực, biểu diễn hòa tấu đàn đá, trò chơi dân gian – Ảnh: AN BÌNH

Ngày 9-11, UBND huyện Bù Đăng (Bình Phước) đã khai mạc lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo tại khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo.

Lễ hội kéo dài đến 10-11 gồm chuỗi các hoạt động văn nghệ, lễ hội ẩm thực, biểu diễn hòa tấu với 50 bộ đàn đá, các trò chơi dân gian (đẩy gậy, cõng nước, giã gạo, nấu cơm), hội thảo xúc tiến du lịch, chạy việt dã…

Đặc biệt, chương trình nghệ thuật “giã gạo chày tay – nuôi quân đánh giặc” với sự tham gia của hàng trăm nghệ sĩ, diễn viên từ Hà Nội và TP.HCM tái hiện lại hình ảnh giã gạo nuôi quân của đồng bào dân tộc S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Kể về địa danh đã trở thành “huyền thoại”, ông Vũ Văn Mười – chủ tịch UBND huyện Bù Đăng – cho biết sóc Bom Bo được biết đến qua phong trào giã gạo nuôi quân của đồng bào S’tiêng trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, mà cao điểm là trong chiến dịch Đồng Xoài – Phước Long năm 1965.

Trong những ngày chuẩn bị lương thực cho chiến trường, trên nương rẫy, bưng bàu như những ngày hội lớn.

Đồng bào sóc Bom Bo và các sóc trong vùng căn cứ đã tập trung toàn bộ lực lượng, vật dụng hiện có, dùng cây sao dài khoét thành hàng chục lỗ cối để giã gạo không kể ngày đêm.

Khai hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo - Ảnh 2.

Du khách thích thú xem nghệ nhân trình diễn đàn đá tại lễ hội – Ảnh: A LỘC

Sau gần 3 ngày đêm miệt mài giã gạo dưới ánh đuốc bập bùng, đồng bào sóc Bom Bo đã cung cấp cho chiến dịch Phước Long – Đồng Xoài 5 tấn gạo trong thời gian ngắn nhất.

“Chính tình yêu nước, tình cảm dạt dào của đồng bào S’tiêng với cách mạng đã trở thành nguồn cảm hứng để cố nhạc sĩ Xuân Hồng sáng tác bài hát Tiếng chày trên sóc Bom Bo rất nổi tiếng. 

Bài hát như hồi kèn xung trận, thôi thúc lòng yêu nước của người dân cả nước và cũng đưa sóc Bom Bo trở thành huyền thoại”, ông Mười nói.

Khai hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo - Ảnh 3.

Chương trình đốt lửa trại, trình diễn nghệ thuật đặc trưng của đồng bào S’tiêng trong đêm – Ảnh: AN BÌNH

Lễ hội Vang mãi tiếng chày trên sóc Bom Bo không chỉ mang ý nghĩa quảng bá tiềm năng du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn. 

Đồng thời, kêu gọi sự quan tâm đầu tư của các doanh nghiệp, góp phần đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao đời sống cho người dân địa phương.

Mặt khác, thông qua các hoạt động của lễ hội còn giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lòng tự hào dân tộc, đạo lý uống nước nhớ nguồn cũng như tạo nên không khí vui tươi, phấn khởi chào mừng kỷ niệm 50 năm giải phóng Bù Đăng (14-12-1974 – 14-12-2024).

Phát triển du lịch từ địa danh sóc Bom Bo huyền thoại

Chiều 8-11, UBND huyện Bù Đăng đã tổ chức hội nghị khởi nghiệp du lịch với sự tham gia nhiều chuyên gia, doanh nghiệp du lịch, lữ hành trong và ngoài tỉnh.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cho rằng Bù Đăng có lợi thế rất lớn để phát triển du lịch gắn liền với vùng đất sóc Bom Bo huyền thoại. Bởi đây địa danh này đã đi vào âm nhạc và được đông đảo mọi người biết đến.

Ông Vũ Văn Mười cho biết Bù Đăng có rất nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch. Ngoài khu bảo tồn văn hóa dân tộc S’tiêng sóc Bom Bo, huyện còn có rất nhiều địa danh nổi tiếng như thác đứng, thác voi, thủy điện thác mơ… Nổi bật là trảng cỏ Bù Lạch với những điều kiện thiên nhiên “trời ban”.

“Trảng cỏ có đặc điểm chỉ mọc duy nhất một loại cỏ, các cây khác và đặc biệt là cây rừng không lên được. Không khí phối quyển giữa Đà Lạt và Tây Nguyên cạnh hồ nước hết sức thơ mộng. Huyện đang cố gắng khai thác du lịch từ những địa danh nổi tiếng này”, ông Mười nói.