Sau khi công bố chiếc Chiron cuối cùng sản xuất vào đầu tháng 6, hãng xe Pháp cho ra mắt mẫu kế nhiệm mang tên Tourbillon. Siêu phẩm có nhiều công nghệ hiện đại, động cơ mới mạnh mẽ.
Tourbillon không sử dụng động cơ W16 trứ danh. Công ty kỹ thuật ôtô Cosworth ở Anh thiết kế động cơ 8,3 lít V16 hút khí tự nhiên đặt chữ V góc 90 độ và tốc độ vòng tua lên tới 9.000 vòng/phút, công suất 1.000 mã lực và mô-men xoắn 900 Nm. Cặp môtơ điện ở trục trước có công suất 335 mã lực và mô-men xoắn 24.000 vòng/phút, cùng một môtơ ở trục sau. Tổng công suất 1.800 mã lực, nhiều hơn 200 mã lực so với Chiron Super Sport nhưng mô-men xoắn chưa được công bố.
Cùng với hộp số ly hợp kép 8 cấp nằm dọc ở phía sau động cơ, xe có khả năng tăng tốc 0-100 km/h chỉ trong 2 giây và đạt 200 km/h trong 5 giây. Xe đạt tốc độ 300 km/h trong 10 giây và 400 km/h sau 25 giây. Tốc độ tối đa được giới hạn điện tử ở mức 380 km/h. Nếu kích hoạt nút Speed Key, tốc độ được đẩy lên 444 km/h. Ở chế độ điện, khối pin 25 kWh giúp xe di chuyển tối đa 60 km.
Tourbillon sử dụng hệ thống phanh điện tử mới, kết hợp cùng hệ thống đĩa phanh làm bằng gốm carbon và cánh gió sau mở ra như một phanh hơi. Michelin phát triển riêng bộ lốp Pilot Cup Sport 2 đặc biệt với thông số 285/35R20 ở phía trước và 345/30R21 ở phía sau.
Tổng thể, Tourbillon có chiều dài 4.671 mm, rộng 2.051 mm, cao 1.189 mm và trục cơ sở 2.740 mm. So với Chiron, Tourbillon hơn về chiều dài và rộng nhưng thấp hơn 23 mm. Ngoài ra, dù trang bị khối pin 25 kWh 800 V, động cơ dài hơn nhưng Tourbillon chỉ nặng 2.000 kg.
Để giữ mức trọng lượng 2.000 kg, hãng xe Pháp sử dụng hỗn hợp composite carbon T800 mới trong chế tạo khung gầm liền khối. Ngoài ra, bộ khuếch tán gió phía sau và pin của môtơ điện tích hợp vào khung xe, khung trước và sau sử dụng thanh giằng in 3D.
Bugatti cũng hợp tác với Divergent Technologies, công ty mẹ của hãng xe điện Mỹ Czinger, tạo ra các bộ phận trong hệ thống treo được in 3D. Hệ thống treo đa liên kết bằng nhôm rèn sẽ nhẹ hơn 45% so với Chiron, ngoài ra hệ thống này sử dụng tay đòn phía sau để cải thiện độ ổn định khí động học.
Về thiết kế, có 4 yếu tố chính tạo nên chiếc Tourbillon gồm lưới tản nhiệt hình móng ngựa lớn hơn và rộng hơn, đường nét C-line trên thân xe, đường gờ nổi chạy dọc sống lưng xe từ ca-pô đến đuôi xe và phân chia hai tông màu. Tất cả điều này được mô phỏng để tạo ra “cảm giác tốc độ ngay cả khi đứng yên” và không chia sẻ bất kỳ thành phần nào với Chiron.
Đèn pha dạng thanh với điểm nhấn đèn LED ban ngày, dưới nắp ca-pô có thêm không gian chứa đồ. Phần đuôi xe lấy cảm hứng từ chiếc La Voiture Noire độc nhất vô nhị, phía dưới có bộ khuếch tán khổng lồ, 4 ống xả giấu kín ở trên bộ khuếch tán. Khoang động cơ được phân chia bằng đèn phanh đặt dọc, dài và mỏng.
Nội thất lấy cảm hứng từ bộ phận tourbillon trong đồng hồ cơ, do đó gần như không có sự xuất hiện của màn hình kỹ thuật số. Bảng điều khiển trung tâm hoàn toàn vận hành bằng các bánh răng cơ khí và được thiết kế giống như đồng hồ. Bảng điều khiển của Tourbillon làm từ nhôm và kính pha lê, trong khi cụm đồng hồ làm từ titan, sapphire và ruby bởi các nhà chế tác đồng hồ Thụy Sĩ.
Vô-lăng hai chấu với một trục cố định giúp vành ngoài quay và cụm đồng hồ giữ nguyên, lẫy chuyển số ẩn phía sau. Ở trung tâm có màn hình thông tin giải trí có thể thu vào bảng điều khiển khi không sử dụng. Bugatti cho biết, giống như các mẫu xe trước đây, mục tiêu của hãng là đảm bảo chiếc xe vẫn “vượt thời gian” ngay cả khi công nghệ màn hình trở nên lỗi thời trong tương lai. Ngoài ra xe không có hệ thống loa, thay vào đó Bugatti lắp bộ kích âm ở cửa xe, trong khi thiết kế một số khu vực nội thất giả làm loa.
Bugatti cho biết chỉ 250 chiếc được sản xuất, mỗi chiếc vào khoảng 4,5 triệu USD. Khách hàng mua xe sẽ được tùy chọn chất liệu và màu sắc. Dự kiến Tourbillon sẽ được sản xuất sau khi các mẫu Bolide và Mistral kết thúc quá trình sản xuất, với lịch trình giao tới tay khách hàng bắt đầu vào năm 2026.
Minh Quân (theo Carbuzz)