[ĐÁNH GIÁ XE] Wuling Mini EV: Rẻ, nhỏ, tiện, nhưng…

0
48
Dù chỉ được bán ra tại quê nhà Trung Quốc, nhưng Wuling Mini EV nhanh chóng vượt mặt Tesla Model 3 để trở thành mẫu xe điện bán chạy nhất thế giới nhờ giá thành rẻ và kích thước nhỏ gọn. Dự kiến được bán ra từ cuối tháng 6/2023 tới, liệu mẫu xe này có thành công ở Việt Nam?

Được liên doanh SAIC-GM-Wuling “khai sinh” từ tháng 6/2020 tại quê nhà Trung Quốc với tên gọi đầy đủ “Wuling Hongguang Mini EV“, mẫu xe điện nội địa này nhanh chóng tạo ra “cơn bão chốt đơn” nhờ giá khởi điểm chỉ khoảng 4.000 USD (tương đương dưới 100 triệu VNĐ) và kích cỡ siêu nhỏ, vô cùng tiện lợi. Bên cạnh đó, chính sách khuyến mãi lớn của Chính phủ láng giềng nhằm kích thích sự phát triển của xe điện trong nước cũng là một lí do tạo nên thành công bùng nổ của Wuling mini EV.

Sau khi ra mắt, Wuling mini EV “khởi động” mượt mà với 127.651 xe bán ra chỉ trong 6 tháng cuối năm 2020. Đến 2021, doanh số của xe bắt đầu bùng nổ với 395.451 chiếc được giao tới tay khách hàng. Con số này tiếp tục tăng ổn định, đạt 404.823 chiếc trong năm 2023. Tạm tính tới đầu năm nay, doanh số của mẫu minicar này đã vượt mốc 1,1 triệu xe.

Tức là trung bình mỗi tháng, có tới hơn 30.000 chiếc Wuling mini EV được “chốt đơn”. Để dễ so sánh thì ở những thời điểm cao điểm nhất, chưa có mẫu xe nào tại Việt Nam đạt được doanh số 3.000 xe / tháng. Năm 2022 vừa qua, thị trường Việt Nam cũng mới lần đầu đạt dấu mốc tiêu thụ 500.000 chiếc ô tô / năm.

Sở hữu kích thước siêu “mi nhon” DxRxC chỉ 2.917 x 1.493 x 1.621 mm, trục cơ sở dài 1.940 mm; Wuling mini EV buộc phải tận dụng mọi thứ để có thể đảm bảo không gian nội thất vừa đủ dùng cho hành khách. Do đó không khó hiểu khi mẫu minicar này có kiểu dáng vuông chằn chặn, tương tự những chiếc Keicar nội địa Nhật Bản – thoạt nhìn có vẻ kỳ quặc nhưng lại cực kỳ thực dụng.

Trọng lượng không tải của xe cũng chỉ có 665kg. Với “vóc dáng và cân nặng” như vậy, Wuling mini EV sẽ tỏ ra vô cùng ưu việt khi người dùng cần đỗ xe trong đô thị chật hẹp hoặc xoay xở những khi tắc đường.

Được định hình là một mẫu xe giá rẻ, nên trang bị của Wuling mini EV cũng chỉ dừng lại ở mức vừa đủ dùng. Phía bên ngoài ngoại thất, xe sở hữu hệ thống chiếu sáng full-halogen từ đèn chiếu sáng chính, đèn xi-nhan, đèn sương mù và cả đèn phanh.

Lưới tản nhiệt được thiết kế vuông vức, gọn gàng. Tấm chắn gầm trước sau cũng được làm rất đơn giản. Nắp ca-pô cao ráo, vuông vức tạo cảm giác thân thuộc, dễ nhìn như những chiếc Keicar.

Dọc hai bên thân xe, Wuling mini EV được trang bị bộ gương chiếu hậu gập-mở cơ học, cửa mở bằng chìa khóa cơ chứ không phải smartkey, dàn chân khá khiêm tốn với la-zăng chỉ 12 inch nhưng vẫn được trang bị phanh đĩa. Phía sau xe có 2 cảm biến lùi.

Ở bên trong khoang nội thất, Wuling mini EV cũng được trang bị rất khiêm tốn với vật liệu chủ đạo là nhựa và nỉ. Bảng táp-lô cực kỳ đơn sơ, bao gồm 3 núm chỉnh điều hòa cơ một vùng, hệ thống âm thanh giải trí Radio hoặc USB, cửa gió điều hòa chạy ngang thân và khay để cốc.

Tiện nghi cho người lái “hào phóng” hơn đôi chút, với một màn hình màu vuông vức hiển thị thông số xe đặt phía sau vô-lăng. Tay lái dạng hai chấu rất đơn sơ, không tích hợp bất kỳ nút bấm nào ngoài còi. Bên dưới chân, hai bàn đạp được đánh dấu + và – biểu thị cho phanh và ga.

Xe không có bệ tỳ tay trung tâm mà thay vào đó là cần phanh cơ, 2 phím lên xuống cửa sổ, khay để cốc và núm chỉnh 4 chế độ: sạc – lùi – dừng – tiến (khi đỗ phải về N kéo phanh tay). 

Bốn ghế ngồi trên Wuling mini EV là ghế nỉ, chỉnh cơ cho hàng phía trước, tất cả các tựa đầu đều không điều chỉnh được vị trí. Hàng ghế sau dù người cao 1,7m vẫn có thể ngồi vừa, nhưng không gian để chân vô cùng tù túng.

Nếu gập hàng ghế phía sau, hành khách có thể sở hữu khoang hành lý lên tới 741 L. Còn khi dựng hết ghế sau, cốp hành lý cũng không thể để đồ.

Về sức mạnh vận hành, Wuling Mini EV có hai trang bị tùy chọn pin 9,2 kWh (chạy được 120 km mỗi lần sạc đầy) và 13,8 kWh (phạm vi di chuyển lên tới 170 km); cả hai đều trang bị một động cơ điện ở cầu sau, cho công suất tối đa 17,4 mã lực (20 kW) và mô-men xoắn 85 Nm, tốc độ tối đa 100 km/h.

Với trang bị và cấu hình như vậy, đừng đòi hỏi chiếc Wuling mini EV phải đem lại “cảm giác lái”. Đây chỉ đơn giản là một phương tiện che mưa che nắng, chắn bụi chắn gió để di chuyển quãng ngắn hàng ngày mà thôi.

Trên thực tế tại Trung Quốc, mẫu xe này còn được trang bị cả túi khí; nhưng vẫn chỉ phù hợp khi sử dụng trong đô thị với tốc độ thấp và không đảm bảo an toàn nếu xảy ra va chạm với các phương tiện khác.

Tại Indonesia, liên doanh của hãng cũng đã bán xe dưới tên gọi Wuling AirEV với giá 243 triệu Rupiad, tương đương hơn 380 triệu VNĐ, xe bao gồm những trang bị cao cấp hơn, như: kích thước lớn hơn, 2 túi khí, pin nâng cấp dung lượn lên 26,7 kWh (tương đương 300km di chuyển), mô tơ điện 30kW mạnh mẽ hơn và cả app kết nối thông minh với smartphone.

Còn tại Việt Nam, liên doanh TMT Motors cũng đã hé lộ hình ảnh dây chuyền lắp ráp của Wuling mini EV đã đi vào hoạt động và xuất xưởng ra những chiếc xe đầu tiên, báo hiệu cho ngày ra mắt cận kề.

Khi chào sân vào khoảng cuối tháng này, nhiều khả năng Wuling Mini EV sẽ bị cắt giảm trang bị túi khí. Giá thành xe được nhiều nguồn tin đồn đoán nằm ở mức trên 200 triệu đồng – hoàn toàn không hợp lý và đánh mất ưu thế giá rẻ của xe như tại thị trường nội địa.

Tuy nhiên không loại trừ khả năng hãng “chơi chiêu tung hỏa mù”, sau đó lại ra mắt với mức giá rẻ hơn để tạo hiệu ứng truyền thông. Nhưng dù thế nào, Wuling Mini EV cũng chỉ xứng đáng để mua khi định vị ở tầm giá khoảng 100 triệu đồng – tương đương những mẫu xe ga cao cấp hiện nay.

Anh Phan (Tuoitrethudo)