Làm gì để nuôi chợ nổi Cái Răng? Ông Trần Minh Thông – một cán bộ công tác tại Hải quan Cần Thơ – góp thêm nhiều giải pháp cho chợ nổi “độc nhất vô nhị” ở miền Tây hiện nay.
Du lịch nuôi chợ nổi, chợ nổi nuôi du lịch
Trước đây thương hồ hoạt động nhộn nhịp tạo nên hình ảnh một chợ nổi Cái Răng vừa lạ lẫm, ngộ nghĩnh đối với nhiều du khách ít có dịp tham quan sông, rạch. Chợ nổi nhộn nhịp cũng là hình ảnh để ngành du lịch khai thác tạo ra lợi nhuận cho mình.
Thế nhưng hiện nay hình ảnh chợ nổi nhộn nhịp không còn nữa, không nói là sắp biến mất do chính các thương hồ không thể sống dựa trên hoạt động vận chuyển, mua bán nông sản được nữa.
Vì vậy, muốn chợ nổi còn được duy trì để phát triển du lịch, ngành du lịch phải có chính sách hỗ trợ để các thương hồ cũng như chợ nổi Cái Răng duy trì hoạt động.
Chợ nổi còn thì ngành du lịch mới khai thác được. Có nghĩa là hiện nay hoạt động du lịch phải nuôi chợ nổi Cái Răng và chợ nổi Cái Răng nuôi lại du lịch, như vậy thì mới giữ được chợ nổi. Mấu chốt của vấn đề ở đây là tổ chức hoạt động chợ nổi như thế nào để thu hút được du khách và tạo nguồn thu để nuôi sống chợ nổi này.
Muốn có giải pháp cho chợ nổi Cái Răng, cần nhận diện một số tồn tại hiện nay.
Thứ nhất, hoạt động khai thác tham quan chợ nổi diễn ra tự phát, chưa có một đầu mối quản lý điều hành. Các ghe thuyền cá nhân tham gia đưa rước khách du lịch diễn ra lộn xộn, thậm chí tranh giành khách, hét giá… làm phật lòng du khách.
Thứ hai, hoạt động mua bán nông sản của các thương hồ bị hạn chế do giao thông vận tải đường bộ phát triển. Trước đây hoạt động của các ghe lớn là hoạt động chính hình thành nên chợ nổi Cái Răng, nay bị thu hẹp và hầu như chỉ còn 10% hoạt động đúng nghĩa.
Thứ ba, du khách tham quan chợ nổi Cái Răng hiện tại chỉ là việc đi lướt qua, đi xem thử những gì nghe đồn trên mạng và thực tế, đúng như một số nhận xét “thuyền chở khách du lịch đông hơn ghe thương hồ tại chỗ”.
Thứ tư, môi trường ô nhiễm, sông lềnh bềnh rác thải, túi ni lông, chất thải sinh hoạt của các ghe thuyền, nhà dân ven sông rạch đổ thẳng ra sông.
Thứ năm, hiện tại chợ nổi Cái Răng chỉ hoạt động trong khung giờ từ 5h-7h mỗi ngày, du khách chỉ lướt qua xem cho biết cảnh mua bán của ghe thuyền là xong.
Chợ tan và du khách cũng không có gì thu hút để có thể quay lại lần thứ hai.
Phải kết hợp nhiều loại hàng hóa
Việc mua bán nông sản từng là hoạt động giao thương chính trên chợ nổi Cái Răng. Tuy nhiên hiện nay phải xác định hoạt động mua bán này chỉ để cho du khách tham quan.
Vì vậy chợ nổi Cái Răng không thể tự cứu mình bằng hoạt động mua bán nông sản đơn thuần mà phải kết hợp với nhiều loại hàng hóa.
Đã là chợ thì hàng hóa phải đa dạng, đa chủng loại. Hàng hóa không chỉ phục vụ cho du khách mà cho cả cư dân địa phương với giá phải rẻ hơn trên bờ do được hỗ trợ về thuế, phí, mặt bằng.
Còn nếu không thể tổ chức để mua bán hàng hóa như ở trên bờ thì hàng hóa ở chợ nổi phải rất đặc trưng. Chẳng hạn sản phẩm du lịch hoặc những món ăn đặc sản địa phương hoặc những kỷ niệm chương, kỷ vật để du khách đến mua sắm làm kỷ niệm.
Các công ty du lịch phải trích ra một khoản kinh phí (có thể từ việc bán vé tham quan) góp phần cùng với các nguồn thu khác để duy trì hoạt động của chợ nổi. Từ đó chợ nổi còn tồn tại thì du lịch sẽ có nguồn thu.
Bên cạnh đó cần có chính sách cụ thể như: miễn thuế cho các tiểu thương, hỗ trợ mặt bằng buôn bán trên sông, hỗ trợ kinh phí, xăng dầu…
Các hoạt động khác của chợ nổi như ăn uống, mua bán sản vật địa phương, trái cây, quà lưu niệm… cũng không thể diễn ra trên sông lớn Cái Răng được (đoạn gần cầu Cái Răng hiện nay).
Bởi vì đoạn sông này rất rộng, rất sâu, sóng gió đôi khi rất lớn… khiến du khách khó mua bán hoặc thưởng thức sản phẩm địa phương.
Vì thế cần đưa du khách vào những con rạch nhỏ hơn (rạch Cái Sơ – Hàng Bàng, rạch Cái Răng Bé xung quanh).
Tại các con rạch này sẽ bố trí những ghe nhỏ hoạt động dưới sông hoặc những quầy bán hàng lưu niệm dọc hai bên bờ. Và phát huy hơn 130 món ngon Nam Bộ bằng cách sử dụng mỗi chiếc ghe nhỏ có thể bán từ 1-5 món ăn đặc trưng.
Hoạt động giao lưu, trải nghiệm cho du khách cần phải được quy hoạch, thiết kế lại… sao cho phù hợp hơn bằng việc khai thác những nhánh sông nhỏ (rạch Rau Răm, Cái Sơn, rạch Cái Răng Bé…).