Quảng bá ẩm thực, cứ kỷ lục ‘to nhất, dài nhất’ xong chẳng ai biết tới

0
15
Quảng bá ẩm thực địa phương là góp phần phát triển du lịch. Tuy nhiên không phải cái gì cũng thi, cái gì cũng kỷ lục xong chẳng ai biết tới.
Quảng bá ẩm thực, cứ kỷ lục 'to nhất, dài nhất' xong chẳng ai biết tới - Ảnh 1.

Đại biểu Indonesia và Malaysia chờ dùng thử món ăn Việt tại “Festival Homestay Asean 2024” do Hiệp hội Homestay Malaysia tổ chức – Ảnh: N.V.M.

Để du lịch Việt Nam phát triển, rất cần những đợt quảng bá về ẩm thực vùng miền. Tuy nhiên quảng bá sao cho thu hút cũng cần phải tính toán.

Sau đây là bài viết của tác giả Nguyễn Văn Mỹ.

Cách làm thiết thực, giản đơn và hiệu quả

Vừa rồi, tôi có qua Malaysia khảo sát du lịch cộng đồng và tham dự “Festival Homestay Asean 2024” do Hiệp hội Homestay Malaysia tổ chức định kỳ tại làng du lịch Jalan Ampang, Temerloh theo lời mời của chủ tịch Hiệp Hội Homestay Maylaysia Sahariman Hamdan.

Liên hoan có sự tham gia của 98 đại biểu các tiểu bang nước chủ nhà và 4 của Indonesia, 3 của Việt Nam. Mục đích của nhóm là tìm hiểu du lịch cộng đồng.

Tôi chỉ dự khán cuộc thi nhưng được ông Sahariman khuyến khích, lấy xe chở đi mua nguyên liệu, vì vậy nhóm chúng tôi mạnh dạn tham gia biểu diễn với 2 món phổ biến của Việt Nam là chả giò chiên và gỏi cuốn.

  • Quảng bá ẩm thực địa phương cần phải khéo, đâu nhất thiết phải... kỷ lục - Ảnh 2.

Một số đại biểu từng tham quan TP.HCM, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc… cho biết đều thưởng thức nhiều món ngon Việt nhưng chưa thử hai món này.

Cuộc thi diễn ra sôi động, hào hứng cả buổi sáng. Các đại biểu có thể quan sát, tìm hiểu cách làm và dùng món ăn của nhau. Nhiều đại biểu xếp hàng thử món Việt. Ai cũng khen nức nở (có lẽ vì lạ). 

Chỉ tiếc một chút là 2 món ăn này được chế biến bởi các đầu bếp tay ngang và nguyên liệu của Malaysia nên sản phẩm chưa đạt như mong muốn.

Mỗi nhóm có khu vực riêng trưng bày, giới thiệu món ngon để ban tổ chức chấm giải. Sau đó các đại biểu cùng ăn trưa với các món dự thi.

Hôm sau, “Festival Homestay Asean 2024” khai mạc chính thức tại chợ phiên Tamerlok, thành phố lớn thứ hai của bang Pahang (có cao nguyên Genting) vào sáng chủ nhật.

Để quáng bá ẩm thực vùng miền, mỗi tuần có 3 phiên chợ vào các tối thứ sáu (dành cho các bạn trẻ), tối thứ bảy và sáng chủ nhật. Chợ họp ngoài trời, với các quầy, sạp cơ động dã chiến, bán đủ thứ hàng hóa kiểu chợ truyền thống, nhiều nhất là ẩm thực.

Lễ khai mạc giản đơn trang trọng với sự tham dự của thị trưởng Temeloh, cục trưởng du lịch bang Pahang, giám đốc Sở Du lịch Temeloh cùng nhiều quan chức địa phương và báo chí.

Đại biểu Việt Nam được giới thiệu trân trọng và mời phát biểu đầu tiên. Sau khai mạc, các đại biểu và hàng ngàn du khách đến tham quan, tìm hiểu, mua dùng và mang về làm quà các sản phẩm dự thi.

Không riêng gì tôi, phần lớn các đại biểu của đoàn Việt Nam đều thừa nhận đây là cách làm thiết thực, giản đơn và hiệu quả, giúp các đoàn có thêm chi phí.

Những món “phải ăn”

Không như nước bạn, phần lớn các cuộc thi ẩm thực Việt Nam chủ yếu diễn cho ban tổ chức biết, chấm thi và trao giải. Du khách chỉ xem, chụp hình, hầu như không thể dùng thử. Nhiều món trong kỷ lục hàng trăm món ngon được chế biến sẵn.

Chính vì vậy hạn chế ở các cuộc thi này là không ban tổ chức nào nhớ nổi tên hàng trăm món, nói chi là du khách. Việc thưởng thức lại càng không thể.

Để các cuộc thi thực chất hơn, như cách làm nước bạn, chúng ta có thể chọn 5-7 món chất lượng và quảng bá “phải ăn” khi đến địa phương. Thậm chí quảng cáo “mạnh bạo” như “phải ăn trước khi chết”…

Ngoài ra thay cho các kỷ lục ẩm thực khủng, rất tốn kém, nên ưu tiên các món mới lạ, chưa ai làm, khuyến khích sáng tạo, bổ sung danh mục món ngon lạ ẩm thực Việt để phát triển du lịch.

Bên cạnh đó cũng cần tổ chức các cuộc thi đặt tên món ngon từng địa phương với tên gọi phải hình tượng, ngắn gọn, dễ nhớ.

Ví dụ khu du lịch thác Yangbay (Khánh Hòa) có nhiều món nghe tên đã tò mò, hấp dẫn như “canh vợ chồng”, “cơm hàng xóm”, “đà điểu kéo pháo”… Hoặc ở miền Tây, thay vì món “chuột nướng lu” khiến nhiều khách sợ, không dám ăn thì được gọi “sóc tràm quay núi lửa” (Đồng Tháp) sẽ hấp dẫn hơn.

Tôi không phản bác các cuộc thi hay kỷ lục ẩm thực ở Việt Nam, chỉ là mong thay đổi cách tổ chức để làm sao đạt hiệu quả nhất.

Cũng như hơn 8.000 lễ hội hằng năm, các cuộc thi và kỷ lục ẩm thực Việt cần được sàng lọc và chấn chỉnh, góp phần thiết thực phục vụ du lịch và cuộc sống.

Kỷ lục to nhất, dài nhất xong… không ai biết

Tổ chức các cuộc thi, công nhận các kỷ lục… không ngoài mục đích giới thiệu cái hay cái đẹp để phát triển du lịch, nhưng cũng rất chọn lọc theo quy luật cung cầu và hiệu quả.

Kỷ lục các nước thường là đỉnh cao về trình độ kỹ thuật, sự tinh xảo, nỗ lực phi thường, có ích cho cộng đồng.

Ở Việt Nam có nhiều cuộc thi rất hình thức và tốn kém. Trong đó, điều đáng nói là có một số cuộc thi đoạt giải hoặc lập kỷ lục xong nhưng sản phẩm không ai biết.

Ngoài ra có nhiều kỷ lục cứ lặp lại như kiểu to nhất, dài nhất, đông nhất…